22 thg 6, 2016

Vui Tết Ramưwan ở Vĩnh Hanh

Tết Ramưwan - tết cổ truyền quan trọng nhất của đồng bào Chăm Hồi giáo. Năm nay theo phong tục hơn 15.000 người Chăm Hồi giáo ở Bình Thuận đón Tết Ramưwan sớm hơn năm trước 12 ngày. Nhân dịp Tết cổ truyền Ramưwan chúng tôi về Vĩnh Hanh - thôn người Chăm Bà Ni ăn tết cùng đồng bào. Trưa ngày 6/6 cả thôn Vĩnh Hanh đâu đâu cũng rộn ràng. Người lớn, trẻ nhỏ gương mặt vui tươi, phấn khởi trong bộ quần áo mới. Đường làng như nhộn nhịp hẳn lên bởi cờ, hoa, khách từ xa đến thăm hỏi, chúc tết. 

Mâm cỗ cúng ông bà ngày tết của người Chăm Bà Ni. 


Tại nhà ông Mai Sên, Trưởng Ban dân tộc tỉnh trưa hôm ấy quan khách đến chúc mừng tết Ramưwan khá đông. Đoàn cán bộ của UBMTTQ tỉnh do bà Bố Thị Xuân Linh dẫn đầu; đoàn cán bộ, nhân viên Ban dân tộc tỉnh đã đến tặng hoa chúc tết; các anh lãnh đạo huyện Tuy Phong cũng có mặt từ trước để chia sẻ niềm vui ngày tết với bà con, gia đình; bạn bè đồng nghiệp của ông Mai Sên từ thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Phan Thiết cũng có mặt trước lúc 11 giờ trưa để chúc mừng và cùng vui tết Ramưwan… Trên bàn tiệc ngày tết được bày biện nhiều món ăn hấp dẫn nào dê hấp, ca ri dê kiểu Ấn Độ, măng nấu vịt, bò bên bếp lửa hồng…Sau món mặn là tráng miệng bằng bánh bông lan, bánh gừng, bánh quế. Để tìm hiểu thêm phong tục tập quán của đồng bào Chăm Bà Ni trong ngày tết Ramưwan chúng tôi vào xem mâm cỗ cúng ông bà tổ tiên. Điều khác lạ với chúng tôi là: Người Chăm Bà Ni cúng ông bà tổ tiên không lập bàn thờ, các món đơm cúng được bày biện trên kệ ván cạnh góc tường; tùy theo điều kiện hoàn cảnh kinh tế của từng gia đình để bố trí các món đơm cúng, nhưng tuyệt đối không có thịt heo. Các món ngọt thì không thể thiếu bánh quế, bánh bông lan bánh gừng. Nhất là món bánh gừng được chế biến khá kỳ công. Phụ nữ người chăm dường như ai cũng biết làm bánh củ gừng. Vì đây là loại bánh thể hiện tính kiên nhẫn và đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Chăm. Nguyên liệu để làm bánh củ gừng là bột nếp trộn với trứng gà (hoặc trứng vịt) và gừng tươi giã nhỏ. Điều chú ý là dùng nước sôi để bánh gừng dẻo và nặn dễ hơn. Sau đó cho bột vào cối giã nhuyễn. Những phụ nữ trong gia đình hoặc bà con dòng tộc đến phụ giúp lấy lên từng nắm và nặn hình củ gừng. Khi nặn xong bỏ vào chảo chiên thật vàng để bánh cứng và dòn. Tiếp đến lấy bánh ra nhúng vào nước đường đã thắng để bánh gừng bóng mượt không bị cong. Để bánh ngon các gia đình người Chăm chọn gạo nếp thơm, hạt to xay thành bột và dầu chiên bánh gừng được khử bằng tỏi giã nát để bánh có màu vàng và thơm ngon… Các loại bánh này đều do gia đình tự làm mấy ngày trước. Ngoài ra, trên mâm cỗ cúng ông bà còn có các loại trái cây như vải măng cụt, chuối…

Món bánh gừng không thể thiếu trong ngày tết. 

Một người Chăm lớn tuổi giải thích cho chúng tôi hiểu thêm: “Từ ngày 3/6 bà con người Chăm Bà Ni gồng gánh đi tảo mộ ở nghĩa trang xa làng. Ngày hôm sau tảo mộ gần và ngày 6/6 là ngày cuối cùng để 17 giờ tối hôm đó các gia đình tiễn các thầy vào chùa. Vì vậy trưa ngày 6/6 gia đình nào cũng mở tiệc ăn mừng ngày tết, các gia đình thăm hỏi, chúc nhau sức khỏe làm ăn phát đạt; các vị chức sắc Chăm vào chùa suốt một tháng ròng và chay tịnh trong chùa. Ở đó các thầy đọc kinh, bàn về lịch pháp các sự việc liên quan đến tín ngưỡng dân tộc Chăm Bà Ni và những vấn đề của bổn đạo; còn người dân tiếp tục lao động sản xuất bình thường… ”.

Bà Bố thị Xuân Linh, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh nói với chúng tôi: “Người Chăm thôn Vĩnh Hanh và Lạc Trị (xã Phú Lạc, Tuy Phong) là 2 đạo khác nhau nhưng ngày tết của đạo này thì người Chăm đạo kia đến thăm chúc mừng và vui tết. Trong một xã có hai đạo khác nhau, nhưng luôn đoàn kết và cùng nhau thực hiện tốt các phong trào ở địa phương”.

Có dịp vui tết với đồng bào Chăm Bà Ni, chúng tôi được hiểu thêm nhiều phong tục, tập quán mang bản sắc văn hóa của người Chăm nơi đây.

Nhật Bảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét