20 thg 6, 2016

Huế - Thành phố Festival & Du lịch

Nằm ở trung tâm miền Trung, Huế có đủ lợi thế để phát triển thành một “thánh địa” du lịch của Việt Nam khi đang sở hữu một kho báu đầy tiềm năng về du lịch. 

Thành phố Festival

Đến hẹn lại lên, cứ hai năm một lần vào các năm chẵn, Huế lại tổ chức một kỳ Festival mang tầm cỡ quốc tế. Tính từ năm 2000 đến nay, Huế đã tổ chức được 9 kỳ Festival. Có người ví Festival Huế với các festival nổi tiếng trên thế giới như Festival Avignon của Pháp, Edinburg của Scotland, Adelaide của Úc, hay Geyongju của Hàn Quốc... bởi tính độc đáo và quy mô hoành tráng của nó.

Năm nay, Festival Huế được tổ chức vào cuối tháng Tư, đúng vào kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 nên lượng khách trong và ngoài nước đổ về dự ước tính khoảng 1 triệu lượt người.

Lễ khai mạc Festival Huế 2016. Ảnh: Tất Sơn


Tế Giao, lễ tế trời đất nổi tiếng của triều Nguyễn, được phục dựng tại Festival Huế 2016. Ảnh: Trần Thanh Giang

Tái hiện nghi lễ đám cưới công chúa triều Nguyễn tại Festival Huế 2016. Ảnh: Tất Sơn

Lễ hội áo dài tại Festival Huế 2016. Ảnh: Tất Sơn

Đoàn nghệ sĩ múa cung đình của Hàn Quốc biểu diễn trên đường phố tại Festival Huế 2016. Ảnh: Tất Sơn

Hàng vạn du khách và người dân Huế cùng hòa mình vào không khí lễ hội đường phố tại Festival Huế 2016. Ảnh: Trần Thanh Giang

Các vũ công của đoàn nghệ thuật Quảng Đông - Trung Quốc lần đầu góp mặt tại Festival Huế 2016. Ảnh: Trần Thanh Giang

Đoàn nghệ thuật truyền thống Nhật Bản tham gia trình diễn lễ hội đường phố tại Festival Huế 2016. Ảnh: Trần Thanh Giang

Khinh khí cầu của Ấn Độ bay trên quần thể di tích Cố đô Huế trong lễ hội khinh khí cầu quốc tế tại Festival Huế 2016. Ảnh: Hoàng Anh 

“Chúng ta tự hào về Huế, với bề dày 710 năm hình thành và phát triển, trong đó có 150 năm giữ vai trò là thủ phủ của Đàng Trong (1626-1775) và gần 160 năm (1788-1945) là Kinh đô của đất nước Việt Nam thống nhất. Vùng đất lịch sử - địa linh - nhân kiệt này là một trong những nơi hội tụ nhiều nhất các di sản văn hóa của Việt Nam. Chúng ta tự hào đây là nơi lưu giữ nhiều giá trị tinh hoa của dân tộc Việt Nam đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản chung của nhân loại”.

(Lời phát biểu của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Lễ khai mạc Festival Huế 2016)
Người Huế tham gia Festival rất lạ, họ không ồn ào, vội vã mà từ từ xuống đường, từ từ hòa vào dòng người và cũng từ từ thăng hoa, bùng nổ theo đúng cái tính cách từ tốn và có phần e lệ vốn có của mình. Chính cái nét tính cách vừa đằm thắm vừa mạnh mẽ ngầm ấy đã làm nên một nét duyên thầm kỳ lạ rất dễ lôi cuốn du khách khi đến với thành phố Festival này.

Bầu không khí cuồng nhiệt của Festival dường như đã đánh thức mảnh đất Cố đô vốn quanh năm ưa yên bình, trầm lặng. Ở những lễ hội đường phố, không chỉ có lớp trẻ tham gia, mà giờ đã có cả những người già, lớp người vốn được coi là chịu nhiều ảnh hưởng của nếp sống cố đô xưa. Có lẽ vì thế mà nhiều người cho rằng Festival đã tạo nên một sự đổi thay rất lớn trong tính cách văn hóa Huế cũng như con người Huế.

Chẳng thế mà trong lời giã bạn tại Lễ bế mạc Festival Huế 2016, ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã trải lòng mình rằng: “Festival Huế 2016 không chỉ hướng đến việc quảng bá hình ảnh của một Cố đô Huế đậm đà bản sắc văn hoá truyền thống dân tộc... mà còn để du khách luôn nhớ những giây phút kỳ thú mà bình yên, mới mẻ mà thân thuộc, thoải mái và ấm tình người của vùng đất Cố đô!”

16 năm với 9 kỳ Festival, một chặng đường chưa phải đã dài nhưng cũng không còn là quá ngắn và Huế cũng đã làm được khá nhiều điều cho giấc mơ phát triển của mình. Đó là bước đầu xây dựng được một Festival Huế có sắc thái riêng, đặc sắc, duyên dáng và tạo được tiếng vang trên thế giới để quảng bá cho hình ảnh của mình. Và quan trọng hơn, Festival đã mang đến cho Huế một hơi thở mới, biến Huế từ “thành phố chốn cấm cung”, “thành phố của những người thích đi ngủ sớm” trở thành “Thành phố Festival”, thành phố của giao lưu và hội nhập.


Những con số ấn tượng về Festival Huế lần thứ 9 - 2016:
  • Diễn ra liên tục trong 6 ngày đêm (từ 29 đến 4/5/2016) tại 21 sân khấu và điểm diễn trên khắp địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
  • Khoảng 1.200 diễn viên chuyên nghiệp đến từ 30 đoàn nghệ thuật của 18 quốc gia trên thế giới cùng hàng nghìn diễn viên quần chúng.
  • Tổng cộng có 53 chương trình nghệ thuật với 74 suất diễn và gần 50 hoạt động văn hóa cộng đồng khác.
  • Thu hút gần 1 triệu lượt người, cùng 686 phóng viên đến từ 139 cơ quan thông tấn báo chí trong nước và quốc tế đến tham dự và đưa tin.
 
“Thánh địa” du lịch

Huế là xứ sở của thi ca và nhạc họa, là nơi hội tụ đầy đủ các loại hình du lịch độc đáo và đẳng cấp như: khám phá lăng tẩm, cung điện, đền chùa, sông nước, biển đảo, đầm phá, rừng núi, nhà vườn, làng quê... và nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống đặc sắc khác.
Năm 2010, tổng lượt khách du lịch đạt 1,74 triệu lượt khách, đến năm 2015 đạt 3,126 triệu lượt khách. Huế phấn đấu đến năm 2020 đón 5,7 triệu lượt khách, trong đó có 2 triệu lượt khách quốc tế.

Nếu như ở nơi khác các tour du lịch thường được tổ chức theo mùa, còn ở Huế các chương trình du lịch có thể tổ chức quanh năm. Mỗi mùa sẽ đem đến cho du khách những sự trải nghiệm và khám phá thú vị khác nhau.

Mùa xuân, Huế biết chiều lòng người với vẻ đẹp bừng sáng, đầy kiêu hãnh của sắc mai vàng quý phái chốn hoàng cung, và của những lớp ngói lưu li vàng óng ả của những tòa cung điện cổ kính rêu phong luôn ẩn chứa nhiều điều bí ẩn về một thời quá vãng xa xưa. Mùa hạ, Huế rực rỡ sắc màu phượng vĩ, rộn rã với hội biển Lăng Cô, bát ngát trời nước phá Tam Giang, vi vu với khung trời Bạch Mã. Huế cũng lãng mạn với những buổi chiều vàng lá thu rơi, với dòng Hương thơ mộng hững hờ giữa đôi bờ cỏ biếc. Và mùa đông, cái mùa khó chiều lòng người nhất với những mảng trời xám xịt, lạnh giá... Huế vẫn đầm ấm với những điệu hò man mác giữa dòng Hương, với những dòng người ngược xuôi Đông Ba, Gia Hội, và cả những món ngon làm ấm lòng người lữ khách khi dừng chân nơi đất Huế yêu thương...

Du khách tham quan lăng Khải Định. Ảnh: Nguyễn Thắng

Lăng Khải Định là công trình kiến trúc đỉnh cao của nghệ thuật khảm sành xứ Huế. Ảnh: Trần Thanh Giang

Du khách tham quan kinh thành Huế. Ảnh: Nguyễn Thắng

Du khách tham quan khu Minh Lâu ở lăng Minh Mạng. Ảnh: Tất Sơn

Khu trưng bày Cửu đỉnh, bảo vật quốc gia của Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Thắng

Chùa Thiên Mụ nằm bên dòng sông Hương được xây dựng năm 1601 là một điểm đến không thể bỏ qua khi du khách đến với cố đô Huế. Ảnh: Nguyễn Thắng

Du khách nước ngoài tìm hiểu về nhạc cụ của các nghệ sĩ nhã nhạc cung đình Huế. Ảnh: Trần Thanh Giang

Du khách nước ngoài hào hứng với không khí chợ quê cầu ngói Thanh Toàn. Ảnh: Trần Thanh Giang

Lăng Cô, một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới. Ảnh: Tư liệu Báo ảnh Việt Nam

Mỗi ngày, khu di tích Cố đô Huế đón hàng ngàn lượt du khách tới tham quan. Ảnh: Tất Sơn 

Tất cả những vẻ đẹp ấy đã để lại nhiều ấn tượng khó phai trong lòng mỗi du khách khi có dịp về thăm Huế, biến Huế thành “thánh địa du lịch”, là nơi dừng chân không thể thiếu trong hành trình khám phá những vẻ đẹp Việt Nam tiềm ẩn.

Tạo hóa và lịch sử đã ban tặng cho Huế một kho báu hoàn mỹ về cảnh quan, di sản, nhờ đó mà ngành du lịch Huế ngày càng phát triển. Đặc biệt, kể từ khi Khu Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản thế giới, doanh thu từ du lịch tăng vượt trội, chiếm từ 56-57% GDP của toàn tỉnh. Năm 2010 tổng doanh thu từ du lịch đạt 1.338 tỉ đồng, đến năm 2015 đã lên đến 3.000 tỉ đồng.

Những con số biết nói ấy cho thấy du lịch hứa hẹn sẽ trở thành điểm tựa trong hành trình đi lên của Huế. Tuy nhiên, so với tiềm lực sẵn có, sức phát triển của ngành du lịch Huế vẫn chưa xứng với tiềm năng. Điều đó đòi hỏi Huế cần phải có những chiến lược mang tính bứt phá và cả những con người dám đột phá.

Và Huế đã bắt đầu vươn mình với những dự định và quyết tâm lớn, trong đó có việc đầu tư khoảng 9.000 tỷ đồng để xây dựng Huế thành đô thị xanh của Việt Nam nhằm biến nơi đây thành điểm đến du lịch mang tầm quốc tế, tái cấu trúc lại ngành du lịch, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến mời gọi đầu tư vào du lịch...

Những bước đi ấy thực sự cần thiết để biến Huế thành “thánh địa du lịch”. Bởi như sự trải lòng của ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, đó là Huế thật tâm muốn nghe những lời hiến kế, giúp du lịch Huế phát triển đúng tiềm năng, vị thế của mình, và Huế cũng thành tâm, tha thiết đón đợi những tấm lòng về giúp Huế yêu thương.



Ngoài hàng nghìn di tích văn hóa, lịch sử và cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, Huế còn là địa phương duy nhất trên cả nước có tới 4 di sản được thế giới vinh danh gồm: Di sản Văn hóa Thế giới Quần thể Di tích Cố đô Huế (1993), Kiệt tác Di sản Truyền khẩu và Phi vật thể của Nhân loại Nhã nhạc Cung đình Huế (2003), Di sản Tư liệu Thế giới Mộc bản triều Nguyễn (2009). Và mới đây nhất vào ngày 19/5/2016, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế cũng đã được công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới thuộc chương trình ký ức khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.


Bài: Thanh Hòa - Ảnh: Nguyễn Thắng, Tất Sơn, Thanh Giang & Tư liệu Báo ảnh Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét