9 thg 6, 2016

Về Yên Tử khám phá rừng xích tùng hơn 700 tuổi

Trong di tích quốc gia Yên Tử (xã Thượng Yên Công, TP.Uông Bí, Quảng Ninh) có 233 cây xích tùng hơn 700 tuổi, gắn với lịch sử của Phật hoàng Trần Nhân Tông và Thiền phái Trúc Lâm.

Từ trên non thiêng Yên Tử nhìn xuống thấy những dãy núi trùng điệp huyền ảo trong mây núi 

Đất Phật Yên Tử nằm trên dãy núi Đông Triều vùng đông bắc Việt Nam. Những di tích cổ kính, trầm mặc ẩn trong sương mờ bảng lảng giữa rừng quốc gia Yên Tử. Trên đường hành hương về mảnh đất này, mọi người sẽ bị choáng ngợp bởi một không gian rộng lớn với núi non trùng điệp, kỳ vĩ, không khí trong lành, dịu mát và những tán cây cổ thụ sừng sững dọc con đường ghép đá lên tận chùa Đồng trên đỉnh. Dù nơi này đã có cáp treo nhưng nhiều người vẫn lựa chọn đi bộ trên con đường bên hàng xích tùng cổ thụ. 


Đến thăm Yên Tử trước kỳ thi cuối kỳ, Đặng Văn Nam (21 tuổi, quê Hưng Yên) nhóm bạn học trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật đã chọn cách đi bộ trên đường xích tùng dẫn lên chùa Hoa Yên, thay vì đi cáp treo. Nam cho biết, đi con đường dốc thoai thoải mệt bở hơi tai, mồ hôi nhễ nhại nhưng bù lại cảm thấy rất sảng khoái khi đi trong một khu rừng yên tĩnh, tạm quên đi cuộc sống công nghiệp ồn ào, vội vã ngoài kia. “Đi trên đường xích tùng, chúng em rất ấn tượng khi được ngắm nhìn những cây xích tùng to lớn, bộ rễ xù xì, chằng chịt khắp lối đi, mọc chèn vào bậc đá và nghe thấy cả tiếng chim hót nữa. Đi rồi thấy cảm phục sự bền bỉ, quyết tâm của người xưa”, Nam bày tỏ. 

Tại khu di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử hiện có 233 cây xích tùng cổ phân bố tập trung ở các khu vực di tích như am Dược, chùa Hoa Yên, chùa Vân Tiêu, Bảo Sái, vườn tháp Hòn Ngọc, tháp Tổ, thác Vàng… Theo các nhà khoa học, xích tùng còn có tên gọi khác là hoàng đàn giả, hồng tùng, thông vẩy, thông chàng… Quần thể xích tùng ở đây có tuổi đời hơn 700 năm thuộc hàng hiếm ở Việt Nam, có thể được trồng từ khi vua Trần Nhân Tông đến đây tu hành. Con đường bộ từ am Lò Rèn, qua đường tùng tới tháp Tổ và chùa Hoa Yên có khoảng 64 cây xích tùng, rồi đường bộ hành từ chùa Hoa Yên đến chùa Vân Tiêu, chùa Bảo Sái có 20 cây cổ thụ khá to, cao vút, bộ rễ “khủng” chằng chịt ngang dọc trên lối đi,. 

Những cây xích tùng cổ thụ càng làm cho danh thắng Yên Tử thêm linh thiêng, cổ kính hơn. Tuy nhiên, do tuổi cao và tác động của thiên nhiên lẫn con người nên nhiều cây xích tùng cổ thụ tại đây đang bị mục ruỗng, sâu bệnh phá hoại, có những cây đã bị chết đứng. Cuối tháng 4 vừa qua, UBND TP.Uông Bí đã đã tổ chức hội thảo về bảo tồn loài xích tùng cổ thụ Yên Tử và tỉnh Quảng Ninh cũng đã thông qua dự án chăm sóc, bảo tồn các loài cây xích tùng cổ tại Rừng quốc gia Yên Tử, giai đoạn 2016-2020 với tổng vốn đầu tư 27 tỉ đồng. Quần thể xích tùng tại đây sẽ được lập hồ sơ để xét duyệt công nhận cây di sản Việt Nam.

Nhóm bạn trẻ chụp ảnh tự sướng trên đường xích tùng cổ thụ 

Những cây xích tùng cổ thụ được trồng từ khi vua Trần Nhân Tông đến Yên Tử tu hành 

Quần thể xích tùng Yên Tử có thân khá to lớn 

Ngồi nghỉ ngơi dưới hàng xích tùng hơn 700 năm 

Những cây xích tùng dọc đường hành hương lên chùa Đồng 

Một cây xích tùng cổ thụ tỏa bóng trên đường đi gần chùa Hoa Yên 

Du khách dừng chân cạnh 2 cây xích tùng ở tháp Tổ 

Do tuổi cao và tác động của thiên nhiên lẫn con người nên xích tùng Yên Tử đang bị mục ruỗng, cần phải bảo tồn. 

Không chỉ có xích tùng, ở đất Phật Yên Tử còn có nhiều cây đại thụ khác 

Cây đại cổ hơn 700 tuổi ở đường lên chùa Hoa Yên 

Một cây tùng La Hán khẳng khiu bám ở vách đá lặng lẽ trong sương sớm 

Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông, người khai sinh ra Thiền phái Trúc Lâm 

Mây bồng bềnh trên chùa Đồng 

Bài, ảnh: Thành Trí

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét