16 thg 6, 2016

Dạo chơi vườn vải u trứng chín rộ ở Uông Bí

U trứng là cái tên độc đáo mà dân gian dùng để gọi loại vải chín sớm nhất. Ở phường Phương Nam, TP.Uông Bí, Quảng Ninh đang rộ mùa vải u trứng tại vùng đất ven sông Bạch Đằng. Vải u trứng Phương Nam chín sớm hơn so với 2 vùng trồng vải nổi tiếng cả nước là Thanh Hà (Hải Dương), Lục Ngạn (Bắc Giang).

Những chùm vải u trứng chín mọng chờ tay người hái 

Về Phương Nam những ngày này khá nhộn nhịp khi người dân trồng vải đang bước vào đợt thu hoạch rộ. Dù trời nắng hè oi ả nhưng trên các con đường dẫn vào vùng chuyên canh vải tấp nập xe cộ ra vào, xe đạp, xe máy chở vải từ vườn ra bán cho thương lái, rồi ôtô tải nhỏ chở hàng ra đường lớn. Ven quốc lộ 10 trên địa bàn phường Phương Nam cũng có điểm tập kết vải để đưa lên container xuất đi các tỉnh phía nam. 

Ở phường Phương Nam có 315 ha trồng vải u trứng tập trung ở 8 khu nằm ven sông Bạch Đằng. Giống vải nơi đây chín sớm hơn so với vải tu hú, vải Thanh Hà, Lục Ngạn, nên TP.Uông Bí đã xây dựng thương hiệu là “vải chín sớm Phương Nam”. Dưới ánh nắng chói chang, từng chùm vải chín đỏ rực xen lẫn trong màu xanh của lá vải tạo nên một bức tranh đa sắc sống động. Vải trồng đầy trong vườn nhà, vải trĩu quả sà xuống lối đi, không ai mảy may sợ bị hái trộm. Ven bờ ruộng, bờ ao, đầm tôm là những chùm vải căng tròn đang chờ tay người hái. 

Ông Bùi Xuân Việt, Phó Chủ tịch UBND phường Phương Nam cho biết, lợi thế của giống vải u trứng là chín sớm hơn so với vải tu hú khoảng một tuần và vải thiều Thanh Hà, vải thiều Lục Ngạn chừng 20 ngày. Năm nay vải u trứng chín muộn hơn so với năm ngoái khoảng nửa tháng nhưng lại được mùa hơn, năng suất ước đạt khoảng 1.600 tấn. “Giá vải đầu mùa thu mua tại vườn là 50.000 đồng/kg nhưng giờ đang vào đợt thu hoạch rộ nên giá hạ xuống còn khoảng từ 25.000 – 35.000 đồng/kg tùy loại. Năm ngoái, chúng tôi thu được khoảng 1.050 tấn vải, giá trị là hơn 33 tỉ đồng, còn năm nay giá trị ước đạt khoảng hơn 40 tỉ đồng”, ông Việt nói. 

Vải u trứng đóng thùng xuất đi các tỉnh phía nam 

Một hộ dân mang vải bán cho thương lái 

Điểm thu mua vải ở khu Hiệp Thanh, phường Phương Nam 

Những ngày này, không khí thu hoạch, mua bán vải u trứng ở Phương Nam khá nhộn nhịp 

Vải u trứng Phương Nam chín sớm hơn so với vải tu hú, vải Lục Ngạn, Thanh Hà 

Quây lưới để đỡ rụng vải khi gió thổi 


Vải chín bên bờ ruộng 

Vùng vải chín đỏ rực đã tạo nên bức tranh đa sắc màu 

Một bà cụ đã ngoài 80 tuổi vẫn tranh thủ ra vườn thu hoạch vải 

Những chùm vải đỏ rực như thắp lửa giữa trời xanh bao la. Năm 2014, chính quyền địa phương đã đăng ký sở hữu trí tuệ, bảo hộ thương hiệu cho vải chín sớm Phương Nam, đồng thời xây dựng hợp tác xã vải và hướng dẫn bà con cách chăm sóc vải theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao giá trị quả vải nơi đây. 

Vải trĩu quả bên đầm nuôi tôm 

Vải tỏa bóng xuống ao 

Trong thời gian tới, vùng quy hoạch trồng vải u trứng sẽ được mở rộng thành 350 ha. Cây vải u trứng mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp cải thiện đời sống của người dân. 

Vải chín đỏ dọc lối đi, chẳng ai sợ bị hái trộm 

Nhờ cây vải mà nhiều hộ dân ở Phương Nam thoát đói nghèo 

Bà Nguyễn Thị Nghề (82 tuổi, trú ở khu Phong Thái) bên những cây vải trong vườn nhà. Ở Phương Nam có hơn 900 hộ dân trồng vải, có hộ trồng nhiều lên tới 300 gốc. 

Một cây vải u trứng tổ 50 năm trong vườn nhà ông Nguyễn Văn Mão (66 tuổi, trú ở khu Phong Thái) 

Giống vải u trứng được chiết ghép ở vùng vải thiều Thanh Hà, đem về nhân giống và trồng ở xóm làng ven sông Bạch Đằng rất hợp thổ nhưỡng, thủy văn nên cho quả ngon. Một số người đã mang giống vải này đem trồng ở khu vực khác của phường Phương Nam hoặc vùng lân cận thì quả lại bé, rất chua. Hiện còn 5 cây vải u trứng tổ khoảng 50 tuổi tập trung ở khu Phong Thái.

Thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa vào năm 2004, do cấy lúa chi phí cao mà hiệu quả kinh tế thấp nên người dân đã đào đất đắp thành bờ lớn chuyển sang thành vùng trồng vải. Một vài vụ mất mùa nhưng người trồng vải u trứng Phương Nam kiên trì chăm sóc nên đất đã không phụ công người, cho những vườn vải sai quả. 

Bài, ảnh: Vũ Ngọc Khánh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét