17 thg 6, 2016

Những "rạn nứt" văn hóa phố cổ Hội An

Hội An trong tôi là Cẩm Thanh, một vùng quê với những vệt dừa nước, với những câu chuyện về căn cứ du kích một thời chiến tranh. Nhưng những ký ức ấy nay đã lùi rất xa. Một vùng quê nông nghiệp nghèo đặc trưng Quảng Nam cũng đã lùi rất xa. Những con phố nhỏ đã bò ngoằn nghoèo khắp nơi.

Những hàng rào với nhà cửa xây dựng kiểu cách. Và khắp nơi những dòng chữ "For rent" (cho thuê) và "Home stay" (nhà nghỉ). Buổi sáng phụ nữ Cẩm Thanh vẫn ra chợ đón hàng rau tươi đến từ Trà Quế. Buổi chiều đàn ông Cẩm Thanh vẫn nhẩn nha ngồi nhâm nhi ly trà hay ly rượu.

Đôi khi tôi từ ngôi nhà thuê đi vài trăm mét đã ra tới những khu vườn um tùm. Vài người đang làm vườn, mỗi nhát cuốc bập vào đất chỉ như một thói quen, không còn quyết liệt như xưa. Tôi cảm nhận như vậy khi lắng nghe chuyện của họ. Hóa ra họ đang trồng rau trên đất của người khác.

Có những người nơi khác đến Cẩm Thanh đang sở hữu hàng ngàn mét vuông đất ở vùng quê cận phố thị này. Trong cái bình lặng êm ả, nông thôn ngoại ô đang cồn cào xẻ đất ra cho thị trường bán mua.

Hôm sau, tôi theo một người Hà Nội đi thăm "vùng đất lành" của anh ấy. Hai vợ chồng anh có chức vụ khá tốt trong cơ quan nhà nước ở Hà Nội, nhưng tuổi về hưu gần kề, quyết định đầu tư vào Hội An. Vợ chồng bạn tôi mua một miếng đất lớn tại Cẩm Thanh và vừa động thổ để xây dựng một "home stay" 10 phòng, với bể bơi, nhà hàng.

Sau những hào hứng về chuyện kinh doanh du lịch "home stay", người bạn bỗng chùng giọng, nói: "Tôi tính mời chú Hai làm vườn sau này. Sáng nào ổng cũng chống cuốc ngó miếng đất cũ, tôi không thoải mái chút nào!" .

Chú Hai là chủ đất. Ông có 8 con vừa trai vừa gái với nửa hecta đất vườn. Thôi không kể chuyện giữ đất giữ làng trong chiến tranh, chuyện phải đưa đất vào hợp tác xã nông nghiệp, nửa hecta đất đã giúp ông nuôi tám đứa con. Cái không trọn vẹn là con cái ông xúm lại đòi bán đất chia tiền, đứa nào cũng hứa đưa ông bà về nhà ở với con cháu.

Nông dân Hội An bỏ quê ra phố làm dịch vụ du lịch

Con cái ông muốn một khoản tiền lớn nhờ vào giá đất "sục sôi" vì du lịch Hội An. Ông bán được món tiền lớn, đến mấy tỷ đồng, chia cho tám đứa con mỗi đứa vài trăm triệu. Nhưng ông nhớ đất. Năm ngoái bạn tôi vẫn để ông trồng rau. Năm nay, công trình đã khởi động, ông không còn đất, cứ đốt thuốc rê đứng nhìn đất cũ.

Tôi hình dung mai mốt ông gần đất xa trời, con cái ông đã đi nơi khác, bạn tôi và những người mới đến khác sẽ là người Cẩm Thanh, người Hội An mới. Cẩm Thanh xẻ đất vườn bán cho các nhà đầu tư nhỏ đến từ các thành phố lớn khác. Họ đã làm cho Cẩm Thanh mang một gương mặt tươm tất thị thành, nhưng cũng bắt đầu dựng lên những hàng rào thật, trông rất tao nhã, nhưng nó rất cao trong lòng người.

Nó làm cho các gia đình hối hả lao vào dòng xoáy kiếm tiền, từ bán hết đất vườn đến lao ra phố cổ. Trên con phố cổ, hàng rong tăng số lượng chóng mặt. Có bao nhiêu người Cẩm Thanh biết làm ăn từ đồng vốn bán đất bán vườn? Có bao nhiêu người Cẩm Thanh hết đất, xoay ra bám vào phố mưu sinh, với những con tò he trên tay, những bưu thiếp, những gánh chè?

Phố xá nhộn nhịp người nông thôn, nhộn nhịp những cụ bà gánh gồng mấy nải chuối, trái xoài, ai chụp ảnh thì mời mua trái cây với giá đắt hoặc xin "oăn đô la" (một đô la Mỹ) tiền làm mẫu chụp ảnh. Mỗi lúc gặp các cụ tôi lại nhớ chú Hai chống cuốc ngắm vườn cũ. Buồn!

Hội An quá tải vì hằng năm đón dến 1,7 triệu du khách

Tuần đôi lần tôi đạp xe ngược về Trà Quế. Từ phố cổ Hội An ra đây khoảng 4 kilomet. Tây du lịch cũng hay thực hiện hành trình này, ra Trà Quế ngắm đồng rau, hoặc ngược thêm một đoạn đường xuống biển An Bàng. Giữa mùa hè biển An Bàng vắng tanh vì chuyện cá chết, nhưng người đi ngắm biển cũng còn đông. Trà Quế thì đông hơn, bởi nó là cánh đồng rau đẹp, mùi thơm những rau thơm, diếp cá, quế trắng... lan xa mỗi khi cơn gió thoảng đến. Ai nấy căng lồng ngực hít thở.

Trà Quế từ ngày được tờ báo Pháp Le Figaro bầu chọn là một trong mười điểm đến thú vị nhất tại Việt Nam, càng trở nên nhộn nhịp dịch vụ du lịch. Buổi sáng, tôi thích ngồi lê từ ruộng mồng tơi sang ruộng hành, xem các chị cắt rau cho phiên chợ sớm.

Họ cắt từng khóm rau, nâng niu từng nhánh. Phía bên kia một người đàn ông đang cẩn thận dùng rong vớt dưới sông Đế Võng lên để bón cho đất màu mỡ. Ngồi chơi thêm một lúc, có một đoàn khách nước ngoài đến. Họ thay áo nâu sồng như nông dân rồi vác cuốc ra ruộng rau. Cũng kẻ cuốc đất, người bón rong, đôi người hái rau. Ra là tour một ngày làm nông dân ở làng rau Trà Quế.

Một hôm tôi ghé mua ít rau tần ô tươi. Cả cánh đồng vắng, chỉ có một chị luống tuổi đang chăm sóc đám rau ở ruộng nhà. Nghe tôi hỏi mua rau, chị cắp rổ dẫn tôi đến đám ruộng rau ở xa, nói rau bên hàng xóm ngon hơn nên chị cắt cho tôi, rồi sẽ đem tiền về cho nhà quen. Tôi chợt hiểu thứ văn hóa ngấm sâu trong lòng người Trà Quế.

Du khách thăm làng rau Trà Quế

Một cung cách ứng xử văn minh chẳng khác nào nền văn hóa lâu đời châu Âu. Họ đối xử với thiên nhiên, với đất đai rất trân trọng, đến bây giờ khi đầu làng cuối phố không thiếu gì các tiệm bán phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, nhưng người làng Trà Quế vẫn cần mẫn bón rau bằng rong, bằng phân chuồng đủ độ hoai, ngày ngày kiên nhẫn nhổ cỏ dại và bắt sâu.

Họ hiểu rõ chỉ cần sử dụng hóa chất độc hại trong sản xuất mớ rau, nuôi con gà con heo, thì cái giá trị nhất của thương hiệu Trà Quế sẽ mất. Và làng rau này sẽ trở thành một làng như bao ngôi làng nông nghiệp nghèo nàn khác. Cái quý giá thứ hai là cách hành xử của chị bán rau. Đồng rau rộng lớn nhưng chị nói rau của nhà chị nó hơi non, chưa đủ độ giòn ngọt. Chị cắt rau bán hộ hàng xóm.

Chị nói, không thể để khách đến tận Trà Quế mua rau mà lại không mua được rau đúng độ ngon, mất tiếng thơm của làng! Cái cách hành xử của người dân Trà Quế trong cộng đồng, ứng xử với thiên nhiên qua quá trình sản xuất như vậy, rõ ràng nó giữ trong lòng những nguyên tắc văn minh nhất để tồn tại và phát triển.

Kề cận phố cổ đang bức bối của một lượng khách quá tải đổ về khoảng 1,7 triệu lượt mỗi năm, nhưng Trà Quế vẫn thong dong trồng rau, chở rau lên chợ bán từ sáng tinh sương, đưa mùi thơm của rau vào phố, xóa bớt đi cái hừng hực mùa hè.

Ở Trà Quế đã có dăm ngôi nhà mở dịch vụ "home stay" cho khách nước ngoài thuê, đã có vài nhà hàng nhỏ để đón khách theo tour. Đến Trà Quế phải đi ngang qua một cánh đồng rất đẹp. Cánh đồng ít ỏi còn lại của thành phố Hội An. Cánh đồng rau làm nên một lối sống đẹp về tinh thần và vật chất vốn là giá trị cốt lõi ngày xưa của cả thành phố Hội An.

Hôm qua, một người bạn tôi là Việt kiều ở Mỹ, đang làm ăn ở Pataya (Thái Lan) nói đến kế hoạch về Hội An đầu tư du lịch. Anh có một nhận xét đáng chú ý: "Tôi phân vân về tương lai của thành phố cổ này. Bởi tôi đã bắt đầu nhìn thấy những rạn nứt trong văn hóa, những cái giả trong thái độ ứng xử và hàng hóa bày bán. Tôi thấy lo...".

Làm thế nào để cả Hội An giữ được cái thong dong như Trà Quế hôm nay?

HỒNG BÍCH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét