31 thg 5, 2016

Thăm xứ sở mãng cầu xiêm Tân Phú Đông

Nằm trên cù lao Lợi Quan, vùng đất Tân Phú Đông (Tiền Giang) xanh tươi trù phú với cây ngọt trái lành. Trong đó những vườn mãng cầu xiêm lúc lỉu trái gây bất ngờ cho những ai lần đầu đặt chân tới. 

Trái mãng cầu trĩu nặng trên cành - Ảnh: N.T.Đăng 

Cù lao Lợi Quan nằm giữa hai cửa sông Cửa Tiểu và Cửa Đại nên muốn tới Tân Phú Đông phải đi phà qua sông. Từ quốc lộ 50 có nhiều con đường đến các bến phà nằm dọc bờ nam sông Cửa Tiểu. Từ đó qua phà là đến với Tân Phú Đông.

Tháng 5 mùa mận Mộc Châu

Tới Mộc Châu những ngày này, du khách được chiêm ngưỡng những đồi mận ngút ngàn nằm dọc hai bên đường, lấp ló sau tán lá xanh là những chùm mận chín đỏ mọng sai trĩu cành. 

Mận hậu tươi ngon, căng mọng, đặc sản của cao nguyên Mộc Châu - Ảnh: Huyền Trần 

Từ trung tâm thị trấn Nông trường Mộc Châu, theo đường rẽ phải vào Tân Lập chừng 20km, nhộn nhịp cảnh thương lái từ khắp nơi đổ về mua và vận chuyển mận đi tiêu thụ khắp nơi.

Mộc Châu (Sơn La) được xem là vựa mận lớn nhất cả nước, mận được trồng nhiều ở khu vực thị trấn Nông trường và xã Tân Lập. Giữa tháng 5, thời điểm mận bắt đầu chín rộ cũng là lúc chủ vườn bắt đầu thu hoạch, đổ bán sỉ cho các thương lái miền xuôi.

30 thg 5, 2016

Người xây chợ Bình Tây

Dù không được xếp vào nhóm Tứ Đại Phú do sinh sau đẻ muộn nhưng tên tuổi và gia sản của Quách Đàm cũng đáng để thiên hạ nể vì. Người Việt gọi ông là Vua lúa gạo, còn người Pháp đặt cho ông biệt danh là Vua buôn bán.

Trong khuôn viên của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, ở khoảng sân giữa những tòa nhà kiểu Pháp từng một thời là tư gia của chú Hỏa (Hui Bon Hoa), một trong những người giàu có nổi tiếng ở Nam kỳ xưa kia, có một pho tượng đồng cao lớn. Đó là tượng một người đàn ông lớn tuổi đầu trọc, râu cá chép, mặc áo thụng phổ biến kiểu Mãn Thanh, ngực đeo đầy huân chương, hai tay cầm những cuộn giấy. Nhân vật này chính là Quách Đàm, hay còn gọi là chú Quách, một phú hộ người Hoa cũng nổi tiếng giàu có không kém chú Hỏa. Pho tượng đã từng một thời gây tranh cãi vì người đòi trả lại chỗ cũ của nó. Vì đâu nên nỗi tượng của chú Quách lại phải phiêu bạt trú ngụ nhờ nhà cũ của chú Hỏa?

Đỗ Hữu Phương: Người thứ nhì trong tứ đại phú

Tổng đốc Phương tên thật Đỗ Hữu Phương, từng được xem là giàu có thứ hai tại Việt Nam trong tứ đại phú “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Trạch”.

Ở quận 3, phía sau BV Mắt Saint Paul có một ngôi từ đường cổ hơn 100 tuổi. Người ta gọi là Đỗ Hữu Từ đường, là nơi thờ tự dòng họ Đỗ Hữu, còn gọi là đền Tổng đốc Phương nhưng người dân từ xưa quen gọi là đền Bà Lớn, vì cũng là nơi thờ người vợ của Tổng đốc Phương, do bà vốn có nhiều công đức với dân chúng quanh vùng.

Không tạo ân oán

Biết tiếng Hán và tiếng Pháp nhưng Đỗ Hữu Phương lại rất chuộng văn hóa Pháp nên tìm cách ra làm việc với Pháp. Sau khi chiếm được thành Chí Hòa năm 1861, Pháp mở cửa thương mại và mở rộng mối quan hệ với người Hoa trong vùng để phát triển buôn bán. Ông Phương nhờ người quen giới thiệu với tham biện hạt Chợ Lớn lúc này là Đại úy Francis Garnier và được Garnier tuyển dụng. Đến năm 25 tuổi được phong làm hộ trưởng ở Chợ Lớn.

Hưng Hòa - mùa thu hoạch cói

Khi nắng hạ bắt đầu chói chang là lúc người dân xã Hưng Hòa - TP.Vinh (Nghệ An) tất bật vào mùa thu hoạch cói đầu tiên trong năm. 

Xã Hưng Hòa có tổng 65 ha đất trồng cói với 600 hộ làm nghề truyền thống này, tập trung chủ yếu trên địa bàn 2 thôn Phong Hảo và Phong Thuận. 

29 thg 5, 2016

Còn ai nhớ chợ nhà lồng?

Cụm từ “chợ nhà lồng” xuất phát từ Nam bộ, ở Bắc bộ hầu như không sử dụng tên gọi này cho những ngôi chợ xây. Chúng ta có thể thấy từ này mang ý nghĩa tượng hình cho biết hình thức chợ giống như cái lồng: có giới hạn phạm vi nhưng không bị che kín, rộng rãi, đặc biệt là tuy có mái che nhưng kiến trúc và tổ chức không gian của chợ vẫn thông thoáng. Không gian chợ nhà lồng giới hạn bởi mái cao, gian chợ rộng, có hàng cột bốn phía đỡ mái, nền cao tránh ngập nước cũng là để phân biệt với không gian ngoài chợ. Nhưng không gian trong và ngoài nhà lồng có thể kết nối với nhau và với xung quanh vì chợ Nam bộ thường nằm sát bến sông hoặc gần các ngã đường lớn, dễ dàng tiếp cận.


Các thị tứ, thị trấn Nam bộ thường có các chợ nhà lồng ở khu vực trung tâm của cộng đồng dân cư. Khác với Bắc bộ, chợ quê thường tập trung tại các bãi đất trống ven làng, không có không gian cụ thể và rõ ràng như các chợ nhà lồng Nam bộ. Từ lâu tôi đã nghĩ rằng chợ nhà lồng chắc được người Pháp đưa vào Nam bộ khá sớm, vì có thể nhận thấy các chợ nhà lồng cổ hiện còn có kiến trúc, hình thức, quy mô, thậm chí vật liệu xây dựng cũng khá giống nhau, tức là có cùng một khoảng niên đại.

Du ngoạn Ngũ Hành Sơn

Nằm bên cạnh bãi biển Mỹ Khê tuyệt đẹp, núi Ngũ Hành Sơn đang là điểm đến ưa thích của du khách khi đến với phố biển Đà Nẵng. Đến đây, du khách không chỉ được khám phá hệ thống hang động đẹp mà còn có thể chiêm ngưỡng những tác phẩm đá tinh xảo của làng nghề đá mỹ nghệ truyền thống Non Nước. 

Được hình thành bởi năm ngọn núi: Kim Sơn, Mộc Sơn, Hỏa Sơn, Thủy Sơn và Thổ Sơn chia thành năm hướng theo ngũ hành cùng với rất nhiều sự huyền bí của các hệ thống hang động nên vào thế kỷ 19 trong một lần đặt chân tới đây, vua Minh Mạng đã đặt tên cho núi là Ngũ Hành Sơn. Ngày nay, sau nhiều sự thay đổi của năm tháng, Ngũ Hành Sơn vẫn giữ cho mình vẻ đẹp của sự tĩnh mịch và linh thiêng.

Đối với những du khách ưa thích khám phá hang động thì Ngũ Hành Sơn là điểm dừng chân rất thú vị. Vào khu vực chân núi du khách sẽ được tham quan động Âm Phủ, đây là một trong những hang dài nhất, huyền bí nhất trong hệ thống hang động của Ngũ Hành Sơn. Tương truyền, vào thời vua Minh Mạng trong một lần tới Ngũ Hành Sơn, vì muốn khám phá hang động này, ông liền sai 12 người lính thắp đuốc đi xuống. Sau một thời gian xuống hang, họ liền trở lên và quỳ gối chịu tội để xin vua rút lại lệnh thám sát. Vua bằng lòng nhưng lại cho ném mấy trái cây có khắc chữ của ông xuống hang. Hôm sau, người ta phát hiện chúng nằm trên bãi biển. Với sự huyền bí ấy hang động này được đặt tên là động Âm Phủ nhằm mệnh danh như là “lối vào địa ngục”.

Du khách thăm động Âm Phủ nằm ngay dưới chân núi Thủy Sơn. Ảnh: Tất Sơn

Bánh canh cá Nhơn Trạch

Trong Địa chí Đồng Nai có nêu chi tiết: "Bánh canh cũng tinh chế đồng dạng với bún nhưng sợi to hơn và để nấu tươi. Bánh canh đầu cá ở chợ Đồn, bánh canh tép ở Nhơn Trạch từng lưu danh xa gần" (Tập V - Văn hóa xã hội, nếp sống vật chất, ăn uống).

Từ lâu lắm rồi, bánh canh tép đã biến mất trong nền ẩm thực Đồng Nai vốn đa dạng và không ngừng phát triển. Dĩ nhiên, khác biệt trước tiên giữa các loại bánh canh này là ở phần... thịt, tép hay cá được kèm theo tên gọi của món bánh canh. Nhưng thực ra, từ rất lâu rồi, bánh canh được bán ở các quán, chợ, phố thị đều có phần bánh làm bằng bột lọc, tròn trịa giống nhau và thoáng nhìn cứ ngỡ bánh canh trong suốt. Loại bánh canh bột lọc có ưu điểm là dai, dòn, nấu trong nước và có vẻ sạch sẽ, lịch sự nhờ chế biến bằng phương pháp thủ công có pha trộn bột năn để tăng độ dẻo, bóng cho bột gạo và sản lượng cũng nhiều hơn, đủ sức đáp ứng cho các hàng quán.

Bánh canh đầu cá chợ Đồn

Vào những năm 1960, 1970, một trong những "điểm hẹn" của giới trung lưu tỉnh lỵ Biên Hòa vào những chiều cuối tuần đầu tháng là các quán bánh canh đầu cá ở Chợ Đồn (nay thuộc phường Bửu Hòa - TP. Biên Hòa). Cũng vào chiều thứ bảy, chủ nhật, các quán bánh canh đầu cá Phượng Lan, Hồng Hoa, bà Tư cô hồn... chật kín xe hơi của dân Sài Gòn, "thầy chú" được mấy ông chủ lò gạch, chủ hầm đá ở Biên Hòa mời đi chiêu đãi. Tiếng tăm của món bánh canh đầu cá hấp ở Chợ Đồn vang xa từ lâu lắm trước đó. Tên tuổi ngang ngửa với bánh canh đầu cá Chợ Đồn thời đó chỉ có ... nem Thủ Đức. Ngay trong quyển "Biên Hòa - Đồng Nai 300 năm hình thành và phát triển" (NXB Đồng Nai 1998) cũng có đoạn đề cập đến: "Trước năm 1945, ở Biên Hòa tiệm ăn hãy còn thưa thớt, có thể kể, tiệm Hiệp Lực ở chợ Biên Hòa, bán trên 100 món ăn chay; quán cơm Từ Hải trong chợ Biên Hòa bán cơm bình dân, miễn phí cho người cơ nhỡ; quán cơm bình dân của người Chà ở góc đường Võ Tánh - Lý Thường Kiệt cũ; quán cơm ông Năm bình dân ở góc đường Lê Thánh Tông - Lý Thường Kiệt cũ có đọc truyện liên hồi, phục vụ khách ăn hoặc ở Chợ Đồn có quán bánh canh đầu cá nấu ngon nổi tiếng khắp vùng".

27 thg 5, 2016

Vi vu qua đèo Violăk

Đèo Violăk! Cái tên này cứ… nhấp nha nhấp nháy trong ước muốn phượt của mình. Ước muốn vẫn chỉ là… muốn ước nếu không có một sáng đẹp trời, thằng em lái xe tải nhỏ chở cá khô đi ngang nhà chợt dừng lại: “Ba Tơ không? Nếu anh đi, mình vọt ngay và luôn con đèo Violăk. Lên đó chụp ảnh đã lắm. 


Và nếu anh đủ dũng khí không… sợ vợ chỉ một ngày thôi, mình vi vu qua Kon Tum làm vài chai bia rồi về. OK?”.

Bỏ qua “yếu tố” khiêu khích và bụi bặm trong lời rủ rê của nó, mình chạy rật rật vô nhà lấy máy ảnh, nhảy tót lên ca bin, hất mặt bảo nó: “Khởi hành!”.

Mai một làng bánh tráng

Theo những người cao tuổi trong ấp 3, xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) thì nghề làm bánh tráng gạo có ở đây gần 100 năm. Trước đây, nhiều gia đình trong ấp sống bằng nghề làm bánh tráng, nhưng nghề này hiện đang mai một dần.

Bà Lại Thị Ba, ấp 3, xã Thạnh Phú có thâm niên làm bánh tráng gạo gần 60 năm. 

Đến Đồng Nai, ngoài đặc sản bưởi Tân Triều, nhiều người còn nhắc đến trà Phú Hội và bánh tráng Thạnh Phú (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu). Bánh tráng Thạnh Phú không chỉ nổi tiếng ở Đồng Nai mà một số tỉnh, thành lân cận cũng biết tiếng.

Bánh tráng Cây Đào xóm Miễu

Bước vào những ngày đầu tháng chạp, cùng với những lò bánh tráng ở Phước Thiền, Phú Hội, Long Tân, Hiệp Phước (huyện Nhơn Trạch), An Phước, Tam An (huyện Long Thành)... nổi lửa thì làng bánh tráng Cây Đào xóm Miễu lâu đời và nổi tiếng nhất ở huyện Vĩnh Cửu cũng đang... đổ lửa. 


26 thg 5, 2016

Mùa khoai lang vùng đất cát Quảng Nam

Những ngày này, có dịp ngang qua vùng đất cát Quảng Nam, du khách sẽ được tận mắt ngắm nhìn cảnh bà con thu hoạch khoai lang và thưởng thức những củ khoai ngọt lành hiếm nơi nào sánh bằng. 

Em bé theo mẹ đi bới khoai trong mùa thu hoạch - Ảnh: T.Ly 

Ở vùng đất “chưa mưa đã thấm” này, bao đời qua cây khoai lang vẫn là cây lương thực chính, gắn liền với cuộc sống thường nhật của người dân quê. 

Ông Huyện Sỹ - Người giàu nhất Đông Dương một thuở

Cuối thế kỷ 19, dân gian truyền nhau câu nói về “tứ đại phú hộ” giàu nhất Việt Nam, thậm chí cả Đông Dương lúc bấy giờ bao gồm nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định.

Tuy nhiên, người thứ tư có nhiều thay đổi, có lúc là tứ Hỏa (tức chú Hỏa - Hui Bon Hoa), có lúc là tứ Bưởi (ông Bạch Thái Bưởi). Riêng người đứng đầu là ông Huyện Sỹ không bao giờ thay đổi.

Ông Huyện Sỹ tên thật là Lê Nhứt Sỹ, sinh năm 1841, vốn quê quán ở Long An và là một gia đình theo đạo Công giáo, ông có tên thánh là Philippe. Thấy ông thông minh, lanh lợi nên các cha người Pháp đưa ông sang học ở Malaysia, nơi ông học thêm nhiều ngôn ngữ khác bên cạnh chữ quốc ngữ. Do thầy dạy cũng có tên Sỹ nên theo truyền thống Nho giáo tôn trọng “quân, sư, phụ”, ông được đổi tên là Lê Phát Đạt, cái tên mong muốn cuộc đời được phát đạt và không ngờ ứng với cuộc đời ông sau này. Khi về nước, do giỏi tiếng Pháp nên ông được gọi làm thông ngôn và tới năm 1880 được chính phủ Nam Kỳ bổ nhiệm làm hội đồng quản hạt Nam Kỳ.

Mặc dù đã đổi tên là Lê Phát Đạt nhưng dân gian vẫn gọi ông theo tên cũ là Huyện Sỹ.

Hội đồng Trạch - nhiều đất nhất Đông Dương

Ông Trần Trinh Trạch, hay Hội đồng Trạch, vốn được biết như một đại điền chủ nhiều ruộng đất nhất Nam Bộ. Giàu có nhưng ông lại là người chí thú làm ăn, không ăn chơi gì nhiều trừ vài chuyện liên quan đến Công tử Bạc Liêu.

“Khi tôi sinh ra thì ông nội đã mất ba năm rồi, tôi chỉ biết cha tôi. Chứ mẹ cũng mất sớm” - ông Trần Trinh Đức, cháu nội của ông Trần Trinh Trạch, con ruột của ông Trần Trinh Huy, tức “Công tử Bạc Liêu” với giai thoại nổi tiếng đốt tiền cho người đẹp kiếm kẹp tóc trong rạp hát…, kể lại.

Gặp người cháu nội của ông hội đồng

Nhìn người đàn ông đầu ngả bạc, từng phải làm đủ thứ nghề để kiếm sống từ bán đồ điện tử ở chợ Huỳnh Thúc Kháng, qua Campuchia bán giày dép cũ, rồi chạy xe ôm, đến cuối đời mới về lại quê nhà Bạc Liêu và được tỉnh giao cho công việc hướng dẫn viên du lịch tại khách sạn Công tử Bạc Liêu, cũng chính là cơ ngơi cũ của gia tộc Trần Trinh khét tiếng thuở nào, không thể tin được sự xuống dốc của dòng họ đã từng sở hữu số ruộng đất “cò bay mỏi cánh” nhiều nhất Đông Dương một thuở và những giai thoại “đốt tiền” đúng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Ông Trần Trinh Đức kể: “Ngày nhỏ ở với các mẹ kế (do Công tử Bạc Liêu có tới bốn vợ), năm bảy tuổi cha tôi cho lên Sóc Trăng học nội trú ở trường Tây, cuối tuần mới đón về chơi. Nhờ học tiếng Anh, sau này bị bắt khi đi quân dịch tôi được cho làm phiên dịch, công việc nhẹ nhàng, không phải ra trận. Nhưng tính mê chơi, ham nhảy đầm nên tôi trốn lính, sống cuộc đời rày đây mai đó miễn được tự do làm điều mình muốn…”.

Một triệu đồng là đủ đi chơi đảo

Ngồi bên bếp lửa than nướng hải sản tươi sống, nhâm nhi ly rượu vang và kể những câu chuyện hài hước với bạn bè, với người yêu, trong khung cảnh êm đềm của buổi chiều dạt dào gió biển… Để có được những trải nghiệm thú vị đó tôi chỉ phải tốn chừng một triệu đồng cho chuyến phượt hai ngày cuối tuần ra đảo xa Phú Quý.

Phía sau chùa Linh Sơn, nơi đây có thể nhìn được toàn cảnh trên đảo.

Phú Quý là một huyện đảo thuộc tỉnh Bình Thuận. Đảo có diện tích hơn 
16 km2 và cách đất liền 120 km. Hiện tại, mỗi ngày ở cảng cá Phan Thiết đều có hai chuyến tàu ra đảo. Tàu chậm chạy khoảng sáu giờ đồng hồ là đến nơi, còn đi tàu cao tốc mất khoảng bốn giờ. Tùy theo túi tiền và thể trạng mà bạn có thể chọn ghế ngồi hoặc giường nằm.

24 thg 5, 2016

Bún Xiêm Lo mê lòng khách đến miền Tây

Món bún xuất thân từ Campuchia khiến nhiều thực khách đến các tỉnh Long An, An Giang phải bưng cả tô húp lấy húp để.

Chỉ có mặt ở các hàng vỉa hè hoặc các quán ăn bình dân nhưng bún Xiêm Lo là thức ăn đặc sản nổi tiếng của miệt Mộc Hóa, Kiến Tường, Vĩnh Hưng tỉnh Long An và một số địa phương khác giáp biên giới Tây Nam nước ta. 

Tô bún bình dân trông không bắt mắt nhưng khá thú vị khi ăn. Ảnh: Thiên Chương 

Xiêm Lo vốn là món ăn quen thuộc của người Khơ Me, ban đầu bị chê bình dân bởi cách chế biến đơn giản từ nước lèo nấu từ cá lóc, chan vào bún Miên sợi, ăn cùng muối ớt. Song từ hơn 10 năm trở lại đây, bún Xiêm Lo được nhiều người Việt chế tác thành món cao cấp hơn dù vẫn trên nền công thức cốt lõi là cá lóc.

Quán hủ tíu Mỹ Tho 7 thập kỷ tại Sài Gòn

Suốt 70 năm qua, tô hủ tíu Thanh Xuân đậm đà vị Mỹ Tho vẫn thu hút thực khách sành ăn ở Sài Gòn nhờ nước lèo thơm ngọt tự nhiên.

Nằm trên đường Tôn Thất Thiệp, giữa trung tâm quận 1, hủ tíu Mỹ Tho Thanh Xuân không gây chú ý người đi đường bởi sự hoành tráng của bảng hiệu, của đèn chiếu, bởi quán khá nhỏ, gian bếp chính chỉ là chiếc kệ xinh xinh, bàn ghế đặt trước vỉa hè. Tuy nhiên, điều khiến khách vãng lai phải lập tức dừng lại căng mũi hít, đó chính là mùi thơm tỏa ra từ nồi nước lèo. 

Tô hủ tíu Mỹ Tho hút khách 70 năm tại Sài Gòn. Ảnh: Mr. True 

Đất trời Phú Yên

Là một tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, Phú Yên hội tụ nhiều tiềm năng về kinh tế biển và du lịch. Phú Yên còn là nơi khởi phát nên nghề câu cá ngừ đại dương của Việt Nam, một nghề không chỉ mang lại nguồn lợi kinh tế lớn mà còn góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. 

Tiềm năng kinh tế biển

“Mỗi năm, tỉnh Phú Yên khai thác được khoảng 6.000 tấn cá ngừ đại dương và 3.000 tấn mực. trong Năm 2016, tỉnh đang có kế hoạch đóng mới 185 tàu khai thác và dịch vụ hậu cần; nâng cấp, cải hoán 465 tàu và phấn đấu đến năm 2020 số tàu mới sẽ là 315 tàu, cùng với 705 tàu cá được nâng cấp, cải hoán…”

(Ông Lê Văn Trúc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên)
Nói đến Phú Yên là nói đến nghề đi biển, đặc biệt là nghề câu cá ngừ đại dương. Dân Phú Yên gọi cá ngừ đại dương là “cá bò gù”, bởi loài cá này có lưng gù và thịt đỏ như thịt bò. Người ta kể rằng, vào năm 1994, một số ngư dân chuyên làm nghề câu cá chuồn ở làng biển Phú Câu (nay thuộc phường 6, Tp. Tuy Hòa) trong một lần đi biển đã tình cờ câu được cá ngừ. Thế rồi từ làng biển Phú Câu, nghề câu cá ngừ đại dương chuyên nghiệp đã hình thành, phát triển mạnh sau đó nhanh chóng lan ra các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ.

Từ đó đến nay, nghề câu cá ngừ đại dương ở Phú Yên phát triển ngày một mạnh mẽ. Nhờ đó mà con cá ngừ đại dương của Việt Nam giờ đã có mặt tại thị trường gần 90 nước trên thế giới, trong đó có 3 thị trường truyền thống là Mỹ, EU và Nhật Bản. Và nghề câu cá ngừ đại dương của Phú Yên cũng được Chính phủ lựa chọn làm nền tảng để xây dựng chương trình đánh bắt xa bờ cho cả nước. Từ năm 2011, cá ngừ đại dương Phú Yên “Phuyen Tuna” đã trở thành nhãn hiệu cá ngừ đại dương đầu tiên ở Việt Nam được Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học - Công nghệ cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

Nơi lưu giữ khoảnh khắc cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Cuốn lịch treo tường dừng ở ngày 2/9, chiếc đồng hồ nhỏ chỉ 9h47, một cuốn sách lịch sử chống ngoại xâm đang lật dở... là những kỷ vật được bảo quản gần 50 năm qua trong khu Phủ Chủ tịch.

Trong khuôn viên di tích Phủ Chủ tịch (Ba Đình, Hà Nội) có 3 ngôi nhà gắn với một quãng đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: nhà 54, nhà sàn và nhà 67. Nhà 54 là ngôi nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng ở và làm việc khoảng 4 năm (từ tháng 12/1954 đến giữa tháng 5/1958). Nhà 54 có ba phòng, phía giáp ao là phòng làm việc, cũng là nơi tiếp khách, ở giữa là phòng ăn, kế tiếp là phòng ngủ. 

23 thg 5, 2016

Cây thị di sản và ngôi mộ mối đùn trong thành nhà Hồ

Nói về thành nhà Hồ, người ta không thể không nhắc đến hai cây thị “cổ” có tuổi đời hơn 600 năm tuổi, thuộc thôn Xuân Giai, xã Vĩnh Tiến (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa), cây thị đã trường tồn hàng trăm năm và được coi là biểu tượng tâm linh của vùng đất này.

Hai cây thị hơn 600 năm tuổi

Hai cây thị cổ có từ bao giờ, người dân thôn Xuân Giai chẳng ai biết. Ngay kể cả những người lớn tuổi như ông Trịnh Văn Hiềng (95 tuổi) cũng chỉ nghe kể lại. Từ khi ông sinh ra và lớn lên đã thấy nó. Điều đặc biệt, hai cây thị này mãi đến năm 2015 mới được công nhận là cây di sản thế giới. Khoảng thời gian dài ấy, vì sao cây thị vẫn không bị chặt, phá và ngược lại được bảo vệ đến tận bây giờ?.

Ông Hiềng bảo, khi ông sinh ra cho đến nay gần 100 tuổi đã thấy cây thị to như vậy, dường như nó không hề thay đổi.

10 món ngon làm quà biếu độc đáo ở Đắk Nông

Cà phê Đức Lập, khoai lang Tuy Đức, cà đắng, rượu cần, xoài Đắk Gằn…là những món ngon không lẫn vào đâu được của vùng đất Đắk Nông.

Cà phê Đức Lập 


Đức Lập là tên cũ của huyện lỵ Đắk Mil, một địa phương có đất đai, thổ nhưỡng rất phù hợp với cây cà phê. Hiện nay, Đắk Mil có diện tích cà phê lớn nhất của tỉnh. Do thuận lợi về tự nhiên; mặt khác, người dân địa phương đã có kinh nghiệm chăm sóc, thu hoạch, sơ chế… nên hạt cà phê Đắk Mil có chất lượng cao.

Hến sông Dinh

Thường khi nhắc đến các món ăn chế biến từ thịt con hến, người ta hay nghĩ đến hai địa danh Quảng Nam và Huế, bởi nó quá nổi tiếng từ xưa đến nay.

Nhưng điều đó bây giờ đã khác, 3 năm trở lại đây, người La Gi đã quen dần với tên gọi hết sức quê hương “hến sông Dinh”, một loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ sống dưới đáy sông Dinh có thịt ngon không thua gì hến Quảng Nam, hến Huế.

Sông Dinh xuất phát từ núi Ông, huyện Tánh Linh chảy qua Hàm Tân, rồi đổ về La Gi để hòa dòng vào biển Đông. Là con sông có lưu lượng nước khá ổn định, rất thích hợp cho sự phát triển của các loài thủy sản. Đặc biệt từ khi sông Dinh được ngăn đập, tôm cá… trong lòng hồ sinh sôi rất nhanh và tràn về phía hạ lưu với nhiều chủng loại phong phú. Ngoài cá, tôm, người dân còn phát hiện dưới sông có rất nhiều hến. Hến sông Dinh to con, thịt dày, sống lẫn trong lớp cát dưới đáy sông. Đây là loài nhuyễn thể sử dụng làm thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao.

Khi mùa lũ qua, nước sông Dinh rút, nhất vào khoảng tháng giêng đến tháng 3 âm lịch, người dân ra sông Dinh cào hến đem bán. 

Bán hến tại chợ Tân An. 

Bánh xèo nấm mối - món ngon ngày mưa

Niềm vui chị em tôi thuở ấy thật giản đơn khi biết mình sắp sửa được thưởng thức hương vị ngọt đậm đà, dai dai, giòn giòn của món bánh xèo nấm mối của mẹ khi những cơn mưa đầu mùa hè tới.


Khi ấy nhà tôi có đất rẫy ở Tân Lập - Hàm Thuận Nam, xung quanh đất có nhiều bụi tre, bụi chuối và có cả các gò mối nằm dọc bờ sông, nên sau vài cơn mưa đầu mùa nấm mối nhú lên từng giề, trông rất đẹp mắt.

Độc đáo nghề thả câu trăm lưỡi ở miền Tây Nghệ An

Không chỉ có quăng chài, thả lưới, bà con sống gần các con sông, con suối ở miền Tây Nghệ An như Mỹ Lý (Kỳ Sơn), Hủa Na (Quế Phong)... còn có một nghề khá độc đáo khác đó là nghề thả câu vương. Bộ câu vương, hay còn có tên gọi khác là câu trăm lưỡi (mỗi một bộ câu có hàng trăm chiếc lưỡi sắc nhọn) thích hợp cho việc đánh bắt ở những con sông có độ dốc cao và mục đích chính là đánh bắt các loài cá đi sát dưới đáy sông. Hay còn gọi câu vương là sát thủ của những con cá tiền triệu.

Trên những con thuyền 3 lá, người đàn ông nhẹ nhàng nâng từng đoạn câu. 

Làng trống nổi danh nhất Bắc Trung bộ chỉ còn là dĩ vãng

Thời Pháp thuộc, làng nghề làm trống xã Nghi Đức (thành phố Vinh) nức tiếng cả vùng Bắc Trung bộ. Năm tháng đi qua, làng trống xưa chỉ còn chưa đến 10 nhà giữ nghề truyền thống này. 

Theo lời kể của các nghệ nhân trong vùng, nghề làm trống Nghi Đức có cách đây hơn 100 năm, tính đến nay đã có trên dưới 10 thế hệ gắn bó với nghề này. Thuở ấy, từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, rất nhiều người đổ về Nghi Đức mua trống, học nghề. Trống Nghi Đức đã từng nức tiếng cả một dải Bắc miền Trung và kéo dài cho đến thập niên 90 của thế kỷ trước.

Làm trống chia ra nhiều công đoạn: ra gỗ, lắp ghép vỏ trống, bào vỏ trống, thuộc da bò, làm trơn vỏ, bịt mặt trống, làm trơn và đẹp trống. Mỗi công đoạn cần sự tỉ mỉ, khéo léo mới tạo ra được một chiếc trống ưng ý. Trống được làm bằng gỗ mít, đai trống dùng bằng dây mây, mộng chốt trống được làm từ tre...

Da bò là nguyên liệu không thể thiếu đối với nghề làm trống. Trước khi tang vào trống da bò được phơi nắng trong 2 ngày. 

22 thg 5, 2016

Kỳ thú “công viên đá” Hang Rái

Với cảnh quan thiên nhiên kỳ thú và địa chất độc đáo, “công viên đá” Hang Rái đang trở thành điểm khám phá mới trong bản đồ của giới du lịch bụi ở Ninh Thuận. 


Để xuống được tầng dưới của quần thể đá, du khách phải cẩn trọng trèo qua các mỏm đá nhọn - Ảnh: HUYỀN TRANG 

Tháng 5, bầu trời cao trong và nắng vàng như ướp mật. Khởi hành từ TP Nha Trang (Khánh Hòa), chúng tôi vượt cung đường dài 100km ngang qua núi đồi, biển đảo và cả những đồng ruộng xanh mướt mắt để đến với Hang Rái.

Nhìn từ xa, cả nhóm hơi thất vọng khi “công viên đá” với một khối đá lớn xù xì hiện ra trông chẳng có gì hấp dẫn. Thế nhưng khi đặt chân lên đó, mọi người đã không khỏi kinh ngạc trước vẻ độc đáo mà tự nhiên đã kỳ công sắp đặt.

Theo dấu chí sĩ yêu nước Nguyễn Thông

Ông không chỉ là nhà thơ, nhà văn, nhà hoạt động xã hội có tầm ảnh hưởng lớn mà còn là một chí sĩ yêu nước của thế kỉ XIX. Tìm về lăng mộ ông ở thôn Phú Hài – TP Phan Thiết – Bình Thuận, chúng tôi được biết nhiều điều bí ẩn xung quanh mộ ông…

Về Phú Hài, ngắm nhìn cảnh vật sông núi nơi có ngôi mộ chí sĩ yêu nước Nguyễn Thông, chúng tôi thật chạnh lòng khi nghe người trông mộ họ Nguyễn kia kể lại những câu chuyện bí ẩn từ lúc ông trông mộ. Mấy ai biết rằng ngôi mộ của Nguyễn Thông đã từng bị kẻ xấu chỉ vì lòng tham mà phá hủy…

Chuyện người trông mộ

Buổi trưa chúng tôi ghé thăm mộ Nguyễn Thông thì cổng vào khu mộ đã được đóng kín. Từ ngoài nhìn vào, chúng tôi thấy bờ tường khuôn viên và cả khu mộ đều được quét vôi màu vàng. Dò hỏi, chúng tôi được biết người trông coi khu mộ Nguyễn Thông chính là ông Võ Văn Vinh (còn gọi Tám Vinh) (sinh 1954) ở cạnh đó chưa tới 50m.

Khu di tích lăng mộ chí sĩ yêu nước Nguyễn Thông nhìn từ ngoài vào

Thích mê những trái đào rừng chín mọng ở chợ vùng cao

Không chỉ có màu sắc bắt mắt, những trái đào rừng còn có hương vị ngọt, thơm rất đậm đà, gây "nghiện" cho người thưởng thức. Tháng 5, chính là thời điểm những trái đào chín rộ và cho thu hoạch. 

Cứ đến độ tháng 5, du khách có dịp lên Tây Bắc sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh sườn núi ngập sắc xanh, đỏ của những trái mận, đào. Khung cảnh đẹp nên thơ này không chỉ thu hút khách du lịch muốn lên ngắm cảnh đẹp vùng Tây Bắc, mà các thương lái cũng đổ xô lên vùng núi để thu mua những trái mận, đào tươi ngon vận chuyển về xuôi. 

Ở khắp các khu chợ Điện Biên, Sơn La… đào, mận được bày bán, nhìn những rổ đào, mận chín mọng ai cũng thèm thuồng. Trước đây, đào được bán trên thị trường chủ yếu là đào phát triển tự nhiên trong rừng, những cây đào cổ này cho ra những trái đào có lông, càng chín càng có màu đỏ đậm, ruột vàng. Nhưng ngày nay, người dân đã cấy, ghép tạo ra nhiều giống đào như: đào lai mận, đào Pháp, đào Bích Nhị. 

Trời mưa lâm râm, cây trâm có trái...

Đi dạo qua khu vực ăn uống lề đường của khu phố Tàu (Chinatown) ở Bangkok (Thái Lan), đoàn du khách Đồng Nai chúng tôi bỗng bắt gặp một bất ngờ thú vị: Bên cạnh những loại trái cây truyền thống của Thái như sầu riêng, tha la, vải... bày bán trên quày, còn có mặt những bịch ni lông đựng trái trâm chín đen sậm. Mỗi một bịch chừng 100gam kèm theo túi muối ớt được bán với giá 20 bath (khoảng 8.000đồng VN). Ông Lý Văn Dừa, cựu giám đốc nhà máy đường Tân Thành (TP. Biên Hòa) ngạc nhiên kêu lên: "Trời ơi, loại trái cây chỉ có ở miền Đông mình mà bên Thái Lan này cũng có. Mà họ bày bán coi lịch sự quá! Chớ hồi nhỏ ở Phú Hội, mùa này có mấy bà già đem chừng một rổ trâm bán trước cổng trường học. Trâm được đong bằng cái chén đá rồi trút vô miếng lá chuối quấn thành hình cái loa. Đám học trò tụi này cứ vậy mà bóc ăn, chát chát, ngọt ngọt, miệng mồm đứa nào đứa nấy tím ngắt, đen thui...".

Trái trâm trên cây

Người cán bộ hưu trí 78 tuổi này, tham gia cách mạng từ lúc còn là một thiếu niên rồi được học tập ở miền Bắc, đưa sang Liên Xô đào tạo rồi về nước tham gia điều hành các cơ sở công nghiệp ở thành phố, đô thị bỗng chặt lưỡi: "Phải trên năm mươi năm rồi tôi mới nhìn thấy lại trái trâm. Không ngờ lại nhìn thấy nó ở Thái Lan".

Mãng cầu xiêm trên vùng đất badan

Khoảng 3 - 4 năm nay, mãng cầu xiêm trở thành mặt hàng trái cây của Xuân Bảo (huyện Cẩm Mỹ) có chỗ đứng trên thị trường TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông và vươn xa ra cả miền Trung. Hầu hết các lò mứt kẹo ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương hiện nay đều "ăn" mãng cầu xiêm nguyên liệu của Xuân Bảo, do trái mãng cầu xiêm trồng trên đất badan có trái lớn, múi to thuận lợi cho thao tác tách múi làm mứt. Đặc biệt, nguồn nguyên liệu ở Xuân Bảo dồi dào, ổn định. Còn những sạp bán trái cây tươi thì thích mãng cầu xiêm Xuân Bảo vì trái nở nang, màu xanh tươi lại có hương vị thơm, ngọt đậm đà không pha lẫn vị chát, hôi như mãng cầu xiêm miền Tây mới ghép trên thân cây bình bát.

Ông Hai Chấn bên cây mãng cầu Xiêm.

21 thg 5, 2016

4 món ngon níu chân du khách khi ghé Kiên Giang

Bún cá, nấm tràm, bánh thốt nốt hay cà xỉu là những món ngon lạ miệng, quen thuộc và rất phù hợp với du khách khi có dịp du hí đến miền đất Kiên Giang. 

Bún cá

Bún cá có mặt ở hầu hết các tỉnh miền Tây nhưng mỗi vùng miền lại có cách nấu món bún này khác nhau. Bún cá Kiên Giang ngon nhất phần thịt cá tươi, đó là những con cá lóc béo tròn được bắt trên các dòng sông, đồng ruộng.

Cá thường được luộc chín, cắt lát và róc hết xương. Nước dùng khá đơn giản là dùng nước luộc cá cùng với hành tỏi phi thơm và một ít gạch tôm tạo màu bắt mắt. 

Bát bún cá có giá khoảng 20.000 đồng. 

Trái ươi đặc sản rừng

Từ nhiều năm nay rừng Đồng Nai đã đóng cửa. Người "làng rừng" vùng chiến khu Đ không còn mấy ai được vào lượm trái ươi rụng đầy dưới gốc cây khi ve sầu bắt đầu cất tiếng hát. Nhưng không phải năm nào cũng có, "mùa ươi" có khi hai, ba năm mới trúng một lần. Do vậy, trái ươi ngày càng đắt đỏ.

Trái ươi phơi khô và ngâm nước nở ra làm thức uống giải nhiệt tốt.

Người viết đã một lần được theo chân các cán bộ kiểm lâm của Lâm trường Vĩnh An cho vào rừng để săn ươi. Nói là săn bởi vì trái ươi đã hiếm lắm rồi. Để hái trái còn tươi nguyên, các thợ săn phải leo lên cây mé nhánh. Ươi là loại thân cây to, cao cả chục mét. Do vậy, để mé được nhánh, thợ săn leo trèo giỏi. Mỗi cây có thể cho từ 30- 50kg trái tươi. Trái ươi tươi đem về phơi vài nắng, khô lại còn bằng đầu ngón tay giữa của người lớn thì có thể cất vào nơi khô ráo hàng tháng có khi vài năm vẫn không bị hư.

Giữ rừng mùa ươi...

Hằng năm, từ giữa tháng 4 đến tháng 5, cây ươi (còn gọi là đười ươi, lười ươi) có quả già, chín và rơi rụng theo những cơn gió. Do thời tiết năm nay khắc nghiệt nên ươi đậu quả ít. Mặc dù vậy, lực lượng bảo vệ rừng tại Vườn quốc gia Cát Tiên và Khu bảo tồn Thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai vẫn thường xuyên tuần tra, chốt trực để ngăn chặn kịp thời những đối tượng vào rừng chặt phá cây ươi.
Ươi ra quả ít

Vượt đường rừng gần 15 km qua các khu vực trảng cỏ, lồ ô… cuối cùng chúng tôi cũng đến được vùng đồi Đất Đỏ là nơi có nhiều cây ươi. Càng tiến sâu vào rừng, chúng tôi càng nhìn thấy cây ươi mọc nhiều hơn. Kiểm lâm viên Lại Văn Kiệt, Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên cho hay, trái ươi già chín sẽ theo hướng gió bay xa với khoảng cách khoảng 10 m. Khi gặp môi trường có độ ẩm thích hợp hạt ươi sẽ nẩy mầm và lớn lên thành cây. Do vậy, cây ươi mọc rải rác khắp nơi trong rừng.

Gần khu vực Trạm kiểm lâm Đồi Đất Đỏ, có nhiều cây ươi lâu năm, thân cây to bằng hai người ôm và vươn lên cao từ 30 - 40 m, thẳng tắp. Cành, lá và quả của cây ươi đều tập trung trên ngọn cao, muốn hái được trái phải leo đến gần ngọn cây. Thế nhưng, do trái ươi bán được với giá cao nên không ít người bất chấp nguy hiểm lẻn vào rừng để trèo hái ươi. Kiểm lâm viên Đinh Sỹ Đạt chia sẻ: “Trái ươi thường thu hoạch vào cuối mùa khô và đầu mùa mưa. Thời điểm này, hiện tượng thời tiết thường xảy ra là gió kèm theo mưa, ươi gặp nước là nở ra hư hết. Có những năm trái ươi được giá, nhiều người lại đổ xô đi hái ươi, hái cả trái xanh”.

Lực lượng kiểm lâm VQG Cát Tiên đang tuần tra khu vực có nhiều cây ươi

20 thg 5, 2016

3 món cà ri nghĩ đến là thèm, là nhớ ở Cà Mau

Nói đến món cà ri ngon ở mảnh đất mũi Cà Mau, không thể không nói tới bún cà ri, bánh tầm cà ri hay cà ri ốc bươu. 

Đây đều là những món khi đặt chân đến đất mũi bạn phải ghé ăn một lần mới hiểu hết được sự hấp dẫn của ẩm thực cà ri nơi đây. 

Các loại thức ăn nấu từ cà ri là món ăn quen thuộc của người Cà Mau, hầu như ở khắp các con phố bạn đều dễ dàng tìm được các món cà ri nghe rất lạ tai... Người Cà Mau chuộng nước cà ri bởi nó là sự kết hợp giữa vị béo bùi thơm ngon hòa cùng các loại thịt ninh nhừ khiến cho người dùng đã ăn một lần là cứ muốn thưởng thức hoài không chán. 

Bún cà ri 

Đối với món bún này thì nước dùng chủ yếu là cà ri, một loại nước nấu từ bột vàng, mịn, có mùi đặc trưng. Khi nấu cà ri người ta có thể kết hợp với nhiều loại thịt như: dê, heo, gà, vịt, tôm, mực... Nhưng phổ biến nhất vẫn là cà ri gà. Lý do vì sao phổ biến cà ri gà thì có lẽ do thói quen ăn uống của người dân nơi đây, họ thích vừa húp miếng nước xì xụp kèm bún, tay cầm đùi gà, xương gà, thưởng thức bát bún, nhẩn nha cắn miếng thịt mềm, thật là thú vị vô cùng. 

2 món ăn dân dã ngon nức tiếng ở đất Trà Vinh

Đến với đất Trà Vinh bạn không chỉ được thưởng thức món bún nước lèo, bún suông ngon nức tiếng, những trái dừa sáp dẻo quạnh béo béo mà bạn còn dễ dàng tìm được vô số món ăn dân dã nhưng vô cùng hấp dẫn tại “xứ sở dừa sáp này”. 

Pọoc cà nhạy là món ngon phổ biến của người Khmer và cá rô đồng kho đọt me chua ngọt lại được người Kinh rất ưa chuộng. Đặc điểm chung của hai món ăn trên là mang hương vị rất thanh tao, dân dã và đậm bản sắc vùng đất Tây Nam Bộ mà khó tìm thấy được tại các đô thị sầm uất. 

Pọoc cà nhạy 

Món pọoc cà nhạy thường có nhiều ở huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Cầu Kè nằm phía tây tỉnh Trà Vinh. Do vị trí địa lí và điều kiện tự nhiên nên Cầu Kè vẫn là huyện thuần nông nhất của tỉnh. Nơi đây còn tập trung khá nhiều đồng bào Khmer sinh sống. Đến Cầu Kè vào những ngày me nặng trĩu trái và gừng luôn sẵn củ non, bạn sẽ được người dân nơi đây thết đãi một món ăn dân dã nhưng vô cùng đặc sắc. 

Đĩa poọc cà nhạy được trang trí bắt mắt kích thích vị giác người dùng. 

Lao xao mùa ngâu chín

Trong mâm ngũ quả chưng trên bàn thờ gia tiên ngày tết của nhiều người dân cố cựu ở Biên Hòa, Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai), Tân Uyên, Dĩ An (tỉnh Bình Dương) ngoài thứ không thể thiếu là bưởi Tân Triều, còn có một loại trái cây rất được ưa chuộng là ngâu. Cho đến giờ, trong cả nước không ghi nhận được nơi đâu có loại trái này. Ngâu gần như là đặc sản chỉ có ở vùng Đại An (nay là xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu). Trái ngâu chín tỏa một mùi thơm đặc trưng và để được lâu ngày không thua kém gì bưởi. Mùi thơm của ngâu trong mâm ngũ quả kết hợp với mùi bông vạn thọ tạo thành hương sắc độc đáo cho cái Tết Nguyên đán của một thời chưa xa lắm trên vùng đất Biên Hòa.

Trái gì lạ quá!

Bà Nguyễn Thị Trung Hiếu, 43 tuổi, nhà ở phường Quang Vinh (TP. Biên Hòa) chuyên nghề bỏ mối bánh kẹo, có chồng người xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu) 4 năm nay cũng tham gia vào việc bán trái ngâu tết. Bà mua ngâu tại nhà vườn ở Tân An, dú khí đá rồi chở lên Biên Hòa bán ngay bên lề đường trước nhà mẹ ruột. Bà Trung Hiếu cho biết, ngâu năm nay chín sớm và bán rất được giá (40-45 ngàn đồng/kg, năm rồi chỉ 30-35 ngàn đồng/kg). Là người bán ngâu kém thâm niên nhất, không ít lần phải nghe những nam nữ thanh niên đi chơi ngang qua nhìn đống ngâu chất bên đường, ngừng xe lại hỏi: “Trái gì lạ quá vậy? Và ăn làm sao?”… Ấy vậy, bà Trung Hiếu cũng có khá đông khách hàng là mối quen đặt mua mỗi người 10kg để ngâm rượu, còn lại là khách đến mua ngâu chín đập vỏ ăn tại chỗ. Với số vỏ bỏ lại, bà cân bán cho người sành rượu ngâu với giá trên 200 ngàn đồng/kg, tùy theo việc thu được nhiều ít.

Chùm ngâu còn xanh trái trên cành. 

Trái ngâu Đại An

Trong một lần ghé Đồng Nai và được mời thưởng thức rượu ngâu, nhà báo kỳ cựu Phan Kim Thịnh (tức Lý Nhân, Phan Thứ Lang) - tác giả của những cuốn sách nổi tiếng như: Sài Gòn vang bóng, Bảo Đại - vua cuối cùng triều Nguyễn, Thiệu - Kỳ một thời hãnh tiến, một thời suy vong, Trần Lệ Xuân - giấc mộng chính trường... đã hứng khởi tiết lộ: 

Ông Hai Nữ với hủ rượu ngâu.
  • Trái ngâu này chỉ có ở miền Đông, cụ thể là ở Bình Giã và Đại An mà thôi. Theo tôi biết được thì vào khoảng năm 1959, Ngô Đình Diệm công du Đại Hàn được ông Lý Thừa Vãn mời thưởng thức rượu ngâu và sau đó có tặng cho mấy trái đem về nước làm quà. Vốn là người công giáo có tinh thần quốc gia cực đoan, ông Diệm nghĩ ngay đến việc chế biến ra một loại rượu lễ để thay thế cho rượu lễ đưa từ Roma sang nên đưa mấy trái ngâu này cho các vị linh mục ở Bình Giã và Đại An trồng thử và nghiên cứu việc làm rượu lễ. Sau đó Diệm bị lật đổ, còn Bình Giã và Đại An đều trở thành vùng chiến sự nên ý tưởng làm rượu lễ không có cơ hội thực hiện. Nhưng loại trái cây có mùi thơm đặc biệt này được các linh mục gọi là trái trường sinh được người dân trong vùng thu hái chế biến thành rượu uống rất ngon. 

19 thg 5, 2016

Hồ Bảo Lâm thơ mộng giữa miền cao nguyên

Nằm ở lưng chừng cao nguyên Di Linh, cách TP Bảo Lộc 14 km về phía tây bắc, hồ Bảo Lâm thơ mộng nằm nép mình bên thị trấn Lộc Thắng rồi quanh co tưới tắm cho những rẫy trà, cà phê xanh tươi bạt ngàn. 

Cổng chùa Hoa Nghiêm nhìn ra hồ Bảo Lâm, bên kia bờ là đồi trà, cà phê xanh tươi - Ảnh: Nguyễn Thiên Đăng 

Theo con đường Nguyễn Văn Cừ về huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng), ra khỏi nội ô TP Bảo Lộc đã thấy mênh mang những sườn đồi uốn lượn, phủ rợp màu xanh các loài cây công nghiệp. Chạm chân tới thị trấn Lộc Thắng là thấy hồ Bảo Lâm xanh mát hiện ra trước mắt.

​Lên núi Múa ngắm mùa lúa xanh

Tháng 6 chưa tới, những người ưa khám phá vẫn đang thấp thỏm tới mùa lúa chín bên dòng Ngô Đồng để đổ về đây. Nhưng lúa tháng 5 mang một vẻ đẹp riêng, màu xanh ngút ngàn hòa trong màu núi. 

Bức tranh Tam Cốc nhìn từ ngọn núi Múa - Ảnh: Minh Đức 

Những ngày nghỉ lễ, người người đổ về chiêm bái và du ngoạn Tràng An, Bái Đính hay Tam Cốc - Bích Động. Chốn non nước Ninh Bình chỉ hấp dẫn chúng tôi khi cảnh sắc thiên nhiên không bị vướng bận những dòng người ùn ùn kéo tới ồn ào và xô bồ. 

Dưa gang Long Thành

Đến nay đã cuối mùa nhưng dọc theo quốc lộ 51 đoạn xã Hiệp Phước (huyện Nhơn Trạch) và tại cây xăng trên đường 25B vẫn còn 5, 7 sạp dưa gang chất đống bên đường, lác đác người mua. Ông Phan Văn Năm, một "nông dân cựu trào" của xã Phước Lai (sau này sáp nhập với Phước Kiểng thành xã Hiệp Phước) nay đang là cán bộ phụ trách nông nghiệp của xã Hiệp Phước cho biết: Năm rồi dưa gang bị thất mùa do thời tiết xấu nên năm nay dưa gang bị thu hẹp diện tích chỉ còn chừng 3 hécta, tập trung ở ấp 5 và ấp 6. Tám Tài (Đoàn Văn Tài) là "vua trồng dưa gang" ở đất này mà năm nay cũng chuyển sang trồng bí đao. Vậy mà cũng có một số bà con ở Hiệp Phước mượn đất bên Long An (huyện Long Thành) để trồng dưa gang lại trúng. Có lẽ dưa gang năm nay bị thu hẹp diện tích nên bán có giá (3.000đ/kg). Mấy năm trước, giá chỉ 1.500 đến 2.000đ/kg... Nhưng nhìn chung tình trạng thăng trầm của dưa gang trên đồng đất Hiệp Phước này nó giống như câu nói của ông bà mình ở Phước Lai trước đây: "Muốn lên trồng thuốc, muốn tuột trồng dưa...!".

Một sạp bán dưa gang trên vệ đường quốc lộ 51 ở Hiệp Phước (huyện Nhơn Trạch).

Dâu miệt vườn

Đầu xuân ở miệt vườn Long Thành, Nhơn Trạch sầu riêng, chôm chôm đang trổ bông. Năm nay khá bất ngờ là tất cả các vườn dâu ở vùng đất này đều rộ bông rất sớm. Nhiều cây dâu còn có trái sai oằn. Ông Hai Dội (Nguyễn Văn Dội) năm nay 82 tuổi, là một lão nông tri điền ở ấp Xóm Hố, xã Phú Hội (huyện Nhơn Trạch) phấn khởi cho biết: “Trồng dâu thường thì năm đặng, năm thất. Năm nay là năm đặng đây!”.

Dâu đang có bông và trái sớm.

18 thg 5, 2016

Nét đẹp chùa Ông, Vĩnh Long

Anh Lê Thanh, người dân đoàn chúng tôi tham quan Vĩnh Long giải thích “…Đến Vĩnh Long, nhiều du khách rất thích đến chùa “Ông” bởi nơi đây có lối kiến trúc nghệ thuật đẹp, độc đáo, lưu giữ nhiều hiện vật quý hiếm, cổ xưa…”. 


Anh Thanh kể, người dân địa phương nơi đây quen gọi là chùa “Ông” chớ thật ra tên gọi đúng phải là Thất Phủ Miếu bởi đang có 7 phủ của người hoa đang hiện diện tại đây gồm: Ninh Ba, Phước Châu, Chương Châu, Truyền Châu, Quảng Châu, Triều Châu và Quỳnh Châu (tức đảo Hải Nam) của các tỉnh Trực Lệ, Phước Kiến và Quảng Đông.

Chợ Hàng - nét sinh hoạt thú vị của người Hải Phòng

Chợ Hàng là một nét sinh hoạt đời sống rất riêng và thú vị của người dân thành phố Hải Phòng.

Có thể nói đây là chợ quê, bởi nó được họp theo phiên - sáng chủ nhật hàng tuần; và cung cách sinh hoạt, hàng hoá, cách thức mua bán cũng rất… quê. Chỉ có điều chợ quê này được họp ngay ở phố, trong lòng thành phố. Đó là chợ Dư Hàng Kênh - hay vẫn thường được gọi là chợ Hàng,thuộc phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân, Hải Phòng.

Chuối già Long Tân

Tưởng rằng với những câu ca dao Đồng Nai quen thuộc:

"Trà Phú Hội, nước Mạch Bà
Sầu riêng An Lợi, chuối già Long Tân"

thì chuối là cây trồng gần gũi và bình thường đến mức không có gì để nói. Thế nhưng lần theo địa danh trong câu ca dao để đến Long Tân (huyện Nhơn Trạch) mới biết là chung quanh cây chuối cũng có lắm chuyện hay.

Bà Hai bánh ú bên một buồng chuối già lùn trong vườn nhà ở ấp Bình Phú, xã Long Tân.

17 thg 5, 2016

Mít tố nữ Phú Hội

Mùa này, cùng với sầu riêng, chôm chôm, mít tố nữ đang chín rộ khắp miệt vườn Nhơn Trạch, Long Thành, Long Khánh, Cẩm Mỹ...

Mít Tố nữ Phú Hội

Vài năm gần đây, mít tố nữ được trồng nhiều ở Long Khánh, Cẩm Mỹ. Do cây tơ và trồng giống mới nên mít tố nữ ở những nơi này đều cho trái to, nhưng dân sành điệu thường tìm cho được mít tố nữ Phú Hội và phải là mít tố nữ thứ thiệt, vì dân nhà vườn ở đây cũng có người đã đưa mít tố nữ giống mới (nhiều nhà vườn gọi là mít Malaysia) vào trồng. Mít tố nữ giống mới có lợi thế là trái to (thường trên 2kg/trái), múi mít cũng to, ngọt và hạt lép, nhưng không có mùi thơm đặc trưng của mít tố nữ Phú Hội. Có một điểm nữa mà các loại mít tố nữ khác không có được là khi xé vỏ trái mít ra thì toàn bộ múi mít vàng ươm bám san sát vào cùi mít, rất hiếm khi nhìn thấy có xơ mít.

Rễ tranh, ngọt lành nước mát đồng quê

Những ngày nóng rát mặt, một ly nước rễ tranh thơm mùi lá dứa cũng đủ đưa người ta trở lại với một thời thơ bé, bình yên nơi vùng quê xa lắc. 

Rễ tranh, thứ nước mát đồng quê dân dã - Ảnh: Quách Duy Thịnh 

Lang thang tìm mua mấy thứ lặt vặt ở chợ quê thì thấy một cô hàng ngồi tựa lưng vào vách tường chỉ để bán có mấy bó rễ tranh. Chợt nhớ cũng đã lâu lắm rồi, chính xác đã từ rất lâu mình đã không còn uống loại nước mát này nữa.

Hột cầy rang

Hầu hết ở những cánh rừng bị chặt phá nham nhở, thường chỉ còn lại trơ trụi những cây cầy với tàng lá xanh um. Nhiều dân làm rừng ở Mã Đà, Vĩnh An từng cho tôi biết: "Thợ rừng chê cây cầy vì gỗ loại cây này giá trị không cao mà lại rất khó cưa, xẻ cũng như đốn hạ". Già làng Năm Nổi, ông Út Nghị - người dân tộc Chơ Ro - cán bộ cựu trào ở vùng Lý Lịch - Bù Cháp thì cho rằng: "Cây này ở Chiến khu Đ rất lạ là mỗi khi Mỹ rải chất độc hóa học thì các loại cây rừng khác đều trụi lá rồi chết rũ, ngoại trừ cây cầy".

Cây cầy (kơ nia)

Củ "chụp" rừng miền Đông

Là dân Phú An (tỉnh Bình Dương), tham gia kháng chiến từ năm 17 tuổi, nhưng đến nay ông Lê Thiện, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Đồng Nai vẫn nhớ như in về những ngày ở chiến khu Đ bị địch phong tỏa gắt gao, cạn kiệt lương thực, toàn thể cán bộ, phóng viên, nhân viên Đài phát thanh giải phóng phải đi đào củ chụp đem về ăn chống đói. Ông nhớ rõ lần đầu tiên đi đào củ chụp: "Trưởng đoàn là anh Bảy Kỉnh (Lê Đức Tài - Phó giám đốc đài), phó đoàn là anh Hai Lý (nhà văn Lý Văn Sâm). Đi hai ngày, phần lớn là leo đèo... Đến nơi, được hướng dẫn phương pháp, anh em chia ra từng cặp đi đào. Té ra là loại củ mài lâu năm ăn sâu xuống lòng đất cả thước. Phải lấy tre đẽo thành hình như cái nơm, rồi "chụp" đất kéo lên dọc theo thân củ, nên gọi là củ "chụp"...". 

Già làng Năm Nổi đang hướng dẫn nguyên Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt xem củ chụp tại đồi củ chụp thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên. 

16 thg 5, 2016

Xuyên rừng trên cung trek đẹp nhất Việt Nam

Nối liền từ cao nguyên Lâm Đồng sang duyên hải Bình Thuận, tuyến đường Tà Năng - Phan Dũng có địa hình đa dạng cùng khí hậu đối nghịch từ hai phía đã trở thành cung trek thú vị và đẹp bậc nhất đối với dân du lịch bụi ở Việt Nam.

Tuyến đường chính với chiều dài trung bình là 35 km, để đi hết bạn phải mất chừng 3 ngày 2 đêm. Đây cũng là đường mà dân bản đi rừng và tạo thành những lối mòn dễ thấy. Chính vì thế, nếu không có kinh nghiệm và bản đồ cùng các thiết bị định hướng chuyên dụng bạn sẽ rất dễ rơi vào ma trận. 

Quảng Ngãi không chỉ có 'vương quốc tỏi' Lý Sơn

Nhắc đến Quảng Ngãi du khách thường nghĩ ngay tới Lý Sơn, tuy nhiên mảnh đất miền Trung này còn có rất nhiều điểm đến thú vị khác để du khách khám phá.

Núi Thiên Ấn - sông Trà

Người Quảng Ngãi có câu ca mô tả rất lãng mạn về hai địa danh này là "Bao giờ núi Ấn hết tranh, sông Trà hết nước anh đành xa em" (đường lên núi cỏ tranh mọc đầy). Núi Thiên Ấn là đệ nhất thắng cảnh và cũng là "núi thiêng" của đất Quảng Ngãi. Xe đi đến chân núi từ ngã ba đầu cầu Trà Khúc trên quốc lộ 1A, rẽ quốc lộ 24B về hướng đông thêm 10 phút là tới.

Đường đi lên đỉnh núi xoắn ốc nên từ trên nhìn xuống sẽ thấy phong cảnh thành phố Quảng Ngãi bao la từ dòng Trà Khúc uốn lượn cho tới những cánh đồng, làng mạc và núi đồi. Tới đỉnh núi, du khách có thể tham quan ngôi chùa Phật với chiếc giếng cổ sâu 20 m, và thăm mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng.

Thác Trắng 

Dưới chân thác có một hồ nước sâu tự nhiên rộng hàng trăm m2, nước xanh biếc và trong lành, mát lạnh. Ảnh: Instagram 

Những món ngon bổ rẻ ở Hải Phòng

Dạo một vòng quanh thành phố hoa phượng đỏ để thưởng thức giá bể xào cay, bánh đúc tàu trắng mượt… bạn sẽ thấy thêm yêu mảnh đất thân thiện này.

Dưới đây là những gợi ý quen mà lạ dành cho du khách muốn khám phá ẩm thực thành phố Hải Phòng.

Bánh mì cay

Đứng dầu danh sách chính là món bánh mì cay danh bất hư truyền. Dù món ăn này đã “phủ sóng” tới mọi ngõ ngách trên dải đất hình chữ S, thưởng thức bánh mì cay chuẩn vị ngay tại thành phố Hải Phòng vẫn sẽ là một trải nghiệm đáng nhớ. 

Những tiệm bánh mì cay đắt khách thường là ở vỉa hè. 

Đi bộ trên biển, khám phá ba đầm

Ở Ba Hòn Đầm, có một điều khá thú vị là du khách có thể lội bộ… trên biển. Đó là chuyện có thật, vì mực nước biển giữa ba đầm này chỉ cao ngang thắt lưng người lớn khi thủy triều xuống.

Từ xa chỉ nhìn thấy Đầm Dương (bên trái) và Đầm Đước, Đầm Giếng nằm khuất sau Đầm Dương.

Giữa khung cảnh hoang sơ mênh mông trời nước của Ba Hòn Đầm, du khách có cảm giác như ở giữa biển khơi. Càng có cảm giác “rợn tóc gáy” khi xăn ống quần lội bộ từ hòn này sang hòn khác trên đầm trong làn nước biển chỉ ngang đầu gối khi thủy triều xuống thấp nhất. Bàn chân đạp trên những viên sỏi lớn nhỏ khác nhau lẫn trong nền cát biển, những đám thủy sinh đung đưa như vẫy chào, kích thích du khách bước tới.

Rau tàu bay

Rau tàu bay

Cây rau tàu bay thuộc họ Cúc (Asteraceae) tên khoa học là Gynura Crepidioi des Benth là loài thân thảo, có lông, cao khoảng 50-60cm, gần như có mặt khắp ở mọi miền đất nước. Nhưng loài rau tự mọc thường được xem là một loại "cải trời" này lại tỏ ra thích hợp ở miền Đông Nam bộ, nơi một năm có hai mùa mưa nắng với khí hậu nóng, ẩm ướt mà cao ráo. Đặc biệt, với chùm hoa lông trắng hình trụ, nở rộ vào mùa hè và tỏa hương ra xa, rau tàu bay phát triển rất nhanh hình thành những đám rau hoang dại. Rau tàu bay trở thành một loại rau mọc trên cạn khá phổ biến ở nhiều vùng nông thôn, rừng núi miền Đông. Lá và thân cây rau tàu bay có mùi vị đặc trưng là hăng hăng, đăng đắng, nhưng ăn mát và ấm bụng, lại rất "lành" nên nó còn được dùng làm "cơm" thay gạo cho nhiều đơn vị bộ đội sống và chiến đấu trong vùng Chiến khu Đ trong những thời điểm gặp khó khăn về lương thực. Trong bữa ăn thường ngày của bà con nông dân, nhất là dân làm rẫy sống cạnh rừng, thì canh rau tàu bay, rau tàu bay xào, luộc... là những món ăn ngon. Đặc biệt, rau tàu bay sống chấm với nước cá kho, thịt kho vẫn giữ nguyên hương vị đăng đắng, nồng nồng, ăn một lần nhớ mãi. Có người ghiền ăn sống rau tàu bay đến nỗi bị người thân dọa là ăn rau tàu bay nhiều sẽ bị đau lưng, mất máu (!??), nhưng vẫn không bỏ được.

Bông điên điển vùng hồ Trị An

Mùa mưa này làm một vòng quanh hồ Trị An, nhiều người không khỏi bất ngờ khi nhìn thấy những đám điên điển đang trổ bông vàng rực rỡ. Ân tượng nhất là những đám điên điển mọc ven bờ Bà Hào, Lạc An...

Bông điên điển

Ở xã Vĩnh Tân, đoạn ngã ba Trị An qua sông Mây cũng thấp thoáng một rừng hoa điên điển, khá thú vị là ngay ở cái hồ trong trang trại trồng trầm hương và cây kiểng của ông Trần Văn Quyến ở tận vùng Núi Tượng (huyện Tân Phú) mùa này cũng rực vàng bông điên điển.

15 thg 5, 2016

Chết thèm... gỏi sứa

Chỉ bằng vài động tác thuần thục, những đàn sứa dập dìu trên mặt nước trong xanh trong phút chốc đã nằm gọn lọn trong mẻ lưới của các ngư dân lão luyện. 

Một số người dân quê tôi, thỉnh thoảng khi đến ngày chủ nhật lại lục tục rủ nhau bơi thúng ra các ghềnh đá quanh vịnh Đà Nẵng để câu cá. Họ coi đây là một thú vui giúp đầu óc thư giãn sau một tuần làm việc căng thẳng. 

Không chỉ được đắm mình trong không gian yên bình của biển cả, mà cánh đàn ông còn có thể tranh thủ kiếm vài con cá cho vợ góp vào làm phong phú thêm bữa cơm gia đình. 

Trong những chuyến đi câu kiểu lãng tử như thế, nhiều lần trên đường vào bờ, đám đàn ông thường cho thúng cặp sát những chiếc thuyền của ngư dân thả lưới đánh bắt sứa, vừa xem họ đánh bắt sứa ra sao, vừa tranh thủ hỏi mua một ít về làm mồi nhậu lai rai khi hoàng hôn buông xuống.