30 thg 5, 2014

Ông tên Kha Vạn Cân hay Kha Vạng Cân?

Ở Thủ Đức có một con đường lớn mang tên Kha Vạn Cân.

Kỹ sư Kha Vạn Cân (16/10/1908 - 18/1/1982) là một trí thức yêu nước nổi tiếng của Nam bộ. Ông đã từng là Đô trưởng Sài Gòn-Chợ Lớn của chính phủ Trần Trọng Kim từ 1945. Sau Cách mạng tháng 8, khi chính quyền Trần Trọng Kim sụp đổ, ông được Ủy ban Nhân dân Nam bộ cử làm Chủ tịch Ủy ban Hành chánh lâm thời Sài Gòn-Chợ Lớn, chủ tịch thành phố đầu tiên của chính quyền cách mạng. Ông là Bộ trưởng bộ Công nghiệp nhẹ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Một nhân vật quan trọng như vậy mà khi đặt tên đường lại bị ghi sai tên! Sai như thế nào?


Hầu như tất cả các thông tin chính thức đều ghi tên ông là Kha Vạng Cân chứ không phải là Kha Vạn Cân. Dưới đây là 2 thông tin chính:

Giấy chứng nhận của Thủ tướng chính phủ ghi tên ông là Kha Vạng Cân, bộ trưởng bộ Công nghiệp nhẹ

Nướng ngói ở Nha Trang

Với nguồn nguyên liệu phong phú, dễ dàng chọn lựa và tự tay chế biến theo sở thích cùng với giá cả hợp lý… thời gian qua, các quán nướng ngói trên địa bàn TP. Nha Trang được nhiều người ưa thích…

Phong cách thưởng thức mới lạ

Từ trước đến nay, món nướng luôn hấp dẫn nhiều người bởi hương vị thơm nồng đặc trưng với nhiều hình thức phong phú như: xiên que nướng, nướng trên chảo gang, nướng trực tiếp trên vỉ than, nướng trên bếp điện... Nhưng ít ai biết rằng “ngói” - một vật liệu được sử dụng nhiều trong xây dựng lại có thể tạo nên những món nướng tuyệt vời mà vẫn giữ được hương vị tươi ngon của nguyên liệu. Đây có thể coi là một phong cách ẩm thực mới lạ và độc đáo.

Vào mỗi buổi chiều, nhất là những ngày cuối tuần, trên các con đường trung tâm TP. Nha Trang như: Hồng Bàng, Nguyễn Trãi, Yersin, 2-4, Lê Quý Đôn, Tô Vĩnh Diện, Mai Xuân Thưởng... người ta dễ dàng tìm thấy một quán nướng ngói nhờ vào mùi thơm từ các món nướng, âm thanh sôi nổi, rôm rả từ các bàn ăn. Đặc trưng dễ nhận thấy của các quán nướng ngói là cách bài trí thoáng mát với những bộ bàn gỗ, ghế tre nhỏ nhắn, sơn màu cánh gián. Anh Nguyễn Hữu Trung, chủ quán nướng ngói Ku Ken 79 (A6 đường 2-4, Vĩnh Phước) cho biết, cuối năm ngoái khi đi du lịch Đà Lạt và được thưởng thức món nướng ngói rất thơm ngon, anh đã nảy ra ý tưởng mở một quán nướng như thế tại Nha Trang. Sau khi quán mở, khách tới ăn rất đông, phần lớn là giới trẻ.

Nướng ngói đang được các bạn trẻ ưa chuộng. 

Nắng đầu nguồn…

Đầu nguồn Vu Gia. Những ngôi làng neo mình trên bến vắng và nắng rải thảm trên “giao lộ” con nước biếng lười “độc hành” về xuôi… 

Con đường 60km đầy đất đá bụi bặm chỉ còn là vệt mờ trong ký ức. Bến đò Đại Sơn (Đại Lộc) ở quãng cuối đường ĐT 619. Xe đổ xuống bãi cát, qua những tấm mành mành bày trên mặt đất, lên cầu tạm, xuống đò… có cả học trò qua sông, leo dốc lên Tân Đợi. Cuối đường bê tông vắt vẻo, hun hút ven đồi nhấp nhô ngọn cây lá kim hình tháp bất ngờ hiện ra một ngôi làng mới vắng người ngay đầu nguồn. Anh Ngọc, công an viên Đại Sơn nói đó là làng định cư Tam Hiệp của những người bị mất đất sau những trận lở đất của hai làng Thác Cạn và Ba Tớt đầu nguồn. Mỗi sáng họ trở về làng cũ làm đồng. Chiều tối về lại làng mới, tắm gội, rửa ráy, giặt giũ ngay tại các giếng khơi đầu làng. 


Giao lộ đầu nguồn. 

Dưới chân Hòn Đền

Có một miền tâm linh phía sau những khu đền tháp Mỹ Sơn, nơi cánh rừng nở đầy hoa sim và tiếng suối dội vào vách đá ầm ào như một bản nhạc kéo dài bất tận.

Đỉnh núi Hòn Đền mây trắng bao phủ quanh năm. 

Mỹ Sơn cuối ngày, khi những tia nắng vàng xuyên qua tán lá, phủ mờ trên những cổ tháp rêu phong cũng là lúc các vũ nữ Apsara bước ra từ thần thoại uốn mình nhịp nhàng theo vũ điệu đất trời, giữa tiếng chim ríu rít và gà rừng lảnh lót. Cách đó không xa, sau những hoang vu là không gian của màu xanh với bạt ngàn cây rừng, hoa lá, chim muông những địa lan, cau rừng, sim tím… hồn nhiên khoe sắc.

Xanh mát Cồn Doi

Nằm bên luồng Cửa Đại, rìa đất cuối cùng của TP.Hội An, Cồn Doi (phường Cửa Đại) trở thành điểm nghỉ ngơi, dã ngoại lý tưởng của du khách và người dân trong những ngày hè nắng nóng.
Theo giải thích của người dân quanh vùng, Cồn Doi nghĩa là doi cát nổi lên nơi cửa biển. Ngày trước, muốn đến cồn chỉ có cách duy nhất là đi ghe ra vì nơi đây bốn bề giáp nước. Tuy nhiên, hơn một năm trở lại đây việc đi lại dễ dàng hơn khi con đường đất nối với Cồn Doi đã được đắp để phục vụ cho việc vận chuyển nuôi tôm. Từ bến cảng Cửa Đại nhìn sang, Cồn Doi nổi bật lên với màu xanh của những vạt rừng dương in hình trên sóng nước. Vào ngày nắng nóng, cồn trở thành nơi không thể thiếu của người dân và du khách đến vui chơi, sinh hoạt trên những bãi cát mịn màng hay cắm trại dưới tán lá rừng dương vi vu gió thổi. Theo vợ chồng ông Mai Văn Trúc - gia đình duy nhất sống trên cồn cát này cho biết, vợ chồng ông vẫn thường đón tiếp những nhóm khách từ Hà Nội, Sài Gòn đến đây dã ngoại, tắm biển ăn uống vui chơi cả buổi chiều. Nhiều khách còn thức cùng ông làm chài, kéo rớ để tận hưởng không khí trong lành về đêm nơi cửa biển, có khi đến tận hôm sau mới trở về. 

Du khách nước ngoài trải nghiệm làm ngư dân tại Cồn Doi. 

Vào hang Thoát Y Vũ

Hang Thoát Y Vũ vừa được công nhận là di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh. Di tích hang động này còn gọi là hang Dơi (vì rất nhiều dơi) thuộc địa phận thôn 4, xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên. 

Từ trung tâm huyện Cát Tiên vào hang Thoát Y Vũ chỉ không đến 50km nhưng nếu là mùa mưa thì không thể nào có cơ hội tiếp cận được di tích danh lam thắng cảnh vừa được công nhận này. Nhưng điều quan trọng và rất hấp dẫn là: Theo tục lệ của người Mạ ở Cát Tiên, đây là hang động khi muốn vào bên trong, con người trần tục phải cởi bỏ mọi thứ đang mặc (áo, quần...) và đang mang trên người (nhẫn, vòng tay...), và đồng thời còn phải gột rửa mọi “tham, sân, si...” trong đầu. Nếu không, con người đó sẽ bị những con vật của thần linh trong hang trị tội. Nếu vào hang và trở ra an toàn, con người ấy sẽ được hạnh phúc mãi mãi!

“Trong tương lai, hang Thoát Y Vũ sẽ trở thành một điểm tham quan du lịch hấp dẫn của huyện Cát Tiên” - Bí thư Huyện ủy Cát Tiên Huỳnh Văn Đẩu khẳng định. 


Lội qua một con suối dài khoảng hơn 3km mới tới được hang Thoát Y Vũ 

29 thg 5, 2014

Gành Hào ơi...!

Tôi không phải dân Bạc Liêu hay Cà Mau nên không gắn bó gì với tên sông Gành Hào hay huyện Gành Hào, nhưng tôi thích nghe bài Đêm Gành Hào nhớ điệu hoài lang của Vũ Đức Sao Biển nên nhập tâm hai tiếng Gành Hào. Gành Hào ơi, nửa đêm ai hát lên câu hoài lang

Bạc Liêu ơi có nhớ chăng ai? 

Thuở ấy thanh xuân, trăng Gành Hào tròn như chiếc gương
Giờ tóc pha sương qua Gành Hào tiếc một vầng trăng

Và rồi khi đi qua Cà Mau, Bạc Liêu, được giới thiệu rằng mình đang đi trên sông Gành Hào thì nghe lòng xao xuyến lạ: đêm Gành Hào nhớ điệu hoài lang...



Cổ kính chùa Chuông phố Hiến

Với bề dày lịch sử cùng hệ thống các pho tượng cổ độc đáo, chùa Chuông, Hưng Yên được mệnh danh là "Phố Hiến đệ nhất danh lam".

Chùa Chuông nằm trên địa phận phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên (xưa thuộc tổng An Tảo, huyện Kim Động, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Chùa được xây dựng từ thời Lê (thế kỷ XV), qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, chùa vẫn giữ được nét kiến trúc nghệ thuật thời Hậu Lê (thế kỷ XVII).

Không chỉ nổi tiếng là một địa chỉ tâm linh trong quần thể di tích lịch sử Phố Hiến, chùa Chuông còn là một cảnh quan của Hưng Yên luôn làm nao lòng du khách. Cuốn sách “Hưng Yên tỉnh nhất thống chí” của Trịnh Như Tấu, thời Nguyễn đã khẳng định điều này: “Chùa Chuông – phố Hiến đệ nhất danh lam”. 

Khu du lịch Kỳ Vân

Nằm dưới chân dãy núi Minh Đạm, Khu du lịch Kỳ Vân (Kỳ Vân) như đang giấu mình trong một vịnh biển êm đềm được xem là một trong những vịnh biển đẹp nhất của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, vịnh Long Hải. Vùng đất sơn thủy hữu tình này xưa kia từng được vua Bảo Đại chọn làm nơi nghỉ ngơi, thưởng ngoạn.

Tưởng như bị lãng quên theo năm tháng, dù vẫn đẹp như một bức tranh thủy mặc thơ mộng trong sự hài hòa của mây trời, hương núi và gió biển, bỗng nhiên vào một ngày, “nàng công chúa Kỳ Vân” trở mình khi được đánh thức bởi sự tôn tạo, tô điểm của bàn tay con người.

Đó là năm 1997, khi công ty du lịch Long Hải được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho phép liên doanh với công ty TNHH Hoàng Cung (Tp. Hồ Chí Minh) cải tạo nơi đây thành khu du lịch sinh thái. Cuối năm 1998, Kỳ Vân chuyển thành công ty cổ phần với sự liên doanh của công ty du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu, Công ty TNHH Hoàng Dung, bà Anoa Dussol Perran (Việt kiều Pháp) và được gắn thêm tên giao dịch quốc tế: Anoasis Beach Resort.

Du khách bị cuốn hút bởi một không gian thoáng đãng rộng mở ngay từ ngoài cổng vào khuôn viên Khu du lịch Kỳ Vân.

28 thg 5, 2014

Mì Quảng Phan Thiết

Một trong những món đặc sản được nhắc nhở khi tới Phan Thiết là mì Quảng Phan Thiết. Lưu ý là có 2 loại: mì Quảng Phan Thiết và mì Quảng ở Phan Thiết. Loại thứ nhất là mì Quảng đã được chế biến lại theo kiểu Phan Thiết, loại thứ hai là mì Quảng chánh hiệu được ăn tại Phan Thiết.

Mì Quảng chánh hiệu xuất phát từ Quảng Nam và giờ đã được bán khắp nơi trong cả nước rồi, nay mình tới Phan Thiết thì phải ăn mì Quảng Phan Thiết, tức là mì Quảng cải biên theo kiểu Phan Thiết cho nó đúng điệu!

Người ta giới thiệu rằng Phan Thiết có món mì Quảng vịt rất độc đáo. Độc đáo vì mì Quảng thứ thiệt thì hổng có vịt. Tô mì Quảng vịt đây:

Muốn ăn "cá chốt trên bờ Triều Châu"

"Bạc Liêu nước chảy lờ đờ/ Dưới sông cá chốt trên bờ Triều Châu". Nhắc đến Bạc Liêu là dân sành điệu nghĩ ngay đến cá chốt, cũng như người đồng bằng nhớ công tử Bạc Liêu, nhớ Dạ cổ hoài lang của nhạc sĩ Cao Văn Lầu. 

Cá chốt vừa đánh bắt - Ảnh: H.Vũ

Nói về hai câu ca dao xưa, người dân đồng bằng sông Cửu Long giải thích bởi cá chốt ở Bạc Liêu ngày xưa nhiều vô số kể, nhiều đến nổi vào những đêm trăng sáng, người ta chỉ cần rải một nắm cám xuống sông lập tức chúng sẽ quơ râu đầy trên mặt nước.

Về Phong Điền ăn bánh hỏi Út Dzách

Trong ngày Hội bánh dân gian Nam bộ lần 3-2014 tại TP Cần Thơ, nhiều người đã tò mò nếm thử món ăn dân dã có cái tên là lạ "bánh hỏi mặt võng Út Dzách" để rồi tìm đến tận Phong Điền để khám phá thêm một nghề truyền thống.

Bánh hỏi mặt võng - Ảnh: T.Tâm

Nằm cách TP Cần Thơ chừng 15km, vào Phong Điền đi qua phà Vàm Xáng rồi tới bến đò Mương Ngang, quẹo phải chừng 30m là bạn đã đến lò bánh hỏi mặt võng Út Dzách.

Ông Trần Thiện Cảnh (47 tuổi, con thứ tư của gia đình, trước là giáo viên, sau xin nghỉ việc), cho biết bánh hỏi mặt võng của gia đình ông là nghề truyền thống lâu đời, đã có cách nay hơn 50 năm.

27 thg 5, 2014

Bánh căn Phan Thiết

Tui từng được bạn hiền Lâm văn Lẫy chiêu đãi món bánh căn Phan Rang và rất kết món ăn nhà quê nhưng ăn bắt ghiền này. Vì thế, có người bạn từ nước ngoài về, đi Phan Thiết, tôi liền dẫn đi ăn bánh căn (Phan Thiết hay Phan Rang thì cũng là... Phan, ở gần nhau ấy mà!). Món ăn dân dã mà độc đáo này, ở nước ngoài đố mà có được!

Tự hào là mình đã biết ăn bánh căn, tui chuẩn bị giải thích cho anh bạn về món ăn. Thế nhưng quán bưng ra lần lượt hết tô này đến tô khác: một tô nước dùng trong đó có xíu mại và trứng luộc, một dĩa da heo, một tô cá nục kho, một tô nước mắm, một tô hành phi và tóp mỡ, một dĩa xoài sống xắt mỏng... Không thấy cái bánh căn nào cả! Tui lúng túng hỏi chủ quán: Ăn làm sao? Bánh căn đâu?


Trai làng Vân vật lộn trong bùn tranh cầu

Cứ vào giữa tháng 4 âm lịch hằng năm, tại thôn Yên Viên, xã Vân Hà, Việt Yên (Bắc Giang) lại mở hội vật cầu bùn để cầu mưa thuận gió hòa, dân làng được no ấm.

Một màn cướp cầu đầy kịch tính

Lễ hội cầu bùn tại thôn Yên Viên năm nay được tổ chức từ ngày 12 đến 14-4 âm lịch (10 đến 12-5) tại di tích lịch sử đền Chùa Vân. Nơi thi đấu là sân hành lễ trước cửa đền rộng hơn 200m2, được đổ đầy bùn lỏng. Hai đầu sân đấu có hai hố sâu khoảng 80cm, rộng 50cm để các quan cầu ôm cầu đẩy xuống hố trong tình huống cướp cầu dưới bùn nước nhão.

Một vòng du lịch đảo

Trong số gần 100 hòn đảo của tỉnh Khánh Hòa, hiện có hơn chục hòn đảo được loài chim yến chọn làm nơi cư trú để xây tổ như: Hòn Nội, Hòn Ngoại, Hòn Hố, Hòn Chà Là, Hòn Đụn, Hòn Mun, Hòn Nọc, Hòn Xà Cừ.

Tàu đưa du khách ghé thăm đảo

Đảo yến - Hòn Nội là điểm đến xa nhất trong các tour du lịch đảo ở Nha Trang, khoảng 13 hải lý tính từ Cảng Nha Trang. Khởi hành từ Nha Trang, tàu thẳng tiến về hướng vịnh Cam Ranh. Hòn Miễu, mặt sau lưng của Hòn Tre, Hòn Tằm lùi lại phía sau, con đường Sông Lô - Cù Hin, vùng cát trắng Bãi dài như đang song hành. Phía xa trước mặt, Hòn Ngoại (nơi xa nhất trong hệ thống đảo có chim yến cư trú của Khánh Hòa, đường lên rất hiểm trở) như chiếc nón úp trên mặt biển hiện rõ dần trong tầm mắt. 

26 thg 5, 2014

Quay mặt về Tây

Dọc theo quốc lộ 51 đi Vũng Tàu có rất nhiều chùa. Chùa, thiền viện, tịnh xá rải đều từ Long Thành (Đồng Nai) tới Tân Thành (Bà Rịa - Vũng Tàu). Chùa ở đây nhiều đến nổi các tour du lịch hành hương viếng 10 cảnh chùa thường chọn đây là khu vực viếng, bởi vì chỉ cần... đi chút xíu là được 10 chùa rồi!

Chùa Phật Tích Tòng Lâm trên QL 51, ở gần trạm dừng chân Bò sữa Long Thành

Có một điều đáng chú ý là dọc bên đường quốc lộ 51 có rất nhiều chùa, nhưng không phải hai bên đường, mà chỉ một bên đường thôi! Theo hướng đi Vũng Tàu thì các chùa nằm ở bên trái, còn bên phải hầu như không có ngôi chùa nào! Sao vậy kìa?

Chùm ruột ngon hương vị quê nhà

Mỗi độ hè về, đi ngang mấy cổng trường thấy xe bán đồ chua có thêm món chùm ruột ngâm muối đường chấm muối ớt hay những xâu mứt chùm ruột màu đỏ tươi bày bán, tôi lại quay quắt nhớ những kỷ niệm tuổi thơ nơi quê nhà.

Chùm ruột lúc lỉu trên cây trông đã phát thèm - Ảnh: T.Tâm

Thuở ấy, trước sân nhà nội tôi có trồng một cây chùm ruột sum sê, cành đeo đặc trái trông thật bắt mắt. Cứ đến trưa, cả nhà yên giấc, tôi lại rủ bạn bè leo cây hái chùm ruột đâm nhuyễn ăn với nước mắm đường thật vui. Có khi cười đùa to tiếng, nội thức giấc mắng cho một trận nên thân, nhưng chứng nào tật nấy vẫn không chừa.

Vũ điệu của núi rừng Tây Bắc

Cách đây 10 thế kỷ, xòe vốn chỉ là một vũ điệu dân dã được tổ chức trong các dịp lập bản, dựng mường hay trong các dịp lễ hội của người Thái. Ngày nay, xòe đã phát triển thành 36 điệu và trở thành vũ điệu mang tính biểu tượng của tình đoàn kết các dân tộc vùng Tây Bắc.

Mường So - quê hương xòe Thái

Huyền sử của người Thái vùng Tây Bắc kể rằng, vào khoảng thế kỷ X, vị tù trưởng ở vùng Mường Lò (thuộc địa phận tỉnh Yên Bái ngày nay) là Lạc Trượng dẫn dân đến vùng Mường So (thuộc huyện Phong Thổ tỉnh Lai Châu ngày nay) để khai hoang, lập bản. Tương truyền, chính vùng đất mới này là nơi khởi thủy của những điệu xòe nổi tiếng của người Thái vùng Tây Bắc.

Nguyên thủy, xòe chỉ là điệu múa của trai bản và gái mường nắm tay nhau kết thành vòng tròn rồi nhảy theo nhịp. Nhạc cụ đệm cho xòe là đàn tính tẩu kết hợp với trống, nhị, chiêng và thanh la.

Làng cà phê Trung Nguyên

Nằm ngay trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đăk Lăk), làng cà phê Trung Nguyên hiện là một điểm tham quan cho du khách phương xa muốn tìm hiểu những thông tin thú vị liên quan đến cây cà phê và ngành công nghiệp chế biến cà phê. 

Với mong muốn xây dựng một thiên đường cà phê dành cho du khách khi đến thủ phủ của cà phê Buôn Ma Thuột, công ty cà phê Trung Nguyên đã cho xây dựng làng cà phê với diện tích hơn 
20.000m2. Sau hơn hai năm xây dựng, vào năm 2008 công trình đã hoàn thành và được ví như một bảo tàng lịch sử về văn hóa cà phê lớn nhất Tây Nguyên.

Vườn cà phê cổ thụ tại làng cà phê Trung Nguyên.

Lăng Ông Nam Hải ở Tuy Phong

Dinh Vạn Thủy Tú ở TP Phan Thiết là dinh vạn lớn và cổ xưa của nghề biển Bình Thuận. Dinh được xây dựng năm 1762, trong đó có chính điện đặt khám thờ thần Nam Hải. Tại đây có trưng bày bộ xương cá voi dài 22 met, được xem là lớn nhất Đông Nam Á.

Bộ xương cá voi dài 22 met ở Vạn Thủy Tú, lớn nhất Đông Nam Á.

Thế nhưng ở xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong (cũng thuộc tỉnh Bình Thuận) có lăng Ông Nam Hải, nơi thờ bộ xương cá voi dài đến... 25 met!

Sao kỳ vậy? Chẳng lẽ bộ xương cá voi ở Vạn Thủy Tú dài nhất Đông Nam Á mà lại... dài nhì tỉnh Bình Thuận?

Xanh biếc Vĩnh Hy

Dù nghe nói lộ trình từ TP Phan Rang - Tháp Chàm tới vịnh Vĩnh Hy (huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) thuận lợi hơn, nhưng chúng tôi vẫn quyết định chọn cách khởi hành bằng xe máy từ cầu Mỹ Thanh (TP Cam Ranh), theo cánh du lịch bụi là thú vị nhưng đầy mạo hiểm vì đường nhiều đèo dốc khúc khuỷu.

Đi tàu du lịch ra tham quan vịnh Vĩnh Hy - Ảnh: Tiến Thành

Dưới cái nắng như đổ lửa, sau vài kilômét đường đất đang thi công là một cung đường nhựa thênh thang, uốn lượn giữa biển và vườn quốc gia Núi Chúa.

Qua mỗi khúc cua có thể cảm nhận rõ sự chênh vênh và vẻ đẹp của một bên là rừng thẳm, một bên là biển xanh. Những tán rừng khô trùng điệp khoe sắc màu rực rỡ của đất núi và cỏ cây như những hoang mạc ở châu Phi.

Biển mây trên đỉnh Sừng trâu

Xuyên qua những cánh rừng nguyên sinh rực đỏ hoa đỗ quyên, leo được đến đỉnh ngọn Nhìu Cồ San cao hơn 2.600m so với mực nước biển, cảm giác tuyệt vời thật không thể nào tả được bằng lời.


Ngọn Nhìu Cồ San thuộc địa phận xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, Lào Cai. Theo hướng dẫn của một thanh niên người bản địa tên Chu Chê Sàn, chúng tôi đi theo lối mòn xuất phát ở làng Lao Chải của người Hà Nhì. Ngay từ điểm xuất phát, nếu là người lần đầu đến đây, chắc chắn bạn sẽ ngỡ ngàng trước những ngôi nhà xinh xắn được đắp bằng đất sét, dáng dấp đặc trưng của đồng bào nơi này.


Khám phá bến sơn cước Ngọa Long Sơn

Đến Ngọa Long Sơn lại bắt gặp cái tên “bến”. Hỏi ra mới biết đây là chợ đầu mối, nơi hàng hóa và hoa quả tươi rói từ trên núi chuyển xuống nên ai cũng thích thú khi được hòa mình vào các “bến” bên chân dãy Thất Sơn hùng vĩ.

Khu di tích lịch sử cách mạng Ô Tà Sóc

Trong mùa lễ hội miếu Bà tháng 3, tháng 4, nhất là dịp lễ 30-4, du khách thường đến thăm chiến trường xưa, thăm khu thờ tâm linh điện Tà Cao ở Ngọa Long Sơn. Trên đỉnh núi Dài là hai xã giáp ranh Lương Phi và Lê Trì, có nhiều đường ô và con suối với trên 300ha đất rải rác được nông dân biến thành vườn và rẫy.  

22 thg 5, 2014

Di tích của di tích

Mộ cự thạch Hàng Gòn ở Long Khánh, Đồng Nai là một di tích khảo cổ học quan trọng, có niên đại ít nhất là 2.000 năm (Xem bài Bí ẩn ngôi mộ cổ). Đây là ảnh chụp khuôn viên quanh ngôi mộ cổ năm 2004


Người đang bước đi trong ảnh là bạn tôi, anh Lê Hồng Đức.

Sáng nay, 26/04/2014, anh Đức đến thăm lại khu di tích và suýt nữa không nhận ra: nó đã được tôn tạo rất nhiều. Tấm ảnh này trở thành di tích, di tích của di tích.

Lễ hội cúng dừa của người Khmer

Hằng năm, bà con ở xã An Hiệp (Châu Thành, Sóc Trăng) tổ chức lễ cúng dừa (hội Thác Côn) kéo dài ba ngày từ ngày 15 đến 17-3 âm lịch tại chùa Ma ha sal Phat Mon của người Khmer.

Cổng chùa Mahasal Thatmon - Ảnh: Hưng Phú

Ông Sơn Thanh (79 tuổi, ở An Trạch) cho biết: “Theo truyền thuyết, từ xa xưa nơi đây nổi lên một gò đất hình dạng như chiếc cồng. Chân người giẫm lên phát ra thứ tiếng âm vang như chiếc cồng, theo thời gian âm thanh nhỏ dần rồi mất hẳn. Bà con cho rằng đây là sự linh thiêng nên lập miếu thờ. Hằng năm cứ đến rằm tháng 3 âm lịch, dân làng tổ chức lễ hội cầu an gọi là Thác Côn, gợi lại tiếng còng chiêng âm vang từ đất, và những chiếc bình bông làm bằng trái dừa được dâng cúng”.

Thăm ngôi chùa cổ nhất miền Trung

Theo chân đoàn Farmtrip “kỳ thú Trị An, ngạc nhiên Phan Thiết” do Lửa Việt Tours tổ chức, chúng tôi may mắn được “mục sở thị” ngôi chùa cổ nhất miền Trung cùng bộ kinh Pháp Hoa có một không hai. 

Tương truyền, chùa Phật Quang có tên gốc là Bồ Đề, thuộc thôn An Hòa, tổng Vạn Phước, huyện An Phước, phủ Bình Thuận, nay là đường Trần Quang Khải, P. Hưng Long, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Chùa được xây cách đây hơn 320 năm. 

Mặt trước chùa Phật Quang

Lang thang phố Hiến

Trải qua bao biến đổi của thời gian và thăng trầm lịch sử, thị trấn nhỏ yên tĩnh, phố Hiến vẫn luôn hấp dẫn du khách bởi quần thể kiến trúc cổ gồm 60 di tích lịch sử, 100 bia ký và nhiều đền chùa cổ kính.

Phố Hiến (thuộc thị xã Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên ) cách Hà Nội gần 60 km. Ngày xưa, Phố Hiến từng là đô thị cổ, thương cảng lớn, cực thịnh vào thế kỷ 17. 

Hồ Bán nguyệt 

7 thg 5, 2014

Về qua Long Khánh

Tình cờ tôi về ngang qua quê nhà Long Khánh đúng vào ngày 21 tháng Tư, ngày mà 39 năm trước ở nơi này quân đội Việt Nam Cộng Hòa thất thủ. Hai bên con đường Hồ thị Hương hoa bằng lăng nở tím, đẹp và buồn đến nao lòng.

Quốc lộ 1 đoạn đi qua Long Khánh không hiểu vì lý do gì gấp khúc thật dữ (gẫy thành một góc nhọn luôn chứ không phải "cong mềm mại" như đường Trường Chinh ở Hà Nội). Xưa giờ xe đi từ Sài Gòn ra Trung đều phải đi qua đoạn gẫy đó. Sau này người ta mở rộng và nối dài con đường Hồ thị Hương đi từ Cua Heo ra thẳng tới xã Bảo Hòa thuộc huyện Xuân Lộc luôn, giảm đáng kể đoạn đường đi.

Quốc lộ 1 (màu vàng) gồm 2 đoạn gấp khúc, đường Hồ thị Hương nối liền 2 đoạn gấp khúc đó.


Gành Đá Đĩa - thắng cảnh độc đáo

Tọa lạc tại xã An Ninh Đông, huyện Tuy An (Phú Yên), Gành Đá Đĩa là một thắng cảnh tuyệt đẹp, độc đáo với những khối đá hình lục giác, hình tròn liền khít...như những cái đĩa xếp chồng lên nhau.

Quần thể Gành Đá đĩa có diện tích khoảng 2km vuông, chiều rộng của gành đá hơn 50m và chiều dài hơn 200m. Là một thắng cảnh được thiên nhiên ưu ái hiếm thấy, với những khối đá hình lục giác, hình tròn liền khít… giống như những cái đĩa xếp chồng lên nhau, tên gành Đá đĩa xuất phát từ đó. 


Thăm chiến khu Minh Đạm

Khu căn cứ Minh Đạm thuộc huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Rừng núi cheo leo, hiểm trở cùng những thắng cảnh hùng vĩ của tự nhiên và các chứng tích lịch sử đã khiến nơi đây trở thành một điểm đến thú vị.

Từ Tp. Hồ Chí Minh, sau gần 2 giờ đi xe núi rừng Minh Đạm chào đón chúng tôi với những mảng rừng xanh tươi rậm rạp. Nếu không vội vàng, hãy đi thật chậm trên con đường uốn lượn lên khu căn cứ để ngắm nhìn sắc tím của những chùm hoa bằng lăng hay các loại hoa rừng khác đang khoe sắc. Một bên đường là rừng núi thoai thoải, một bên là thung lũng cây xanh, xa xa phía dưới là bãi cát trắng uốn lượn ven biển đã tạo nên một cảnh sắc tự nhiên thơ mộng. Núi Minh Đạm dài 8km, có điểm cao nhất 355m, với 3 mặt giáp biển cùng nhiều hang đá lớn nhỏ bí ẩn núp dưới những rừng cây, vách đá, suối nước ngọt róc rách quanh năm. Địa hình hiểm trở là điều kiện thuận lợi để quân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xây dựng căn cứ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ông Huân, một hướng dẫn viên kỳ cựu nơi đây cho biết, núi Minh Đạm trước kia còn được gọi là núi Châu Long – Châu Viên. Năm 1948, hai vị lãnh đạo huyện Long Điền là ông Bùi Công Minh và Mạc Thanh Đạm đã hy sinh tại khu căn cứ. Người dân địa phương lấy tên của hai chiến sỹ cách mạng đặt tên cho ngọn núi này như một sư tri ân. 

Khu căn cứ Minh Đạm thuộc huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

6 thg 5, 2014

Buồn vương cây ngô đồng

Hồi xưa khi tui còn nhỏ, ở Long Khánh, ba tui đem cây này về nhà trồng. Ông gọi nó là cây sen Tây.


Chắc tại lá nó giống lá sen, nhưng mà không phải sen ta nên gọi là sen Tây (không phải Việt thì là... Tây)! Tên chính thức của nó là gì không biết, chỉ biết ba mình kêu nó là sen Tây thì mấy anh em cũng kêu là sen Tây.

Con hát bội

Trời mà hơi u u thì lại dễ ngồi buồn nhớ chuyện ngày xưa. Nhớ những thứ vụn vặt gì đâu á, mà bây giờ không thấy nữa.

Tỉ dụ như nhớ con hát bội trong vườn xưa. Mấy chục năm rồi đâu còn thấy con hát bội nữa. Lên Google để tìm hình và thông tin về nó mà chẳng thấy, chỉ thấy nói về (tuồng) hát bội không à! Không biết nó có còn tên gì khác không há?
.
Hình chi tiết của con hát bội như vầy:

(Ảnh của bạn Lullaby trên diễn đàn tinhte.com)

Thị trấn bình yên dưới chân đèo Cả

Dưới chân đèo Cả có một thị trấn xinh xắn dễ bị bỏ qua khi xuôi về Nha Trang, nhưng ở đó lại sở hữu nhiều điều thú vị dành cho những vị khách mê biển.

Vùng đất giáp ranh giữa hai mảnh đất Phú Yên và Khánh Hòa trải dài với gần 100 km đường biển. Tại đây có hàng chục bãi biển có tên và không tên, dài cả km hay chỉ vài trăm mét trong những hõm những khe, là điểm dừng chân lý tưởng cho bất cứ du khách nào mê tắm biển. Thị trấn Đại Lãnh nằm trên cung đường này và sẽ là một trải nghiệm thú vị khi bạn dừng lại đây một đêm trên đường về Nha Trang. 

Qua mỗi khúc cua của đèo Cả, cảng Vũng Rô và thị trấn Đại Lãnh hiện ra tuyệt đẹp. Ảnh: Yume. 

Lăng Cô xanh dưới chân đèo Hải Vân

Trước đây, Lăng Cô thường đón khách đi ngang qua ghé vào nhưng nay vịnh biển nằm giữa Huế và Đà Nẵng này đã trở thành điểm du lịch lý tưởng của Thừa Thiên Huế.

Vịnh biển Lăng Cô nằm dưới chân đèo Hải Vân cách thành phố Huế khoảng 70 km và thành phố Đà Nẵng hơn 30 km. Vài năm trước, vịnh Lăng Cô chỉ là điểm ghé chân của du khách trên chặng đường Huế - Đà Nẵng do chưa có nhiều cơ sở lưu trú và các dịch vụ đi kèm. Trong ba năm trở lại, Lăng Cô được đánh giá là điểm đến cho khách yêu biển khi tới Huế. 

Không chỉ có biển, Lăng Cô còn có núi và những đầm phá tuyệt đẹp. 

Trải nghiệm thiên nhiên rừng Cúc Phương

Cách Hà Nội 120 km, vườn quốc gia nằm tiếp giáp Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa là điểm đến thân thiện với môi trường cùng nhiều hoạt động khám phá thú vị.

Rừng Cúc Phương thích hợp cho một chuyến đi dã ngoại vào 2 ngày cuối tuần, nơi bạn vừa có thể nghỉ nghơi trong không gian thoáng đãng của rừng già vừa có dịp tìm hiểu thêm về thiên nhiên xung quanh.

Vườn quốc gia Cúc Phương có diện tích 25.000 ha và là rừng quốc gia đầu tiên của Việt Nam. Với đặc trưng là rừng mưa nhiệt đới, xanh quanh năm, Cúc Phương có quần hệ động thực vật phong phú, gồm rất nhiều loài cây và thú quý hiếm. Loài voọc đen mông trắng là loài thú linh trưởng rất đẹp và quý hiếm được chọn làm biểu tượng của vườn quốc gia Cúc Phương. 

Muôn loài hoa cỏ nở rộ trong vườn quốc gia. 

5 thg 5, 2014

Cầu Chẹt Sậy

Dân Bến Tre không xa lạ với cầu Chẹt Sậy. Đây là chiếc cầu bê tông cốt thép bắc qua kinh Chẹt Sậy trên tỉnh lộ 885, nối TP Bến Tre với huyện Giồng Trôm. Thế nhưng dân xứ lạ tới đây (như tui chẳng hạn) thì thấy có 2 chuyện ngồ ngộ.

Thứ nhất là cái tên Chẹt Sậy (thật ra ở nước ta có nhiều địa danh ngộ lắm). Tra tìm thì được giải thích thế này: Chẹt là chỗ hẹp. Áo chẹt là áo bó sát người, quần ống chẹt là quần có ống bó sát người. Kinh Chẹt Sậy là con đường nước xuyên qua rừng sậy um tùm, bị che khuất. Còn cầu Chẹt Sậy là chiếc cầu bắc qua kinh Chẹt Sậy.


Cầu Chẹt Sậy ngày xưa

Tây nguyên mộc mạc

“Mùa con ong đi lấy mật, mùa con voi xuống sông hút nước” cũng là mùa đẹp nhất trong năm của Tây nguyên. Tháng 3 trời trong xanh, nắng và gió đuổi dọc các chân đồi, dọc các thung lũng và bạt vào tai người đi. 

Người đàn ông Ba Na này ở làng Kon Mãh (Chư Pảh, Gia Lai) đón khách bằng màn đánh trống đặc trưng - Ảnh: T.B.D

Thời điểm này Tây nguyên đang là cao điểm của những lễ hội, nhưng muốn tìm điều thú vị hơn chẳng còn cách nào khác ngoài việc vác balô lên, bạn sẽ tìm thấy điều bất ngờ ngay trong những ngôi nhà mộc mạc của người Tây nguyên...

Cá ngát Ngã Bảy

Thị xã Ngã Bảy của tỉnh Hậu Giang là nơi có bảy dòng sông tụ họp và nằm cạnh quốc lộ 1A. Ngoài chợ nổi thu hút khách thập phương, nơi đây còn có giống cá ngát ngon nổi tiếng.

Cá ngát cùng họ với cá trê, cá chốt nhưng lớn hơn, màu đen và nhiều râu hơn. Cá ngát cái thường ôm bộ trứng lớn, ngon bùi ít có thứ trứng cá nào sánh kịp. Cá ngát trong hang dưới sông có kích cỡ lớn, thịt dai, ngọt và tuyệt ngon.

Người ta thường đợi những ngày con nước ròng, lội dọc mé sông, phát hiện hang cá và giăng lưới chặn bắt. Cá ngát có gai nhọn và rất độc, nếu chẳng may bị chúng đâm phải có người bị hành nóng lạnh mấy ngày chưa hết đau nhức!

Cá ngát nướng muối ớt

Hoa thông thiên hình quả chuông nho nhỏ

Hoa thông thiên là tên một bài hát do Phạm Duy phổ nhạc từ thơ của Đào Tiến Luyện. Ca khúc này được thể hiện rất truyền cảm qua giọng ca Duy Quang.

Nội dung bài hát là câu chuyện một cuộc tình giữa chàng trai và cô gái miền quê, trong đó bóng dáng hoa thông thiên bàng bạc. Ngày chia tay chàng ra chốn thành đô, đôi lứa hẹn hò nhau bên những đóa thông thiên:

Ngày chia ly tay trong tay ủy mị,
Ngón ngọc ngà nhẹ bứt đóa thông thiên
Cài lên áo đây cánh hoa diễm lệ
Bóng hình em người em gái dịu hiền


Canh chua Nam bộ

Trong tác phẩm Văn minh miệt vườn, nhà văn Sơn Nam cho rằng canh chua cá lóc, canh chua cá tra, cá vồ, cá bông lau… là những món ăn bình dân nhưng “tập trung bao nhiêu tinh túy của sản phẩm địa phương” và là những món ăn “thành công nhứt, phổ biến nhứt” ở Đồng bằng sông Cửu Long. Còn nhiều “biến tấu” của canh chua như vài món được kể trong bài này, món nào cũng ngon… hết biết.

Về Sóc Trăng đến vàm Đại Ngãi qua chuyến phà sang cù lao Dung, lữ khách nghe văng vẳng đâu đó lời ca ngọt lịm:

Nhớ canh cá ngát nấu bần
Nhớ cô em gái tảo tần sớm hôm.

Trong Việt Nam tự điển của hai tác giả Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ (NXB Khai Trí, Sài Gòn, 1960), cây bần còn được gọi là thủy liễu “mọc dựa bờ nước, lá nhiều, nhành yếu, bông trắng, trái tròn dẹp, có đài dầy, nhọn ở gần cuống, ăn chua và chát”.

Cảnh sắc Mộc Châu

Vượt gần 200 km từ Hà Nội, chúng tôi đến Mộc Châu vào những ngày đầu đông. Trời se lạnh, gió hiu hiu và những lớp sương mù bảng lảng, khiến cảnh sắc nơi đây khi mờ khi tỏ, lúc ẩn lúc hiện, đẹp kỳ lạ.

Với những cảnh quan kỳ vĩ làm say lòng du khách bốn phương, cao nguyên Mộc Châu được đánh giá là rộng và đẹp nhất vùng núi phía Bắc Việt Nam. Dù mùa đông, nhưng Mộc Châu vẫn mênh mang màu xanh: xanh thẳm của bầu trời, xanh biếc của cây lá, xanh lục của núi đồi, xanh ngắt của những cánh đồng hoa cỏ...

Những vườn đào, vườn mận tuy không rạng rỡ kiêu sa như mùa xuân nhưng vẫn giữ được màu xanh dịu dàng của những ngọn lá. Những bãi cỏ ken dày trên mặt đất, tạo thành những tấm thảm xanh bạt ngàn. Những trảng hoa dại li ti dủ sắc màu: vàng, trắng, đỏ, tím, hồng…trải dài tít tắp, thấp thoáng trong sương. Và, xanh nhất là những đồi chè miên man đến như vô tận. Thi thoảng, trên những sườn đồi, những đàn bò, đàn trâu đang nhẩn nha gặm cỏ…

Song, nếu cảnh sắc nơi này chỉ có thế thì lượng du khách đã không kéo đến Mộc Châu ngày càng tăng như thế. 

Khu du lịch Hồ - Rừng thông 

Chiêm ngưỡng ngôi làng cổ nhất Việt Nam

Làng Đường Lâm thuộc thị xã Sơn Tây, cách Hà Nội hơn 50 km. Đường Lâm là làng cổ nhất Việt Nam, được công nhận “Di tích quốc gia”, từng là nơi cư trú của người Việt cổ cách đây khoảng 4.000 năm.

Tọa lạc trên những ngọn đồi bán sơn địa với những vỉa đá ong cổ nên các ngôi nhà, những bức tường, giếng nước… trong làng đều được xây bằng đá ong. Vì vậy, Đường Lâm còn có tên gọi “Làng cổ đá ong”.

Chúng tôi đến Đường Lâm vào một ngày nắng đẹp, hết sức thú vị khi tận mắt chiêm ngưỡng ngôi làng cổ nổi tiếng này. Trải qua bao thăng trầm, nơi đây vẫn lưu giữ hình ảnh của một ngôi làng cổ Việt Nam với cổng làng, cây đa, giếng nước, ao sen và rất nhiều di tích văn hóa, kiến trúc đại diện cho nền văn minh châu thổ sông Hồng.

Tịnh Xá Linh Quang

Vùng biển Phước Hải (huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) nổi tiếng với cảnh đẹp của trời biển và núi non hữu tình, đồng thời còn ghi dấu ấn trong lòng du khách bởi nhiều ngôi chùa, đình cổ độc đáo. Tịnh xá Linh Quang là một điểm đến hấp dẫn cho du khách khi muốn thăm viếng Tịnh xá Linh Quang hay vãn cảnh chùa ở đây.

Bước qua cổng tịnh xá, không gian thanh tịnh như tràn ngập vào tâm trí du khách thập phương, tạo cảm giác thư thái xen lẫn với tiếng gió biển phía xa. Trước mặt du khách bây giờ là tượng Phật Bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay đặt uy nghi trên phật đài. Bên cạnh đó là chính điện Tịnh xá Linh Quang hiện lên với mái ngói uốn cong được thiết kế trang nghiêm mà đẹp mắt. 

Lầu đặt tượng Phật Bà Quan Âm nghìn mắt, nghìn tay.