25 thg 6, 2016

Hành hương miền biên viễn

Từ lâu, người ta vẫn đọc cho nhau nghe câu thơ về vùng đất xa xôi nơi biên viễn: “Ai lên Trái Hút Bảo Hà/Nếm mùi phong nguyệt ấy là cảnh tiên”. Đó là vùng đất Bảo Hà (Bảo Yên-Lào Cai), một địa danh nghe lạ mà quen đối với rất nhiều du khách ở mọi miền đất nước. Ngày ngày, Bảo Hà đón hàng trăm lượt du khách hành hương về đây chiêm bái đền Bảo Hà, thăm thú miền đất biên viễn thơ mộng.

Bản làng Bảo Hà nhìn từ đèo cao.

Đền Bảo Hà tọa lạc bên dòng sông Hồng, thờ Thần Vệ quốc, tướng Nguyễn Hoàng Bảy, người có công điều binh khiển tướng, tập hợp các thổ ty, tù trưởng rèn luyện võ nghệ, dẹp loạn thổ phỉ vùng biên ải. Trong suốt cả năm, ngày nào, Bảo Hà cũng đón hàng đoàn du khách nườm nượp về lễ đền Ông, cầu xin Ông phù hộ cho mọi điều được may mắn.

Ai đến với Bảo Hà đều không thấy lạ lẫm, không thấy ồn ã mà chỉ thấy gần gũi, thoáng đãng và lòng mình nhẹ thênh. Ở vùng quê sơn thẳm này, tuy có nhiều nhà xây, có đường, trường trạm khang trang nhưng Bảo Hà vẫn không mất đi vẻ đẹp tự nhiên vốn có mà thiên nhiên đã ban tặng cho phố núi này. Điều khiến du khách đến đây đặc biệt ấn tượng, đó là sự hòa hợp giữa cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ với cuộc sống thanh bình của con người.

Du khách thập phương về chiêm bái đền Bảo Hà.

Sau lưng là núi, còn ngay bên mình Bảo Hà là dòng sông Hồng cuộn chảy. Cây cầu Bảo Hà bắc ngang dòng sông như một cánh cung tuyệt đẹp nối liền đôi bờ giữa Bảo Hà và miền đất Tân An của Văn Bàn. Đứng ở cầu Bảo Hà nhìn ra bốn phía xung quanh, một phong cảnh thật đẹp và hữu tình. Phía xa xa uốn lượn những dãy núi cao trùng điệp như bao bọc lấy Bảo Hà. Trên những đỉnh núi đó, khách nhìn thấy những cây cổ thụ tỏa bóng từ bao đời. Rồi những triền ngô của đồng bào Mông, Dao cứ xanh ngút ngàn, cả những tảng đá to tưởng như những con trâu đá khổng lồ vậy.

Trong giây lát, tôi chợt nhớ đến trang sử của Bảo Yên vẫn ghi chép lại đây là miền biên ải của Tổ quốc, nơi diễn ra những cuộc chinh phục thiên nhiên của đồng bào các dân tộc thuở xưa, những trận dồn đuổi thổ phỉ bảo vệ sự bình yên. Rồi những câu chuyện về những chiến công của Thần Vệ quốc Nguyễn Hoàng Bảy… Bởi thế, Bảo Hà vừa gần gũi, thơ mộng nhưng cũng kỳ bí đến lạ lùng.

Cầu Bảo Hà nối đôi bờ sông Hồng.

Bước đi trên đường, phóng tầm mắt xa, những xóm làng của người dân Bảo Hà nằm trong một khoảng đất rộng hiện ra trước mắt. Ở đây không có những căn nhà cao tầng, chỉ có những nhà sàn, nhà mái ngói, nhà gỗ nằm thấp thoáng sau những lùm cây xanh và những cánh đồng lúa đang thì con gái. Bao bọc bản làng là con suối uốn lượn với dòng nước trong mát và những cây cầu nhỏ bắc qua. Một khung cảnh bình yên.

Khách hành hương đến đây khó quên được những điệu hát chầu văn dập dìu vang vọng. Tôi mê điệu hát này đến lạ lùng. Vì vậy, vào đền thắp hương ngoài việc cầu may, tri ân công đức của Thần Vệ quốc, tôi còn muốn chiêm ngưỡng những thanh âm của chầu văn. Những giá đồng chầu trước cửa đền đến tận đêm khuya. Cả không gian của những giá đồng thấm đẫm chất dân gian từ điệu nhạc, lời hát văn và sự khéo léo, nhịp nhàng của những thanh đồng. Những câu hát ca ngợi công đức của Thần Vệ quốc Hoàng Bảy làm cho không khí vừa trang nghiêm, vừa ấm áp: “Bảo Hà đất ấy phong quang/Thỉnh Ông Hoàng Bảy xe loan ngự về”… Rồi cả những giá đồng với âm vang của những bài hát văn ca ngợi và thỉnh mời Cô bé Thượng ngàn, cô Bơ, cô Sơn Trang, Tứ phủ ông Hoàng được thờ trong đền thiêng. Không chỉ riêng tôi mà nhiều người đến Bảo Hà cũng đem lòng mê đắm những điệu hát chầu văn nơi này.

Chiều đến, những con đường quanh Bảo Hà rực rỡ sắc màu bởi những chiếc váy hoa xòe của đồng bào Mông, sắc chàm của áo Tày, áo Dao hòa vào phiên chợ. Bảo Hà có nhiều sản vật của núi rừng. Nào là những mớ rau cải non mấn, những xâu măng nứa, măng giang vàng ươm, những quả dưa chuột to và căng mọng… Đến Bảo Hà, một đặc sản du khách ưa thích là những quả hồng ngâm bán dọc hai bên đường. Quả hồng nơi đây không có hạt, hình vuông dài, vỏ xanh nhưng bên trong thì vàng ươm, ăn thơm, ngọt và giòn.

Lên đỉnh đèo Mã Yên Sơn, ngoảnh lại ngắm nhìn Bảo Hà, một không gian vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng. Có lẽ, trong hành trình lên Tây Bắc, Bảo Hà là nơi chờ đón những ai đam mê khám phá miền đất lạ vùng biên viễn.

Nguyễn Thế Lượng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét