31 thg 12, 2013

Về nơi di tích lẫn trong di tích

Dấu ấn mang phong cách Bình Định trên vùng đất hai vua nằm ngay quần thể di tích thành Hoàng Đế ở thị xã An Nhơn. Dấu tích xưa còn phảng phất trên những lối mòn lọc cọc xe ngựa, quanh đầm sen, trầm tích những ngôi chùa, ngọn tháp.

Cổng chùa Thập Tháp - Ảnh: Hoa Khá

Thế kỷ 10, Chiêm Thành chọn vùng đất này xây thành Đồ Bàn, đến khoảng thế kỷ 12 xây tháp Cánh Tiên. Thế kỷ 18 hoàng đế Nguyễn Nhạc chọn nền cũ Đồ Bàn xây thành Hoàng Đế. Xung quanh là quần thể tháp xưa cổ kính, đặc biệt là ngôi chùa Thập Tháp cách thành cũ khoảng vài trăm mét.


Ngọt bùi hoa nhà quê

Thiên nhiên xứ nhiệt đới đã ban tặng cho mỗi miền quê những loài hoa thơm quả ngọt. Và cứ như thế, mỗi mùa mỗi loài hoa khác nhau làm nên sự thảo thơm, ngọt bùi nơi thôn dã.

Hoa thiên lý làm nhiều món ăn dân dã nhưng nay đã vào thực đơn ở các nhà hàng sang trọng. Ảnh: TL 

Ngó bông súng và hoa thiên lý

Buổi sáng mùa hè nào cũng vậy, trời oi bức, nơi vùng trung du, người ta đều thấy những bà bầm, bà bủ khăn mỏ quạ, áo nâu tứ thân, cắp chiếc rổ tre bên trong đựng đầy hoa thiên lý. Bầm mang ra chợ, dưới gốc đa ngồi bán. Những chùm hoa thiên lý tươi rói, vàng tựa sao trời lóng lánh trong chiếc rổ tre. Nhìn hình ảnh ấy, tôi nghĩ đến mỗi trưa hè ở quê nhà, đi làm đồng về, bên hông đeo rọ cua. Những chú cua kềnh mùa gặt béo căng, mai bóng mượt được lột bỏ cho vào cối đá giã. Bà mẹ ngồi tỉ mẩn lấy tăm tre khêu từng nhúm gạch cua trên mai của nó cho vào bát rồi bắc ghế hái những chùm hoa thiên lý vàng ươm nấu canh. Thành thử nồi canh thơm phức, ngọt lừ. Màu vàng của hoa thiên lý hoà màu nâu trắng riêu cua, màu gạch cua nổi lên, chan vào bát cơm, cắn kèm quả cà pháo giòn tan. Mỗi bữa cơm quê như thế, người ta như lùa cả hương vị, sắc màu và sự thảo thơm đồng quê vào miệng.


Lên Tây Giang ăn gỏi tr’đin

Gỏi tr’đin với mối cánh. 

Đọt non của cây tr’đin có chất dịch có thể chế biến rượu tr’đin. Chỉ cần cho chất dịch thơm, ngọt… từ buồng trái của cây tr’đin lên men với vỏ cây chuồn (apăng) sẽ được loại rượu rất thơm ngon, rượu có vị ngọt, đắng nhẹ, khay khay… làm tê tê đầu lưỡi như “nhấp” sâm banh.

Cây tr’đin còn gọi là tà đin hay đủng đỉnh núi, thường mọc nơi ẩm ướt, râm mát, gần các khe suối trong rừng. Ngoài ra, người Cơ Tu còn trồng cây tr’đin bằng hạt, người có kinh nghiệm thường chọn giống từ cây to, cao, lấy hạt dẹt (hạt cái). Một cây tr’đin cao chừng 10m, có đường kính gốc gần 0,5m, thường ra 4 – 5 buồng trái, một buồng ra hàng ngàn trái, một trái thường 1 – 2 hạt.


Cháo thuồng luồng

Ngư dân thường gọi cá chình biển là thuồng luồng – loài cá sinh sống trong các hang, hốc, gành đá… ngoài bờ biển nên thịt săn, giòn. Hiện, cá chình biển và cá chình sông là món đặc sản trong nhiều nhà hàng cao cấp, vì thịt ngon. 


Cá chính biển không có vảy, hình dáng như con lươn nhưng lớn hơn nhiều, da có đốm màu đen là cá chình bông. Cá lớn, lớp da ăn béo ngậy nhưng không làm tăng cholesterol và lipid nên được nhiều người ưa chuộng. Bí quyết chế biến loại cá này thành món ăn thơm ngon là không cho tiếp xúc với nước lạnh, vì như vậy sẽ làm mùi cá tanh.


30 thg 12, 2013

Trong veo Bình Ba

Đã nghe kể nhiều về Bình Ba - một hòn đảo nhỏ thuộc xã Cam Bình, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa - từ hai năm nay. Thế nên khi đã sắp xếp được công việc, nhóm bạn chúng tôi háo hức vác balô lên đường.

Một đảo nhỏ trong cụm đảo Bình Ba - Ảnh: Lan Bùi

Chúng tôi đến cảng Ba Ngòi. Tên Ba Ngòi được gọi từ trước năm 2009, giờ cảng có tên cảng Cam Ranh nhưng hình như hỏi bất kỳ dân địa phương nào người ta cũng gọi quen là Ba Ngòi và chỉ đường vanh vách. Đang lăng xăng tìm chỗ tập kết hành lý thì có một anh tiến đến hỏi: “Đi đảo phải không? Qua kia đứng đợi, đủ 35 người là lên đường”.


Củ ấu

Ở những lung bàu, kênh rạch miền Tây Nam bộ thường có cây ấu mọc hoang. Đây là loài cây sống dưới nước; thân ngắn, có lông. Cây có hai thứ lá: lá nổi có phao ở cuống, hình quả trám, mép trên có răng cưa, dài cỡ 4 - 5 cm, cuống dài từ 10 đến 15 cm, giữa có phao; lá chìm thì phiến lá giảm, phiến xẻ lông chim nhưng rất nhỏ nên trông chỉ còn có các đường gân. Bông ấu màu vàng mọc đơn độc hay ở kẽ lá.

Cây ấu

Trái ấu thường được dân gian gọi là “củ”, củ có hai sừng, đầu sừng hình chóp nhọn, sừng do các lá đài phát triển thành. Củ ấu thường có hai giống: ấu gai cho trái có hai sừng nhọn như gai. Ấu trụi cho trái có hai sừng tù. Nếu trái ấu chưa quá già, màu nâu, chưa rụng xuống bùn, luộc ăn ngon, gọi là ấu nâng gương. Nếu trái đã già, chuyển qua màu đen sẫm, vỏ cứng như sừng, có nhiều bột, gọi là ấu sừng trâu.

Thiền viện Thường Chiếu

Thường Chiếu là một trong những thiền viện đầu tiên thuộc hệ thống Trúc Lâm thiền viện do hòa thượng Thích Thanh Từ sáng lập, tọa lạc tại xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai; đoạn cây số 76 - 77, quốc lộ 51. Ngày nay thiền viện Thường Chiếu là một điểm tham quan mà du khách thường ghé tới trên đường từ TPHCM đi Vũng Tàu. Thường Chiếu là pháp danh một vị thiền sư nổi tiếng đời Lý, thuộc thế hệ thứ 12 của thiền phái Vô Ngôn Thông trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Theo “Kỷ yếu 25 năm thiền viện Thường Chiếu”, thiền viện này hình thành vào những năm 1973 - 1974. Ban đầu, thiền viện là một ngôi chùa lợp lá tàu vách đất trên nền cao có sẵn bên cạnh cây bồ đề. Từ một vùng bạt ngàn cỏ tranh với tre gai, dứa dại và sình lầy... ngày nay thiền viện Thường Chiếu trở thành ngôi chùa thanh thoát và rợp ngời bóng mát, cảnh quan tôn nghiêm.Trong ảnh là tam quan trước lối vào thiền viện.

Cháo hến sông Ba

Dưới lòng sông Ba (Đà Rằng), sông Chùa của Phú Yên có rất nhiều hến. Hến sống dưới lớp bùn, sỏi ở đáy sông, hấp thụ vi sinh vật trong nước mà sống. Hến nấu cháo ngọt đáo để.


Người ta thiết kế những bàn cào có răng bằng sắt thưa hơn mình hến đôi chút, sau dàn cào sắt là một bao lưới mắt nhỏ để giữ hến lại, khi kéo dàn cào dưới đáy sông, bao nhiêu sỏi, hến…đều vào lưới. Hến tươi đem về ngâm trong nước sạch. Đun nước sôi ùng ục mới cho hến vào. Gặp nóng đột ngột, hến sẽ bung tách hết vỏ. Dùng vá khuấy đều cho ruột hến bong ra. Bắc chảo đun nóng khử tỏi mỡ cho thiệt thơm, đổ vào chảo hỗn hợp hành tím, chút ớt chín bằm nhuyễn, sả băm, ruột hến luộc, nêm ít nước mắm ngon, tiêu xay, nếm vừa ăn, xào đều, xúc ra tô để riêng. Lấy nửa lon sữa bò gạo cũ rang sơ cho ửng vàng để nấu cháo. Khi cháo chín, cho hến vào xoong, nêm nếm lần cuối và bớt lửa, giữ nóng. Cháo hến múc ra tô có thể ăn với ít giá, rau thơm xắt. Vị cháo ngọt, cay nhẹ, mùi thơm phưng phức làm sảng khoái, nhẹ nhàng hiếm có nơi nào có được!


Món phặc nhường của người miền núi

Bí đỏ thường được đem nấu canh xương heo, thái lát xào tỏi, hoặc nấu cháo bí đỏ, chè bí đỏ. Đây là những món ăn quen thuộc, ngon và bổ. Còn người Tày, Nùng ở Cao Bằng, Lạng Sơn lại có món bí đỏ hấp thịt (tiếng địa phương là phặc nhường), ngon, lạ miệng lại dễ làm.

Bí đỏ hấp thịt bằm (phặc nhường). 

Bí đỏ ở đây được trồng nhiều. Tháng 3, tháng 4 âm lịch, khi gieo ngô, bà con lại trồng xen vài mươi hốc bí ở bờ rẫy, chân nương. Tháng 7, tháng 8, mùa bẻ ngô cũng là mùa trẩy bí. Nhà nào bí đỏ cũng chất đầy trên gác bếp, để dành ăn quanh năm. Bí đỏ hấp thịt bằm là món ăn truyền thống của đồng bào.


Củ ấu

Chẳng biết củ ấu có mặt ở quê tôi tự bao giờ, chỉ từng được nghe bà tôi đọc câu ca dao ngày nào: “Thân em như củ ấu gai/Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen”. Bà bảo, khi bà lớn lên đã thấy dân quê mình trồng ấu ở ruộng bùn lầy và các ao chuôm quanh làng. Những năm đói kém, củ ấu đã cứu dân mình.

Củ ấu già đen và có sừng. 

Vào độ tháng 3 âm lịch, tiết trời ấm áp, mẹ tôi cùng nông dân trong làng đồng loạt cấy ấu, thời khắc này ấu sinh trưởng tốt, cho nhiều củ. Mẹ bảo, ấu là loại cây rất lành và dễ tính, dễ tính hơn cả lúa và khoai. Chỉ cần chọn những khoảnh ruộng lầy không cấy được lúa hay những thước ao đầu ngõ là có thể cấy ấu xuống rồi. Sau gần hai tháng ngâm mình trong bùn đen, ấu giống cựa mình, bén rễ mọc thành cây trên mặt nước. Ấu không mọc quá sâu vào lòng bùn mà chỉ nổi bồng bềnh trên mặt ruộng mỗi khi nước đầy. Lá ấu mọc thành từng chùm mỏng mảnh, nhỏ hơn lá gan trâu. Ấu trưởng thành, hoa của nó mọc ra từ cuống nhỏ tí xíu, trắng tinh. Khi ấy, cả cánh đồng quê, lác đác những ruộng ấu xanh thẫm điểm sắc trắng của cánh hoa thật đẹp.


29 thg 12, 2013

Đông về tắm suối khoáng nóng Kim Bôi

Dù mức nhiệt khá thấp so với nhiều suối nước nóng trong cả nước, nhưng nguồn nước khoáng Kim Bôi rất tốt cho sức khỏe, đủ tiêu chuẩn dùng làm nước uống. 

Cách thành phố Hòa Bình 30 km, theo quốc lộ 6 qua thị trấn Lương Sơn khoảng 1 km là đến xã Hạ Bì, huyện Kim Bôi, nơi tọa lạc của dòng suối khoáng tự nhiên tốt cho sức khỏe, từ lâu đã trở thành điểm đến của không ít khách du lịch. 

Suối khoáng Kim Bôi giữa Hạ Bì. Ảnh: yeudulich 

Theo các nhà khoa học, nước khoáng Kim Bôi được xuất lộ ra từ vỉa đá vôi có tuổi địa chất khoảng 250 triệu năm, khi lộ thiên nước có nhiệt độ 34-36 độ C, được đánh giá là suối khoáng có thành phần hóa học ổn định nhất. Qua kiểm nghiệm, nguồn nước khoáng Kim Bôi là điều kiện lý tưởng để phục hồi sức khỏe, giúp chữa các bệnh viêm khớp, đường ruột, dạ dày, huyết áp… Nước suối Kim Bôi đã được đóng chai làm nước giải khát, nó cùng loại với nước khoáng Thạch Bích ở Quảng Ngãi, Kum-dua ở Nga và Paven Banis ở Bulgaria.


Cá đối kho dưa môn

Cửa Đại là nơi sông Thu Bồn (Hội An – Quảng Nam) đổ ra biển nên ở đây có nhiều cá đối, nhất là vào đầu mừa mưa. Một trong những điểm thích thú, thu hút du khách là câu cá hanh, cá đối.

Hương vị con cá đối với dưa môn muối như có duyên nhau trong nồi kho. 

Cá đối có tập tính sống quần đàn, nhất là vào mùa sinh sản, cá thường tập trung thành từng bầy lớn di cư ra các vùng nước sâu ngoài biển để sinh sản. Hàng năm, từ mùa mưa đến trước tết âm lịch cho đến hết tháng giêng, từng đàn cá đối từ biển kéo lên những vùng sông nước lợ để tìm thức ăn. Cá đối ăn ngon nhất vào đầu mùa mưa nên ở quê tôi lưu truyền câu ca: “Cá đối chấm nước mắm gừng/Xa xôi cách trở xin đừng quên nhau”.


Về làng Đỏ ăn trám đen

Làng Đỏ nổi danh với đặc sản trám đen, từng ghi dấu tình cảm cá – nước của dân địa phương với các cán bộ hoạt động bí mật thời kỳ tiền khởi nghĩa – trước năm 1945.

Trám đen kho thịt cho hương vị chan hoà cộng hưởng ngon một cách lạ lùng. 

“Làng Đỏ” là cách gọi xưa kia của người Bắc Giang để nói về tinh thần cách mạng của những người con trên mảnh đất An toàn khu 2 (Hoàng Vân – Hiệp Hoà) anh hùng. Trám đen nhiều nơi có nhưng chẳng phải ngẫu nhiên mà nhiều người lại thích trám đen ở Hoàng Vân, bởi cái hương vị thơm ngậy lẫn bùi bùi. Và đương nhiên, giá bán đặc sản này ở đây cũng cao hơn nhiều nơi khác. Vì thế, không ít thương buôn mua trám Hoàng Vân về trà trộn với nơi khác để kiếm lời.

Hương vị mới từ tàu hũ truyền thống

Chén tàu hũ nóng quen thuộc từ đậu nành đặc sánh chan nước đường gừng, nước cốt dừa bán gánh rong, hiện không còn đơn điệu vậy. Nay món này đã trở thành “bản giao hưởng” với vài chục món biến tấu từ trái gấc, lá dứa, càphê, trái cây, các loại chè… 

Ba loại biến tấu từ tàu hũ truyền thống: tàu hũ đá sầu riêng, tàu hũ đường và tàu hũ bánh flan. 


Khám phá Ngũ Động Bản Ôn

Nằm trong danh sách những điểm đến du lịch của Mộc Châu, nhưng có lẽ ít người biết đến địa danh Ngũ Động Bản Ôn - một quần thể hang động còn hoang sơ nhưng mang một vẻ đẹp đầy lôi cuốn. 

Đồi chè trái tim ở Mộc Châu - Ảnh: Cảnh Nguyễn

Nhắc tới Mộc Châu (Sơn La), mọi người thường nhớ tới cao nguyên Mộc Châu với những đồi chè mênh mông, những đàn bò sữa gặm cỏ và con thác Dải Yếm nổi tiếng với vẻ đẹp như xuân sắc người con gái tuổi trăng tròn. Nhưng ít ai biết tới một thắng cảnh rất đáng để tham quan, khám phá, đó chính là Ngũ Động Bản Ôn.

Về Kon Sơ Lăl xem múa hề

Làng Kon Sơ Lăl (cũ) ở xã Hà Tây, huyện Chư Pah, cách thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai khoảng 50km về hướng bắc. Một ngôi làng cả trăm tuổi mang đậm nét đặc sắc người Ba Na, một di sản của Tây nguyên nhưng lại đang xuống sắc một cách đáng tiếc.

Các chú hề trẻ tuổi rất hào hứng trong vai diễn của mình - Ảnh: Tiến Thành

Làng Kon Sơ Lăl cũ nằm chon von trước bìa rừng. Sở dĩ gọi là làng cũ vì từ năm 2002, những hộ dân trong làng đã di dời và định cư ở làng Kon Sơ Lăl mới cách đó 3km. Làng mới nay khang trang với nhà bêtông lợp tôn, có điện và nước sạch đến từng nhà.


28 thg 12, 2013

Có phải trên núi Ba Thê có Hòn Vọng Thê?

Các trang mạng về du lịch nói rằng Hòn Vọng Thê ở trên núi Ba Thê, thuộc thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Họ nói như vầy:

Tương truyền, xưa có một người đàn ông lên núi tu hành, xa lánh thế gian, bụi đời song lòng vẫn còn chưa rũ sạch bụi trần, nên chiều chiều ngóng vọng về phương xa, nhớ nhà, nhớ vợ, sau đó chết đi. Người ta cho rặng vị sư kia đã hóa đá, thành “Hòn Vọng Thê” trên một ngọn núi nằm lẻ loi giữa tứ giác Long Xuyên.


Trên núi Ba Thê

Làng Việt Hải, nét thôn dã giữa đảo Cát Bà

Có một ngôi làng nằm trong thung lũng thuộc vùng lõi của Vườn quốc gia Cát Bà, mỗi năm thu hút hàng chục ngàn du khách nước ngoài đến thăm nhưng lại chưa được nhiều người Việt biết tới. Đó là làng Việt Hải ở huyện Cát Hải, Hải Phòng, một ốc đảo còn tách biệt với thế giới bên ngoài và thu hút người ta bởi những vẻ đẹp từ xa xưa. 

Đường đến làng trên vịnh Lan Hạ

Cách thị trấn du lịch Cát Bà hơn 10km đường chim bay, Việt Hải được bao bọc bởi dải núi cao và cánh rừng rậm của vườn quốc gia nên trở thành một phần tách biệt với phần còn lại của đảo Cát Bà. Để tới được làng có hai cách, một là từ bến Bèo ở thị trấn đi tàu băng qua vịnh Lan Hạ mất khoảng 45 phút. 

Con đường thứ hai là đi bộ băng rừng nguyên sinh xuyên vườn quốc gia, theo con đường mòn mạo hiểm cheo leo qua nhiều dốc đá dựng đứng, những hang núi, khe sâu, những bãi lầy, vũng áng. Cách này đi mất những tám tiếng nên thường chỉ có du khách nước ngoài ưa thử thách mới lựa chọn.

Đền Và

Nằm ở Sơn Tây, cách trung tâm Hà Nội khoảng 40 km về phía Tây Bắc, đền Và là một công trình kiến trúc nghệ thuật cuối đời Lê đầu đời Nguyễn, một danh thắng của xứ Đoài, đã được Bộ văn hóa xếp hạng. Đền thờ Đức thánh Tản Viên Sơn (tức Sơn Tinh), vị thần của người nông dân Việt Nam, phù hộ cho mùa màng, thời tiết.

Hôm đó, từ Sơn Tây, chúng tôi đi về hướng Thành cổ, rẽ qua cầu Công Cộng đến khu Xã Tắc, nằm bên dòng sông Tích. Theo con đường láng nhựa khoảng một cây số, qua cánh đồng làng Vân Gia chúng tôi đến đền Và. Một ngôi đền cổ kính nằm giữa rừng lim già nguyên sinh, trên gò đất rộng 6 ha hình con rùa, đầu quay về hướng Bắc. 

Một góc đền Và 

Thăm Hoàng thành Thăng Long

Đứng trên lầu cao Đoan Môn có thể thấy thấp thoáng qua cây lá um tùm toàn bộ hệ thống di tích trung tâm kéo dài trên trục dọc từ Cột Cờ, Đoan Môn, điện Kính Thiên, Hậu Lâu đến Thành Cửa Bắc. Thực ra, đây là phần lõi của kinh thành Thăng Long từ ngàn năm trước.

Chúng tôi lặng đứng trên sân cỏ rộng ngắm nhìn Đoan Môn, cửa chính vào di tích Hoàng Thành Thăng Long. Hôm ấy tình cờ là ngày họp mặt của các bạn sinh viên vừa tốt nghiệp một trường đại học Hà Nội, những tà áo dài mềm mại tung bay, góp nét mới sống động vào âm hưởng hoài nhớ của bài thơ xưa với hai câu thơ nổi tiếng của Bà Huyện Thanh Quan thật hợp tình hợp cảnh: Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/Nền cũ lâu đài bóng tịch dương 

Đoan Môn Hoàng Thành 

Vũ điệu Chăm Pa hút hồn du khách

Hòa mình lễ hội Chăm, du khách sẽ bắt gặp những cô gái trong chiếc áo dài truyền thống thướt tha với điệu múa nhịp nhàng, uyển chuyển.

Lễ hội, lễ tục Chăm là cái nôi chứa đựng kho tàng văn nghệ dân gian đặc sắc, trong đó múa là phần hồn không thể thiếu trong các lễ hội Chăm. Hầu như không có những lễ hội nào của người Chăm lại thiếu đi những điệu múa dân gian đặc sắc hòa với tiếng trống gineng và tiếng kèn saranai.

Người Chăm quan niệm múa dân gian Chăm là sự giao thoa giữa thế giới hiện tại và thế giới siêu nhiên, giữa con người và thần linh. Con người gửi gắm trong những điệu múa ước nguyện về mưa thuận gió hòa, xóm làng bình an, sức khỏe để sống và phục vụ cho thế giới hiện tại và cúng tế Thần Yang. 

Múa đội "thon hala" kết hợp với múa quạt. 

Bánh hỏi – món ăn không giờ giấc

Người Bình Định, khi cưới hỏi, cúng giỗ, lễ lạt đều có món bánh hỏi, thậm chí còn dùng thay các bữa cơm.

Người Bình Định, khi cưới hỏi, cúng giỗ, lễ lạt... đều có món bánh hỏi. 

Các bậc cao niên tại Quy Nhơn cho hay, không biết vì đâu mà có cái tên là bánh hỏi? Xưa nay chưa có ai nói về nguồn gốc và ý nghĩa của tên bánh, chỉ biết bánh hỏi từ lâu đã trở thành món ăn quen thuộc của người Bình Định.

Bánh hỏi được làm từ gạo thơm vo kỹ, ngâm nước một đêm. Hôm sau, vớt gạo đem xay nhuyễn bằng cối đá. Rồi đưa bột xay vào bao vải khô “bòng” cho ráo nước để có một loại bột. Đem hấp bột này vừa đủ chín, nhồi và chia bột thành từng khối chừng nửa ký rồi đưa vào khuôn ép. Một người ép, một người bắt bánh và ngắt ra từng đoạn chừng 10cm. Sau đó đem bánh hấp cách thuỷ một lần nữa mới mang đi tiêu thụ.


Mùa vàng sơn tra

Những ngày cuối tháng 9, ai có dịp lên Tây Bắc, dừng chân ở Mù Cang Chải (Yên Bái) sẽ được hoà mình vào không khí tấp nập thu hoạch quả sơn tra trên núi cao của người Mông. Sắc vàng của táo hoà vào màu vàng của nắng đầu thu với mùi hương sơn tra nồng nàn làm cho không gian thêm đậm chất vùng cao. 

Quả sơn tra hay còn gọi táo mèo – đặc sản vùng cao Tây Bắc. 

Cây sơn tra hay còn gọi là cây táo mèo vốn là loại cây thường mọc ở sườn núi cao các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu. Trong những năm gần đây, người dân tộc Mông ở Mù Cang Chải đã đầu tư phát triển giống cây này cho hiệu quả kinh tế cao.

Cà phê vợt, hương thơm ký ức

Ngày nay người ta thường nói nhiều đến chuyện văn hoá cà phê, nhưng bằng cách nào mà liên hệ với văn hoá cà phê khi không mở lại những không gian quán cà phê vợt từng đập cùng nhịp sống với cả thế hệ thị dân.


Không ai biết chính xác cái cách pha cà phê bằng vợt có từ thời điểm nào, nhưng hầu hết mọi người đều tin rằng cái vợt pha cà phê du nhập vào xứ ta cùng một ngày với cái thú uống cà phê.

Cõi phật Linh Ứng

Chùa Linh Ứng Bãi Bụt là ngôi chùa lớn nhất ở thành phố Đà Nẵng cả về quy mô lẫn kiến trúc nghệ thuật. Đây là ngôi chùa nằm trong quần thể du lịch bán đảo Sơn Trà được xây dựng với sự kết hợp hài hòa giữa nét hiện đại và truyền thống của chùa Việt, hiện đang là điểm du lịch mới của thành phố biển xinh đẹp này.

«
          
Đà Nẵng có ba ngôi chùa đều mang tên Linh Ứng và nằm ở những vị trí đắc địa, tạo thành một tam giác tâm linh của thành phố. Chùa Linh Ứng Non Nước nằm trên hòn Thủy, một trong năm ngọn núi của Ngũ Hành Sơn. Chùa Linh Ứng Bà Nà, nằm trên chót vót núi cao của địa danh nghỉ mát này. Chùa Linh Ứng Bãi Bụt, nằm lưng chừng núi của bán đảo Sơn Trà.
                                              »
Người dân bán đảo Sơn Trà kể lại rằng, vào thời vua Minh Mạng (nhà Nguyễn, thế kỷ XIX) có một pho tượng Phật không biết từ đâu trôi dạt về bãi cát nơi đây. Cho đó là điềm lành, họ lập nam thờ tự và từ đó cả khu vực sóng yên biển lặng, dân chài yên ổn làm ăn suốt một thời gian dài. Khu bãi cát mà pho tượng phật dạt về từ đấy được mang tên Bãi Bụt (nghĩa là Cõi Phật giữa chốn trần gian) cũng chính là nơi dựng lên chùa Linh Ứng ngày nay.

26 thg 12, 2013

Cá lóc nướng trui cuốn đọt sen mùa gió chướng

Trong tiết trời se lạnh, giữa mênh mang đồng nước mùa này, được quây quần bên mẻ cá lóc nướng trui nóng hổi cuốn với những đọt sen vừa hái thì thật không còn gì bằng.

Bữa tiệc cá lóc nướng cuốn đọt sen tại Tràm Chim (Đồng Tháp) - Ảnh: Hoài Vũ

"Tát đìa cá lóc đầy lu,
Ăn rồi nhận mắm còn cho xóm giềng"


Cá lóc là loại cá ngon phổ biến ở đồng bằng Nam bộ và nhiều người đã thi vị hóa cá lóc thành nhiều cấp bậc “nhất nướng, nhì kho, tam canh, tứ luộc”. Thật ra, cá lóc làm gì cũng ngon nhờ thịt ngọt, hiền lại ít xương và nhiều đạm. Từ cá lóc nấu cháo, nấu bánh canh, nấu cà ri, nấu canh chua cho tới cá lóc dồn thịt, rang muối, làm mắm, phơi khô, chiên tươi, kho rim nước dừa… món nào cũng có đẳng cấp.

Biệt dược phòng the ở chợ côn trùng cực độc nổi tiếng miền Tây

Ngoài nổi tiếng là tuyến du lịch hành hương về núi Cấm danh tiếng còn được biết đến như khu chợ côn trùng độc nhất Việt Nam.

Nếu ai đặt chân lần đầu đến với chợ Tịnh Biên (xã Xuân Tô, Tịch Biên, An Giang), một vùng biên giới xa xôi, hẳn sẽ không tránh khỏi cảm giác rùng rợn lẫn kinh sợ. Bởi, nơi đây ngoài nổi tiếng là tuyến du lịch hành hương về núi Cấm danh tiếng còn được biết đến như khu chợ côn trùng độc nhất Việt Nam.

Từ những loài vật cực độc có thể dẫn đến mất mạng nếu bị cắn phải như: bò cạp, nhện hùm, rắn rít cho tới những con vật mà mới thoáng nhìn qua, nhiều người đã lạnh cả sống lưng vì sự gớm ghiếc như ngô công (hay còn gọi là rết), mối chúa, bổ củi… đều được bày bán la liệt ở đây.

Điều đáng nói, hàng trăm loại côn trùng cực độc ấy đang bò lổm ngổm, rất sống động để du khách tha hồ lựa chọn hoặc chúng nằm ngon lành trên đĩa để những thực khách đi chợ có thể… dùng luôn.

Bọ cạp cực độc 

Điểm tâm ngon giữa lòng Sài Gòn

Mâm điểm tâm quen thuộc của Tân Sanh Hoạt 

Đi tìm món ăn điểm tâm (dim sum) kiểu Sài Gòn xưa, nhiều người thường tìm đến tiệm Tân Sanh Hoạt (đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 03), nơi còn lưu giữ một phần hồn của tiệm nước Sài Gòn.

Theo nhiều nguồn tài liệu, nguồn gốc của các món dim sum, tức "điểm sấm", mà người Việt hay gọi trại thành "điểm tâm", xuất phát từ thói quen dừng chân dùng trà cho lại sức dọc theo Con đường Tơ lụa (Silk Road - con đường huyền thoại nối liền Trung Hoa rộng lớn với vùng Tây Á).

Từ nhu cầu đó, các trà quán mọc lên như những trạm dừng lý tưởng. Thoạt đầu các trà quán chỉ phục vụ trà mà không có thức ăn bởi ngày đó người ta vẫn tin rằng dùng trà chung với thức ăn rất dễ gây tăng cân. Nhưng từ khi phát hiện ra tác dụng giảm cân của trà, các món ăn nhẹ bắt đầu được bán tại các trà quán này. Và cũng từ đó các món dim sum bắt đầu được phát triển và trở nên đa dạng như ngày nay.

24 thg 12, 2013

Điểm đến không có trong tour du lịch

Ở Cần Thơ nói riêng và các tỉnh miền Tây nói chung có dạng du lịch homestay, du khách sẽ đến ăn ở, sinh hoạt trong nhà vườn cùng với người dân địa phương. Đây là một trải nghiệm khá thú vị với người thành phố và rất thu hút khách nước ngoài.

Tôi đến Cần Thơ vào chiều tối và chỉ lưu lại đó một buổi sáng hôm sau, nên không thể nào homestay được. Thế nhưng anh Lâm văn Sơn - một chuyên gia du lịch sành sõi ở Cần Thơ - vẫn bố trí cho cha con tôi một chuyến đi thú vị hơn cả homestay, mà chắc chắn chúng tôi không thể nào tự mình thực hiện được, và cũng chắc chắn không đơn vị du lịch lữ hành nào đưa chúng tôi đi được. Vì đây không hề là một điểm đến của các tour du lịch!

Anh Sơn đích thân dùng xe máy đèo tôi đi, và mượn một chiếc nữa cho Đắc Nhân (con tôi) và Thùy Nhân (em tôi).

Cảm nhận Hội An

Đa dạng về kiểu dáng và màu sắc, lồng đèn Hội An là mặt hàng bán chạy và cũng tô điểm cho Hội An hấp dẫn du khách bốn phương. 

Lần đầu đến Hội An, tôi vừa háo hức nghĩ về những điều đã đọc, đã xem và cả được nghe những người đi trước nói về Phố Cổ; nhưng cũng có chút “ghen tị” vì nghĩ rằng, mình sẽ chỉ thấy những điều “ai cũng biết” rồi. Nhưng du lịch luôn hấp dẫn bởi cuộc sống sinh động và mỗi người có góc nhìn và cảm nhận khác nhau.

Đáp xuống sân bay Đà Nẵng lúc 6 giờ chiều, chúng tôi gọi taxi đi thẳng vào Hội An. Hơn nửa tiếng đồng hồ sau, chúng tôi đến nhà trọ đã đặt trước bên hữu ngạn sông Hoài, cạnh khu phố cổ.


Canh chua cá rô nấu trái giác

Canh chua cá rô nấu trái giác. Ảnh: TBX

Trong số các loại cây mọc hoang khắp những vạt rừng lá dừa nước, vườn tràm, bờ ao ..., ít có loài nào mọc khỏe như cây giác. Giăng lưới, cắm câu bắt được những con cá rô mề trên những cánh đồng lúa mênh mông hay trong mương vườn, dưới sông rạch đem nấu canh chua trái giác thì không gì bằng.

Giác bị chặt hoặc tàn lụi trong mùa nắng sẽ đâm chồi mơn mởn sau mưa. Hễ còn một khúc rễ ngắn là giác có thể sinh tồn. Trái giác tròn, hơi dẹp, nhỏ và dính nhau thành từng chùm. Khi còn non, trái nhỏ như hạt đậu xanh. Càng lớn, trái càng có màu xanh đậm đà và bóng bẩy. Trái chín lại có màu đen thẫm, bên trong tím lịm như mực mồng tơi, tựa như trái nho chín, nhưng kich cỡ nhỏ hơn, có lẽ vì thế mà người bình dân Tây Nam bộ gọi nó là nho rừng.


Thới Sơn, điểm đến mới ở An Giang

Suốt một thời gian dài, làng Thới Sơn của huyện Tịnh Biên - một trong những cửa ngõ dẫn vào vùng Bảy Núi, An Giang bị coi là chốn “thâm sơn cùng cốc” do vị trí xa xôi. Chỉ mấy năm nay, nơi đây mới bắt đầu thu hút khách du lịch nhờ những nét văn hóa thú vị.

Phong cảnh vùng Bảy Núi

Trước khi đến Thới Sơn, chúng tôi nghỉ chân tại thị trấn Nhà Bàng. Huyện lỵ của Tịnh Biên phát triển khá nhanh trong thời gian qua. Tiếc là mật độ cây xanh đã giảm xuống nhường chỗ cho nhà cửa, phố xá mới xây dựng.

Hà Giang – mảnh đất của tình yêu

Những cung đường tuyệt đẹp, những đỉnh núi hùng vĩ, những triền dốc và thung lũng chìm sâu trong mây, ruộng bậc thang trùng điệp, những cánh đồng hoa tam giác mạch trải dài ngút ngàn, những dòng sông, con suối nên thơ, những ngôi nhà cổ, những phiên chợ và những chén rượu nồng, tất cả đã tạo nên một Hà Giang - mảnh đất của tình yêu.


Cách Hà Nội gần 300 km, Hà Giang - tỉnh cực Bắc của đất nước Việt Nam, một tỉnh vùng cao giàu bản sắc văn hoá, ngôi nhà chung của 20 dân tộc, gồm người H'mong, Pathen, La Chí, Sán Chỉ, Cao Lan, Lô Lô, Zay, Tày, Dao...

Mỗi dân tộc đều có nét văn hóa, bản sắc riêng biệt và vẫn giữ lối sống nguyên sơ, đơn giản. Tại thôn Nấm Chanh, xã Nấm Dẩn, vẫn còn bãi đá cổ, nơi sinh sống của người Việt cổ cói niên đại trên 2.000 năm tuổi.

“Rượu trời” của người Cơtu

Còn được gọi là “rượu trời”, rượu tà vạt là một trong những thức uống rất được ưa chuộng trong phần lớn các sinh hoạt hằng ngày cũng như lễ hội của cộng đồng người Cơtu ở tỉnh Quảng Nam. Theo thời gian, “rượu trời” cũng được rất nhiều người Kinh ưa thích giống như rượu từ cây thốt nốt của người Khmer ở An Giang.

Buồng quả tà vạt

Tuy là thức uống nổi tiếng và khá phổ biến ở Quảng Nam nhưng cũng chỉ có một số khu vực dân cư người Cơtu nắm được kỹ thuật khai thác được loại rượu này. Không ai biết được rượu tà vạt có từ khi nào.

21 thg 12, 2013

Chùa Chén Kiểu ở Sóc Trăng

Chùa Chén Kiểu ở Sóc Trăng

Du khách đến tham quan thành phố Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) đều tìm đến viếng ba ngôi chùa nổi tiếng là điểm đến du lịch, gồm chùa Dơi, chùa Đất Sét và chùa Sà Lôn. Chùa Sà Lôn (còn có tên gọi là chùa Chén Kiểu) là ngôi chùa thuộc hệ phái Phật giáo tiểu thừa (Nam tông), thuộc xã Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên), cách thành phố Sóc Trăng hơn 10 cây số bên quốc lộ 1 hướng đi Bạc Liêu.

Nguyên tiếng Khmer của chùa Sà Lôn là Wath Sro Loun, hay Wath Chro Luong, bắt nguồn từ tên con rạch Chro Luong chạy dọc theo đường làng Xoài Cả Nả (*), trước chùa. Từ tên Wath Sro Loun người ta gọi gọn còn Sro Loun, nhưng để dễ phát âm và dễ nhớ, người ta gọi trại theo tiếng Việt là Sà Lôn.

Khu rừng mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Một ngày trong “Rừng ông Giáp”, bạn không chỉ được sống lại những bước chân hành quân, tiếng hò dô kéo pháo hào hùng mà còn được thả hồn vào không gian trong lành của rừng nguyên sinh.

Ở xã Gia Phù, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La không ai là không biết đến khu rừng mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mà người trong vùng vẫn gọi bằng cái tên thân mật: “Rừng ông Giáp”. Là khu rừng rậm rạp, ít người lui tới nên muốn vào thăm, ai nấy đều phải gõ cửa ngôi nhà gỗ nhỏ nằm cạnh suối Bùa để được nghe chỉ dẫn. 

Năm 2008, tỉnh Sơn La đã công nhận khu rừng mang tên Đại tướng là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Ảnh: hanhtrinhvietnamxanh.com 

Men theo con đường mòn nhỏ dốc đá trơn trượt, bạn sẽ được chủ nhân của ngôi nhà gỗ, đồng thời là người giữ rừng kể lại câu chuyện năm xưa. Trong lần hành quân từ Nghĩa Lộ (Yên Bái) lên Điện Biên tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đoàn quân đã chọn nơi đây làm nơi đóng quân, nghỉ ngơi.

Vốn có tên gọi là rừng bản Nhọt nhưng với lòng kính trọng, biết ơn và cảm phục công lao của Đại tướng, người dân địa phương đã gọi khu rừng này là "Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp" như một cách để con cháu luôn nhớ về nơi Đại tướng đã dừng chân. Vẫn là những con đường rêu đá nhỏ hẹp, lúc lên, lúc xuống, nhưng qua câu chuyện kể đồng hành, bước chân lữ khách như chững lại, để rồi hình dung về quãng đường thồ gạo, kéo pháo lên Điện Biên của đoàn quân năm xưa.

Lội qua con suối Bùa là con đường dẫn lên phía đỉnh núi Dưn. Từ đây nhìn xuống có thể thấy những hố đất sâu hoắm nham nhở dọc sườn núi, dưới những tảng đá, khe vách, gốc cây cổ thụ. Theo người dẫn đường, ở khu vực này xưa kia có rất nhiều hầm, hang trú ẩn do bộ đội đào khi dừng chân ở đây. 

Cây cổ thụ trong rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: vov 

“Rừng ông Giáp” hiện có diện tích khoảng 200 ha, được hình thành từ hai dãy núi bao bọc, cây cối xanh tốt, quanh năm mây phủ. Không giống như nhiều khu rừng khác chỉ còn gỗ tạp, dây leo, khu rừng vẫn còn nguyên vẹn với những cây chò chỉ đại thụ to vài ba người ôm không xuể. Một góc khác là cây lát, dổi, sâng, sấu cổ thụ lâu năm, là những cây pơ mu cao hàng chót vót, thẳng đứng lẫn trong làn sương mờ ảo.

Trong không gian tĩnh lặng của rừng già, văng vẳng bên tai là tiếng suối Dưn chảy róc rách đêm ngày như lời nguyện từ năm xưa vọng lại. Đây là nơi trú quân đầu tiên trong rừng bản Nhọt. Dọc theo các con suối khác trong rừng cũng được Tướng Giáp chọn đóng quân: đài quan sát trên đồi suối Hiền, trạm quân y dã chiến bên dòng suối Bùa và đặc biệt là trên ngọn suối Tắc Tè bên sườn đồi Tang Tú - nơi đặt sở chỉ huy mà Đại tướng dừng chân, đến nay vẫn còn hiện hữu. 

Suối trong rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: vtc 

Một ngày bách bộ, vượt dốc, lội suối trong “Rừng ông Giáp”, bạn không chỉ được sống lại những bước chân hành quân rầm rập, tiếng hò dô kéo pháo hào hùng mà còn được thả hồn vào không gian trong lành của rừng nguyên sinh được bảo vệ bởi bàn tay và tấm lòng của những người Mường.

Khu rừng cấm càng trở nên linh thiêng sau sự ra đi của vị Tướng già vào những ngày đầu tháng 10 vừa qua. Nhiều người đã tìm đến đây chỉ để thắp một nén nhang tỏ lòng thành kính và tiếc thương vô hạn với người Anh Cả, rồi lặng lẽ đi vào sâu trong rừng như một cách hồi tưởng về Đại tướng. Khu rừng như ngôi “đền xanh” để người dân nơi đây ghi nhớ công lao của Đại tướng cùng với những chiến sĩ Điện Biên năm nào.

Vy An

Điểm cuối trên dải đất hình chữ S

Cà Mau trong tiếng Khmer có nghĩa là “nước đen”, với màu đặc trưng của lá tràm, lá đước của thảm rừng U Minh bạt ngàn rụng xuống.

Nếu trước đây, từ thành phố Cà Mau muốn về Đất Mũi phải đi hơn 2 giờ bằng ca nô thì nay khoảng cách đã được rút ngắn lại nhờ con đường mở mới từ Cà Mau đến huyện Năm Căn hơn 50 km. Là đoạn cuối cùng của quốc lộ 1 kéo dài từ Lạng Sơn, con đường đi qua thị trấn Năm Căn mang đến cảm giác như đang chinh phục một “đỉnh cao mới”. 



Mũi đất Cà Mau. Ảnh: dulichcamau 


16 thg 12, 2013

Ô Quy Hồ hùng vĩ

Trong dịp chào mừng 110 năm du lịch Sapa vừa qua, đèo Ô Quy Hồ đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) trao chứng nhận kỷ lục là đèo dài nhất Việt Nam. Ô Quy Hồ còn được mệnh danh là “vua đèo Tây Bắc”. 

Đèo Ô Quy Hồ nằm trên quốc lộ 4D, uốn lượn quanh co trên lưng chừng những ngọn núi trùng điệp của dải Hoàng Liên Sơn. Với chiều dài gần 50km (dài hơn đèo Khâu Phạ thuộc tỉnh Yên Bái khoảng 10km), đỉnh Ô Quy Hồ nằm ở độ cao 2.025 mét so với mặt nước biển.

Từ Sapa, du khách đi khoảng 15 km là đến đỉnh đèo. Tuy nhiên đoạn đường hơn 5km nữa mới thật sự đẹp mê hồn với những vách núi dựng đứng quanh năm mây phủ, phía dưới là thung lũng ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ. 

Đường lên Ô Quy Hồ trập trùng đồi núi 

Sâu măng, món ngon chỉ dành cho người can đảm

Sâu măng trong bữa ăn ngày lạnh của người dân Mường Lát, Thanh Hóa khiến không ít khách đường xa phải ngần ngại. 

Vào mùa lạnh, khi những cơn mưa nhấm nhẳng rơi xuống bất ngờ trên núi rừng Mường Thanh thì đâu đó có những người mang gùi vào rừng đi bắt sâu măng. Không khí ẩm ướt khiến sâu măng sinh sôi nảy nở rất nhanh.

Người đi rừng tìm đến những cây măng nứa thân hơi cong queo, vỏ ngoài hơi thâm, héo ngọn, mắt có u thì biết rằng đây đích thị là nơi trú ngụ của những chú sâu béo nhất. Sau khi đốn hạ thân măng, người bắt sâu sẽ trút sâu trong ống nứa vào giỏ. Sâu măng to như cọng rau muống, màu trắng sữa, dài độ 2 đốt ngón tay. 

Đặc sản sâu măng Mường Lát. Ảnh: dulichvietnam 


Vị chua ngọt dâu rừng Quảng Nam

Là loại quả dại màu đỏ rực, dâu rừng không chỉ làm thức uống giải khát mà còn có thể băm nhỏ nấu canh chua, ngon không kém măng hay lá giang.

Dâu rừng có nhiều tên gọi như dâu đất, dâu da, mọc chủ yếu ở vùng núi, trung du nhiều tỉnh miền Trung. Tuy cùng họ với bòn bon, nhưng dâu rừng khi chín có màu đỏ rực, được biết đến nhiều nhất ở vùng rừng núi của Quảng Nam.

Không như các loại dâu khác mọc ra từ cành lá, lúc lỉu trên cao, quả dâu rừng lại phát triển từ thân cây và chuyển màu khi tiết trời bắt đầu sang đông. Do đó, vào thời gian này, nếu có dịp đến huyện Nam Giang, Tiên Phước, Phước Sơn, Trà My…, bạn sẽ bắt gặp cảnh tượng cực kỳ đẹp mắt của những chùm dâu rừng chín ôm gọn thân cây từ gốc cho tới ngọn. 

Dâu rừng chín đỏ trên cây. Ảnh: quangnam 


Trang sức độc đáo của người Hà Nhì

Ngoài bộ trang phục màu xanh hay đen nhuộm chàm, người phụ nữ Hà Nhì còn điểm tô thêm bằng mái tóc được tết rất độc đáo.

Nếu lên Lào Cai hay Lai Châu, bạn sẽ bắt gặp rất nhiều ngôi nhà trình tường nhỏ xinh của người dân tộc Hà Nhì sống dưới chân núi, gần các con sông, con suối. Bạn không chỉ được ngắm vẻ đẹp của núi rừng Tây Bắc, mà còn cảm nhận được những nét văn hóa dân tộc qua các trang phục của họ.

Từ xưa tới nay, người Hà Nhì nổi tiếng chịu thương chịu khó. Ngoài việc trồng lúa trên những thửa ruộng bậc thang, họ còn tự tay trồng bông, dệt vải và tự làm ra trang phục của mình, mang những nét đặc trưng riêng. Những bộ trang phục của nam và nữ đều được may từ vải chàm do người dân tộc tự dệt với màu xanh hay màu đen đặc trưng, nổi bật với những đường viền lượn cong.


Đi tìm mộ tổ Kinh Dương Vương


Rất nhiều người không biết rằng ngay trên đất nước ta có ngôi mộ Kinh Dương Vương, thủy tổ nước ta. Ngôi mộ đó hiện nay nằm bên bờ sông Đuống, thuộc địa phận thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Mộ giản dị, đắp trên một gò đất nhìn ra bờ sông, xung quanh là những cây cổ thụ quanh năm xanh tốt. Nhân dân không xây thành lăng, mà chỉ xây cao lên bằng gạch cổ, có mái nhỏ che mưa nắng. Rêu xanh màu thời gian. Các nhà nghiên cứu cho rằng đây là ngôi mộ cổ do nhân dân chọn địa thế đẹp, có tụ khí phong thủy, dựng lên như một biểu tượng.


Trang phục tinh tế của phụ nữ Dao Tiền

Với màu chàm và đen chủ đạo, trang phục của người Dao Tiền được thêu hoa văn ở tà áo, gấu áo rất nhã nhặn và tinh tế.

Không rực rỡ như các trang phục của các dân tộc Dao khác, người Dao Tiền thường chọn màu chàm và đen làm gam màu chủ đạo. Phụ nữ Dao Tiền rất coi trọng chuyện ăn mặc, vì vậy trang phục của họ rất nhã nhặn nhưng không kém phần tinh tế, ngay cả trẻ nhỏ đã được bố mẹ mặc cho những bộ quần áo được thêu khéo léo và cầu kỳ.

Để hoàn thành một bộ trang phục, người phụ nữ Dao Tiền phải trải qua những công đoạn rất công phu và tỉ mỉ, có khi mất cả tháng trời mới xong. Thường vào những lúc nhàn rỗi, họ bật bông, se sợi để dệt vải, tự may quần áo cho mình và cho chồng con. 

Cô gái Dao xinh xắn. Ảnh: dantocviet. 


Bún riêu ốc nấu cà chua xanh

Hiện nay, các cửa hàng ăn uống miền Tây đã ‘biến tấu’ món bún riêu cua thành nhiều món có khẩu vị khác nhau như bún riêu tôm, bún riêu cá… giờ đây lại có thêm món bún riêu ốc nấu với cà chua xanh, mới nghe qua cũng đã thấy hấp dẫn.

Tô bún riêu ốc với đầy đủ hương vị, chỉ nhìn đã mê. 

Bún riêu ốc là một trong những món ăn bình dân, được chắt lọc từ thịt ốc và các loài thảo dã mang đặc trưng của miền quê sông nước. Muốn có một tô bún thơm ngon, mùi vị hấp dẫn, điều trước nhất là phải chuẩn bị một nồi nước lèo (nước súp) thật đậm đà hương vị. Nguyên liệu chính để tô điểm cho nồi nước lèo là ốc, xương heo, tôm khô và cà chua xanh xắt ra từng miếng.


Cá chạch bùn nướng muối ớt

Cá chạch là đặc sản của vùng nước ngọt. Chạch có nhiều loại: chạch khoan, chạch rằn, chạch bông, chạch lấu… nhưng phổ biến nhất là chạch rằn và chạch bông, con nhỏ, mình dẹp, đầu nhọn. Cá mập mạp, ngon nhất là khoảng từ tháng Mười đến hết năm âm lịch.

Cá chạch bùn nướng muối ớt. 

Đặc biệt, gần đây trên thị trường lại xuất hiện một loài cá chạch mang tên chạch bùn. Đây là một loài cá chạch được nuôi trong ao hồ bằng cám và thức ăn công nghiệp. Loài cá nầy xuất xứ từ Nhật và Đài Loan. Hiện nay có nhiều trại chuyên sản xuất con giống để cung cấp cho các hộ nuôi.


Bình yên Vũng Chùa

Vũng Chùa thuộc xã Quảng Đông, Quảng Trạch, Quảng Bình có địa thế “rồng cuộn hổ ngồi”. Trước mặt là biển Đông, với Đảo Yến chắn phía trước, sau lưng có dãy núi Hoành Sơn che chắn. Đây là nơi yên nghỉ của vị tướng huyền thoại của dân tộc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. 

Vũng Chùa là một trong những thắng cảnh đẹp nằm trong vịnh Hòn La. Theo sách Đại Nam dư địa chí ước biên (thời Nguyễn) của nhà văn hóa Cao Xuân Dục, nơi đây được gọi là vịnh La Sơn. Vùng biển này nổi tiếng với những sản vật dùng để tiến cung triều đình. Đặc sản nơi đây ngoài yến sào, sò huyết, tôm hùm còn có loài “cửu khổng quyết minh” hay còn gọi là bào ngư.

Cách Vũng Chùa khoảng 1km là Đảo Yến hay còn gọi là Hòn Nồm, theo hướng gió. Đảo Yến có diện tích khoảng 10ha, là nơi hội tụ nhiều chim Yến nhất Quảng Bình. Đứng trên đảo, nhìn vào đất liền là những bãi cát trắng trải dài, những bãi đá hoang sơ, được sóng biển tạo nên nhiều hình thù khác nhau. Từ hàng trăm năm về trước ở lưng chừng núi có một ngôi chùa và một tháp rất linh thiêng, nhưng qua bao bể dâu nay chỉ còn nền móng. Và cái tên Vũng Chùa là để chỉ vùng non nước linh liêng này. 

Từ trên đỉnh Thọ Sơn phóng tầm mắt về hướng biển là khung cảnh non nước hữu tình, mặt hướng ra đại dương, nước biển phẳng lặng, trong xanh, biển nước mây trời bình yên và khoáng đạt.

15 thg 12, 2013

Kỳ lạ ông vua có hàng ngàn ngôi mộ ở Tây Côn Lĩnh

Chưa ai thử đếm dọc sườn Tây Côn Lĩnh có bao nhiêu ngôi mộ như vậy, chỉ ước chừng vài ngàn cái.

Chui ra khỏi lối đi dốc và rậm rạp, dừng lại giữa con đường đất đỏ, ven sườn đồi thoáng rộng, chị Tuyết Nhung, cán bộ văn hóa xã Bản Phùng (huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang) khoát vòng tay rộng giới thiệu: “Đây là khu mộ cổ bí ẩn của người La Chí”.

Mặc dù đã chuẩn bị hình dung về một khu rừng mộ kỳ lạ, đầy huyền tích, nhưng hồi lâu tôi mới xác định được rằng, những gò đống hình bát úp to lớn kia chính là thứ tôi vượt hàng trăm cây số đến đây để tìm hiểu.

Thoạt nhìn, những gò đống ấy như lẫn vào sự nhấp nhô của những sườn đồi đầy cỏ dại. Nhưng không hiểu sao chúng đều có hình tròn, cao tầm hơn 1,5m và rộng như một gian nhà, nằm cách nhau vài mươi bước chân một cách đều đặn.

Đám trẻ vô tư nô đùa bên những ngôi mộ cổ 

Chợ đêm ở “đảo ngọc” Phú Quốc: “Chỉ con nào, làm con ấy”

Một trong những điểm hút khách ở “đảo ngọc” Phú Quốc (Kiên Giang) về đêm là chợ đêm mũi Dinh Cậu. Tại đây, hải sản tươi sống được trưng bày và sẵn sàng đáp ứng yêu cầu “ăn con nào làm con ấy” của du khách khiến không khí ở đây nhộn nhịp hẳn.

Đến “đảo ngọc” Phú Quốc một ngày đầu năm, chúng tôi khá bất ngờ vì không khí ban ngày tại đây khá lặng lẽ. Tuy nhiên khi về đêm, trong trung tâm thị trấn Dương Đông cũng khá sôi nổi và một trong những điểm hút khách là chợ đêm mũi Dinh Cậu.

Khu chợ đêm mũi Dinh Cậu chiếm chọn tuyến đường Võ Thị Sáu, dài khoảng 300- 400m ngay sát bờ biển Dương Đông. Tại đây, các tiểu thương bày hàng bán từ khoảng 17h chiều và hoạt động tất bật từ thời điểm 19h tối trở đi. Là điểm du lịch nên cũng như nhiều chợ đêm khác, khu chợ đêm mũi Dinh Cậu bày bán nhiều mặt hàng lưu niệm. 

Cũng như nhiều chợ đêm khác, chợ đêm Dinh Cậu cũng bán nhiều mặt hàng lưu niệm.

Ngôi làng cổ trong lòng thành phố Huế

Dù nằm giữa thành phố Huế, nhưng Thủy Biều lại mang dáng dấp của một làng quê yên bình với khu vườn thanh trà ngát hương và những ngôi nhà rường hàng trăm năm tuổi.

Phường Thủy Biều, TP Huế ngày nay là sự hợp nhất của hai làng cổ thời xưa là Nguyệt Biều và Lương Quán. Thủy là nước, Biều là cái bầu nên có thể hiểu nôm na Thủy Biều tức là cái Bầu Nước. Phải chăng tên gọi này xuất phát từ vị trí ba mặt Thủy Biều đều được bao bọc bởi dòng sông Hương thơ mộng? 

Con đường rợp bóng cây xanh, đậm chất thôn quê. Ảnh: doanhnhansaigon 


Đà Lạt có ngôi nhà kỳ dị

“Crazy House” là một trong những quần thể kiến trúc đặc biệt ở Đà Lạt gây tò mò cho du khách và được nhiều báo nước ngoài ca ngợi.

Ở thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng, có một ngôi nhà rất nổi tiếng bởi kiến trúc độc đáo và kỳ dị. Ban đầu ngôi nhà được đặt tên là “biệt thự Hằng Nga” nhưng sau này đổi tên thành “Crazy House” (Ngôi nhà điên). Chủ nhân của nó là nữ kiến trúc sư Đặng Việt Nga.

Lấy cảm hứng từ sự thơ mộng và môi trường tự nhiên quanh TP Đà Lạt cũng như từ các tác phẩm của Gaudi, kiến trúc sư Đặng Việt Nga đã thiết kế nên "Ngôi nhà điên" tọa lạc ở số 3 đường Huỳnh Thúc Kháng. Ngay từ khi bước vào khuôn viên của ngôi nhà, người ta có cảm tưởng đang vào một khu rừng như trong chuyện cổ tích: những cây leo chằng chịt, xanh rì quanh những cây cổ thụ xù xì 2 người ôm không xuể. Xung quanh nhà là muông thú, những cây nấm khổng lồ - tất cả được đúc bằng bê tông. Ngoài trời, những mảng mạng nhện được kết từ dây thép chăng nhằng nhịt từ trên cao thả xuống trông như thật. Ngôi nhà có các mảng kiến trúc gồ ghề, lồi lõm với các mảng bê tông đen, vàng, nâu với những hình thù kỳ quái tạo nên một cảm giác kì bí.