Hiển thị các bài đăng có nhãn du lịch sinh thái. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn du lịch sinh thái. Hiển thị tất cả bài đăng

30 thg 6, 2014

Trên ngọn Núi Già (Tà Kóu)

Núi Tà Cú ở huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận có tên gốc là Tà Kóu, theo tiếng Chăm cổ nghĩa là núi già ( nghĩa là núi, Kóu nghĩa là cũ, già).

Nói đến du lịch Tà Cú, người ta thường nghĩ đến dạng du lịch tâm linh. Điều đó đúng, vì trên núi Tà Cú có ngôi chùa Linh Sơn Trường Thọ nổi tiếng linh thiêng với nhiều huyền tích, có Tượng Phật nằm dài nhất châu Á, có bộ tượng Di đà Tam tôn đã được công nhận di tích văn hóa cấp quốc gia... (Thông tin thêm về chùa núi Tà Cú xin xem tại đây)

Chùa Tà Cú ẩn hiện giữa núi rừng. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

18 thg 3, 2013

Dambri huyền thoại

Cách thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng) 18km theo hướng Đông Bắc, chạy qua con đường uốn lượn với hai bên là những đồi chè và cà phê xanh ngát, thác Dambri trắng xóa từ trên cao đổ xuống như một dải lụa nằm vắt trên vách đá cheo leo giữa lưng chừng núi và cỏ hoa. 

Cái tên Dambri bắt nguồn từ câu chuyện tình huyền thoại của một đôi trai gái mà người K’ho đặt cho dòng thác này. Theo truyền thuyết, ngày xưa có một đôi trai gái K’ho yêu nhau và thường hẹn hò bên thác nước. Họ hẹn mùa lúa chín, trăng tròn năm sau sẽ làm lễ cưới. Nhưng, hạnh phúc đã không đến với họ. Cha của cô gái không muốn gả nàng cho chàng trai nghèo khổ. Để ngăn cách tình yêu của họ, già làng đã sai người bắt chàng trai phải bỏ làng đi tới một nơi xa, thật xa không có lối về. Từ khi vắng bóng chàng trai, nàng H'Bi buồn lắm. Đêm đêm, H'Bi lặng lẽ ra khu rừng, nơi họ thường hẹn hò mà khóc than cho duyên tình cách trở với hy vọng nước mắt sẽ gọi được chàng trai trở về sống với nàng. H'Bi khóc mãi, chờ mãi nhưng không thấy người yêu quay lại. Lâu ngày, nước mắt của cô gái đọng lại và chảy thành dòng thác lớn. Dambri có nghĩa là "đợi chờ". Tiếng thác Dambri ngày đêm réo rắt giữa núi rừng như lời của nàng H'Bi đang kể về chuyện tình đã vỡ từ ngàn năm.

Thác Dambri. (Ảnh: Lê Minh)

13 thg 3, 2013

Màu xanh Gáo Giồng

Cách trung tâm thành phố Cao Lãnh khoảng 20km, thuộc ấp 6, xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, Khu Du lịch Sinh thái Gáo Giồng với cảnh quan thiên nhiên quyến rũ, được mệnh danh là Đồng Tháp Mười thu nhỏ của miền Tây Nam Bộ.

Từ thành phố Cao Lãnh, theo quốc lộ 30, du khách vi vu trên cung đường rất đẹp tới Khu Du lịch Sinh thái Gáo Giồng. Như một ốc đảo xanh, Gáo Giồng được chia thành 4 khu với trên 70km kênh phân lô, 20km đê bao khép kín, là lá phổi của vùng Đồng Tháp Mười. Rừng tràm Gáo Giồng có diện tích khoảng 1.700ha, trong đó có 250ha rừng nguyên sinh, mang đến cho du khách vẻ đẹp hoang sơ. 

Một góc Khu Du lịch Sinh thái Gáo Giồng nhìn từ trên cao xuống. (Ảnh: Lê Minh)

2 thg 3, 2013

Chinh phục Fansipan

Bồng bềnh ẩn hiện trong mây, Sa Pa như một nàng tiên tuyệt sắc đang khoác áo lụa tơ trời, hút hồn du khách đến ngẩn ngơ. 

Sa Pa ở miền Tây Bắc, thuộc tỉnh Lào Cai. Với độ cao trung bình 1.500 - 1.800m, khí hậu Sa Pa mang tính ôn đới, bốn mùa mát mẻ với nhiệt độ trung bình 15-18°C. 


Đoàn chúng tôi tự lên tour khởi hành từ Hà Nội đến Lào Cai bằng xe lửa, rồi từ Lào Cai chúng tôi đón ô tô lên Sa Pa, dừng chân ở chợ trâu Bắc Hà (ảnh). Tại đây, người dân thường mang trâu lên bán, cứ mỗi tuần một lần vào Chủ nhật. Trâu tốt nhất, khỏe nhất ở độ năm - sáu tuổi với giá khoảng 35 - 40 triệu đồng/con.

28 thg 2, 2013

Chơi rừng Trà Sư

Đi xuồng vào ruột rừng tràm hoang dã. Ảnh: Cát Lộc 

Hàng năm, cứ hễ vào mùa nước nổi là rừng tràm Trà Sư cũng bắt đầu vào mùa du lịch. Đến đây lúc này khách sẽ bị choáng ngợp bởi nét hoang sơ hiếm có của cánh rừng tràm nằm gần biên giới Việt Nam - Campuchia chừng 10 cây số về phía tây bắc. 

Sáu anh em chúng tôi sau khi dong ruổi khắp huyện Tri Tôn, mãi tới xế chiều mới rong xe đến rừng tràm Trà Sư. Khu rừng nổi tiếng về cảnh quan du lịch này nằm trên địa bàn hai xã Văn Giáo và Vĩnh Trung của huyện Tịnh Biên; trong đó, một phần giáp Ô Long Vĩ của huyện Châu Phú, cũng đều thuộc tỉnh An Giang.

Về Cao Lãnh thăm Xẻo Quýt

Nằm ở huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, cái tên khu di tích Xẻo Quýt hãy còn khá xa lạ với nhiều người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên sau một lần đến đây, du khách sẽ khó mà quên được vẻ đẹp hoang sơ cùng những điều đặc sắc chỉ có ở Xẻo Quýt.

Hồ sen bên đường

Từ Vĩnh Long, qua cầu Mỹ Thuận một quãng, chúng tôi rẽ vào tỉnh lộ 30 hướng về Cao Lãnh. Xẻo Quýt thuộc hai xã Mỹ Long và Mỹ Hiệp, nằm cách quốc lộ 30 chừng 6km. Đường vào khu di tích này là một con đường nhựa nhỏ, cao ráo, khang trang. 

26 thg 2, 2013

Du lịch xanh Mũi Né

Từ một dải bờ biển hoang vu với những đồi cát đỏ như sa mạc nằm rất xa đường giao thông, Mũi Né giờ đã trở thành trung tâm du lịch của thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, địa điểm du lịch xanh - thân thiện với môi trường.

Dọc theo con đường chạy ra Mũi Né - Hòn Rơm tính từ bãi đá Ông Địa, chỉ hơn chục km, du khách như lạc vào một thế giới khác khi hàng chục resort cứ nối tiếp nhau trong không gian xanh hòa mình với thiên nhiên. Từ Victoria, Sea Lion Beach Resort & Spa, Sao Biển cho đến Làng Tre - Mũi Né, Sunny Beach, Muine Bay…, khu nghỉ dưỡng nào cũng sở hữu một bãi biển dài với hàng dừa xanh mượt bên bờ cát trắng, như nàng công chúa phơi mình dưới nắng vàng và biển xanh. 

Một khu nghỉ dưỡng rợp bóng cây xanh ở Mũi Né.

24 thg 2, 2013

Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu

Khu Bảo tồn Thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu thuộc huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, là khu rừng nguyên sinh ven biển duy nhất còn lại tương đối nguyên vẹn của Việt Nam. Nơi đây có tiềm năng du lịch rất lớn với nhiều dạng địa hình gồm cả đồi, núi, suối, hồ, biển và rừng.

Được thành lập từ năm 1978 với tên gọi “Khu rừng cấm Bình Châu” với mục đích bảo tồn nguồn gen, đa dạng sinh học, là nơi cung cấp, cư trú cho các loài sinh vật, đặc biệt là các loài quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng nằm trong Sách Đỏ Việt Nam và Danh lục Đỏ IUCN thế giới.

Đứng từ ngọn hải đăng Ba Kiềm cao nhất trên đỉnh núi, chúng tôi phóng tầm mắt ra bốn phía. Trước mặt là con đường ven biển cong hình lưỡi liềm đẹp mắt. Phía sau là ngút ngàn màu xanh của cây rừng trùng điệp trải dài trên ranh giới hành chính gồm 4 xã Bình Châu, Bưng Riềng, Bông Trang, Phước Thuận và thị trấn Phước Bửu. Do địa hình tương đối bằng phẳng, thoai thoải đổ vào trung tâm nên tạo thành 4 vùng địa hình khác nhau. Vùng bằng phẳng chiếm diện tích 9.902 ha, trải rộng từ phía Bắc đến phía Nam. Ở phía Tây có một vài ngọn núi cao từ 100 đến 150 mét và những quả đồi thoai thoải xen lẫn với những bàu nước ngọt tự nhiên. Tổng diện tích của vùng có địa hình đồi khoảng 350 ha. Vùng cồn cát ven biển có diện tích khoảng 940 ha, chạy dọc trên 17 cây số bờ biển. Vùng bưng bàu, hồ nước diện tích khoảng 200 ha, nằm rải rác trong Khu bảo tồn. 

Toàn cảnh Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu. (Ảnh: Nguyễn Luân)

23 thg 2, 2013

Hấp dẫn Cô Tô

Bãi biển nguyên sơ, bờ cát dài trắng mịn, bãi đá cổ độc đáo cùng con người thân thiện…là những cảm nhận đầu tiên của du khách tới hòn đảo xinh đẹp Cô Tô. Cô Tô giờ trở thành điểm đến hấp dẫn du khách mỗi khi có dịp đến Quảng Ninh. 

Con tàu cao tốc tuyến Vân Đồn - Cô Tô, 4h chiều, chuyến tăng ca thứ tư trong ngày cũng là chuyến cuối cùng mà vẫn không hết cảnh đông đúc du khách muốn ra huyện đảo Cô Tô. Tôi đã phải đặt trước vé trên đường từ Hà Nội xuống mà muộn chút nữa là cũng không còn chỗ. Anh Hường, chủ doanh nghiệp tàu cao tốc Mạnh Quang đón chúng tôi ở cầu cảng với dáng vẻ tất tưởi: “Nhanh chân lên em, tàu đến rồi. Đã hai tháng nay, tàu của anh phải tăng thêm 2 ca/ngày vậy mà chuyến nào khách cũng vẫn đông”.

Tàu bắt đầu rời cảng, mỗi du khách được đích thân chủ tàu gửi tặng một tờ rơi “Những điều cần biết về du lịch Cô Tô 2012”. Ai cũng chăm chú đọc kĩ tờ rơi này khiến tôi thấy tò mò. Hóa ra mọi thông tin chi tiết về giá cả từng món ăn, từng phòng nghỉ trên huyện đảo đều được in rất cụ thể trên đó, thậm chí, có cả giá của từng tuyến xe ôm vận chuyển khách du lịch… Ở trên tàu một tiếng rưỡi đồng hồ ngắm thiên nhiên, đất trời, tôi bứt dần khỏi cái nóng nực, ngột ngạt đến xô bồ của chốn thành thị. Xa xa, một cầu cảng dài của huyện đảo Cô Tô chợt hiện ra trước mắt tôi.

Huyện đảo Cô Tô với gần 50 đảo lớn nhỏ là vùng biển đảo giàu tiềm năng để phát triển du lịch.

22 thg 2, 2013

Cảnh sắc Hồ Mây

Khu du lịch sinh thái Hồ Mây nằm trên đỉnh núi Lớn, thành phố Vũng Tàu, đang là một điểm du ngoạn mới lạ đối với du khách. Nếu như trước đây, để tham quan núi Lớn, du khách chỉ có thể chinh phục bằng đường bộ thì nay nhờ hệ thống cáp treo, bạn dễ dàng lên đỉnh sau vài phút ngồi trong cabin hòa mình với thiên nhiên.

Cảm giác đầu tiên của du khách đến Khu du lịch sinh thái Hồ Mây là sự thích thú khi được ngồi trong cabin cáp treo hiện đại dài hơn 500 mét. Ở độ cao 210 mét so với mặt nước biển, bạn thỏa sức phóng tầm mắt ngắm nhìn toàn bộ khung cảnh đất trời bao la. Thành phố Vũng Tàu với những con đường rợp bóng cây xanh thẳng tắp, con đường ven biển uốn lượn mềm mại như một dải lụa tại khu biển Bãi Trước. Xa xa, khu di tích Bạch Dinh trắng toát nổi bật giữa rừng cây, cảnh tàu thuyền neo đậu, ra vào cảng tấp nập khiến du khách càng thích mắt…

Khu du lịch sinh thái Hồ Mây rộng hơn 30ha. Đúng như tên gọi của nó, tại đây, vào mỗi buổi chiều tà, mây chập chùng kéo xuống lan khắp mặt hồ và đỉnh núi tạo nên một không gian vô cùng thơ mộng. Giữa thành phố biển nhưng Khu du lịch sinh thái Hồ Mây lại rất khác biệt với cảnh núi rừng trùng điệp, bầu không khí trong lành, mát mẻ, quanh năm nhiệt độ từ 22 - 25 độ C. Là một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, du khách có thể đi bộ theo những lối mòn nhỏ để khám phá vẻ đẹp hoang sơ của núi, rừng cây bằng lăng, hay tham gia các hoạt động dã ngoại như cắm trại qua đêm tại rừng thông Caribbe, rừng hoa anh đào...

Khu du lịch sinh thái Hồ Mây là điểm du lịch không thể bỏ qua mỗi khi du khách đến với thành phố biển Vũng Tàu.

20 thg 2, 2013

Lên cao nguyên Lang Bian, ngủ trên cây

Vũ điệu trong ngày hội của người K'Hor. Ảnh: Cát Lộc 

Cách thành phố Đà Lạt khoảng 15 cây số, khu du lịch sinh thái Núi Voi – Đá Tiên là một chốn “thiên đường”, không giống bất cứ khu du lịch nào của thành phố mù sương này. 

Con đường từ đèo Prenn ngang qua thiền viện Trúc Lâm rồi vào Đá Tiên chạy vòng quanh hồ Tuyền Lâm thơ mộng. Theo con đường vòng quanh chân núi tráng nhựa phẳng lì, chẳng mấy chốc bạn đã bước vào Đá Tiên thơ mộng. Tên gọi Đá Tiên xuất phát từ hiện tượng hai hòn đá trên núi nơi đây có hình dáng hai ông tiên ngồi đánh cờ. Rừng thông nguyên sinh cao vút, xanh ngắt phủ trùm cả khoảng không gia triền núi, bên dưới là những bãi cỏ xanh tươi, điểm lấm tấm những kỳ hoa dị thảo khoe muôn ngàn màu sắc.

18 thg 2, 2013

Xanh ngắt Vườn Xoài

Khu Du lịch Sinh thái Vườn Xoài (xã Phước Tân, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) những ngày cuối tuần thu hút rất đông du khách. Như một làng quê nông thôn Việt Nam, Vườn Xoài nằm yên bình, xanh ngắt trong lòng thành phố công nghiệp năng động Biên Hòa. Nơi đây đang là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn tạm quên cái ồn ào của phố thị để hòa mình vào thiên nhiên.

Đến Vườn Xoài vào một ngày nghỉ cuối tuần để hưởng trọn cái không khí mát lành làm cho du khách thích thú dù hành trình từ Thành phố Hồ Chí Minh đến đây hơn ba mươi cây số. Con đường trải nhựa trước cổng Khu Du lịch Sinh thái Vườn Xoài vẫn còn hoang vu với cây cối xanh um khiến du khách càng tò mò khi trước đó giọng nói của cô hướng dẫn viên du lịch trong điện thoại vang lên: “Chỗ này phong cảnh hữu tình, các anh chọn nơi đây là tuyệt vời nhất rồi đó”.

Ấn tượng đầu tiên khi bước vào bên trong Vườn Xoài là lối kiến trúc đậm chất cổ xưa giống như một vườn thượng uyển. Con đường Trạng Nguyên thẳng vào hồ Hương Giang với dãy hiên phủ ngói hai bên treo những chiếc đèn lồng đủ màu sắc. Chạy dọc theo các con đường trong khu du lịch là những hàng cây cọ dầu thân to đều. Chung quanh khuôn viên, những ngôi nhà giả cổ xây theo kiểu nhà vườn Nam Bộ lấp ló, ẩn hiện trong rừng cây xanh tốt đủ loại như xà cừ, trúc, lộc vừng...

Một góc hồ Hương Giang.

11 thg 2, 2013

Về Bến Tre thăm Cồn Phụng

Giống như một ốc đảo xanh nổi trên sông Tiền, Khu du lịch sinh thái Cồn Phụng nằm trên một cù lao thuộc xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre đang là một trong những điểm đến hấp dẫn về du lịch sinh thái đối với du khách trong nước và quốc tế mỗi khi có dịp về thăm quê hương Đồng Khởi.

Cồn Phụng còn có tên là cồn Tân Vinh. Cồn Phụng lúc đầu chỉ là một cù lao nổi giữa sông Tiền vào những năm 1930 với diện tích khoảng 28 ha, nhưng do lượng phù sa bồi đắp dồi dào mỗi năm mà nay đã lên tới trên 50 ha.

Đây là một trong bốn cồn nằm trên đoạn sông Mĩ Tho được đặt theo quan niệm tứ linh mang điềm an lành hạnh phúc là: long, lân, quy, phụng. Cồn Rồng là "long", cồn Thới Sơn là "lân", cồn Quy (nằm phía sông Ba Lai) là "quy", và Cồn Phụng (còn gọi là cù lao Đạo Dừa) là "phụng". Tên Cồn Phụng có từ khi ông Nguyễn Thành Nam đến đây xây dựng chùa Nam Quốc Phật vào hồi đầu thế kỉ XX. Khi công trình này đang xây dựng, những người thợ nhặt được một cái chén cổ có hình con chim Phụng, nên đặt tên là Cồn Phụng. Ngoài ra, sở dĩ nó còn có tên gọi khác là cù lao Đạo Dừa là do ông Nguyễn Thành Nam khi đến đây xây chùa Nam Quốc Phật, đã thành lập nên một giáo phái gọi là Đạo Dừa. Đạo Dừa chủ trương mang lại hoà bình, sống bằng hoa trái.

Khu du lịch sinh thái Cồn Phụng là một điểm du lịch hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế mỗi khi có dịp về thăm quê hương Đồng Khởi. (Ảnh: Nguyễn Luân)

Đảo Cò Chi Lăng Nam

Từng đàn cò trắng hàng nghìn con bay rợp trời ríu rít gọi nhau về tổ mỗi khi chiều buông trên mặt hồ An Dương xanh mát, là hình ảnh cực kì ấn tượng đối với mỗi du khách khi có dịp ghé thăm đảo cò Chi Lăng Nam ở xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương.

Cho đến bây giờ, người dân Chi Lăng Nam vẫn thường kể cho nhau nghe nhiều câu chuyện thú vị về sự tích của đảo cò. Xưa kia, khu vực hồ An Dương vốn là một vùng đồng quê chiêm trũng, ở giữa có một gò đất nổi cao. Thế kỉ XV, có trận đại hồng thủy làm vỡ đê sông Hồng, nước tràn vào cánh đồng và không rút đi được nên đã tạo thành hồ An Dương như ngày nay. Theo nhịp thời gian, các loài cò, vạc ở nơi khác tìm về trú ngụ ngày càng nhiều. 


Cò đậu san sát trên cành cây trông như những bông hoa trắng. Ảnh: Trịnh Văn Bộ

Về Vàm Sát

Được bao bọc bởi các con sông Vàm Sát, Dinh Bà, Lò Rèn, Gốc Tre, Khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn Vàm Sát, thuộc Khu dự trữ sinh quyển Thế giới rừng ngập mặn Cần Giờ có những cánh rừng đẹp được Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) của Liên hợp quốc công nhận là một trong hai khu du lịch sinh thái phát triển bền vững của thế giới tại Việt Nam.

Thành lập năm 2000, Khu Du lịch Sinh thái Vàm Sát do Công ty Dịch vụ Du lịch Phú Thọ quản lí đã xây dựng theo hướng môi trường tự nhiên để có thể bảo tồn và phát triển một hệ động thực vật phong phú. Bằng đường bộ lẫn đường thủy, du khách đều có thể khám phá những sự kì thú về thiên nhiên của nơi này. 


Khu Du lịch sinh thái Vàm Sát có diện tích hơn 1.862 ha với gần 140 loài thực vật thuộc hơn 60 họ. Trong đó, chiếm ưu thế là rừng đước, rừng mắm… Vàm Sát nổi tiếng có nhiều tôm, cua, sò và nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế cao như cá chẻm, cá ngát, cá dứa. Bên cạnh đó, Vàm Sát còn có nhiều loại động vật quý như trăn, cá sấu, kì đà, khỉ, heo rừng, rái cá… 


Đặc biệt, sân chim Vàm Sát có hàng ngàn con cò, vạc, cồng cộc. Sân chim Vàm Sát có diện tích hơn 700 ha. Trong đó vùng lõi gần 200 ha, vùng đệm 500 ha. Vì thế, cách xa cả cây số, những âm thanh náo nhiệt của lũ chim đã vọng đến tai du khách về thăm Vàm Sát. 



Ngã ba sông Vàm Sát. Ảnh: Nguyễn Luân 

6 thg 8, 2012

Một ngày làm ngư dân Vàm Sát

Với kỳ nghỉ ngắn ngày hoặc giới hạn trong ngày cuối tuần, nhiều du khách ở TP.HCM chọn Cần Giờ để thư giãn, hít thở không khí trong lành và vui chơi cùng gia đình.

Cần Giờ - được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới - tuy chưa phải tuyến điểm hấp dẫn nhưng xem ra cũng là lựa chọn thú vị, đường đi thuận tiện, lại không quá xa.


Ngồi trên canô dạo một vòng trên cung đường rừng ngập mặn Cần Giờ cũng là trải nghiệm thú vị - Ảnh: Đạt Tiến

2 thg 8, 2012

Vườn cò Bằng Lăng

Trước đây vài năm, khách du lịch đi trên tuyến đường từ Châu Đốc về Cần Thơ thường hay ghé tham quan vườn cá sấu ở Long Xuyên rồi ghé qua vườn cò Bằng Lăng. Nay thì chỉ còn vườn cò là địa chỉ thu hút khách du lịch vào mỗi buổi chiều trên tuyến đường này.

Khu vườn rộng hơn 2 héc ta là nơi tập trung sinh sống của hàng vạn chim các loại, trong đó, cò chiếm nhiều nhất. Ảnh: LVS


Vườn cò Bằng Lăng là một trong những sân chim lớn và hấp dẫn nhất trong số các sân chim khác ở Cà Mau, Bạc Liêu, Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.


19 thg 7, 2012

Du lịch "cảm giác mạnh" miền Tây

Miền Tây mến yêu vốn là đồng bằng rộng nhất nước với hàng triệu hecta lúa và vườn cây ăn trái sum sê cùng sông ngòi chằng chịt- đó là hình ảnh quen thuộc nhất. Nhưng ở những tỉnh đầu nguồn hoặc gần biển như An Giang, Kiên Giang lại có khá nhiều núi non và hang động hiểm trở, dư sức cho du khách tìm “cảm giác mạnh”. 

Leo núi

An Giang có dãy Thất Sơn hùng vĩ mà trong đó cao nhất là ngọn Thiên Cấm Sơn, hơn 700m. Với không khí mát lạnh, nơi đây được mệnh danh là “Đà Lạt của miền Tây”. Không chỉ vậy, núi Cấm còn có suối Tiên, động Thủy Liêm, nhiều đền chùa,… nên đường lên núi dẫu gồ ghề khó đi vẫn thu hút hàng ngàn lượt khách phương xa hàng năm.


Du khách nhí trải nghiệm “Cảm giác mạnh” du lịch miền Tây: “Mệt quá rồi!”. 

14 thg 7, 2012

Tìm lạ nơi đất quen

Điện Biên, Phong Nha, Nam Cát Tiên, ba điểm du lịch ở Bắc Trung Nam không xa lạ gì với dân du lịch bụi. Nhưng nếu bạn cho rằng mình đã thuộc như lòng bàn tay những nơi này, thì e là chưa chắc. Hãy thử đi theo cách này xem, chắc chắn bạn sẽ thấy những điều mới lạ từ những vùng đất quen trên đất nước mình.

Hành trình tốn ít nhất hai ngày một đêm nếu khởi hành từ thành phố Điện Biên lên Tủa Chùa, các xã không có nhà trọ và hàng quán phục vụ, nên chuẩn bị võng để ngủ chợ, lương khô, thịt, gạo xin nấu nhờ ở các gia đình ven đường. Cao nguyên đá từ xã Tả Sìn Thàng, kéo dài đến tận xã cuối cùng của huyện là Xín Chải. Mây núi ở cung đường này sáng sớm rất đẹp. Trà cổ thụ Tủa Chùa là một sản vật quý. Rừng trà cổ thụ ở các xã cũng rất độc đáo, thân trà cao to, mọc san sát, là rừng trà cổ đẹp và nhiều nhất của cả Đông Bắc – Tây Bắc.


Đường lên Tủa Chùa, Điện Biên.



10 thg 7, 2012

Đi Đồng Tháp mùa nước nổi

Theo câu hát “Tháp Mười đẹp nhất bông sen”; mùa nước nổi, cuối tháng 9, chúng tôi háo hức lên đường. Dài theo con đường nhựa từ thị trấn Thanh Bình (huyện Thanh Bình) tới thị trấn Tràm Chim (huyện Tam Nông), dưới nền đường cao vút, nước ngập lé đé những ruộng mạ xanh dờn. Hỏi bà chủ quán bên đường đọc báo, nghe đài loan tin lũ vượt ngưỡng báo động ba sao kỳ vậy. Mấy anh chàng chăn vịt chạy đồng ngồi uống cà phê trưa cười ha hả: “Còn cả tháng nữa mới tới đỉnh”. Vì vậy cánh đồng hai bên đường tuy trắng xóa một màu nước, nhưng không “đã con mắt” bằng khi nước nổi lên đến đỉnh điểm. Lúc đó nước là nước dập dềnh sóng, ngập tràn mọi thứ nơi nó đi qua.

Sen mọc tràn mặt kinh VQG Tràm Chim.

Vườn Quốc gia Tràm Chim thuộc huyện Tam Nông (Đồng Tháp) là điểm du lịch sinh thái rất hấp dẫn của đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Được xếp trong hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam, trở thành Vườn Quốc gia Tràm Chim từ năm 1998 nhằm bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước của vùng Đồng Tháp Mười, bảo vệ khu vực di trú cho các loài chim di cư, đặc biệt là sếu đầu đỏ, song song với việc bảo tồn các loài động - thực vật, các nguồn gen quý hiếm, và duy trì những điều kiện thích hợp cho việc nghiên cứu môi trường tự nhiên và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.