30 thg 1, 2013

Về Thanh Hóa thăm di tích Lam Kinh

Nằm cách Hà Nội 150km, khu di tích lịch sử cấp quốc gia Lam Kinh ở xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân là một trong những danh thắng nổi tiếng của tỉnh Thanh Hóa. Di tích này nằm giữa một vùng cây cối xanh tươi, rộng khoảng 30ha, gồm đền, miếu, lăng và một hành cung của các vua nhà Hậu Lê mỗi lần về bái yết tổ tiên.

Thành điện Lam Kinh

Lê Lợi sau 10 năm lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418-1428) đã giành thắng lợi và lên ngôi vua, đóng đô ở Thăng Long. Đồng thời ông cho xây dựng ở quê nhà Thanh Hóa một kinh thành gọi là Lam Kinh hay còn gọi là Tây Kinh.

Lữ thứ bên hồ phố lạnh

Ở phố núi Đà Lạt, cái thực thể tự nhiên đối lập với lớp lớp núi đồi kia chính là hồ Xuân Hương. Tôi gọi hồ nước này là phần âm của đô thị so với phần dương đồi núi. Ở đó, có những ngày nắng đẹp đến hoang vu cho dù ngay giữa thành phố, tôi thường ném suy nghĩ vào nó để tinh lọc mình trong không gian tự nhiên. Có một ngày, nhận ra hồ nước này không phải thứ bất động, nó là một phần của cõi nhân gian…

Người Đà Lạt nào mà mỗi ngày chẳng phải qua lại hồ Xuân Hương. Đã “ra phố” thì phải ngang nó, phải đụng, phải chạm, phải giáp mặt với cái hồ danh thắng đặc sắc xếp hạng Di sản quốc gia này…





Độc đáo nước chấm Việt

Mark Lowerson, cây bút nước ngoài sống tại Hà Nội chuyên viết về ẩm thực, đặc biệt là ẩm thực Việt, từng viết: “Tôi không rõ liệu có nền ẩm thực nào khác trên thế giới có được đặc trưng trội bật về các loại nước chấm như tại xứ sở này”. Quả thật, chỉ riêng các loại nước chấm cũng cho thấy sự phong phú, đa dạng của ẩm thực Việt Nam.

Trong một bữa ăn thuần Việt với nhiều món khác nhau thì mỗi món có thể đi cùng một loại nước chấm riêng, giống như khi chơi đánh bài phải có những quy tắc riêng cho mỗi loại bài, không thể chơi bài ba lá với quy tắc của bài sáu lá. “Đến một quán bia hơi bất kỳ ở Hà Nội – Mark Lowerson viết – cứ gọi bốn hoặc năm đĩa mồi khác nhau thì mỗi đĩa lại có một loại thức chấm khác”.

Đủ kiểu nước mắm


Bánh xèo miền Nam ăn với nước mắm đồ chua


Yên Tử lãng đãng mây ngàn

Vào nhưng tháng không có sương mù, núi rừng Yên Tử chập chùng ẩn hiện những tòa tháp, chùa chiền như chốn bồng lai. Ảnh: Bảo Thư 

Vẻ đẹp của Yên Tử chính là sự kết hợp giữa núi non hùng vĩ, hòa với nét cổ kính trầm mặc của hệ thống chùa, tháp ẩn hiện trong rừng thông, rừng trúc... tỏa bóng mát, khiến du khách thập phương quên đi hết những mệt nhọc với đường dốc cheo leo. 


Lũy Thầy - 400 năm còn một chút này

Chỉ có những người khách lạ khi dừng chân Đồng Hới, Quảng Bình mới tìm tới Lũy Thầy, như thể để nhìn lại một công trình quân sự được xây dựng chỉ còn một đoạn ở đường Quách Xuân Kỳ và phía tây phường Phú Hải. Nhưng dẫu đã đứng ngay bên cạnh con đường khá đẹp chạy dọc theo dòng sông Nhật Lệ, nếu không có người hướng dẫn thì khó mà tìm được Lũy Thầy nằm ở đâu, còn được bao nhiêu chiều dài và hiện tại như thế nào.


Theo sử sách thì vào năm 1630, chúa Nguyễn Phúc Nguyên giao cho Đào Duy Từ xây dựng hai công trình phòng thủ là Lũy Trường Dục thuộc xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh bây giờ và Lũy Thầy từ cửa sông Nhật Lệ đến núi Đâu Mâu tỉnh Quảng Bình nhằm bảo vệ đàng trong trước những cuộc tấn công của chúa Trịnh đàng ngoài. Gọi là Lũy Thầy vì chúa Nguyễn coi Đào Duy Từ như thầy của mình.



Âm vang Tiêu tự thần chung

Tọa lạc tại số 75 đường Phương Thành, TX.Hà Tiên (Kiên Giang), Sắc tứ Tam Bảo là một trong những ngôi chùa xưa nhất ở Hà Tiên. Đây là ngôi chùa do Tổng binh Mạc Cửu xây dựng để thân mẫu của ông là Thái Thái phu nhân tu hành trong những năm cuối đời.

Theo sách Lược sử những ngôi chùa ở Kiên Giang thì chùa Tam Bảo được xây dựng vào năm 1730. Thời Tao đàn Chiêu Anh các, tiếng chuông chùa là nguồn cảm hứng để Mạc Thiên Tích sáng tác bài thơ Tiêu tự thần chung. Nhưng lịch sử ngôi chùa qua nhiều thăng trầm, biến đổi nên cũng còn những điều chưa rõ.

Lịch sử chùa Sắc tứ Tam Bảo

Căn cứ bài thơ Tiêu tự thần chung của Mạc Thiên Tích, ni trưởng Như Hải, trụ trì Sắc tứ Tam Bảo, giải thích rằng “Tiêu tự” là nơi tu hành tĩnh mịch, “thần chung” là tiếng chuông thỉnh buổi sáng và suy luận ngôi chùa xưa ở sát công thự (của Tổng binh Mạc Cửu). Cách giải thích này khá gần với thông tin mà nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt cung cấp cho chúng tôi: “Thời Mạc Cửu làm Tổng binh trấn Hà Tiên, nơi ngôi chùa tọa lạc hiện nay vốn là Trấn thượng/dinh cơ của Mạc Cửu, phía sau hậu liêu ông có cất một gian phòng cho mẫu thân ông tu hành. Vào năm 1718, Hà Tiên bị quân Xiêm tấn công. Bấy giờ bà Mạc Cửu chạy nạn qua Lủng Kỳ và hạ sinh Mạc Thiên Tích”.

Thành hoàng Cao Lãnh

Đền thờ “ông Chủ”

Đền thờ “ông Chủ” tọa lạc ở số 64 đường Lê Lợi, P.2, TP.Cao Lãnh, Đồng Tháp. Đây là khu vực kinh doanh sầm uất của TP.Cao Lãnh, ngoài đền một chút là ngôi nhà lồng chợ khá quy mô. Xung quanh đền, người mua bán trái cây bày ra chật vỉa hè. Dân địa phương cho biết, ở đây ngày xưa có một chợ trái cây nằm gần mé sông, đến thời chính quyền Ngô Đình Diệm mới dời về gần đền.

Chúng tôi đến thăm vào lúc ngôi đền đang tiến hành trùng tu. Nói trùng tu chứ thật ra là phá bỏ ngôi đền cũ để tôn nền và thay đổi kiến trúc mới với quy mô hoành tráng hơn. Cổng chính ngôi đền được xây dựng từ năm Quý Mão (1963) vẫn giữ nguyên với tấm biển hiệu Đền thờ ông bà Đỗ Công Tường và hai câu đối. Toàn bộ tự khí của ngôi đền được tạm dời sang “nhà khói” để tiếp khách tham quan và cúng tế. Việc bài trí vì vậy có hơi lộn xộn, song vẫn xác định được trong gian thờ ngoài bàn thờ chính thờ ông bà Đỗ Công, còn phối tự thêm bàn thờ Quan Vân Trường và Đức Khổng Tử, nhằm mục đích đề cao Nho học và thỏa mãn đời sống tâm linh của đồng bào Việt gốc Hoa hay người Hoa sinh sống ở địa phương. 


Khu mộ ông bà Đỗ Công Tường - Ảnh: H.P 


Quan lớn Sen

Cách đây 60 năm, nhà báo Khuông Việt trên tờ Nam Kỳ tuần báo đã viết: “Muốn viếng mộ quan lớn Sen, chúng tôi phải thuê xe ngựa vì mộ ngài ở ấp Khánh Thuận, làng Tân Đông, cách tỉnh lỵ Sa Đéc hơn 8 cây số”.

Khi chúng tôi tìm về xã Tân Khánh Đông (TX.Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) thì một cụ bà bán giải khát ven đường cho biết, ở xã này có hai ngôi đình Tân Khánh và Tân Đông. Quan lớn Sen được thờ ở đình Tân Đông nằm bên ấp Đông Quới, xã Tân Khánh Đông.

Đây là một ngôi đình khá quy mô, kiến trúc bài trí theo mô típ chung của các ngôi đình Nam bộ, nhưng có phần võ ca rất rộng. Trong chánh điện, bàn thờ thần nằm sát vách hậu. Quan lớn Nguyễn Văn Nhơn được phối tự ở bàn hội đồng. Ngoài bài vị xưa chạm trổ tinh vi, sơn son thiếp vàng, còn có thêm tấm bảng ghi bằng chữ quốc ngữ “Nguyễn Văn Nhơn/Kinh môn quận công/Quan đại thần của triều Nguyễn…”. 



Bài vị thờ Quận công Nguyễn Văn Nhơn tại đình Tân Đông - Ảnh: H.P 


Độc đáo đặc sản Tây Ninh

Vùng đất Tây Ninh đầy nắng và gió có nhiều đặc sản độc đáo, nổi tiếng bốn phương như bánh canh Trảng Bàng, muối ớt, ốc xu núi Bà… 

Ốc xu núi Bà

Tây Ninh có nhiều đồi núi, nhưng ốc xu chỉ sống trong khu vực núi Bà. Thường dân địa phương hay luộc ốc xu với sả hoặc hấp gừng, cố ý giữ hương vị đặc trưng của ốc núi. Thịt ốc xu ăn nghe dai dai, giòn giòn, nhưng phải nhai thật chậm mới cảm nhận hết hương vị riêng có của nó. 


Ốc xu núi Bà 

Ốc xu chấm muối tiêu chanh, nhón thêm một gốc sả hay cắn tí gừng non, nhai vài lá rau răm, đưa đẩy với tí rượu nếp chính hãng Trảng Bàng sẽ thấy ốc xu đúng là đặc sản vùng núi này.


Đặc sản từ hương dừa Bến Tre

Dừa là một đặc sản của đất Bến Tre, những đặc sản độc đáo được làm từ dừa như: kẹo dừa, rượu dừa, thạch dừa, củ hũ...các món ăn từ hương dừa thơm ngon này đã làm say bao lòng thực khách khi ghé thăm Dừa xiêm

Bến Tre là xứ sở của trái dừa, với nhiều loại dừa: dừa ta, dừa dâu, dừa lửa, dừa cỏ, dừa sáp, dừa bị… Dừa xiêm xanh là giống cây trồng nhiều tại xã Tam Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Người dân nơi đây đang chuyển đổi trồng dừa uống nước, mang lại hiệu quả kinh tế rất khả quan. 



Điểm mặt món ngon bậc nhất Bạc Liêu

Ai có dịp về đất mũi, nhớ ghé Bạc Liêu để thưởng thức những món ăn ngon, lạ miệng, mang phong vị rất riêng của vùng đất miền tây Nam bộ. 

Bánh củ cải

Bánh củ cải có nguồn gốc của người Hoa. Đi vào chợ Bạc Liêu, đánh một vòng, bạn sẽ thấy có một vài chỗ bán bánh củ cải. Bánh củ cải có bao ngoài làm bằng bột mì trắng pha với ít bột củ cải trắng nghiền nhuyễn, cán mỏng ra như bánh ướt. Nhân bánh - phần quyết định chất lượng của bánh. Trong nhân có tôm khô nhỏ hoặc tép bạc đất lột vỏ, đâm dập vừa phải, cùng ít thịt nạc bằm với vài hạt đậu xanh hột hấp. Tất cả được xào chín, nêm nếm vừa ăn. 


Bánh củ cải. 

28 thg 1, 2013

Đền thờ Dinh ông Đốc Vàng

Bên bờ sông Đốc Vàng Thượng thuộc ấp Nam, xã Tân Thạnh, H.Thanh Bình, Đồng Tháp, có một ngôi đền gọi là Dinh ông Đốc Vàng, hằng năm đến ngày 15, 16 tháng 2 âm lịch, đồng bào đến lễ bái tấp nập.

Dinh hiện nay được trùng tu khá quy mô, cổng chính hướng về phía quốc lộ 30, biển ghi: “Đền thờ thượng tướng quận công Trần Văn Năng”, hai bên có câu đối viết bằng chữ quốc ngữ chân phương: “Trần Ngọc trinh trung thiên cổ tại/Thượng tướng oai linh vạn thế tồn”.

Sự tích

Người địa phương lưu truyền rằng: Khoảng hơn trăm năm trước, khi phá hoang vùng ven vàm rạch Đốc Vàng, người dân phát hiện một ngôi miếu cổ đổ nát, trong đó có thờ bài vị “Trần Ngọc Thượng tướng Quận công”. Ngôi miếu được xác tín là thờ ông Đốc binh Vàng, người có công đánh giặc Xiêm ở sông Cổ Hủ, Vàm Nao dưới triều Minh Mạng. Khi nghe tin thành Châu Đốc thất thủ, ông đã đốt thuyền lương và tự tử tại đây để lương phạn không rơi vào tay giặc. Vua thương tiếc phong tặng tước quận công, dân làng lập miếu thờ. Từ đó, vàm rạch nơi ông qua đời được gọi là Đốc Vàng. Về sau dân trong vùng rủ nhau xây lại miếu.

Cây đa bến ngự và huyền tích ông Bõ

Sách Gia Định thành thông chí chép rằng: “Hồi luân tam kỳ, tục gọi là Nước Xoáy, ở địa phận thôn Tân Long, chỗ này nước chảy xoáy quanh, là đường thông suốt bốn hướng từ nơi giao hiệp của sông Tiền, sông Hậu. Năm Đinh Mùi (1787), lúc mới Trung hưng, Thế Tổ tạm đồn trú ở đây để hiệu lịnh binh tướng các lộ, giữ lấy thế chính giữa chặn lấy nơi hiểm yếu, thu được nhiều công lớn ấy là một vùng đất có hình thắng vậy...”.

Cây đa chợ Nước Xoáy...

Chợ Nước Xoáy nằm trên địa bàn ấp Hưng Mỹ Tây, xã Long Hưng A, H.Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Men dọc bờ sông Nước Xoáy ngược về hướng bắc độ hơn vài trăm thước có một ngôi miếu gọi là Cao hoàng miếu. Trước miếu có một cây đa lớn độ 5-6 người ôm, tương truyền là “cây đa bến ngự”, nơi chúa Nguyễn Ánh trong thời gian bôn đào và trú ngụ lại đây, thường ngồi câu cá. 


Cây đa trước ngôi miếu hiện vẫn còn tại xã Long Hưng A, H.Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp - Ảnh: H.P 


Sứ thần tài hoa

Trịnh Hoài Đức (1765 - 1825) là một danh thần thời Nguyễn Ánh mới khởi nghiệp đồ vương. Lăng mộ của ông hiện nằm trong một con hẻm nhỏ thuộc P.Trung Dũng, Biên Hòa, Đồng Nai.


Đem thân đền ơn nước

Lăng mộ nằm trong khu vực khu phố 3, tuy khuất trong khu dân cư, cạnh con hẻm nhỏ nhưng vẫn tạo được sự chú ý của người qua đường bởi quy mô hoành tráng, bề thế… Nghe nói trước năm 1975, hằng năm vào dịp lễ Thanh minh, con cháu hậu duệ của Trịnh Hoài Đức từ nhiều nơi quy tụ về cúng viếng rất trang trọng nhưng về sau không còn duy trì. 


Lăng mộ Trịnh Hoài Đức và phu nhân tại Biên Hòa, Đồng Nai - Ảnh: H.Đ.N 


Vị tiến sĩ một đời oan khuất

Trong một khu vườn tọa lạc tại ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Kim, H.Châu Thành (Tiền Giang) có một ngôi mộ cổ nằm sát hàng rào lưới B40, cạnh con mương mới xẻ làm ranh giới “chống lấn chiếm”. Ngôi mộ không có mộ chí theo kiểu thông thường, chỉ có tấm bia đá hai mặt đều khắc chữ.

Theo nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường, đây là bài văn của cử nhân Phan Bộ Tam viết, nhằm minh oan cho người nằm dưới mộ là tiến sĩ Phan Hiển Đạo.

Dòng họ khoa bảng…

Phan Hiển Đạo sinh năm 1830, ở thôn Tân Đức Đông, H.Kiến Hưng, tỉnh Định Tường (nay là xã Dưỡng Điềm, H.Châu Thành, Tiền Giang). Họ Phan là dòng họ khoa bảng ở chợ Thuộc Nhiêu. Cha ông là Phan Hiển Tần, đậu tam trường thời chúa Nguyễn Ánh còn ở Gia Định, ra làm quan đến chức Án sát. Đến đời Minh Mạng, không biết bị tội gì mà mất chức rồi về quê vợ ở thôn Vĩnh Kim Đông (nay là xã Vĩnh Kim) và chết trong sự ấm ức. Trên mộ bia còn ghi lại một câu đối “Quân ân bát thiên lý/Hương tình tam thập niên” (Ơn vua tám ngàn dặm/Tình quê 30 năm). 


Tấm bia ghi bài minh của cử nhân Phan Bộ Tam - Ảnh: H.P 


27 thg 1, 2013

Bí ẩn thành đá Tà Kơn

Tồn tại giữa mênh mông rừng già xã Vĩnh Sơn (H.Vĩnh Thạnh, Bình Định) hàng trăm năm qua nhưng thành đá Tà Kơn vẫn còn nhiều bí ẩn.


Truyền thuyết

Theo già làng Đinh Chương (ở làng Kon Blò, xã Vĩnh Sơn), Tà Kơn trong ngôn ngữ Ba Na có nghĩa là “chồng lên nhau”, ý muốn nói đến những hòn đá được xếp chồng lên nhau một cách rất lạ không ai hiểu được. Quá trình xây thành, giữ thành Tà Kơn được kể lại bằng hơ mon (hát kể sử thi Ba Na) đắm màu huyền thoại. Một truyền thuyết cho rằng Tà Kơn xưa kia vốn là nhà của 3 anh em, gồm 2 vị vua Trum, Trăm và nàng công chúa xinh đẹp, thông minh tên Bia Tơni.



Tường thành Tà Kơn là những phiến đá khổng lồ xếp chồng lên nhau thành hàng thẳng đứng - Ảnh: Hoàng Trọng 


Nhà thơ lưu lạc chốn quan trường

Theo sách Quốc triều hương khoa lục thì Huỳnh Mẫn Đạt người thôn Tân Hội, H.Tân Long (nay thuộc TP.HCM). Nhưng có tài liệu cho rằng ông quê ở Rạch Giá vì hiện nay ngôi mộ ông tọa lạc tại P.Vĩnh Bảo, TP.Rạch Giá, Kiên Giang. Trong khi đó thì nhà thờ dòng họ Huỳnh của ông lại ở xã Phú An, H.Cai Lậy, Tiền Giang.


Nhà thờ dòng họ Huỳnh

Xóm rạch Cây Cui nằm trên địa phận ấp 4, xã Phú An, H.Cai Lậy. Ở đây có dòng họ Huỳnh nổi danh khoa bảng, đồng thời cũng là một trong những dòng họ định cư sớm ở vùng này. Theo tài liệu lịch sử địa phương, có lẽ họ đến đây thời ông Nguyễn Văn Cối tái lập làng Phú Sơn, tức sau trận Rạch Gầm - Xoài Mút 1785. Hiện ở Phú An vẫn còn địa danh rạch Ông Cối.

Nhưng họ Huỳnh hiện chỉ còn một số gia đình định cư. Trong số những người “bám trụ” lâu đời nhất có gia đình của nhà văn Minh Lộc, tức Huỳnh Công Trứ, nổi tiếng với tập truyện ngắn Giữ đất và tập truyện vừa Con đường sống đoạt giải nhất giải thưởng văn học Cửu Long hồi kháng chiến chống Pháp, năm 1951. Trên bàn thờ tổ tiên còn di ảnh của cụ Huỳnh Mẫn Thạch, một người bị chính quyền thực dân Pháp bắt đi lính sang Pháp hồi thế chiến thứ 1 (1914-1918), là cháu trực hệ của anh ruột nhà thơ Huỳnh Mẫn Đạt.


Gương trung hiếu của Phủ cậu Trần Xuân Hòa

Theo tài liệu lịch sử địa phương, hơn nửa thế kỷ trước, phế tích Tân Thành - Mỹ Quý (Tiền Giang), nơi quan quân nhà Nguyễn lập đồn chống Pháp, vẫn còn sót lại nền vựa kho lúa, nền vựa kho tiền, ao và hào thành, lũy tre bao bọc thành vẫn chưa bị phá hết.

Tháng 4.1861, sau khi chiếm thành Định Tường, quân viễn chinh Pháp chia lực lượng đóng đồn ở Kỳ Hôn, Rạch Gầm và Ba Rài. Triều đình Huế cử Biện lý bộ binh Đỗ Thúc Tịnh làm Tuần phủ Định Tường, Nguyễn Túc Trưng làm Khâm phái quân vụ, bổ sung thêm các quan Trương Minh Lượng, Nguyễn Nhã, Võ Duy Dương... Họ tập hợp nghĩa quân tại Tân Thành - Mỹ Quý (nay thuộc xã Nhị Quý, H.Cai Lậy, Tiền Giang), tích trữ lương thực khí giới, huấn luyện quân sĩ. Nhưng Đỗ Thúc Tịnh hy sinh khi trên đường nhận nhiệm vụ. Bấy giờ các nghĩa sĩ cử Cử nhân Trần Xuân Hòa làm Tri phủ thay thế, Thiên hộ Võ Duy Dương làm Chánh quản đạo, Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân làm Phó quản đạo.

Đánh giặc, đem theo mẹ

Trần Xuân Hòa người gốc Quảng Trị, con quan Bố chánh Trần Tuyên, vào ngụ ở thôn Mỹ Thới, huyện Vĩnh Bình (nay thuộc tỉnh Vĩnh Long). Xuất thân từ gia đình có truyền thống hiếu học, mẹ ông nuôi dạy hai con đều đỗ đạt: Năm Tân Sửu 1841, Trần Xuân Hòa thi đỗ Cử nhân. Năm Quý Mão 1843, người em là Trần Xuân Quang cũng thi đỗ Cử nhân, được bổ nhiệm làm quan Tri huyện. 


Đình Hữu Đạo, nơi lưu dấu huyền thoại về vị Lãnh binh Trần Từ - Ảnh: H.P 


Nhà tình báo triều Nguyễn

Trước năm 1975, Sài Gòn có đường Lê Văn Thạnh (nay đổi lại là Sư Thiện Chiếu), sau này ở Q.9, TP.HCM cũng có đường Nguyễn Văn Thạnh. 

Riêng tại TP.Mỹ Tho (Tiền Giang) hiện vẫn còn con đường mang tên Lê Văn Thạnh, nhưng cả Sài Gòn và Mỹ Tho đều ghi sai tên một nhân vật nhiều nỗi truân chuyên trong lịch sử buổi giao thời: Cử nhân Đặng Văn Thạnh.

Hoạt động bí mật

Theo bia mộ (tại xã Long Trung, H.Cai Lậy, Tiền Giang), Đặng Văn Thạnh tự là Long Phủ, sinh năm Canh Thìn (1830) tại thôn Trà Tân, H.Kiến Đăng. Phả hệ của gia đình ghi cha ông là Đặng Kiến Hưng, người gốc Quảng Ngãi, theo cha vào đây lập nghiệp từ cuối thế kỷ 18, là một trong những họ tiền hiền có công khai khẩn lập làng Trà Tân xưa.

Thời niên thiếu, Thạnh là học trò giỏi của thầy Đồ Giáo ở Giồng Vân (thôn Phú Long cùng huyện). Năm 26 tuổi, Đặng Văn Thạnh đến trường thi Gia Định ứng thí, đậu cử nhân khoa Quý Mão (1855). Sau đó ông ra kinh đô Huế thi hội, nhưng “học tài thi phận” ông bèn nộp đơn xin hậu bổ và được tuyển chọn làm chức Huấn đạo Kiến Hòa (Định Tường) trông nom việc giáo dục. Mấy năm sau, ông chuyển qua việc hành chính tại H.Phong Thạnh, tỉnh An Giang (nay là tỉnh Bạc Liêu). Đầu tiên ông giữ chức Kinh lịch, thăng Thông phán rồi thăng Tri huyện Phong Thạnh.

26 thg 1, 2013

Thăm chùa Phù Dung nhớ Xuân Tự - Thanh Nga…


Về Hà Tiên ghé thăm lăng tẩm họ Mạc, thấy mộ phần Mạc Thiên Tích, ghé chùa Phù Dung lại nhớ đến mối tình đẹp của ông và nàng Xuân Tự, hình ảnh Thanh Nga- Xuân Tự đẹp dịu dàng chợt hiện ra.


Chùa Phù Dung hiện tọa lạc tại chân núi Bình San, phường Bình San, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Địa điểm hành hương & du lịch này hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp cổ kính, hài hòa với thiên nhiên mà còn bởi những câu chuyện bí ẩn về ngôi mộ của người trụ trì đầu tiên..

Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà: Thiên tình sử nước Nam

Trong văn học nước Nam, có những chuyện tình có gốc tích Trung Quốc nhưng vì đã quá thân thuộc nên dân ta có cảm giác là của nước mình, như Kim trọng – Thúy Kiều, Lục Vân Tiên – Kiều Nguyệt Nga. Nhưng cũng có trường hợp thiên tình sử rất đẹp của nước Nam, nhưng lại bị tưởng là của Trung Quốc. Người mộ điệu cải lương nào mà không biết bài ca cổ “Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà” của soạn giả Viễn Châu.

Cách đây hơn 40 năm, khi bắt đầu biết đọc chữ, tôi đã dùng mấy đồng tiền ăn quà để mua tờ giấy in bài ca cổ này bày bán trên nền chợ trước trường học. Tôi đã thuộc lòng và thỉnh thoảng lại hát bài ca nói về chuyện tình lãng mạn và bi tráng đẹp như cổ tích của Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà. Thế nhưng, tôi cũng như nhiều người mộ điệu cải lương, cứ lầm tưởng đây là tích truyện Tàu nào đó thuộc đời Tống, đời Đường, giống như  Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài, Lữ Bố - Điêu Thuyền, Phạm Lãi – Tây Thi…Cho tới một lần, tôi về thị xã Gò Công (tỉnh Tiền Giang), ghé thăm miếu thờ Võ Tánh, người đã phò chúa Nguyễn Ánh gầy dựng nên cơ nghiệp nhà Nguyễn, và thú vị biết rằng câu chuyện Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà là của dân mình, rất gần gũi với đất Nam bộ quê tôi.
 

 Về Gò Công nghe chuyện Võ Đông Sơ

Từ thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) đi về phía biển gần 40 cây số là tới thị xã Gò Công, vùng đất đã từng cống hiến cho triều Nguyễn 2 bà hoàng hậu là bà Từ Dũ và Nam Phương Hoàng Hậu. Tiếp tục đi về hướng biển thêm khoảng 5 cây số là đến ấp Gò Tre – xã Long Thuận – thị xã Gò Công. Đây là vùng đất nổi tiếng với trái sơ ri. Bên con đường nhựa nhiều xe cộ qua lại, cạnh gốc cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, giữa khu vườn cây dại mọc um tùm là ngôi cổ miếu nhỏ dột nát, rêu phong, trên tấm biển ghi: Di tích Văn hóa Lịch sử cấp tỉnh – Miếu thờ Hoài Quốc Công Võ Tánh, thân sinh của chàng trai Võ Đông Sơ trong câu chuyện tình nói trên.



Xe lửa qua phà

Xe lửa làm sao mà qua phà được?


Tại sao xe lửa lại phải qua phà?

Chuyện tưởng như bịa này hóa ra lại có thật 100%, mà bức ảnh sau chính là minh họa rõ nét nhất.

(Ảnh được trích từ website www.daumaytoaxe.com

Tuyến đường sắt đầu tiên của Việt Nam là tuyến Sài Gòn - Mỹ Tho. Chuyến tàu đầu tiên của tuyến đường sắt này là sáng 20-7-1885. Tàu xuất phát từ ga Sài Gòn, vượt sông Vàm Cỏ Ðông bằng phà tại Bến Lức, đến ga cuối cùng tại trung tâm thành phố Mỹ Tho.

Chuyện công tử Bạc Liêu và “đại yến gan rồng”

Công tử Bạc Liêu là thành ngữ xuất phát từ cuộc đời ăn chơi trở thành “huyền thoại” của những cậu ấm từ vùng đất từng được mệnh danh là giàu nhất Nam Bộ.


Nét phong độ vẫn còn đó ở người đàn ông 72 tuổi được người đời phong danh “Công tử Khánh”. Ảnh: Nhật Hồ

“Đệ nhất ăn chơi”

Nhà báo, nhà văn Phan Trung Nghĩa, người được giới cầm bút phong tước hiệu “Công tử Bạc Liêu” (CTBL) không chỉ vì anh là tác giả quyển sách “Công tử Bạc Liêu - sự thật và giai thoại” mà còn bởi phong cách chơi đến “mát trời ông địa”, đã có lần thú nhận với tôi rằng: “So với “kỳ tích” của tiền bối, tôi chưa được đứng gần hàng rào của cái thành trì ăn chơi đó”.


Thực hư ‘ngôi vị cao nhất’ của núi Tổ Ba Vì

Mặc dù chỉ cao 1.296m (thấp hơn núi Tam Đảo - 1.581m) nhưng từ lâu, núi Ba Vì đã được nhân dân tôn vinh thành ngọn núi cao nhất, thiêng liêng nhất với câu ca: “Nhất cao là núi Ba Vì, Thứ ba Tam Đảo, thứ nhì Độc Tôn”.


Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, núi Ba Vì được đánh giá cao nhất trong tâm thức dân gian chứ không phải độ cao thấp đơn thuần về mặt địa lý. Trong sách Dư địa chí, Nguyễn Trãi viết : “Núi ấy là núi Tổ của nước ta đó”.

Núi Ba Vì được coi là ngọn núi Tổ của người Việt. Ảnh: thanhtanvien.com

Nếu lấy núi Nghĩa Lĩnh (cố đô của nước Văn Lang thời tiền sử) làm tâm điểm thì núi Ba Vì và núi Tam Đảo là hai điểm đối xứng tạo thành “Thế tay ngại” trong luật phong thủy do triều đại vua Hùng tạo lập.


Đại thần Phạm Đăng Hưng và Lăng Hoàng Gia ở Gò Công

Phạm Đăng Hưng (1765-1825), tự Hiệt Củ, là danh thần của nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam.

Ông là người ở Giồng Sơn Quy (xưa thuộc huyện Tân Hòa, phủ Tân An, tỉnh Gia Định; nay thuộc ấp Lăng Hoàng Gia, xã Long Hưng, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang). Cha là ông Phạm Đăng Long và mẹ là bà Phạm Thị Tánh.

Năm Bính Thìn (1796), tại Gia Định, Nguyễn Đăng Hưng thi đỗ tam trường, chuẩn bị thi tứ trường thì bị bệnh nên phải trở về quê [1]. Nhưng vì ông nổi tiếng là người có văn tài và hiền đức nên được bổ làm "Lễ sinh nội phủ” thời chúa Nguyễn Phúc Ánh.
Sau ông được thăng làm Tham luận ở Vệ Phấn Võ, đem quân ra đánh nhau với quân Tây Sơn ở Phú Yên. Năm Kỷ Mùi (1799), Phạm Đăng Hưng làm Tham tri bộ Lại, nhưng thường theo quân đội làm Tham mưu.

Đến khi chúa Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi lấy niên hiệu là Gia Long (1802), ông lần lượt trải chức: Tham tri bộ Lại kiêm Chưởng trưởng đà sự (trông coi đê điều, 1805), Thanh tra Trường thi Hương ở Kinh Bắc (1807), Thượng thư bộ Lễ (1813) kiêm quản Khâm thiên giám (1815).

Năm 1816, ông xin vua lập Xã thương (kho chứa lúa ở các xã) để chẩn cấp cho dân nghèo khi mất mùa, nhưng không được nghe.

4 đời Công tử Bạc Liêu và một kết cục bi đát

Vào năm 1895, tại Bạc Liêu có một đám cưới giữa một bên là thầy ký quèn mang họ Trần Trinh và một bên là con gái của ông bá hộ trong vùng. Nhờ đám cưới “một bên có tiền, một bên có tài” ấy mà sau này đất Bạc Liêu có ông hội đồng Trạch giàu có nhất “Nam kỳ lục tỉnh”. Để rồi sau đó nữa, đất Bạc Liêu có thêm một người được xếp vào loại “ăn chơi phóng túng nhất mọi thời đại” ở phương Nam, đó chính là Công tử Bạc Liêu.

Chuyện tình thầy ký Trạch

Một ngày cuối năm 1895, tại xã Châu Hưng - huyện Vĩnh Lợi – tỉnh Bạc Liêu, diễn ra lễ cưới của cô con gái thứ tư của ông bá hộ Phan Văn Bì, một người giàu có nhất nhì tỉnh Bạc Liêu. Tuy là nhà bá hộ, nhưng đám cưới tổ chức không lớn lắm, vì là đám gả con gái, chú rể lại là một thầy ký quèn. Sinh ra trong gia đình nghèo từ miệt Biên Hòa – Đồng Nai trôi dạt về Bạc Liêu khai khẩn đất hoang, khi mới 12 – 13 tuổi đầu Trần Trinh Trạch (SN 1873) phải đi làm mướn cho một gia đình địa chủ đã nhập quốc tịch Pháp.


Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa

Về huyện Tân Trụ (Long An) mà chưa đến thăm di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo - nơi ghi dấu chiến công hiển hách của vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực thì quả là một thiếu sót… 

Không có gì lý thú, xúc động cho bằng khi được tận mắt chứng kiến những mảnh gỗ, mảnh sắt còn sót lại của chiến hạm L’Espérance bị Nguyễn Trung Trực đánh chìm cách đây 151 năm - lần đầu tiên và duy nhất trong lịch sử chống Pháp của phong trào Cần Vương, quân ta tấn công và đánh chìm một chiến hạm của Pháp.

Tại đền thờ Nguyễn Trung Trực ở Vàm Nhựt Tảo (Long An) có nhiều bức tranh vẽ Trương Định, Nguyễn Trung Trực rất đẹp. Có điều, tranh vẽ chân dung Nguyễn Trung Trực “hơi bị… già” so với tuổi thực của ông. Bức tranh vẽ cảnh Nguyễn Trung Trực hiên ngang giữa pháp trường: chân đi trên chiếu hoa, đầu ngẩng nhìn trời (không thấy ghi tên họa sĩ). Chi tiết “chiếu hoa” ngờ rằng như tưởng tượng - chẳng qua vì tôn kính vị anh hùng này quá, họa sĩ mới vẽ như thế. Nhưng nhiều giai thoại cho rằng: vùng Tà Niên chuyên nghề dệt chiếu, ở đó cũng là căn cứ địa của Nguyễn Trung Trực, chính phó tướng Lâm Quang Ky là người dân vùng này, nên khi nghe Nguyễn Trung Trực bị giặc đem về Rạch Giá hành quyết, người dân Tà Niên (nay thuộc xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành - Kiên Giang) đã bất chấp địch trả thù, họ đem chiếu hoa trải suốt dọc đường người “vị quốc vong thân”. 


Tấm bia ở lăng Hoàng Gia

Tấm bia được vua Tự Đức sai đem từ Huế vào dựng ở mộ ông ngoại tại Tiền Giang, đã trải qua hành trình lưu lạc kỳ lạ trong hơn 140 năm trước khi đến đích.


Gốc tích của một văn bia

Lăng mộ Hoàng Gia là phần mộ và nhà thờ Quốc Công Phạm Đăng Hưng (1764-1825), khai quốc công thần thời Gia Long, hai lần kết sui gia với vua Minh Mạng (con trai ông lấy công chúa, con gái Phạm Thị Hằng, tức Thái hậu Từ Dũ - lấy vua Thiệu Trị đẻ ra vua Tự Đức). Lăng tọa lạc trên một gò đất cao thuộc ấp Hoàng Gia, xã Long Hưng, thị xã Gò Công (Tiền Giang), nằm bên con đường huyết mạch nối Gò Công - Cần Đước - TP.HCM. Lăng được khởi công từ năm 1826 bởi ông Phạm Đăng Tá - trưởng nam của Quốc Công Phạm Đăng Hưng trên phần đất 3.000 m2, do các nghệ nhân tài hoa bậc nhất từ Huế vào và nghệ nhân địa phương xây dựng. Lăng mộ là một công trình kiến trúc độc đáo mang đậm phong cách cung đình Huế, uy nghi giữa một vùng cây trái đồng bằng.

Bên trái mộ có tấm bia bằng đá trắng, mặt bên ngoài còn in khá rõ hình thánh giá màu đen và dòng chữ Pháp ghi tên Barbé, nhưng đằng sau là những dòng Hán tự được chạm khắc tinh xảo. Đây chính là mấu chốt của những câu chuyện ly kỳ. 


Mộ Quốc Công Phạm Đăng Hưng - Ảnh: H.Đ.N 


25 thg 1, 2013

Vĩnh Tràng, thấy Phật muốn tu

Chùa Vĩnh Tràng ở thành phố Mỹ tho, tỉnh Tiền Giang là một ngôi chùa nổi tiếng, được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, và là một điểm tham quan du lịch.


Có một câu ca dao nhắc đến chùa Vĩnh Tràng như thế này:

Vĩnh Tràng thấy Phật muốn tu
Ngặt chui qua cửa đội cu Minh Đàn

Mây trắng Hà Giang

Nằm ở cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang là tỉnh miền núi cao nên ngay từ cửa ngõ vào thành phố Hà Giang, mây đã xuất hiện trắng trên các đỉnh núi.


Du khách ngẩn ngơ khi mây ùa đến trên đèo Mã Pì Lèng làm khung cảnh trở nên huyền hoặc - Ảnh: Mộc Miên

Từ trung tâm tỉnh lên cao nguyên đá Đồng Văn, mây bao phủ ở hầu hết các cung đường qua huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn. Những con đường quanh co qua các sườn núi đá, càng lên cao càng ngoằn ngoèo, khúc khuỷu. Suốt tuyến đường, đâu đâu cũng thấy mây.



Ăn phở trên cao nguyên trắng

Dừng chân ở Bắc Hà lúc 6 giờ sáng. Rét ngọt, mưa phùn lâm thâm và từng sợi đêm vẫn còn bảng lảng, chúng tôi sà vào quán phở sực mùi thơm ngay đầu thị trấn. Đó là quán phở gà của bà Tuất, đã đỏ lửa trên phố núi này hơn 30 năm.

Những sợi phở to bản roi rói sắc hồng, hơi nâu như vuông lụa xếp nếp, những thớ thịt gà chắc nịch đã xếp vào bát… bà Tuất cẩn thận rưới từng muôi nước dùng nóng hổi từ chiếc nồi to sôi sùng sục trên bếp lò. Trong cái mờ ảo của khói bếp quyện lẫn với sương sớm, hãy nhấp một chút nước dùng ngọt lừ cho ấm giọng đi, rồi mới nhẩn nha nếm từng sợi phở thơm dẻo. Hồn phở Bắc Hà ở trong sợi phở ấy.




Đẹp tinh khôi cao nguyên trắng Bắc Hà

Mấy ngày nay trời ấm bừng lên làm cho cao nguyên Bắc Hà (Lào Cai) đẹp tinh khôi với ngút ngàn hoa mận Tam Hoa trắng ngần, khoe sắc trong nắng xuân.


Lâu nay vùng núi cao hơn 1.500 mét này được mệnh danh là “cao nguyên trắng Bắc Hà” bởi đây là vùng trồng nhiều nhất cây mận Tam Hoa, là loài cây ăn quả có nguồn gốc từ Trung Quốc, được lai ghép thành công với giống mận chua địa phương có hoa đẹp, sai quả thành giống mận đặc sản mới của địa phương trong những năm gần đây mang tên mận Tam hoa.

Mận Tam hoa đã góp phần xoá đói, giảm nghèo và tiến tới làm ăn khấm khá cho không ít gia đình dân tộc thiểu số ở vùng núi Bắc Hà. Vùng mận Tam Hoa này cũng đã tạo ra tour du lịch đặc sắc “Mùa xuân ngắm cao nguyên trắng Bắc Hà” - một trong những tour du lịch thu hút khá đông du khách kết hợp khi lên thăm các chợ phiên vùng cao Tây Bắc.

Xin giới thiệu chùm ảnh vẻ đẹp kỳ thú phong cảnh vùng cao nguyên Bắc Hà ngút ngàn mùa hoa mận Tam Hoa những ngày xuân Tân Mão 2011:







Độc đáo lễ ăn hỏi dân tộc Phù Lá

Từ nay đến đầu tháng 12 âm lịch, khi nông nhàn cũng là lúc người Phù Lá tổ chức cưới hỏi cho con em mình. Nếu đã đến cao nguyên trắng Bắc Hà, bạn hãy dành thời gian vượt núi ghé thăm bản của người Phù Lá, tìm hiểu nghi lễ, phong tục cưới hỏi độc đáo này. 

Đoàn nhà trai mang lễ vật sang nhà gái - Ảnh: Ngọc Bằng

Bản của người Phù Lá chênh vênh trên núi cao Nậm Đét. Đồng bào dân tộc Phù Lá cho đến giờ vẫn giữ được tinh hoa văn hóa truyền thống dân tộc nguyên sơ, độc đáo, đặc sắc. Và chúng tôi đã may mắn có dịp dự ăn hỏi của người dân tộc Phù Lá ngay xã Nậm Đét. 


Kiến An Cung ở Sa Đéc

Kiến An Cung ở Sa Đéc, dân địa phương thường gọi là chùa Ông Quách. 

Nằm giữa thị xã Sa Đéc (Đồng Tháp), Kiến An Cung được những người Phước Kiến xây dựng từ hàng trăm năm nay. Những dòng người Phước Kiến (Trung Hoa) sang định cư tại đây, phần lớn là di thần nhà Minh bỏ xứ tha hương từ thế kỷ XVIII do không thần phục triều Mãn Thanh. 

Ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, người Phước Kiến là một trong ba cộng đồng gồm Kinh, Hoa và Khmer sống chan hòa bao đời nay; nhưng họ luôn giữ được bản sắc văn hóa, tâm linh suốt nhiều thế hệ sinh sôi, trưởng thành trên đất khách. Kiến An Cung là một minh chứng về năm hóa tâm linh của họ.


Ngon lạ, cháo đậu đen Phú Quốc

Cháo đậu thì không lạ, nhưng ai đã một lần thưởng thức món cháo đậu đen ở Phú Quốc thì mới hiểu món cháo này ngon lạ lùng thế nào. 

Vị béo của đậu đen, thơm ngậy của nước cốt dừa, ngòn ngọt sực sực của khô cá, dòn dòn dai dai của củ cải muối sẽ khiến thực khách một lần thưởng thức chẳng thể nào quên. Ảnh: Bình An 

Phú Quốc những ngày vào đông tuy không lạnh như những tỉnh thành khác ở miền Trung, miền Bắc; nhưng mỗi buổi sáng sớm, hay lúc chiều tối, cái lạnh của vùng đảo như ngấm vào da thịt, khiến người ta co ro và chỉ muốn tìm cái gì âm ấm, nong nóng để thưởng thức. Món cháo đậu đen nước cốt dừa ăn kèm với khô cá và củ cải trắng muối là một thứ như thế. 


Đồn Rạch Cát

Ít ai ngờ giữa rừng ngập mặn hoang vu sát biển của huyện Cần Đước (Long An) lại có một trận địa pháo lớn tầm cỡ nhất nhì Đông Dương đã tồn tại hơn một trăm năm qua…

Giữa tháng 8.2012, tôi được tháp tùng đoàn nhạc sĩ của Hội Âm nhạc TP.HCM đi thực tế sáng tác ở Long An. Địa điểm đầu tiên chúng tôi đến là đồn Rạch Cát (thuộc ấp Long Ninh, xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước). Đoàn được hướng dẫn bởi chị Lê Thị Hồng Hạnh (Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Long An) và anh Nguyễn Công Toại (Chánh văn phòng sở), nên được tham quan thoải mái dù đây là nơi đồn trú của một đơn vị quân đội. Tôi khá ngạc nhiên khi trung úy Nguyễn Hữu Nam (trưởng đồn) mời đoàn… lên nóc nhà. Nhưng khi lên đây rồi mới thấy “choáng” bởi quy mô của đồn, nhất là sừng sững trước mắt chúng tôi một ụ trọng pháo bằng thép như chiếc mu rùa khổng lồ, còn ở hai đầu hồi là hai khẩu pháo 138 mm đang “trơ gan cùng tuế nguyệt”. 



Đường lên ụ pháo - ẢNH: H.Đ.N 


Từ ngọn bút đến cây đàn

Thời Cần vương chống Pháp, xứ Nam kỳ - mà tiêu biểu là vùng đất Cần Giuộc - Cần Đước (của tỉnh Long An bây giờ) không chỉ dụng võ mà còn dụng văn.

Chúng tôi đã có dịp “theo dấu” cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu và nhạc quan Nguyễn Quang Đại từ các mái đình, cảnh chùa mang đậm dấu ấn lịch sử…

Chùa Tôn Thạnh năm canh ưng đóng lạnh...

Một ngày giữa tháng 8, đoàn nhạc sĩ thuộc Hội Âm nhạc TP.HCM được anh Nguyễn Công Toại - Chánh văn phòng Sở VH-TT-DL Long An hướng dẫn đến thăm chùa Tôn Thạnh (xã Mỹ Lộc, H.Cần Giuộc) - nơi cách đây 150 năm, cụ Đồ Chiểu viết Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc.

Thực ra, người viết đã từng đến chùa Tôn Thạnh trong dịp lễ hội tưng bừng nhân đón Bằng công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia nhân dịp 176 ngày sinh của cụ Đồ Chiểu (1.7.1998). Nhưng 14 năm trước chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”, còn bây giờ thì cảm xúc trào dâng... Tôi lặng im trước bia kỷ niệm được dựng năm 1973 khắc dòng chữ “Dưới mái chùa Tôn Thạnh này. Từ năm Kỷ Mùi (1859) đến năm Nhâm Tuất (1862), đại chí sĩ Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) bề ngoài mở lớp dạy học, bên trong lãnh đạo nghĩa binh chống Pháp. Và cũng nơi đây, cụ đã sáng tác thơ Lục Vân Tiên”. Bao thế hệ học sinh, trong những tiết văn đã từng đọc Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc với những câu: “Chùa Tôn Thạnh năm canh ưng đóng lạnh, tấm lòng son gửi lại bóng trăng rằm/Đồn Lang Sa một khắc đặng trả hờn, tủi phận bạc trôi theo dòng nước đổ…”, hỏi ai mà chẳng bồi hồi xúc động khi đứng trước “tấc đất” lịch sử này!


Vết đạn thành Cửa Bắc

Cuối tháng 10, con phố Phan Đình Phùng càng trở nên tĩnh lặng. Những hàng cây sấu già lặng lẽ đổ bóng chiều xuống đường. Nơi cổng thành Cửa Bắc, một nhân chứng “sống” của buổi đầu lịch sử chống thực dân Pháp xâm lăng vẫn đứng sừng sững và uy nghiêm. 

Mặc kệ thời gian, hằn in trên bức tường thành cổ là những vết thương sâu hoắm, màu vàng trám. Người Hà Nội bảo, đấy là dấu tích của súng thần công mà thực dân Pháp bắn vào thành trong những năm đầu đánh chiếm Hà Nội (1882). 


Mặt trước cổng thành Cửa Bắc ngày nay


Thăm tháp Hòa Phong

Nằm trên vỉa hè đường Đinh Tiên Hoàng phía mép hồ Hoàn Kiếm, tháp Hòa Phong thường bị lầm tưởng là một công trình trong quần thể tháp Rùa, Hồ Gươm. Thật ra, đây là dấu tích duy nhất còn sót lại của chùa Báo Ân - ngôi chùa bề thế nhất Hà thành thế kỷ 19. 


Tháp Hòa Phong hiện nay ở vỉa hè đường Đinh Tiên Hoàng, bờ phía đông hồ Hoàn Kiếm - Ảnh: Trần Vũ

Chùa Vua - “cờ miếu” đất Thăng Long

Nằm bên chợ Trời ồn ào náo nhiệt, chùa Vua là một di tích trong Thăng Long tứ quán. Đặc biệt, còn có thể coi nó là một “cờ miếu” của Thăng Long bởi đây là nơi diễn ra các cuộc đấu cờ tướng đỉnh cao suốt mấy trăm năm nay. 


Chùa Vua nhìn từ trên gác chuông

Chùa Vua hiện nằm ở số 17 Thịnh Yên, Hà Nội. Lịch sử chùa Vua bắt đầu từ cách đây gần ngàn năm, dưới triều đại nhà Lý. Sang thời Lê sơ (1428-1527), hằng năm trước khi vua quan đến đàn Nam Giao tế cáo trời đất thường đến chùa để lễ cầu quốc thái dân an. Bởi thế dân gian quen gọi là chùa Vua. Sau đó một vị hoàng tử dựng điện thờ tiên Đế Thích cạnh chùa và dùng chùa làm trung tâm đấu cờ tướng của Thăng Long.

Độc đáo kem Tràng Tiền

Ra đời từ những năm 1950. 52 năm tồn tại và phát triển đủ để khẳng định sức hấp dẫn của kem Tràng Tiền đối với bao đời thực khách. Kem Tràng Tiền - thương hiệu kem chỉ có riêng trên đất Hà thành.



Xếp hàng mua kem và đứng để thưởng thức là đặc trưng riêng chỉ có ở kem Tràng Tiền - Ảnh: Quỳnh Trang

Anh bạn tôi từ Đà Nẵng ra Hà Nội chơi cứ khoái mãi cái kiểu xếp hàng mua kem và đứng cả dọc dài để thưởng thức: “Người Tràng An có phong thái riêng. Đến thứ kem “made in Hà thành” cũng đặc trưng và được ăn một cách độc đáo. Lạ và thú vị thật!”.
Phải xếp hàng chờ đợi là thế mà lúc nào quán kem Tràng Tiền cũng đông nghẹt người ăn, cả người lớn lẫn trẻ em, bất kể mùa đông hay mùa hạ. Hẳn phải là thứ kem ngon lắm, đặc trưng lắm của Hà thành mới khiến bao đời người yêu thích đến vậy. “Mỗi ngày quầy cô bán được vài triệu chiếc kem”, cô bán hàng ở quầy kem que, kem ốc quế cười rạng rỡ khoe với tôi như thế. Số lượng bán ra của món kem tươi ở quán cũng lên đến con số 3.000-4.000 chiếc. Quả là ấn tượng! 


Vịt cỏ nướng Vân Đình


Đôi khi việc ngồi nhẩm đếm những món ăn từ vịt cũng thú vị. Nào là vịt quay, cháo vịt, vịt xáo măng, vịt nấu chao, tiết canh vịt… thôi thì đủ loại, đủ món. Và ở Hà Nội có lẽ không thể không nhắc đến món vịt cỏ nướng, đặc sản thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa.


Đĩa vịt cỏ nướng Vân Đình (nửa con) giá chỉ 50.000-60.000 đồng - Ảnh: Tiến Thành

Có dịp về thị trấn Vân Đình, chúng tôi mới biết các món ăn từ vịt “hoành tráng” đến cỡ nào. Vịt ở đây được quảng cáo là vịt cỏ, thịt chắc và thơm.


Phở Thăng Long: thăng trầm cùng lịch sử


Những ngày thu Hà Nội ngồi trong quán phở, thưởng thức và ngẫm lại hành trình của bát phở Thăng Long với bao thăng trầm lịch sử mới thấy thật kỳ thú. Phở, từ một thứ quà bình dân của người Việt nay đã thành một thương hiệu ẩm thực của quốc gia.

Phở Hà Nội - Ảnh: Internet (by Cuoi2005)

Không biết món phở có từ khi nào, nhưng cứ nói đến kho báu ẩm thực đất Thăng Long người ta lại nói đến phở. Chả thế, nhà thơ nổi tiếng Tú Mỡ từng làm thơ ca tụng về phở như này:



Ngũ vị trong bánh dày

"Cô nào chồng bỏ, chồng chê
Ăn bánh dày Quán Gánh quay về với nhau"...

Ai đã một lần thưởng thức món bánh dày Quán Gánh sẽ không thể quên những mùi vị đặc trưng, những nét tinh túy riêng mà chỉ bánh dày nơi đây mới có được.

Quán Gánh, cái tên gắn liền với sự ra đời và phát triển của món bánh dày nổi tiếng. Bánh dày Quán Gánh, không chỉ là nét ẩm thực riêng của người Thượng Đình mà đã trở thành món ăn phổ biến, thanh tao của người Hà Nội.



Bánh dày Quán Gánh bày bán trên phố. Người dân cũng thường gọi là "bánh dầy"


Nem Phùng


Đan Phượng quê tôi (vốn là vùng đất nhỏ bé thuộc trấn Sơn Tây cũ) chẳng phải là vùng danh lam hay thắng cảnh gì nên ít người biết đến. Nhưng nhắc đến Đan Phượng, nhiều người sẽ nhớ đến nem Phùng.

Gọi là nem Phùng vì nó được được làm chủ yếu bởi những người ở tổng Phùng thời xưa mà chủ yếu là bốn làng Đại Phùng, Đoài Khê, Đông Khê, Phượng Trì (cũng giống như nói lụa Hà Đông nhưng chủ yếu vẫn là lụa ở làng Vạn Phúc).

Cây cối tốt tươi loại gì cũng có nhưng mỗi thứ chỉ một chút vì diện tích đất không nhiều, thế nên nguyên liệu làm món nem Phùng cũng rất đơn giản, dễ kiếm: thịt lợn, gạo, lá sung và các thứ gia vị phụ khác. Cách làm nem tuy đơn giản nhưng đòi hỏi phải có độ sành nhất định. Thịt phải chọn thịt mông sấn hoặc thịt thăn, có nạc, có mỡ, bì phải sạch sẽ, không có lông.


Khúc biến tấu độc đáo của ô mai Hàng Đường

Những trái mơ, mận, đào, sấu, quất, khế… đều thành đặc sản ô mai nổi tiếng của phố Hàng Đường (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Điều kỳ thú là qua bàn tay khéo léo và con mắt tinh tế của ông Bùi Văn Hưng, những thức ô mai ấy bỗng trở thành tác phẩm nghệ thuật đầy sức sống.


Một chú thỏ đánh trống ngộ nghĩnh được làm từ nhiều nguyên liệu khác nhau như ô mai kiwi, trám, nho, sơri... - Ảnh: Tiến Thành



Hà Nội mùa sấu



Sấu ngâm đường. Ảnh: Thanh Hương

Cứ đến gần hè khi cái nắng chói chang kèm tiếng ve kêu râm ran khắp phố cũng là lúc những quả sấu trên cây đã sẵn sàng trở thành những món quà bình dị nhưng khó quên đối với người dân Hà thành. Sấu có thể được chế biến thành ô mai sấu, mứt sấu và món sấu dầm đường, thứ nước giải khát thơm mát giúp xua tan cái nóng nực của mùa hè.

Muốn có một bình sấu dầm đường thơm ngon, các mẹ các chị phải lựa quả bánh tẻ, có nghĩa là quả sấu không quá già, hay quá non. Nếu già quá sấu sẽ mất vị chua, ít thịt, nhiều hạt. Còn nếu non quá thì khi ngâm, sấu sẽ bị nhũn, ăn không ngon. Chọn quả có vỏ hơi sần sùi, đều tay, vì quả có vỏ bóng láng là sấu non. Không lấy quả to quá hay nhỏ quá và lựa bỏ những quả bầm dập.


Chè lam Thạch Xá


Chè lam Thạch Xá nay được đóng hộp đẹp mắt và bán rộng khắp các thành phố lớn trong nước.

Dù không ở giữa cái lạnh của mùa đông, nhưng vị dẻo thơm của nếp xen lẫn vị cay nhẹ của gừng, của quế cũng làm nhiều người nao lòng khi nhớ về xứ Đoài với những chuyến hành hương về chùa Tây Phương.

Đi dọc những bậc thang lên chùa Tây Phương, du khách sé gặp những kệ hàng nhỏ bày bán duy nhất món quà quê nơi đây - món chè lam thơm dẻo. Tìm hiểu ra mới hay, đây chính là món quà có từ lâu đời được nhiều du khách hành hương tới đây mua về làm quà.


Bún ốc nguội Khương Thượng

Khương Thượng, một làng ở phía Tây nam thành Thăng Long xưa, nơi đã diễn ra chiến thắng lịch sử Đống Đa ngày mùng 5 Tết năm Kỷ Dậu - 1789, đã đóng góp 3 món đặc sản bình dân vào kho tàng ẩm thực của đất ngàn năm văn vật: chả nhái, bún ốc nguội và chim sẻ rán.


Bún riêu ốc - Ảnh: internet


Bún thang Hà Nội

Quán bún thang ở phố cổ. Ảnh: T.Hương

Ngoài món phở đã nức tiếng khắp nơi, các món ăn sáng khác như bánh cuốn, bún riêu, bún mọc... mang đặc trưng hương vị ẩm thực của cư dân vùng đồng bằng Bắc bộ cũng đã trở nên quen thuộc với khẩu vị người miền Trung, miền Nam. Nhưng thật đáng tiếc nếu du khách phương xa đến Hà Nội mà bỏ qua dịp thưởng thức bún thang, một món ăn thể hiện sự tinh tế, nhẹ nhàng và lịch lãm của người Tràng An.


Thực khách sẽ dễ dàng nhận biết quán phở qua hương vị nồng nàn có thể lan tỏa khắp khu phố, nhưng món bún thang thì phải tận mắt nhìn thấy và thưởng thức mới cảm nhận được hương vị nhẹ nhàng, sự khéo léo pha trộn các nguyên liệu thực phẩm, gia vị một cách tinh tế, hấp dẫn.

Bún Phú Đô, tinh hoa ẩm thực đất kinh kỳ

Thử hỏi "Có bún nào như bún ấy không?/Sợi tròn, thơm dẻo, vị trắng trong"... Quả thật, trong kho báu ẩm thực đất Thăng Long, nếu không kể đến bún Phú Đô thì xem như ta đã bỏ quên một viên ngọc quý.

Thử nhẩm đếm các ngõ ngách của Hà Nội bây giờ, dễ phải có đến cả trăm món ăn kèm với bún. Bún riêu, bún ốc, bún thang, bún mọc, bún ngan, bún vịt…, và ngon nhất có lẽ không thể thiếu bún đậu chấm mắm tôm, bún xáo chó... Mỗi món ăn một vị riêng, nhưng chắc rằng với những người sành ăn bún thì không thể nào quên được những sợi bún mềm, trắng trong và mát mịn của bún Phú Đô - món quà đại diện cho tinh hoa ẩm thực của đất kinh kỳ.



Bún đã ra lò


Mộc mạc làng cổ Đường Lâm


Ai bước chân vào làng cổ Đường Lâm (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) cũng chắc hẳn dậy lên cảm xúc khó tả về một làng quê truyền thống Việt Nam.

Từ xa, làng cổ Đường Lâm xuất hiện trước mắt du khách với vẻ cổ kính. Cổng làng với cây đa cổ thụ hơn 300 năm tuổi, nằm ngay bên cạnh ao sen đã khiến bao du khách tưởng tượng nhiều điều kỳ thú về ngôi làng này. Đi sâu vào trong làng, khung cảnh cây đa giếng nước ấy cứ dần hiện ra, làm du khách phải ngỡ ngàng. Khó có một ngôi làng nào ở Việt Nam thời nay còn lưu giữ những nét đặc thù ấy. Dường như tất cả những nét cổ của văn hóa làng xã nông thôn Việt đều hội tụ ở Đường Lâm.

Trải qua bao thăng trầm của thời gian, làng cổ Đường Lâm vẫn cứ lặng lẽ nép mình bên cuộc sống hiện đại. Dĩ nhiên, điều làm nên đặc thù của ngôi làng này là đường làng, giếng nước cổ, mái ngói, tường đá ong, cổng đá ong già nua với cửa gỗ ở từng nhà dân, rồi đến đình chùa… đều mang đậm bản sắc nông thôn Việt Nam. Nhà nào cũng làm bằng đá ong, tường rào nào cũng lấy đá ong làm vật liệu chính, và leo trên những bức tường đá ong kỳ lạ đó là những cây dây leo huyền bí, làm tô điểm thêm cái không khí vắng lặng và thanh bình ở Đường Lâm.


Cây đa, cổng làng gợi nhớ nhiều kỷ niệm về làng quê Việt - Ảnh: Lê Hân


Viếng động Người Xưa



Cửa động Người Xưa. Ảnh: Thoa Nguyễn

Nằm cuối thung lũng nhỏ giữa những quả núi trong khu thắng cảnh Hương Sơn, động Người Xưa hay còn gọi là động Ngày Xưa như càng thêm hấp dẫn qua lời kể của ông Phạm Văn Tọa, người đã hai mươi năm nay làm việc trông coi và giới thiệu di tích với du khách thập phương.

Khi nhắc đến Động Người xưa, nhiều người chỉ biết đến khu hang động nổi tiếng trong Vườn quốc gia Cúc Phương (huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) mà ít ai biết đến, tại thắng cảnh Hương Sơn nổi tiếng (thuộc huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội) cũng có động Người Xưa với nhiều nét xưa cổ. Về mặt vị trí địa lý, động Người Xưa nằm ở vị trí điểm cuối phía tây nam của thành phố Hà Nội hiện nay, chỉ qua một quả núi sẽ sang đất Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình. 



Đến Thanh Oai thăm chùa cổ Bối Khê

Được xây dựng từ thời Trần (khoảng năm 1338), chùa Bối Khê là ngôi chùa cổ có kiến trúc độc đáo nhất còn sót lại ở miền đất Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Không những vậy, đây còn là ngôi chùa có hệ thống địa đạo từ thời kháng chiến chống Pháp còn tồn tại đến nay.

Toàn cảnh mặt tiền chùa nhìn từ trên tam quan chùa

Cuối tuần, trên chiếc xe đạp cũ, tôi rong ruổi về miền đất Thanh Oai để tìm đến chùa Bối Khê (còn gọi là chùa Đại Bi).

Đầu năm viếng chùa Tây Phương

Tam quan chùa Tây Phương. Ảnh: Thoa Nguyễn

Trong những ngày mưa phùn se lạnh, đặc trưng của thời tiết đầu đông ở miền Bắc, chúng tôi háo hức với ý nghĩ tìm đến một ngôi chùa cổ của Hà Nội để vãn cảnh và cầu lộc, mong năm mới nhiều may mắn và bình yên. Và chùa Tây Phương là lựa chọn trong chuyến đi đầu năm mới dương lịch.

Vãn cảnh Tây Hồ

Hà Nội có rất nhiều hồ, vừa là những khoảng thở cho đô thị, vừa là cảnh quan thơ mộng của đất Tràng An; trong đó, hồ Tây có diện tích lớn nhất, khoảng 500 héc ta, đem lại những làn gió mát và không khí trong lành cho cư dân thủ đô. Hồ Tây, còn có tên hồ Dâm Đàm, hồ Kim Ngưu, xưa còn gọi là đầm Xác Cáo... Hồ nằm ở phía tây bắc Hà Nội, quận Tây Hồ.


Hồ Trúc Bạch vốn là một phần của hồ Tây, thuộc quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội. Ảnh: Thanh Hương

Chiều chiều, nhiều người lên đây hóng gió, trốn cái nóng oi ả của mùa hè. Du khách chịu khó dạo chơi thong thả một vòng quanh hồ sẽ nhận ra nhiều điều thú vị. Từ xa xưa hồ Tây đã là thắng cảnh nổi tiếng. Các vị vua thời Lý-Trần đã lập quanh hồ nhiều cung điện làm nơi nghỉ mát, giải trí.