10 thg 5, 2011

Sao gọi tên là núi Chứa Chan?

Ngày xưa, khi Hai Ẩu còn học phổ thông, bọn học sinh thường gọi đùa núi Chứa Chan là Chán Chưa, và giải thích rằng: Vì leo lên núi thì mệt lắm, mà lên tới trên thì... hổng có gì vui, nên mới hỏi lại nhau rằng Chán chưa?


Núi Chứa Chan. Ảnh: Nguyễn Tùng Lâm (dulichbui.org)

Một truyền thuyết giải thích tên núi Chứa Chan như sau:


Vào thế kỉ 17, có một vị quan người Việt là Việt Hùng, trong lúc giao chiến với quân Khmer, ông bị bắt cùng với người vợ của mình. Ông bị giam lỏng ở miền núi này và lập ở đây một ngôi miếu ăn chay tịnh. Còn vợ ông vì có nhan sắc nên đã bị vua khmer ép làm vợ lẽ mặc dầu biết bà đang mang thai. Sau đó, bà sinh dựoc một con gái, đặt tên là Mai Khanh. 18 năm sau, khi cô gái lớn lên, bà đã kể sự thật về cha cô cho cô nghe. Cùng với một người nô bộc của mình cô quyết định đi tìm cha. Hai cha con gặp nhau trong niềm vui sướng, và họ quyết định bỏ trốn , họ bị người Khmer truy đuổi gắt gao. Trong lúc hoảng loạn, cả ba người đã gieo mình tự vẫn ở ngọn núi này. Người dân ở đây đã lập miếu thờ ba người, hiện nay trong chùa có 3 tượng được mọi người gọi là ông vàng, cô bạc và cậu chì là để chỉ ba người này. Biết được câu chuyện thương tâm đó, người dân ở đây đặt tên cho ngọn núi này là núi chứa chan để nói lên tình cảm chan chứa của gia đình họ.

Hì, tôi nghĩ đây là chuyện do các đơn vị hướng dẫn du lịch chế ra kể cho du khách để thêm phần thi vị. Chuyện 3 người trong gia đình vị quan và cái chết của họ cùng với 3 pho tượng thờ có thể có thật, nhưng ghép câu chuyện này với tên núi thì hơi khiên cưỡng. Nhưng không sao, có những truyền thuyết như vậy thì chuyến đi du lịch càng thêm lý thú mà...

Cách giải thích sau đây có lẽ là khoa học và hợp lý nhất:
Trong bài viết Nguồn gốc và ý nghĩa một số địa danh ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Lê Trung Hoa lý giải về địa danh Chứa Chan như sau: Trong tiếng Chăm, từ chỉ núi là chơk và núi non là Chơk Chăn. Người Chăm cũng dùng một từ của tiếng Gia Rai và tiếng Êđê là Chư và gọi núi Chứa Chan là Chư Chan. Trong Sổ tay địa danh Việt Nam (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002), Đinh Xuân Vịnh ghi: Chử Chân (hoặc Chứa Chan): còn gọi là núi Gia Ray. Có lẽ Chử Chân là biến thể của Chư Chan. Chan (hay Chăn, Chân) trong tiếng Chăm hiện đại đã mất nghĩa, có thể vốn là tên người, tên cây hoặc tên thú. Theo suy luận của tác giả bài viết trên, địa danh Chứa Chan bắt nguồn từ từ tổ Chư Chan của tiếng Chăm theo con đường tạm gọi là“mượn âm”.Người Chơro ở Bảo Chánh (huyện Xuân Lộc) gọi núi Chứa Chan là Gung Char với nghĩa là “núi Lớn”.

Nhưng giải thích theo cách này thì nghe không nên thơ như cách trên, phải không ạ? Còn cách giải thích của Hai Ẩu thì... ẩu hơn, phải không ạ?

Chứa chan: Chùa chảnh

Ngôi chùa ở trên đỉnh núi Chứa Chan (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai), ngọn núi cao thứ nhì ở Nam bộ, cao 837 met (sau núi Bà Đen ở Tây Ninh). Chùa có tên là Bửu Quang tự, dân gian thường gọi là chùa Gia Lào.


Photobucket

Kiến trúc chùa không đặc sắc lắm, cũng không phải là ngôi chùa cổ (chùa được xây dựng từ đầu thế kỷ XX), nhưng ở trên ngọn núi cao, phong cảnh hữu tình - lại nổi tiếng linh thiêng nên thu hút rất đông khách hành hương từ các nơi.