Hiển thị các bài đăng có nhãn Dân tộc và Miền núi. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Dân tộc và Miền núi. Hiển thị tất cả bài đăng

23 thg 7, 2021

Lễ cúng bản của người Si La

Là một trong 19 dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Điện Biên, cộng đồng dân tộc Si La chỉ sinh sống ở bản Nậm Sin (xã Chung Chải, huyện Mường Nhé), bên bờ suối Nậm Sin, cạnh đường vành đai biên giới.

Bản Nậm Sin cách trung tâm xã Chung Chải khoảng 16km. Người Si La ở đây có dân số ít (gần 50 hộ) nhưng lại có một nền văn hóa khá phong phú và mang tính đặc trưng, nhận diện văn hóa riêng.

Tết của người Si La (Điện Biên). Ảnh: baodienbienphu.info.vn

Trong lễ tục vòng đời, người Si La có các nghi lễ quan trọng, nổi bật như: Lễ cúng bản, lễ cúng hồn lúa, lễ cúng nương, lễ cúng cơm mới, lễ gieo hạt, lễ cầu mùa, Tết cổ truyền… Trong đó, lễ cúng bản là nghi lễ tín ngưỡng đã trở thành hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, mang tính tâm linh và có ý nghĩa nhân văn cao đẹp, phản ánh khát vọng vươn lên, mong ước một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

21 thg 7, 2021

Nét độc đáo lễ Sene Neak Ta của người Khmer ở Bình Phước

Vào khoảng giữa tháng 4 đến đầu tháng 5 hằng năm, tức vào đầu mùa mưa, đồng bào dân tộc Khmer ở Bình Phước lại tổ chức lễ Sene Neak Ta. Đây là hoạt động nhằm thể hiện niềm tin, lòng biết ơn của người dân trong ấp đối với thần linh đã che chở, phù hộ bà con trong sản xuất , có cuộc sống ấm no và hạnh phúc.

Theo quan niệm của đồng bào Khmer, Sene Neak Ta “thường gọi là ông Tà”, là vị thần trông coi từng khu vực lớn, nhỏ, từ thửa ruộng đến địa phận phum, sóc (hay còn gọi là ấp) bảo hộ cuộc sống và sức khỏe cho con người.

Già làng Lâm Uông ở xã Nha Bích (huyện Chơn Thành) cho biết, Lễ hội Sene Neak Ta có nhiều loại, tùy theo phạm vi ảnh hưởng mà người Khmer chia thành Sene Neak Ta của phum, sóc. Mỗi Neak Ta thường có miếu thờ riêng, bên trong miếu, thờ hình tượng Neak Ta. Hình tượng Neak Ta là những hòn đá to, nhỏ. Neak Ta không chỉ là thần bảo hộ mà còn là vị thần có thể chữa bệnh, xét xử, giải quyết tranh chấp. Trước kia, khi có mâu thuẫn xảy ra họ thường đến miếu Sene Neak Ta để giải quyết bằng cách thề thốt trước sự chứng giám của ông Tà.

Bà con đồng bào Khmer diễu hành trong lễ hội Sene Neak Ta. Nguồn:baobinhphuoc.com.vn

Lễ Pok Tapah của người Chăm Bà - La - Môn

Lễ Pok Tapah (tôn chức Phó Cả sư) là nghi lễ quan trọng nhất, tái hiện quá trình hình thành một tu sĩ Bà-la-môn giáo, thu hút đông đảo chức sắc Bà-la-môn trong cộng đồng người Chăm trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận tham dự.

Các nghi lễ Pok Tapah kể lại hành trình của một người tu hành Bà-la-môn. Ảnh: Tuệ Tri

Lễ hội kết bạn của Người Mạ

Lễ hội kết bạn là một hoạt động tín ngưỡng dân gian, mang tính nhân văn sâu sắc của đồng bào các dân tộc trên đại ngàn Tây Nguyên nói chung, đồng bào dân tộc Mạ ở Lâm Đồng nói riêng.

Đội cồng chiêng của chủ nhà và khách kết lại thành một vòng tròn trong buổi lễ kết bạn. Ảnh: Chu Quốc Hùng

25 thg 8, 2019

Hang Mường Tỉnh - căn cứ cách mạng chứa đựng giá trị lịch sử to lớn

Nằm dưới chân dãy núi đá vôi hùng vĩ, ẩn mình dưới đại ngàn ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, Di tích Lịch sử cấp quốc gia hang Mường Tỉnh (bản Chống, xã Sa Dung, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) là nơi gắn với quá trình hình thành, phát triển Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Điện Biên (cũ), Ban Cán sự tỉnh Lai Châu (cũ) và phong trào cách mạng trên địa bàn. Hang Mường Tỉnh còn là địa điểm tham quan, du lịch hấp dẫn với khí hậu trong lành, khung cảnh thiên nhiên đẹp. Tuy nhiên, do chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, tiềm năng du lịch của Di tích này đang bị “bỏ ngỏ”. 

Đường vào hang Mường Tỉnh. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN 

23 thg 6, 2019

Lễ Gạ Ma Thú là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Ngày 13/6, tại bản A Pa Chải, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, UBND huyện Mường Nhé (Điện Biên) tổ chức Lễ công bố và trao chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ Gạ Ma Thú (Cúng bản) của cộng đồng dân tộc Hà Nhì đang sinh sống ở 4 xã cực Tây Tổ quốc, gồm Sín Thầu, Chung Chải, Sen Thượng, Leng Su Sìn. Trước đó, tại Quyết định số 446/QĐ-BVHTTDL, ngày 29/1/2019, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đợt 26, lễ Gạ Ma Thú nằm trong danh mục 17 di sản được tôn vinh. 

Người dân chuẩn bị đồ lễ cúng. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN 

Trong lễ tục vòng đời, lễ Gạ Ma Thú là nghi lễ lớn, quan trọng nhất trong năm của cộng đồng người Hà Nhì, được tổ chức vào tháng 2 âm lịch hằng năm để hướng về cội nguồn, tổ tiên, ông bà, tri ân các vị tiền bối có công khai phá, bảo vệ bản mường, tạ ơn trời đất, tổ tiên, các đấng siêu nhiên phù hộ cho người dân mạnh khỏe, vạn vật sinh sôi, làm ăn phát triển... Đây cũng là dịp để mọi người cùng nghỉ ngơi, vui chơi, mừng mùa Xuân mới.

Đặc sắc Lễ hội bánh chưng, bánh giày truyền thống tại đền Độc Cước

Sáng 14/6, Lễ hội bánh chưng, bánh giày - lễ hội văn hóa truyền thống có từ lâu đời của nhân dân Sầm Sơn đã diễn ra tại sân đền Độc Cước, thành phố Sầm Sơn (Thanh Hóa). Lễ hội được tổ chức thường niên vào ngày 12/5 âm lịch hằng năm với mong muốn cầu cho biển lặng gió êm, mùa màng tươi tốt, nhân khang, vật thịnh, mưa thuận, gió hòa. 

Phần tế lễ, đọc chúc văn tưởng nhớ công đức của tiền nhân, tiên tổ đã có công khai phá và xây dựng vùng đất Sầm Sơn. Ảnh: Khiếu Tư-TTXVN 

Ngay từ sáng sớm, hàng nghìn người dân cùng du khách thập phương đã nô nức tham gia nghi thức rước kiệu từ đền thờ, đình làng ở 12 phường, xã trên địa bàn thành phố Sầm Sơn đến chân đền Độc Cước. Mỗi đoàn rước có khoảng 200-300 người gồm người cầm biển hiệu dẫn đường, tiếp đó là nhóm người vừa đi vừa diễn trò dân gian đến kiệu làng, mâm bánh chưng bánh giày tế lễ, mâm ngũ quả và đoàn người già, trẻ, gái, trai ăn vận quần áo truyền thống, khăn xếp áo the. Đoàn rước diễu quanh các đường phố chính rồi tề tựu tại khu vực sân đền Độc Cước để chuẩn bị cho phần nghi lễ chính thức. Phần lễ tế, đọc chúc văn tưởng nhớ công đức của tiền nhân, tiên tổ đã có công khai phá và xây dựng vùng đất Sầm Sơn, cầu cho mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng, tôm cá đầy khoang.

3 thg 6, 2019

Khám phá Hồ Lắk

Hồ Lắk là hồ nước ngọt tự nhiên lớn thứ hai tại Việt Nam sau Hồ Ba Bể, được bao quanh bởi các dãy núi lớn và những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn. Tất cả tạo nên bức tranh “sơn thủy hữu tình” với mặt nước mênh mông dưới những ngọn núi trùng điệp, trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách muốn trải nghiệm cảm giác mộc mạc và gần gũi thiên nhiên. 

Quang cảnh bình yên bên Hồ Lắk. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN 

Cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) hơn 50 km, Hồ Lắk nằm bên thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk (Đắk Lắk). Khởi nguồn từ mạch nước ngầm của dãy núi Chư Yang Sin hùng vĩ đã hình thành nên lòng hồ rộng lớn này. Vào mùa khô, diện tích hồ đạt khoảng 500 ha, đến mùa mưa, mặt nước mở rộng 700-900 ha, đây cũng là mùa đẹp nhất, khi mực nước lên cao, mặt hồ xanh thẳm, in bóng mây trời. Xung quanh hồ có những dãy núi lớn được bao phủ bởi thảm rừng nguyên sinh với diện tích hơn 10.000 ha cùng hệ động vật, thực vật phát triển đa dạng về chủng loại.

29 thg 5, 2019

Làng trồng bí đao khổng lồ chuyển hướng làm du lịch cộng đồng

Vốn nổi tiếng từ lâu với sản phẩm bí đao khổng lồ, nhưng người dân làng Chánh Trạch 1 (Mỹ Thọ, Phù Mỹ, Bình Định) vẫn gặp khó khăn trong việc thu lợi nhuận từ sản phẩm độc đáo này. Hiện nay, một số gia đình đã có những chuyển đổi trong cách thức trồng, chăm sóc, chế biến để gắn việc gìn giữ giống bí đao khổng lồ với các tour du lịch cộng đồng. 

Anh Nguyễn Ngọc Thạch, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Bình Long (bên phải) cùng tác giả thu hoạch bí đao khổng lồ từ vườn. Ảnh: TTXVN phát 

8 thg 10, 2017

Lễ hội Hết Chá của đồng bào Thái ở Mộc Châu

Lễ hội Hết Chá là hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh sâu sắc, là lễ hội đoàn kết cộng đồng, cùng giúp nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. 

Lễ hội Hết Chá - bản sắc của đồng bào Thái 


Khi hoa ban, hoa mạ nở cũng là dịp nông nhàn của đồng bào Thái. Để Lễ được tổ chức trên một khu đồi gần trung tâm bản. Thầy mo thông báo thời gian làm lễ cho các con nuôi, gia đình họ hàng ở các nơi, đội xòe và bà con trong bản cùng tham dự.

Từ thời xa xưa, xưa kia, người Thái rất nghèo, không có tiền mua thuốc chữa bệnh, thường đến nhờ thầy mo. Thầy mo dùng mẹo và nhờ thần linh nên đã chữa được bệnh cho dân làng. Mang ơn thầy mo, nhiều người xin được làm con nuôi của ông. Và rồi, cứ mỗi dịp cuối năm (vào 29, 30 Tết), con cháu lại đến tạ ơn thầy mo, nhưng thời điểm đó đang bận rộn cho tết nên thầy mo ấn định lễ tạ ơn sẽ tổ chức vào tháng 3 hàng năm... Lễ hội Hết Chá từ đó mà thành.

Cây vạn vật (cây sẳng chá) trong lễ Hết Chá 

Đặc sắc lễ hội hoa ban của người Thái

Lễ hội hoa ban được tổ chức tháng 2 Âm lịch hằng năm vào mùa hoa ban nở rộ ở Chiềng Khoa, Vân Hồ (Sơn La) của người dân tộc Thái để tưởng nhớ tới hai cô gái (hai nàng), những người phụ nữ đảm đang và tinh khiết như hoa ban rừng được dân tộc Thái tôn thờ như 'hai bà chúa'. 

Thầy mo và dân bản rước Hai nàng về nhập đền thờ 

Chuyện xưa kể rằng, có một gia đình sinh được hai người con gái, chẳng may người bố bị bệnh mất sớm. Gia đình gặp khó khăn, mẹ phải vào rừng hái lượm để nuôi hai con. Hai nàng khôn lớn, ngày càng xinh đẹp, nết na, tài sắc và chăm chỉ khéo léo trong trồng bông dệt vải, thêu thùa.

21 thg 3, 2017

Làng nghề bánh mè xát Tân An

Làng nghề bánh mè xát Tân An ở huyện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình) ra đời vào khoảng những năm 1900. Đây là làng nghề chuyên sản xuất loại bánh mè- một loại bánh biến thể khéo léo từ chiếc bánh tráng, thường gọi là bánh đa. Bánh có mặt từ thuở khai canh, lập làng, bởi một ông tổ nghề người Hà Tĩnh mang theo cả vợ con, người thân vào làng Tân An để sinh sống, lập nghiệp.

Người Tân An ban đầu chế biến bánh mè xát với mục đích khoe khéo tay nghề, xa hơn nữa là nhằm trao đổi cho xóm giềng các loại lương thực, thực phẩm mà bản thân họ tự tay làm ra được. Dần dà, đặc tính thơm giòn cộng với vẻ ngoài chân chất của bánh mè xát Tân An đã được nhân dân khắp vùng Bắc, Nam Quảng Trạch biết đến qua lời giới thiệu của người thân, hay qua những chồng bánh làm quà biếu thân tình. Nắm bắt được thị trường, người làm bánh mè xát bằng vốn liếng sẵn có là sự khéo tay cũng như kinh nghiệm và kỹ thuật làm bánh thành thạo được người thân truyền nghề, đã từng bước chuyên môn hóa, cơ giới hóa nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và tính thẩm mỹ của sản phẩm để giới thiệu ra thị trường.

Công đoạn tráng bánh. 

15 thg 3, 2017

Các sinh hoạt văn hóa truyền thống trong đám cưới truyền thống của người Tày

Cưới xin là một tập tục tốt đẹp trong đời sống. Cưới xin không chỉ thể hiện đời sống tâm linh, đánh dấu sự kiện quan trọng của một đời người mà còn là ngày hội của họ hàng, của dân tộc và các sinh hoạt nghệ thuật không thể thiếu trong đám cưới người Tày ở xã Tĩnh Bắc, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn.

Trong đám cưới truyền thống của người Tày không thể thiếu các sinh hoạt văn hóa truyền thống như: hát lượn, hát sli, hát đối đáp, ông quan lang hát lượn dặn dò cô dâu chú rể, những bài mời trầu, mời cơm, hát bài lễ bái tổ tiên và họ hàng. Còn thanh niên nam nữ họ hát đối đáp nhau, mời rượu, chúc tụng cô dâu, chú rể, họ tổ chức các trò chơi dân gian mang đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

Ngoài ra còn có "pả me" trong đám cưới người Tày. "Pả me" là người phụ nữ thay mặt bố mẹ cô dâu thực hiện mọi nghi lễ trong đám cưới, nếu như trong đám cưới của người kinh đại diện nhà gái theo cô dâu về nhà chồng có thể là nam giớ hay nữ giới thì trong đám cưới người Tày người đại diện là "pả me" trước tiên phải là người biết hát văn"hết văn đảm bái" hát văn đám cưới, họ là những người lớn tuổi có đức độ uy tín trong vùng, pả me phải là những người rất đứng đắn, lịch sự có khả năng ứng đối am hiểu phong tục tập quán của địa phương. Ngoài ra, phải đáp ứng một số tiêu chuẩn như có chồng con cháu quây quân hạnh phúc.

14 thg 3, 2017

Làng hoa Thái Phiên - Đà Lạt

Làng hoa Thái Phiên, phường 12, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng có hơn 1.050 hộ sản xuất trên diện tích 430 ha. 

Thu hoạch hoa tại hộ nông dân Nguyễn Thị Nguyệt. Mỗi năm, gia đình chị thu nhập hơn 200 triệu đồng từ trồng hoa cúc. 

Hiện nay, các nhà vườn trong làng đã chuyển đổi 350 ha từ phương pháp truyền thống sang sản xuất công nghệ cao trong nhà kính, chủ yếu là trồng hoa cắt cành, mỗi năm đạt sản lượng hơn 600.000 cành, thu nhập 1,2 tỷ đồng/ha. 

13 thg 3, 2017

Tục lệ cưới xin của người Phù Lá

Trong cuộc sống mới ngày nay, tục cưới xin của người Phù Lá tuy có nhiều đổi thay nhưng vẫn lưu giữ được những nghi thức độc đáo mang đậm nét văn hóa truyền thống riêng của dân tộc mình. 

Hôn nhân qua ông mối

Trai gái dân tộc Phù Lá đến tuổi trưởng thành không bị cha mẹ ép duyên, được tự do tìm hiểu trước hôn nhân. Khi chàng trai tìm được cô gái vừa ý, buổi tối người con trai thường đến chơi nhà bạn gái, sau khi người con gái đã ưng thuận thì người con trai có thể ngủ lại ở gian khách, đó là nơi dành cho những người chưa vợ chưa chồng, như vậy bố mẹ người con gái cũng biết mặt con rể tương lai vì cô gái đã đồng ý cho chàng trai ngủ tại nhà mình.

Cô dâu phải bịt mặt khi về nhà chồng. 

7 thg 3, 2017

Độc đáo ngày Tết Nào Pê Chầu của người Mông

Tết cổ truyền “Nào Pê Chầu” của người Mông được lưu truyền qua bao đời nay góp phần tô đậm thêm tình đoàn kết trong cộng đồng, đồng thời đây là dịp để các gia đình thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với tổ tiên, đất trời đã phù hộ cho mùa màng bội thu, con cháu có sức khỏe, cuộc sống bình yên, hy vọng vào năm tới cuộc sẽ tươi đẹp hơn.

Khi thời khắc giao mùa sắp đến, năm cũ qua đi để đón mừng sang một năm mới, không khí vui tươi nhộn nhịp đã tràn ngập trong khắp bản làng của người Mông, các gia đình bắt đầu mổ lợn để chuẩn bị đón tiếp anh em họ hàng đến ăn mừng trong dịp Tết cổ truyền.

Đến tối ngày 29, các gia đình bắt đầu ngâm gạo nếp để đến sáng sớm ngày 30 sẽ giã bánh dày. Đây là loại bánh không thể thiếu trong mâm cúng nhân dịp Tết của người Mông. Sau khi bánh dày vừa được giã nhuyễn, người ta nặn một cái đầu tiên để cúng cùng với mâm cúng tất niên, sau đó nặn một cái to nhất vừa đầy cái mẹt để mồng 3 Tết cúng mời tổ tiên.
Tết Nào Pê Chầu của người Mông được diễn với nhiều nghi lễ, gồm: Lễ quét bồ hóng, Lễ cúng Xử Ka, Lễ cúng tất niên, Lễ lấy nước lộc năm mới và Lễ hạ mâm.

4 thg 3, 2017

Tái hiện lễ Xử Ca của người Mông

Tết cổ truyền - Nào pê Chầu là một lễ hội đặc trưng, tiêu biểu nhất về văn hóa truyền thống của dân tộc Mông. Tết là khoảng thời gian nghỉ ngơi, đoàn tụ gia đình, thôn, bản để cùng nhau ôn lại và trao đổi kinh nghiệm sau một năm lao động sản xuất, tô đậm tình đoàn kết trong cộng đồng, là dịp để các gia đình thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với tổ tiên, trời đất đã phù hộ cho mùa màng bội thu, con cháu có sức khỏe, cuộc sống bình yên qua đó cầu mong năm mới cuộc sống tốt đẹp hơn. 

Thầy cúng (chủ nhà) làm lễ cúng bàn thờ Xử Ca. 

Vào ngày Tết cổ truyền “Nào pê Chầu”, bên cạnh thờ cúng tổ tiên, hệ thống ma nhà, trong năm mới người Mông (Điện Biên) rất coi trọng việc thờ cúng bàn thờ “Xử Ca”. Bàn thờ “Xử Ca” là ma có vị trí quan trọng trong hệ thống các ma nhà của người Mông, gắn liền với sự giàu có nhất là tiền bạc. Nơi thờ “Xử Ca” ở gian giữa nhà. Chỗ thờ được dán một miếng giấy màu trắng và cắm 3 hoặc 5 túm lông gà được bôi ít máu gà. 

Lễ A Tan – Pa Nuôn của đồng bào Tà Ôi

Tín ngưỡng thờ thần là một nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc Tà Ôi huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Họ tin vào thuyết vạn vật hữu linh. Ngay từ buổi đầu hình thành những ý niệm con người đã biết thờ phụng các vị thần tự nhiên, siêu nhiên: thần Đất, Mây, Sấm, Sét và các vị thần như cây, cối, núi sông, đường sá mà con người đi qua, thể hiện sự tri ân đến các Yang đã tạo ra cuộc sống sung túc và bình an.
"YCha A tan Pa nuôn" là một trong những nghi lễ cúng thần linh của người Tà Ôi, nhằm tạ ơn Yang đã tạo ra của cải vật chất cho gia đình, dòng họ được giàu sang, sung túc và cuộc sống thuận hoà, an vui.

Buổi lễ được bắt đầu với nghi thức A Xa - A hay còn gọi là nghi thức tẩy rửa những điều ô uế, nhơ bẩn để dòng họ, gia đình, con cháu được trong lành, sạch sẽ. Nghi lễ này được thực hiện trước khi nghi lễ chính thức bắt đầu một ngày. 

2 thg 3, 2017

Độc đáo lễ cúng Vía của người Mường

Từ xa xưa, trong tín ngưỡng của người Mường Hòa Bình đã tồn tại tục cúng vía đầu năm. Đây là một phong tục mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. 

Quan niệm về vía của đồng bào Mường

Tập quán sinh sống của người Mường thường ở theo các chòm núi, hoặc ven các bìa rừng nơi có các con sông, con suối. Họ sống gần gũi với thiên nhiên nên cũng sớm hình thành cho mình các hình thái sinh hoạt văn hóa khác nhau. Và cứ từ đời này sang đời khác, các giá trị văn hóa của dân tộc luôn được họ giữ gìn, nâng niu.

Trong vô số các phong tục của đồng bào, tục cúng vía là một trong những phong tục mang ý nghĩa nhân văn, hướng con người tìm về cội nguồn. Người Mường họ tin vào những điều “siêu nhiêu”, tin vào sức mạnh của thần linh. Nếu hồn vía bị lưu lạc thì thầy Mo sẽ là người có quyền năng, đứng trước cửa nhà để gọi về. 

Mâm cúng trong lễ "Vía" của đồng bào Mường. 

Lễ đầy tháng của người Tày Hà Giang

Lễ đầy tháng là một trong những nghi lễ trong gia đình của đồng bào Tày xã Kim Ngọc, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Đây là nghi lễ báo cáo với tổ tiên công nhận là con, cháu trong gia tộc, trong dòng họ và trong gia đình. 

Nghi lễ đầy tháng của người Tày

Theo quan niệm của người Tày , khi đứa trẻ đầy tháng, người ta tổ chức lễ ăn mừng. Lễ này người Tày ở Chiêm Hóa, Chợ Đồn, Ba Bể...gọi là "lẩu ma nhét" (đám cưới con chó nhỏ), ở Bảo lạc gọi là " món dè" (đầy tháng); hay một vài nơi ở Hà Giang con gọi là "lẩu bươn,oóc bươn" (ra tháng) - cũng có nghĩa là đầy tháng. Người Tày ở Kim Ngọc thì gọi lễ đầy tháng là " vằn đáy bươn " (ngày đầy tháng). "vằn đáy bươn" của người Tày ở Kim Ngọc cũng được tổ chức rất to để chúc mừng gia đình có thêm một thành viên.

Các lễ vật trong cúng tế: Các lễ vật trong lễ đầy tháng là các sản phẩm nông nghiệp của gia đình. Các lễ vật này dâng lên để tạ ơn thần linh, ông bà tổ tiên đã che chở và phù hộ cho đứa bé sinh ra được khỏe mạnh. Trong lễ đầy tháng, đặt bên cạnh mâm cúng chính còn có các mâm của các gia đình hai bên nội ngoại mang đến cúng tế mừng cho đứa trẻ chính thức được công nhận là một thành viên trong gia đình.