Địa danh Ô Tà Sóc thuộc xã Lương Phi (Tri Tôn) là một phần của dãy núi Dài, theo tiếng của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer có nghĩa là “suối ông Sóc”. Trên Ô Tà Sóc có nhiều hang đá, khe suối nhỏ, những con đường mòn ngoằn ngoèo, được che phủ bởi rừng cây và các loại dây leo chằng chịt, tạo nên địa hình hiểm trở. Chính vì thế, trong những năm chiến tranh, Ô Tà Sóc là khu vực rất thuận lợi để xây dựng căn cứ cách mạng.
Cuối năm 1962 đến 1967, Tỉnh ủy An Giang chọn nơi đây làm căn cứ đứng chân để lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng. Một tuyến phòng thủ mạnh được xây dựng bằng hàng rào, bãi chông, các loại mìn. Cùng với lòng can đảm, cán bộ, chiến sĩ dựa lưng vào địa hình hiểm trở của núi rừng để bám trụ chiến đấu. Điện Trời Gầm - một hang sâu rộng rãi, kiên cố, dễ phòng thủ, khó tấn công - được chọn làm Văn phòng. Xung quanh đó là Ban Tuyên huấn, Ban Tổ chức, Ban Thông tin - Cơ yếu, Ban Binh vận, Ban An ninh, Đội Hỏa tốc…
Suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, Ô Tà Sóc còn là căn cứ của các lực lượng cách mạng huyện Tri Tôn, Tịnh Biên. Từ năm 1969, nơi đây là địa điểm dừng chân và hợp đồng chiến đấu của các Trung đoàn chủ lực từ miền Đông chi viện cho miền Tây Nam Bộ. Năm 1968 đến 1971, Ô Tà Sóc là căn cứ của phân ban Tỉnh ủy An Giang, do đồng chí Vũ Hồng Đức (Mười Đức, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND cách mạng tỉnh An Giang) phụ trách. Giai đoạn năm 1972 đến ngày 30-4-1975, Tỉnh ủy Châu Hà và Long Châu Hà cũng có thời gian chọn Ô Tà Sóc làm căn cứ kháng chiến.
Bức phù điêu lớn đặt dưới chân Ô Tà Sóc