23 thg 6, 2016

Lê Lai cứu chúa xứ Kiên Giang

Hai con đường ở Rạch Giá

Ở Rạch Giá có 2 con đường lớn chạy song song với nhau, đường Nguyễn Trung Trực và đường Lâm Quang Ky. Nguyễn Trung Trực là con đường chính của thành phố này, đường Lâm Quang Ky nhỏ hơn. Nguyễn Trung Trực thì ai cũng biết rồi, đó là vị anh hùng dân tộc với 2 chiến công lẫy lừng:

Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa
Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần.

Ông đã lập nên chiến công nức lòng người dân cả nước tại Kiên Giang và hy sinh đền nợ nước cũng tại nơi này. Con đường chính ở Rạch Giá mang tên ông là điều tất nhiên. Vậy còn Lâm Quang Ky là ai?

Đình thần Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá

Lâm Quang Ky là vị phó tướng, người bạn chiến đấu của Nguyễn Trung Trực. Đặc biệt, ông đã đóng vai Lê Lai, giả làm Nguyễn Trung Trực để chấp nhận hy sinh vì đại nghĩa.

Giai thoại về Lâm Quang Ky

Lâm Quang Ky sinh năm 1838 tại xã Vân Khánh Đông, huyện An Biên, tỉnh Rạch Giá (nay là tỉnh Kiên Giang). Thân phụ là ông Lâm Kim Diêu (gốc người Hoa).

Năm 1867, Nguyễn Trung Trực về Hà Tiên xây dựng lực lượng kháng Pháp. Nhờ người giới thiệu, ông đến Tà Niên tìm gặp Lâm Quang Ky. Ngoài tinh thần chống ngoại xâm cao, Lâm Quang Ky còn khá tinh thông võ nghệ, có uy tín nên ông chiêu mộ được nhiều người nữa cùng tham gia vào đội nghĩa quân, suốt từ vùng An Biên đến Rạch Giá. Do vậy, Lâm Quang Ky được Nguyễn Trung Trực phong làm Phó tướng.

Rạng sáng 16/6/1868, nghĩa quân Nguyễn Trung Trực, trong đó có Lâm Quang Ky làm phó tướng, đã tổ chức tấn công chiếm lấy đồn Kiên Giang, và làm chủ nơi đó được 5 ngày. 


5 ngày sau, Pháp điều quân từ Vĩnh Long đến giải nguy và để chiếm lại thành. Do nghĩa quân thế cô, vũ khí kém, nên thành không giữ được.

Trong tình thế hiểm nghèo, Lâm Quang Ky cùng một số nghĩa quân cảm tử tự nguyện ở lại cầm chân quân Pháp, để Nguyễn Trung Trực rút lực lượng chính về Hòn Chông. Lâm Quang Ky mặc chiến bào của Nguyễn Trung Trực, cầm cờ lệnh, cố tình chiến đấu kéo dài thời gianCuối cùng, quân Pháp bắt được ông cùng với sáu nghĩa binh khác. Ông tự xưng là Nguyễn Trung Trực, chỉ huy quân Pháp đinh ninh đã bắt được lãnh tụ nghĩa binh nên không cho quân truy đuổi nữa. Qua ngày hôm sau, cai đội Lượm vì biết rõ mặt Lâm Quang Ky nên việc bị bại lộ. Rất tức giận, Pháp sai người đem tất cả ra chém chết tại chợ Rạch Giá mà không cần xét xử. Năm đó, Lâm Quang Ky 29 tuổi. Người dân biết chuyện, gọi ông là Lê Lai Kiên Giang.

Sau này, khi Nguyễn Trung Trực bị bắt và cũng bị xử chém tại Rạch Giá, người dân làng Vĩnh Thanh Vân đã bí mật thờ hai ông, nhưng mượn danh là đình thờ Cá Ông, để tránh sự dòm ngó của quân Pháp. Hiện nay đây là ngôi Đình thần Nguyễn Trung Trực ở TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Giờ đây, tên ông và tên Nguyễn Trung Trực được đặt cho hai con đường lớn ở Rạch Giá, song song bên nhau như hai người bạn cùng chiến đấu ngày xưa, cùng hy sinh cho đất nước.


Lâm Môn Mộ Sở, khu lăng mộ dòng họ Lâm ở Rạch Giá

Hậu duệ của người anh hùng

Theo gia phả dòng họ Lâm ở Kiên Giang, thủy tổ của dòng họ là ông Lâm Tam Lang, từ Quảng Đông (Trung quốc) di cư sang Việt Nam. Không biết ông sinh năm nào, chỉ biết mất năm 1795. Thân phụ ông Lâm Quang Ky là Lâm Kim Diêu thuộc đời thứ 3 của họ Lâm. (Lâm Kim Diêu là con của Lâm Phong Quang. Lâm Phong Quang là con của Lâm Tam Lang).

Các thế hệ đời sau của ông Lâm Quang Ky hầu hết đều theo con đường binh nghiệp, trong đó tên tuổi lẫy lừng nhất là người đời thứ 7 của họ Lâm, cháu gọi Lâm Quang Ky bằng ông cố: Đại tá Lâm Quang Phòng. Lâm Quang Phòng là một võ quan ưu tú của quân đội Việt Nam Cộng Hòa, nổi tiếng với nhiều chiến công đánh Tây và... diệt Cộng từ thời Ngô Đình Diệm, thời đệ Nhị Cộng hòa ông là Chỉ huy trưởng Lực lượng Đặc biệt Quân khu 2 (C2) trên vùng cao nguyên Trung phần (sử liệu hiện nay nhắc đến tên ông khá nhiều với vai trò là... một tên ác ôn của quân đội Ngụy!!!).

Cố đại tá Lâm Quang Phòng

Bên cạnh những người theo con đường binh nghiệp, còn một người rất nổi tiếng cũng thuộc đời thứ 7 dòng họ Lâm, nhưng lại trong lĩnh vực âm nhạc. Ông tên Lâm Đình Phùng, không phải cháu cố trực hệ với Lâm Quang Ky như Lâm Quang Phòng, nhưng ông cố của Lâm Đình Phùng là anh em ruột với vị anh hùng Lâm Quang Ky!

Bạn có nhận ra Lâm Đình Phùng là ai không? Vâng, Lâm Đình Phùng chính là tên thật của nhạc sĩ Lam Phương, người nhạc sĩ của những bản tình ca sống mãi trong lòng chúng ta hơn nửa thế kỷ nay đó các bạn ạ!

Nhạc sĩ Lam Phương năm 2015

Phạm Hoài Nhân
Bài viết dựa theo các tư liệu về Nguyễn Trung Trực, Lâm Quang Ky và gia phả tộc Lâm - Rạch Giá

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét