26 thg 2, 2021

Năm Sửu, đến chợ trâu Nghiên Loan - Phiên chợ thật thà

Chị mời chào: "Trâu cái 14 tháng tuổi, của nhà nuôi thả, mông to, làm giống tốt lắm." Ông khách đứng ngắm nghía một lúc rồi cầm thừng trâu kéo hếch mũi nó lên để xem răng có đều không, có bị mòn không, răng đều là trâu ăn tốt, khỏe...

7h chợ bắt đầu đông. Trên bãi đất trống rộng chừng 1.000 m2, người và trâu đứng xen vào nhau, san sát như trận đồ - Ảnh: ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG

Đặc sản rêu đá

Từng là món ăn mời khách của người Thái, người Tày vùng núi phía bắc, rêu đá đang dần mất đi khi môi trường sống của chúng thay đổi.

Rêu đá thường dùng để tiếp đãi khách quý, hoặc dùng trong những bữa ăn quan trọng như tiệc cưới, mừng nhà mới. Chúng chúng chỉ sinh sống ở những vùng nước sạch chưa bị ô nhiễm, như quanh các tảng đá trong lòng suối có nước chảy. Mùa thu hái chủ yếu diễn ra vào giữa đông, đầu xuân, khi những cơn lũ rừng chưa tới.

Tùy môi trường sống mà có những quần thể rêu dài đến 3 - 4 m. Trên ảnh là rêu mọc ở suối Khuổi Tẳng, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Nguyễn Minh Chuyển.

Chui qua bụng ngựa cầu may trong ngôi chùa người Hoa

Ngày mùng 4 Tết, nhiều người đến chùa Ông (quận 5) hành lễ và chui qua bụng tượng ngựa để cầu mong may mắn, lộc tài.

Chùa Ông hay còn gọi là Miếu Quan Đế hoặc Hội quán Nghĩa An, do người Hoa xây dựng. Chùa thờ Quan Công (hay Quan Thánh đế quân), một nhân vật thời Tam Quốc tài đức vẹn toàn. Chùa có thêm một gian thờ dành riêng cho ngựa Xích Thố - con chiến mã của Quan công.

25 thg 2, 2021

Yên Bái và giấc mơ Bhutan

Bhutan, xứ sở nhỏ bé bên triền Himalaya, nổi tiếng cả thế giới với mệnh danh "xứ sở hạnh phúc".

Ruộng bậc thang Yên Bái - Ảnh: NGỌC QUANG

Tân Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy nhấn mạnh: “Yên Bái không cố tạo ra sự khác biệt mà mục tiêu rõ ràng là tạo ra triết lý phát triển cho riêng mình”. Đã tìm được mối quan hệ hữu cơ sống còn giữa môi trường và sản phẩm, từ đó tạo nên hiệu quả môi trường cho con người, gìn giữ được rừng, được ruộng, được mây trời. Chừng đó đã đủ để chờ đợi...

Về địa danh "Tri Tôn", "Tức Dụp".

Đọc bài “VỊNH CHÙA XVAYTON (Tri Tôn) của Trần Văn Đông trong Tạp chí Văn hóa – Lịch sử An Giang số 92 – 11/2012, cuối trang có chú thích địa danh “Xvayton” có nghĩa là “khỉ đeo”, tôi sực nhớ đến xấp tài liệu do cô Nguyễn Thị Thái Trân – giảng viên của Trường Đại học An Giang – tặng cho tôi cách đây mấy tháng. Tài liệu được trích từ Luận văn tốt nghiệp thạc sĩ của cô, chuyên ngành Văn hóa học, do GS. Lê Trung Hoa hướng dẫn. Luận văn trình bày kết quả nghiên cứu về địa danh, trong đó có một số phát hiện khá thú vị về cách lý giải ý nghĩa của địa danh, chẳng hạn như địa danh “Tri Tôn”, “Tức Dụp”. Sau đây là ý kiến của cô Thái Trân (lược ghi):

Chùa Xvayton (tức Tri Tôn)

Nguyễn Cao Thương - Chân dung họa sĩ tài ba

Nguyễn Cao (Kao) Thương (22-3-1918 – 28-3-2003) là một người độc đáo trong làng mỹ thuật Việt Nam. Ông là người đầu tiên ở Việt Nam và toàn Đông Dương bắn rơi máy bay của giặc Pháp. Ông cũng là người đặt tên cho Trường Trung học Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, tiền thân của Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai ngày nay và làm hiệu trưởng cho đến ngày nghỉ hưu. Năm 2012, ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Chân dung tự họa, sơn dầu của Nguyễn Cao Thương.

Người triển lãm tranh lập thể đầu tiên tại Sài Gòn là ai?

Giới họa sĩ và người yêu hội họa trong nước sẽ trả lời ngay là Tạ Tỵ - họa sĩ mở cuộc triển lãm tranh theo trường phái lập thể (Cubism) đầu tiên của mình tại Sở Thông tin Sài Gòn vào năm 1956.

Chân dung tự họa - sơn dầu của Nguyễn Cao Thương

Nhưng thật bất ngờ, năm 1943 Sài Gòn đã có hội họa lập thể.

24 thg 2, 2021

Hương vị Việt trên những dặm đường lang thang

Ẩm thực không chỉ là ẩm thực. Hương vị của những món ăn Việt đôi khi lại là sợi dây kết nối với quê hương, với nguồn cội, hay đơn giản là nơi lưu giữ ký ức tươi đẹp của gia đình.

Ảnh: GIA TIẾN

Ẩm thực Việt với người xa quê hương đôi khi là một tấm căn cước để gợi nhớ về ký ức và văn hóa. Còn với những người Việt trong nước, đó là một thiên đường thực sự của những món ăn ngon được kết tinh qua bao năm tháng của từng vùng miền khác nhau. Và trong một năm đặc biệt vừa qua, ẩm thực đôi khi còn là sợi dây để kết nối, mang mọi người xích lại gần hơn, như chưa từng đi xa.

Ông tổ châm cứu Việt Nam

Nhiều thế kỷ nay, những di sản về cách trị bệnh không dùng thuốc mà danh y Nguyễn Đại Năng để lại cho đời vẫn được các thế hệ lương y trong cả nước gìn giữ và phát huy trong chữa bệnh cứu người, góp phần nâng tầm vị thế nền y học nước nhà.

Cuốn sách "Châm cứu tiệp hiệu diễn ca" là di sản quý về phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc

Độc đáo 5 di tích thờ các nhân vật thời Hai Bà Trưng

Trong cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, có không ít tướng lĩnh cả nam và nữ người Hải Dương đã tham gia.

Năm Giáp Ngọ (34), Thái thú Tô Định đến Giao Chỉ thay Tích Quang. Đây là một tên quan nổi tiếng gian tham và tàn bạo. Chính sách áp bức bóc lột của nhà Đông Hán đối với người dân Giao Chỉ ngày một tàn tệ. Người dân không những bị cướp ruộng đất mà còn phải nộp các loại thuế muối, thuế sắt, thuế sản vật… dưới hình thức nộp cống. Các quan lại cấp huyện dòng dõi các Lạc hầu, Lạc tướng bị thu hẹp về quyền lực chính trị và kinh tế, bị thúc ép, đè nén nên rất bất bình. Bất chấp sự khác biệt trong phong tục, tập quán và truyền thống của người Việt, Tô Định đã sử dụng luật nhà Hán làm công cụ trấn áp, khủng bố sự phản kháng của các quan lại địa phương và người dân Giao Chỉ.

Tục làm giấy bản đón Tết của người Mông

Xử ca (Bàn thờ) của người dân tộc Mông là tờ giấy bản được người phụ nữ trong nhà làm thủ công. Người Mông ở miền tây Thanh Hóa thay xử ca vào ngày cuối cùng của năm cũ. Với người Mông, họ quan niệm, loại giấy do chính bàn tay mình làm ra để dùng vào các dịp lễ, Tết sẽ mang lại may mắn cho gia đình, dòng tộc.

Những ngày đầu tháng Chạp rét mướt, chúng tôi có dịp về với đồng bào dân tộc Mông ở các huyện vùng cao Quan Sơn, Mường Lát, Quan hóa… tỉnh Thanh Hóa, nghe họ kể lại nhiều phong tục tập quán đặc sắc, độc đáo vẫn còn lưu giữ cho đến ngày nay. Một trong những nét văn hóa ấy là phong tục làm giấy bản chuẩn bị đón năm mới.

Đền Nghiêm - Nơi còn lưu giữ nhiều sắc phong quý

Di tích lịch sử văn hóa và cách mạng Đền làng Nghiêm (còn gọi là Đền Nghiêm), xã Quảng Giao, huyện Quảng Xương hiện còn lưu giữ 8 sắc phong quý có niên đại hàng trăm năm.

Đền là nơi thờ Thiên Uy Tôn Thần, Thôi Quan Tôn Thần và Hà Thanh Tôn Thần - là 3 vị quan họ Bùi.

Dưới thời Lê Trung Hưng dòng dõi Khai quốc công thần Bùi Bị đã có công xây dựng và bảo vệ quê hương.

Tại đền đã chứng kiến cuộc khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945. Đêm 18-8-1945 đội tự vệ của huyện tập kết tại đây, tiến vào huyện đường Quảng Xương (lúc đó đóng tại làng Bùi) bắt tri huyện Lê Nguyên Kháng nộp vũ khí, ấn tín và hồ sơ đầu hàng cách mạng.

“Cá tính” vùng đất xứ Thanh trong cái nhìn địa - chính trị

Trong lịch sử Việt Nam, tỉnh Thanh Hóa là một thực thể địa lý bao gồm hai tính chất đối nghịch: Vừa là vùng đất khép kín có cấu trúc tự trị khá hoàn chỉnh, đồng thời, lại là vùng đất nằm ở vị trí trung chuyển giữa các con đường. Trong đó, đường bộ thiên lý (đường ở đồng bằng ven biển), thượng đạo (đường trên miền núi) và đường thủy (đường biển và sông) đều có tầm quan trọng vừa cho vùng đất, lại vừa cho cả quốc gia. Chính vị trí địa – chính trị đặc thù ấy đã góp vào quy định địa – tâm lý, cá tính vùng miền xứ Thanh.

Xứ Thanh, ngoài tính khép kín do chỉnh thể địa lý mang lại còn nằm ở vị trí trung chuyển quan trọng trong sơ đồ địa lý quốc gia (ảnh: Minh họa).

Độc đáo tín ngưỡng thờ “hòn đá vía”

Người dân tộc Thái ở Thanh Hóa nổi tiếng với những luật tục, lễ hội truyền thống độc đáo. Trong số đó, khi đến huyện miền núi Quan Sơn chúng ta có thể biết thêm tục thờ “hòn đá vía” gắn liền lễ hội Mường Xia.

"Hòn đá vía” được đặt tại bản Chung Sơn, xã Sơn Thủy, Quan Sơn.

Trong đời sống văn hóa của đồng bào Thái ở huyện miền núi Quan Sơn, Lễ hội Mường Xia rất quan trọng. Trong đó phong tục gửi “vía” nơi “hòn đá vía” mang đậm nét nhân văn trong phong tục cúng tế của đồng bào.

22 thg 2, 2021

Bánh chưng đen - món đặc sản để trai xứ Lạng... chọn vợ

Đầu xuân đến với vùng quê xứ Lạng ngoài đặc sản cải ngồng, vịt quay, măng ớt móc mật, bánh cuốn trứng, bánh mì nướng… mà không thưởng thức món bánh chưng đen đậm đà hương vị đặc trưng thì thật đáng tiếc.

Màu đen của bánh được làm từ tro của vỏ cây núc nác. Vỏ cây được phơi khô, đốt thành tro và nghiền mịn - Ảnh: Proguide

Không ngoa chút nào khi có thể nói rằng, bánh là kết tinh của sự khéo léo, công phu, tinh tế hàng đầu trong số các loại bánh ở Việt Nam.

Ngôi chùa xây trong hang đá Đồ Sơn

Chùa Hang với nhiều chứng tích liên quan đến quá trình đạo Phật du nhập vào nước ta những năm trước Công Nguyên, thu hút khách chiêm bái đầu năm.

Chùa Hang có tên chữ là Cốc tự, nằm tại khu 1, phường Vạn Sơn, quận Đồ Sơn. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, đây là địa điểm đầu tiên của Phật giáo du nhập vào nước ta, trước khi tới vùng Luy Lâu - Dâu, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Hiện tại, trước cửa chùa có một bảng chữ lớn giới thiệu về tích này.

Chùa có thế lưng ẩn sâu trong núi và mặt hướng ra biển Đồ Sơn. Bên ngoài có tượng Phật Quan Âm, phía phải là nhà thờ tổ, tiếp theo là tòa tháp. Trên núi có tượng rồng phượng, chân núi là tượng rùa thần và cá chép.

Đồng hoa cánh bướm gây 'sốt' ở Hà Tĩnh

Đồng hoa cánh bướm ở xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà, mỗi ngày thu hút hơn 300 lượt khách đến chụp hình check-in.


Giữa tháng 2 đến nay, đồng hoa cánh bướm rộng 1 ha nằm bên tỉnh lộ 16, đoạn xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà bắt đầu nở rộ, sắc hồng pha trắng rực rỡ cả một vùng.

Đồng hoa được anh Nguyễn Văn Lý (30 tuổi, trú thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên) thuê đất của người dân địa phương, sau đó cải tạo, mua giống về trồng hồi tháng 11/2020. Từ mùng 1 Tết Tân Sửu đến nay, trung bình mỗi ngày có khoảng 300 lượt khách đến đồng hoa tham quan, có hôm cao điểm là 400. "Sắp tới nếu có kinh phí tôi sẽ mở rộng thêm diện tích, trồng nhiều loài hoa khác để phục vụ du khách", anh Lý nói.

21 thg 2, 2021

Phú Quốc – thành phố của những giấc mơ

Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam có một hòn đảo nằm ngoài khơi được nâng cấp thành đơn vị hành chính cấp thành phố với đầy đủ cơ sở pháp lí, diện mạo, tầm vóc và vị thế của nó. Việc đưa Phú Quốc trở thành thành phố đảo đầu tiên của cả nước không chỉ là bước ngoặt lớn tạo tiền đề sớm đưa hòn đảo được mệnh danh là “đảo ngọc” này trở thành một trung tâm kinh tế, du lịch và dịch vụ hàng đầu khu vực và thế giới mà còn cho thấy tầm nhìn chiến lược của Việt Nam trong định hướng phát triển kinh tế biển kết hợp đảm bảo an ninh-quốc phòng ở các vùng biển đảo.

Từ thiên đường trên biển...

Từ trên máy bay, qua ô cửa nhỏ, Phú Quốc hiện ra trông như một cánh buồm xanh căng gió giữa biển khơi. Thậm chí vị khách ngồi cạnh tôi, một người đàn ông đứng tuổi có dáng vẻ từng trải còn so sánh khá thú vị rằng đảo Phú Quốc có hình dáng trông như lục địa Nam Mỹ thu nhỏ. Câu chuyện về hòn đảo ngọc từ đó trở nên rôm rả cho đến khi máy bay đáp xuống phi trường Phú Quốc, một phi trường quốc tế nhỏ xinh ngập tràn ánh nắng và lồng lộng gió đại dương.

Nộm gà tía tô - món ngon ngày Tết của người Dao Tiền

Mùa xuân, khi những bông hoa đào, hoa mận bung nở khắp các bản làng; cũng là lúc các mẹ, các chị người Dao Tiền ở Sơn La lại tất bật chuẩn bị những món ăn ngon đậm đà hương vị dân tộc đón Tết cổ truyền. Một trong số đó là món nộm gà tía tô.

Theo lời các cụ ông, cụ bà, nộm gà tía tô là một trong những món ăn đặc biệt, phải có trong mâm cơm ngày Tết của người Dao Tiền. Bởi trong ngày Tết, dù đã có nhiều món ăn từ thịt, cá, món nào cũng hấp dẫn, nhưng các món này ăn nhiều lại gây ngán bởi có nhiều mỡ. Do vậy trong mâm cơm ngày Tết, chị em phụ nữ người Dao lại truyền cho nhau bí quyết chế biến món nộm gà tía tô có độ dai giòn, ngọt dịu của thịt, cùng với vị thơm thơm của lá tía tô ai cũng yêu thích.

Ông Lý Văn Chin ở bản Suối Khem, xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La cho biết: "Món nộm gà thì ko dùng gà già, chỉ lấy con từ 1kg trở lại thôi để làm nộm. Còn người Dao ở đâu phải có tía tô ở đó. Món ăn này khi có khách quý, anh em ruột thịt đến chơi nhà là phải có”.

Cá bỗng – nét văn hóa ẩm thực ngày Tết của đồng bào Tày Lục Yên

Cá bỗng là loại cá quý, đặc sản của đồng bào dân tộc Tày huyện Lục Yên (Yên Bái). Những món ăn từ loài cá này là nét văn hóa ẩm thực đặc trưng mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Yên Bái, huyện Lục Yên là mảnh đất mang nhiều màu sắc văn hóa của các dân tộc anh em như Tày, Nùng, Dao... Đây cũng là nơi có những dãy núi đá vôi trùng điệp, những ngọn đồi muôn hình vạn trạng và các thung lũng mênh mông, là nơi để du khách thỏa sức khám phá những nét đẹp của tạo hóa. Không chỉ vậy, Lục Yên còn đẹp bởi nét cổ kính của di tích đền Đại Cại, khu khảo cổ học Hắc Y, danh thắng động chùa Hương Thảo, động Cảm Dương… Ngoài cảnh sắc, Lục Yên còn có nét văn hóa ẩm thực độc đáo, đặc sắc của các dân tộc. Một trong số đó là nuôi và chế biến loài cá bỗng vào dịp lễ Tết của đồng bào dân tộc Tày.

Lên Mẫu Sơn thưởng thức gà sáu cựa

Đỉnh Mẫu Sơn (Lạng Sơn) cao hơn 1.500m so với mực nước biển, là xứ sở của mây, gió và sương mù quanh năm. Nơi đây không chỉ khí hậu trong lành, mát mẻ mà còn có một sản vật độc đáo - gà sáu cựa.

Cách thành phố Lạng Sơn hơn 30km về phía đông, con đường đèo uốn lượn trong sương sẽ đưa du khách đến Mẫu Sơn, vùng đất nhiều sản vật nổi tiếng như: chè sơn tuyết, đào tiên, ếch hương, rượu men lá... và đặc biệt là gà sáu cựa - loại gà có cặp chân khá đặc biệt với 6 ngón móng vàng óng, dài và có vuốt nhọn.

Không biết giống gà này có từ bao giờ. Gà sáu cựa trưởng thành nặng từ 2-2,5 kg, thường có lông màu vàng nâu lốm đốm tương tự như giống gà ri, đẻ từ 10-15 trứng rồi ấp nở tự nhiên.

Người dân địa phương gọi là gà sáu cựa vì tính mỗi chân 6 ngón móng có màu vàng óng, dài và có vuốt nhọn trông lạ mắt.

20 thg 2, 2021

Chuyện Thầy Thím ở núi Sập

 Nhắc đến Thầy Thím là người ta nghĩ ngay đến Dinh Thầy Thím ở La Gi, Bình Thuận. Sự tích Thầy Thím nơi đây được truyền tụng rất nhiều, được ghi chép và kể lại khắp miền Trung và Nam bộ chớ không chỉ ở La Gi. Dinh Thầy Thím rất uy nghi, to rộng, có tiếng là linh thiêng, hàng năm đều có lễ hội trọng thể. Lại còn có cả khu mộ Thầy Thím nữa.


Câu chuyện về Thầy Thím được tóm tắt thế này: Thầy là một đạo sĩ tài năng, giàu lòng nhân ái ở Quảng Nam, Thím là vợ của Thầy. Do bị vua xử oan ức, Thấy và Thím cỡi rồng bay về phương Nam, đến trú ngụ tại làng Tam Tân, thuộc La Gi. Từ đó Thầy Thím ra sức giúp đỡ dân làng về nhiều mặt. Khi hai người mất, dân làng biết ơn nên lập dinh để thờ.

Tưởng đâu câu chuyện Thầy - Thím này là độc nhất, nhất là việc ghép giữa Thầy và Thím khá lạ, thế nhưng xuôi về phương Nam ta lại bắt gặp câu chuyện Thầy Thím với mô-týp tương tự.

Thoại Sơn, An Giang, tức Núi Sập, nơi diễn ra câu chuyện Thầy Thím

Người Mông cúng Thần rừng

Mỗi năm, dịp Tết đến, Xuân về, người Mông ở huyện Vị Xuyên (Hà Giang) cùng với các gia đình người Mông đang sinh sống tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội) lại tổ chức Lễ cúng hần rừng.

Người Mông quan niệm mỗi khu rừng đều có thần rừng cai quản. Cúng thần rừng là để phù hộ dân bản khỏe mạnh, trồng cấy bội thu, mùa màng tươi tốt và đặc biệt cũng là nâng cao ý thức, gìn giữ rừng – cái nôi nuôi sống cho cộng đồng người Mông.

Người Mông cúng thần rừng vào ngày đầu năm bởi đồng bào cho rằng đó là ngày sạch nhất trong năm. Trong ngày làm lễ mọi người sẽ mang các lễ vật tới nơi làm lễ cúng. Địa điểm này do thầy cúng là một người có uy tín, hiểu biết lễ nghi của trong dòng họ chọn. Lễ vật dâng lên thần rừng gồm dê, gà, đậu phụ và bánh trưng.

Thầy cúng đốt những tờ giấy bản ở Lễ cúng Thần rừng. Ảnh: Việt Cường

Đậu phộng Chouchou Phú Quốc

Một sự kết hợp hòa quyện tuyệt vời giữa những hạt đậu phộng Việt Nam cùng với công nghệ làm đậu caramen truyền thống của gia đình anh Dominique Samarine (Paris – Pháp) đã cho ra món đậu phộng Chouchou không thể khác biệt hơn, đó cũng chính là một đặc sản của đảo ngọc Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang).

Phú Quốc là quê hương thứ 2 của anh Dominique Samarine sau khi anh lấy chị Huỳnh Thị Mai, là người con của xứ đảo này. Hai vợ chồng cùng nhau sáng tạo và làm ra món đậu phộng Chouchou mang hương vị Việt – Pháp vô cùng đặc biệt so với các loại đậu phộng rang sấy ở các nơi khác, như chính tình yêu nồng nàng và đặc biệt của hai người.

Cây đậu được trồng ở Việt Nam sau khi thu hoạch sẽ được phơi thật khô, lựa chọn các hạt đồng đều, chất lượng nhất, sau đó được bọc bởi một lớp gia vị qua phương pháp rang sấy gia truyền của gia đình anh Dominique Samarine. Hương vị thấm đều vào hạt đậu rồi được rang khô, sấy giòn, hỗn hợp gia vị sẽ bao chặt lấy hạt đậu, mang lại cảm giác ngon, giòn khi ăn và rất đậm đà.

Anh Dominique Samarine người mang công thức làm caramen truyền thống của gia đình tại pháp sang Phú Quốc và trực tiếp chế biến món ăn này.

Những địa danh xưa của Đồng Nai

Chính thức trở thành địa danh hành chính từ năm 1698, Đồng Nai - với tên gọi là Trấn Biên, trong 320 năm hình thành và phát triển trải qua nhiều lần thay đổi địa giới cũng như địa danh hành chính, vẫn còn khá nhiều địa danh hành chính các cấp được lưu giữ đến ngày nay.

Trung tâm TP.Biên Hòa đầu thế kỷ 20.

Ở TP.Biên Hòa hiện nay có một số địa danh hành chính như: phường Tân Phong, phường Tân Mai, phường Bửu Long, phường Tân Hòa, xã Tân Hạnh… ít ai biết rằng những địa danh này đã có từ hàng trăm năm nay. Bên cạnh đó, một số địa phương có tên gọi trùng lặp một cách thú vị.

18 thg 2, 2021

Hoang sơ hòn Bảy Cạnh

Nhiều diễn đàn du lịch lớn trong và ngoài nước đã giới thiệu hòn Bảy Cạnh là địa điểm không thể bỏ quan khi đặt chân tới huyện đảo Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) bởi vẻ đẹp rừng biển hoang sơ. Ngoài ra, theo ghi nhận của Vườn Quốc gia Côn Đảo, đây là nơi có số lượng rùa lên đẻ trứng nhiều nhất Việt Nam và cũng là nơi có hệ sinh thái biển đa dạng nhất của huyện Côn Đảo.

Sau lời kêu gọi của Ban quản lý (BQL) Vườn quốc gia Côn Đảo tham gia bảo vệ rùa biển ở Côn Đảo đã có hàng ngàn tình nguyện viên từ các nơi trên cả nước hưởng ứng. Theo chân những tình nguyện viên, chúng tôi từ cảng cầu Côn Đảo, đặt vé đi ca nô ra hòn Bảy Cạnh.

Sau chừng 20 phút di chuyển bằng ca nô, chúng tôi đến được hòn Bảy Cạnh. Một khung cảnh khiến những người vốn đã quá quen khám phá như chúng tôi cũng cảm thấy ngỡ ngàng trước vẻ đẹp nơi đây. Mặc dù với diện tích không lớn (khoảng 5,1 ha) nhưng sự tồn tại của hệ sinh thái rừng ngập mặn ở nơi đây đã góp phần hoàn chỉnh tính liên kết giữa các hệ sinh thái như: Hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới trên núi cao, hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái thảm cỏ biển và hệ sinh thái các rạn san hô.

Chùa Xà Tón ở Tri Tôn

 Ở cách thành phố Long Xuyên khoảng trên 50 km, thuộc huyện Tri Tôn có một ngôi chùa Khmer nổi tiếng. Đây được xem là ngôi chùa Khmer tiêu biểu nhất, lớn nhất và xưa nhất ở An Giang. Tên chùa là Xvayton, viết là ស្វាយទង.


Toàn cảnh chùa Xà Tón. Ảnh Bùi thị Đào Nguyên trên Wikipedia

Ðộc đáo Tết Khỉ của người Ca Dong

Vào những ngày cuối năm, khi ruộng rẫy đã thu hoạch xong, kho lúa đã đầy, người Ca Dong (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng) tại xã Đăk Ring, huyện Kon Plông lại tất bật chuẩn bị đón lễ hội lớn nhất trong năm– Tết Khỉ. Cũng giống như Tết Nguyên đán, Tết Khỉ đối với người Ca Dong đánh dấu một năm cũ qua đi, năm mới đã đến cùng những ước nguyện tốt lành.

Với mong muốn tìm hiểu về Tết Khỉ, tôi vượt hơn trăm cây số để đến với người Ca Dong ở làng Măng Lây, thôn Vắc Y Nhông, xã Đăk Ring - nơi bà con còn lưu giữ và kế thừa truyền thống tốt đẹp phong tục này qua bao đời nay.

Năm nay, vào ngày 3/12 (âm lịch), làng Măng Lây tổ chức Tết Khỉ. Trong tiết trời giá buốt, sương mù bao phủ núi rừng, dân làng Măng Lây quây quần bên bếp lửa hồng tí tách. Với giọng trầm đục, già A Tóc đưa tôi vào câu chuyện của người Ca Dong. Rằng, chẳng biết từ bao giờ, người Ca Dong ở đây đã coi loài khỉ như linh vật. Người xưa quan niệm, ở mỗi dãy núi, cánh rừng luôn có một Ông Khỉ xua đi tai ương, vận rủi, gìn giữ từng cây lúa, hạt thóc để giúp mùa màng bà con bội thu, lương thực đủ đầy. Cũng vì thế mà vào mỗi thời điểm vụ mùa kết thúc, người Ca Dong luôn tổ chức một lễ cúng để tỏ lòng biết ơn, đồng thời gửi gắm kho thóc của mình để Ông Khỉ trông coi đến khi vụ mùa mới bắt đầu. Theo dòng thời gian, lễ cúng này đã trở thành Tết Khỉ trong đời sống của người Ca Dong.

Dựng cây nêu đón Tết Khỉ. Ảnh: T.T

Đàn T’rưng của người Gia Rai

Với người Gia Rai ở làng Chốt (thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy), đàn T’rưng là nhạc cụ quen thuộc gắn bó mật thiết trong đời sống sản xuất, sinh hoạt văn hóa tinh thần của dân làng. Mọi người không chỉ sử dụng đàn T’rưng trong các dịp lễ hội mà còn sử dụng ở nương rẫy để bảo vệ mùa màng trước muông thú và để giao lưu trong cộng đồng, phục vụ các sinh hoạt văn hóa, sau một ngày lao động vất vả.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống chế tác các nhạc cụ truyền thống của dân tộc ở làng Chốt, Nghệ nhân ưu tú A Huynh (39 tuổi) hiểu rõ đàn T’rưng có vai trò và ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với người dân trong làng. A Huynh nhớ lại, khi còn nhỏ, lúc cùng cha mẹ lên rẫy, anh đã nhìn thấy đàn T’rưng ở trong chòi rẫy của hầu hết các gia đình trong làng.

Cùng ăn Tết truyền thống của người Xơ Đăng

Khi những hạt lúa vàng ươm đã được chất đầy trong mỗi góc nhà sàn, ánh nắng cũng dần dịu trong cái se lạnh đầu đông cũng là thời điểm đồng bào Xơ Đăng ở xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô ăn Tết lúa mới truyền thống.

Những ngày cuối năm, chúng tôi đến làng Đăk Rô Gia vào một sáng mùa đông se lạnh. Cả ngôi làng vẫn còn chìm trong sương sớm bên dòng Đăk Tờ Kan thơ mộng. Ngay từ tinh mơ, đàn ông, con trai đã dậy thật sớm mặc trên mình những bộ áo quần mới nhất để đón Tết lúa mới truyền thống của cha ông. Những người phụ nữ, con gái dậy từ tờ mờ sáng chuẩn bị nấu nướng, chuẩn bị những mâm cơm thịnh soạn nhất để đón Tết.

Tết lúa mới là lễ hội quan trọng và lớn nhất trong năm của đồng bào Xơ Đăng ở huyện Đăk Tô, thường được tổ chức 2 ngày, 2 đêm. Lễ hội được tổ chức với nhiều nghi thức linh thiêng để cúng thần linh và các hoạt động múa hát làm cho không khí của ngày Tết mang nhiều ý nghĩa văn hóa tâm linh và gắn kết cộng đồng làng.

Vào dịp cuối năm, sau khi thu hoạch xong mùa vụ, người Xơ Đăng tại xã Đăk Trăm (huyện Đăk Tô) lại tổ chức lễ hội mừng lúa mới. Cũng gần giống như Tết Nguyên đán, đây là Tết truyền thống quan trọng nhất của đồng bào dân tộc Xơ Đăng ở Đăk Trăm nói riêng, cả huyện Đăk Tô nói chung. Tùy theo phong tục của từng làng mà lễ hội được tổ chức theo quy mô và hình thức khác nhau.

Đội cồng chiêng làng Đăk Rô Gia (xã Đăk Trăm) biểu diễn trong lễ hội mừng lúa mới. Ảnh: N.P

Món thịt giã của người Mạ

Thịt giã là món ăn khá đặc biệt của người Mạ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Từ kinh nghiệm thực tiễn, chắt lọc qua thời gian, đồng bào Mạ tạo ra món thịt giã độc đáo, làm phong phú thêm văn hóa ẩm thực của dân tộc mình. Với đặc điểm thơm, ngon, dễ tiêu hóa, món ăn còn có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe.

Các loại thịt dùng để chế biến món ăn như gà, heo, chim, cheo, thỏ… Các con vật này được nuôi trong điều kiện tự nhiên, chăn thả trong rừng hay vườn nhà, chỉ ăn cây cỏ, không ăn các loại thức ăn công nghiệp nên thịt chắc, nhiều nạc, ít mỡ, thơm ngon sau khi chế biến.

Thịt được đem nướng trên than hồng trước khi giã

Ấn tượng bảo tàng tỉnh Long An

Bảo tàng Long An tọa lạc tại phường 4, Thành phố Tân An, là nơi lưu giữ rất nhiều cổ vật, kỷ vật giá trị về văn hóa, lịch sử của dân tộc ta nói chung, tỉnh Long An nói riêng. Bảo tàng là điểm đến không thể bỏ qua đối với những ai muốn tìm hiểu, nghiên cứu về đất và người Long An.

Bảo tàng Long An

Hoạt động bảo tồn – bảo tàng của tỉnh Long An có từ năm 1976. Tuy nhiên, giai đoạn 1976-1985, tổ chức của đơn vị chỉ là Phòng Bảo tồn – Bảo tàng (thuộc Ty Văn hóa – Thông tin). Đến năm 1985, Bảo tàng Long An chính thức được thành lập nhân kỷ niệm 10 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/1985).

Du lịch Long An, ghé thăm bảo tàng bạn sẽ cảm nhận được không gian trầm mặc, cổ kính bởi Bảo tàng Long An được trưng dụng từ dinh thự của ông Nguyễn Văn Dận (Hội đồng Dận) được xây dựng từ những năm đầu của thế kỷ XX theo kiến trúc Pháp.

15 thg 2, 2021

Tà Pạ

 Có lẽ dân du lịch - săn ảnh biết đến cái tên Tà Pạ là từ cánh đồng Tà Pạ. Người ta nói với nhau rằng ở phía Nam cũng có nơi có ruộng bậc thang giống như những ruộng bậc thang vốn đã rất nổi tiếng ở Tây Bắc, nơi đó là Tà Pạ. Thật ra không hẳn như thế, nhưng cánh đồng Tà Pạ cũng là cảnh đẹp thu hút mọi người.


Cánh đồng Tà Pạ nằm dưới chân núi Tà Pạ và Cô Tô cách thị trấn Tri Tôn khoảng 1km, thuộc địa phận xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Cánh đồng Tà Pạ được xem là cánh đồng độc đáo nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhờ có tập quán “làm ruộng vần công” của những người Khmer.

Người nông dân Khmer mỗi khi cày cấy thường tập hợp cùng nhau làm hết thửa ruộng này đến thửa ruộng khác. Gần đến mùa thu hoạch, cánh đồng sẽ chuyển thành nhiều mảng màu rực rỡ: màu xanh mượt màu của lúa đang ngậm đồng, màu vàng nhạt của lúa vừa trổ hạt, màu vàng tươi rạng rỡ của lúa sắp vào vụ gặt, màu vàng đậm trĩu hạt của những khoảnh ruộng đang mùa thu hoạch, và cả màu nâu sạm loang lổ của gốc rạ lởm chởm, chơ vơ…

Ghé Cần Thơ vào mùa vú sữa

Cuối tháng Chạp, các vườn vú sữa trĩu những quả căng mọng, du khách có thể mua về làm quà xuân.

Vườn trái cây Vàm Xáng nằm tại xã Phong Điền là một trong những vườn trái cây xen canh tại Cần Thơ, cho trái quanh năm vì trồng nhiều loại cây. Cuối tháng Chạp là mùa vú sữa sai quả và vụ muộn của dâu ta. Quả cho năng suất cao đã được thu hoạch và bán cho các thương lái, nhưng vườn vẫn để dành không ít cây còn quả để đón tiếp khách du lịch.

Ông Trần Văn Liền, hay còn được gọi là bác Năm Liền, chủ một vườn trái cây, đích thân hướng dẫn du khách tham quan và thuyết minh từng loại cây. Ông Năm Liền cho biết huyện Phong Điền có đến 7.200 ha cây ăn trái, được mệnh danh là "vương quốc trái cây" của Cần Thơ.

Vú sữa nặng trĩu cành.

Mùa đào chuông trên Bà Nà - Núi Chúa

Hoa đào chuông, biểu tượng Bà Nà bung nở và chim hút mật tạo nên bức tranh mùa xuân, thu hút các nhiếp ảnh gia đến tác nghiệp.


Bộ ảnh “Loài hoa biểu tượng Bà Nà khoe sắc hồng” do nhiếp ảnh gia Phạm Phùng (TP Đà Nẵng) thực hiện. Anh đam mê nhiếp ảnh, chụp đa đạng thể loại, từ phong cảnh, động thực vật cho tới đời thường, đặc biệt thích chụp thiên nhiên và các loài đặc hữu tại Đà Nẵng.

“Tôi thường lên Bà Nà để săn ảnh, nhất là vào mùa xuân vì thời điểm này đào chuông bung nở, thiên nhiên đầy sức sống và có nhiều chim đến hút mật hoa. Các loài chim trên Bà Nà cũng là đối tượng để tôi tác nghiệp”, anh Phạm Phùng nói.

Sắc màu trang phục các dân tộc Dao

Theo chân nhiếp ảnh gia Nguyễn Sơn Tùng khám phá vẻ đẹp các dân tộc Dao qua chân dung trang phục dành cho các nghi lễ truyền thống.

Cặp đôi người Dao Lù Gang trong trang phục cưới truyền thống tại xã Ái Quốc (huyện Lộc Bình, Lạng Sơn), cạnh bên là hai chàng trai thổi nhạc cụ kèn pí lè. Người Dao sử dụng kèn này vào những dịp như lễ cưới hỏi, lễ Tết, cúng thần lúa, thần rừng. Tiếng kèn như lời tâm tình của lòng người với trời đất, với núi rừng, lời tâm sự của những đôi trai gái tìm duyên, lời của con cái với cha mẹ.

Mua trầu cau lấy lộc ngày đầu năm

Xuất hành đầu năm, việc đầu tiên người Huế thường làm là mua những trái cau, lá trầu với mong muốn năm mới đủ đầy, may mắn.

Theo quan niệm của người dân cố đô, ngày mồng 1 Tết mua được lá trầu đẹp, quả cau ngon nghĩa là rước được lộc tốt về nhà. Vì vậy người Huế chọn đây là món hàng mua "mì xưa" (mở hàng) năm mới. Một lễ gồm 1 trái cau, 1 lá trầu, và vôi có giá khoảng 15.000 đồng. Lễ đẹp là những trái cau non, xanh, tươi và lá trầu còn nguyên cuống, phẳng, không bị dập nát.

Người bày bán mẹt hàng lộc. Ảnh: Ngân Dương

14 thg 2, 2021

Cách làm đẹp của người M’nông xưa

Xưa kia, chiếc lược làm bằng sừng trâu là vật dụng không thể thiếu của các cô gái M’nông để chăm chút nét đẹp nữ tính. Vẻ đẹp hoang sơ, hồn nhiên với da nâu, mắt sáng, mái tóc ửng vàng như hòa điệu với sắc màu đất đỏ bazan và màu nắng cháy của cao nguyên đại ngàn.

Các cô gái chải tóc bằng chiếc lược sừng trâu hay lược làm bằng tre để tóc không rối sau khi tắm gội ở sông suối. Sau khi mái tóc gọn gàng, các thiếu nữ dùng dây buộc tóc bằng thổ cẩm, hạt cườm, dây cỏ tranh hay vòng tre để giữ tóc khỏi bị buông xõa khi tham gia nhảy múa trong lễ hội bon làng.

Lược sừng trâu của người M’nông

Củ mài trong đời sống ẩm thực của đồng bào M’nông

Từ bao đời nay người M'nông luôn sống trong sự đùm bọc, che chở của rừng. Rừng ban tặng nhiều nguồn thực phẩm quý báu như rau tươi, đọt măng, đọt mây, trái cà đắng, chim thú… trong đó phải kể đến củ mài. Không những giúp cứu đói, củ mài chứa nhiều dinh dưỡng, trở thành món ăn ngon cải thiện bữa ăn gia đình. Nhiều lớp người M’nông lớn lên từ vị bùi ngọt của củ mài.

Cây củ mài thuộc họ dây leo quấn, cùng họ với khoai mỡ, thân nhẵn, hơi có góc cạnh, màu đỏ hồng, thường mang những củ nhỏ ở nách lá. Rễ củ đơn độc hoặc từng đôi, ăn sâu vào đất đến hàng mét. Lớp vỏ mỏng bên ngoài màu xám nâu, xung quanh tua ra những rễ mành, dày theo thân củ như lông bám…

Đồng bào M'nông ưa thích luộc củ mài chín, ăn dẻo ngon

Canh cá lăng nấu jam tang của người Ê đê

Người Ê đê đã kết hợp các loại đặc sản tạo nên món canh cá lăng nấu hoa và lá jam tang vô cùng độc đáo.

Cá lăng là loại cá da trơn nước ngọt, được xem như đặc sản nổi tiếng vùng sông Sêrêpốk. Trên dòng sông hùng vĩ, cá lăng sinh tồn, phát triển với thân mình săn chắc. Thịt cá lăng mềm nhưng dai, không bở, vị ngọt, thơm ngon, ít xương lại rất giàu chất dinh dưỡng. Ngoài cá lăng nướng muối ớt nổi tiếng, người Ê đê còn dùng cá lăng nấu canh rất thơm ngon. Người Ê đê nấu canh cá lăng theo nhiều kiểu ứng với các nguyên liệu theo mùa như canh chua cá lăng, canh cá lăng nấu măng, canh cá lăng nấu hoa chuối... Món canh cá lăng nấu hoa jam tang cũng chỉ thường được nấu vào mùa cây jam tang đâm chồi nở hoa. Vào khoảng tháng 11 đến tháng 3 dương lịch, người Ê đê đi dọc sông Sêrêpốk tìm hái hoa, đọt và lá non của cây jam tang.

Hoa jam tang khi chín vị bùi, đắng nhẫn lẫn ngọt

Cá suối giã đinh lăng của người M’nông

Người M’nông dùng lá đinh lăng giã cùng cá suối tạo ra món ăn ngon miệng, hấp dẫn, độc đáo. Người M’nông còn xem đây là một món ăn tốt cho sức khỏe.

Cách chế biến món cá suối giã lá đinh lăng tương đối đơn giản. Chính vì vậy, món ăn này cũng thường xuyên được chế biến trong bữa cơm đời thường của nhiều gia đình. Người M’nông thường dùng các loại cá nước ngọt bắt được ở suối, sông, đồng ruộng để chế biến như cá lăng, cá trê, cá chép, cá trắng, cá vượt, cá mè dinh, cá rô phi… Cá được sơ chế bỏ ruột và mang cá, phần vẩy, bóng cá được giữ nguyên. Những con cá tươi rói được rửa sạch sẽ, để ráo nước rồi đem chiên trên dầu nóng. Khi chiên để lửa nhỏ và vừa, trở đều hai mặt cá đến độ chín vàng ươm, lớp da cá bên ngoài giòn ruộm. Cá chiên xong đem bóc tách lấy phần thịt, bỏ xương.

Cá sau khi chiên chín vàng ươm được bóc tách phần thịt cá

Chiêm ngưỡng đại tượng Phật Thích Ca Mâu Ni cao 42 m ở Nghệ An

Sau 1 năm rưỡi thi công, ngôi tượng Phật Thích Ca Mâu Ni chùa Phúc Lạc, xã Nghi Thạch, huyện Nghi Lộc đã khánh thành. Tượng cao 42m được đánh giá là ngôi tượng to lớn bậc nhất khu vực Bắc Trung Bộ.

Chiều tối 17/1, chùa Phúc Lạc đã tổ chức lễ khánh thành, an vị đại tượng đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Tham dự buổi lễ có đại diện UBMTTQ tỉnh, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, huyện Nghi Lộc, các vị hòa thượng, thượng tọa, đại đức tăng ni và hàng nghìn phật tử trong và ngoài tỉnh. Ảnh: Huy Thư

Chuyện Tổng đốc Nghệ An Đào Tấn mời khách Tây xem tuồng ở Vinh

Hầu tước Pierre François Sauvaire De Barthélemy (1870 - 1940) là một nhà văn quý tộc Pháp ưa mạo hiểm, đã từng chu du khắp thế giới. Trong chuyến đi đến Đông Dương năm 1896, Barthélemy cùng với những người bạn từ Hạ Long, ghé qua Hải Phòng, Nam Định và đến Bến Thủy (Vinh – Nghệ An) bằng đường biển. Sau khi chơi Tết ở Vinh, ông tiếp tục ngược sông Cả lên Tương Dương, Kỳ Sơn và sang Lào...

Trong cuốn du ký viết về chuyến đi này, Barthélemy mô tả: “Tết là lễ hội đặc trưng của người có đạo và không có đạo. Tiếng pháo nổ, tiếng hò reo sung sướng của dân chúng đã làm chúng tôi tỉnh giấc ngay từ lúc khởi đầu của ngày mới, một ngày trọng đại. Ngược lại, vào buổi chiều, một bầu không khí yên tĩnh bao trùm lên Vinh, do phong tục nơi đây, nhà nào cũng phải làm mâm cơm dâng lên bàn thờ tổ tiên. Những thành viên trong gia đình quây quần bên nhau, đàn ông và phụ nữ đều quỳ lạy trước bàn thờ của gia đình, để gửi lời thành kính của mình đến những người đã khuất. Người ta đốt giấy tiền, vàng bạc và nhang thơm, không một ai ra khỏi nhà vào ngày mồng 1 tết. Ngày mồng 2 Tết, người ta đi thăm và chúc Tết bà con”.

Ảnh chụp mâm ngũ quả của gia đình người Việt vào ngày Tết năm 1929. Ảnh tư liệu

Ngày Xuân thăm ngôi đền ở xứ Nghệ được công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt

Trong lịch sử đấu tranh giữ nước, Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí là một trong những vị tướng đức độ và xuất chúng hiếm có. Ông làm quan trải qua 4 đời vua, 2 lần khai quốc, nắm giữ những chức vụ quan trọng của triều đình như: Thái bảo, Thái phó Bình chương Quân quốc, Nhập nội hữu tướng quốc, Thái úy - tước Quỳ quận công, Thái sư Cương quốc công... và ông được lịch sử trân trọng với tấm gương tuẫn liệt, tận trung tận hiếu.

Tưởng nhớ công lao của Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí, nhân dân và dòng họ Nguyễn Đình đã lập đền thờ mang tên ông tại mảnh đất quê hương xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc (Nghệ An). Ảnh: Thành Cường

Gót hồng “cõng chợ”… lên mây!

Đón ánh bình minh giữa không gian mờ ảo của buổi sáng với những đám mây len lỏi, luồn qua những ngọn đồi sẽ mang đến cho bạn một cảm giác rất tuyệt vời, cái se lạnh vừa đủ làm ta thổn thức với những ngọn gió xuân đang về. Chợ mây núi Cấm (Tịnh Biên) là một nơi như thế. Nơi đây không những đủ để ta thỏa sức "săn mây" nơi non ca,o mà còn mang đến cho ta trải nghiệm vừa lạ, vừa quen với phiên “chợ mây” độc đáo của những phụ nữ miền sơn cước.

Lên “chợ mây”!

4 giờ sáng, tôi bắt đầu hành trình đi tìm... “chợ mây”. Bởi lẽ, cái “chợ mây” ấy họp nhanh mà tan cũng nhanh. Theo lời người dân bản địa, “chợ mây” họp từ khi ánh bình minh chưa ló dạng trên đỉnh núi Cấm. Lúc mây mù vẫn còn giăng phủ dày đặc trên những nhành cây, kẽ lá. 5 giờ 30 phút sáng, xe tôi tới chân núi Cấm, tưởng chừng chuyến đi sẽ thuận lợi, nào ngờ cơn mưa “không hẹn mà gặp” đổ như trút nước kéo đến.

Tôi tấp vào quán nước nhỏ dưới chân núi chờ mưa tạnh. Chị hàng nước dậy từ rất sớm sẵn sàng phục vụ khách tham quan núi Cấm chào mời đôn hậu cũng khá bất ngờ về cơn mưa lạ cuối đông này. Bởi theo chị, mọi năm không có mưa vào thời điểm này. Rồi biết ý định tôi đi “chợ mây”, chị trấn an: "Em yên tâm, nhiều khi thấy mưa ào ào ở dưới này vậy chứ ở trên núi mát lắm, không có hột mưa nào đâu. Ở đây mấy mươi năm rồi, chị rành lắm!".

Thăm Chùa Sắc Tứ Tam Bảo ở Rạch Giá – Kiên Giang

Chùa Sắc Tứ Tam Bảo là một ngôi chùa cổ tọa lạc trên đường Sư Thiện Ân ở thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Chùa là một di sản văn hóa quý báu của tỉnh không chỉ có ý nghĩa lịch sử mà còn đang lưu giữ nhiều tượng Phật bằng gỗ quý.

Chùa Sắc Tứ Tam Bảo ở Rạch Giá – Kiên Giang

Chùa Tam Bảo có vai trò quan trọng trong tiến trình hình thành và phát triển Phật giáo Kiên Giang. Nơi đây từng là trụ sở của hội Phật Học Kiêm Tế, hội Phật Học Nam Việt – Kiên Giang. Từ năm 1982 đến nay, chùa là Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Kiên Giang. Trải qua các thời kỳ, với bề dày lịch sử, chùa Sắc tứ Tam Bảo đã để lại dấu ấn sâu đậm. Nơi đây, được xem là lá cờ đầu cho các hoạt động Phật sự Phật giáo ở Kiên Giang. Vì vậy, khi nhắc đến những ngôi chùa tiêu biểu nhất của Phật giáo tỉnh Kiên Giang, không ai không biết đến chùa Tam Bảo – Rạch Giá.

Nhà Cổ Huỳnh Kỳ – Ngôi nhà cổ đẹp nhất Trà Vinh

Nhà cổ Cầu Kè hay còn gọi là nhà cổ Huỳnh Kỳ tọa lạc tại khóm 2, thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh nằm trong danh sách những ngôi dinh thự đẹp nhất Miền Tây Nam Bộ. Du lịch Trà Vinh, đến thăm nhà cổ Cầu Kè, bạn không chỉ nhìn ngắm những công trình điêu khắc, hội họa tuyệt mỹ mà còn được hiểu thêm về lịch sử của tỉnh Trà Vinh nói riêng và Nam Bộ nói chung vào thế kỉ 20.

Nhà Cổ Huỳnh Kỳ

Tham quan làng nghề dệt choàng hơn trăm tuổi ở Đồng Tháp

Từ bao đời nay, chiếc áo bà ba cùng khăn rằn đã trở thành hình ảnh gần gũi với mọi người, như là một biểu tượng cho người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đó cũng là sản phẩm của làng nghề dệt choàng Long Khánh A ở xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Với những cố gắng trong quá trình phát triển, làng nghề dệt choàng Long Khánh đã trở thành một trong những làng tiểu thủ công nghiệp tiêu biểu của tỉnh Đồng Tháp.

Làng nghề dệt choàng Long Khánh

Khăn rằn – Biểu tượng văn hóa đặc biệt của người dân Miền Tây Nam Bộ

Nói đến vùng đất Miền Tây Nam Bộ, không thể không nhắc đến chiếc khăn rằn, biểu tượng đồng hành qua bao tháng năm với người dân nơi đây. Khăn rằn được ông bà xưa sử dụng phổ biến trong đời sống lao động, sinh hoạt hàng ngày. Qua thời gian, chiếc khăn rằn đã trở thành nét đẹp văn hóa trong trang phục của người dân miền sông nước. Nếu có dịp du lịch Miền Tây, ở bất cứ nơi đâu ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh những chiếc khăn rằn truyền thống được các bà, các mẹ, các chị đeo lên cổ hay quấn lên đầu.

Khăn rằn

10 thg 2, 2021

Bánh chưng Hùng Lô

Xã Hùng Lô (Tp. Việt Trì- Phú Thọ) nổi tiếng với nghề gói bánh chưng gắn liền với truyền thuyết từ thủa các Hùng Vương gây dựng cơ đồ đất Việt.

Truyền thuyết kể rằng, vào dịp đầu xuân, vua Hùng (2879 – 258 TCN) cho mở hội và bảo các con rằng: “Con nào tìm được thức ăn ngon lành để bày cỗ và có ý nghĩa hay thì ta truyền ngôi cho”. Các người con của vua Hùng đã đua nhau làm ra những món lạ từ những nguyên liệu là sơn hào hải vị quý hiếm khắp nơi. Hoàng tử Lang Liêu là con thứ 18 của Vua Hùng có bản tính hiền lành, chất phác, đêm nằm mơ có vị thần đến bảo: “Trong trời đất không có vật gì quí bằng gạo, vì gạo là của để nuôi dân… nếu lấy gạo nếp gói làm hình tròn để tượng trưng cho trời, hoặc gói làm hình vuông để tượng trưng cho đất, ở trong làm nhân cho ngon, như thế thì lòng vua cha sẽ vui, tôn vị chắc được”.

Bánh chưng ở Hùng Lô có tiếng là ngon vì được lựa chọn kỹ từ thịt, gạo, lá dong và được nấu "mộc" bằng bếp than.

Hoa giấy Thanh Tiên

Nghề làm hoa giấy Thanh Tiên (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) xuất phát từ tín ngưỡng dân gian. Từ xưa, hoa giấy đã được được trang trọng tôn trí ở những nơi như: Trang Ông, Trang Bà (tổ tiên), Am cảnh và Ông Táo mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Theo tư liệu ghi lại, làng hoa giấy Thanh Tiên ra đời gần 400 năm thời các chúa Nguyễn và đã trở thành một nét văn hóa trong tín ngưỡng dân gian của người dân xứ Huế và đã lan tỏa ra các tỉnh lân cận như Quảng Trị, Đà Nẵng cũng như những địa phương có người Huế cư ngụ.

Những bàn tay khéo léo của các nghệ nhân làng hoa giấy Thanh Tiên đã tạo nên những bông hoa rực rỡ sắc màu.

Đi chợ Cầu Đất

Về Huế, nếu chỉ ghé thăm đền đài, lăng tẩm mà quên đi chợ là một thiếu sót lớn. Huế có rất nhiều ngôi chợ nổi tiếng, như Đông Ba, An Cựu... và cũng có những ngôi chợ có tên rất kỳ lạ, như chợ Nịu, chợ Kệ, chợ Nọ, chợ Cầu Kho...

Chợ Cầu Đất ngày nay đã đổi tên thành chợ Thuận Hòa

Chợ Cầu Đất cũng là một ngôi chợ đặc biệt nằm phía tây Kinh thành Huế, cạnh cây cầu dẫn vào cửa Chương Đức.

9 thg 2, 2021

Chợ phiên Tây Bắc giữa lòng Tây Nguyên

Nằm cách trung tâm TP Đà Lạt (Lâm Đồng) 4 giờ đồng hồ đi xe máy có một chợ phiên mang đậm bản sắc của người Mông miền Tây Bắc.

Dịp cuối năm thường là những dịp chợ phiên đông người mua sắm - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG

Chợ phiên Đắk R’Măng (xã Đắk R’Măng, huyện Đắk Glong, Đắk Nông) chỉ họp vào ngày chủ nhật hàng tuần. Đây là nơi gặp gỡ, giao lưu và buôn bán của hơn 600 hộ người Mông ở Đắk Glong.

Chợ Đắk R’Măng nằm ở ngay trung tâm xã, trước kia đây vốn chỉ là một điểm người Mông đem đồ nông sản ra bán ven đường một cách tự phát, lâu dần được quy hoạch, xây dựng thành khu chợ rộng 1.000m2. Hiện nay không chỉ người Mông ở địa phương, mà người Mông ở các huyện khác cũng tụ về đây mua bán.

Người Mông quan niệm đi chợ không chỉ là đến mua bán mà còn đến để giao lưu, gặp gỡ, kết duyên đôi lứa nên thường thì chợ tuần nào cũng đông. Tuy nhiên, những dịp cuối năm, người thường đông đúc, hàng hóa cũng đầy đủ hơn.

Thú vị chợ trái cây chưng tết ở Long Xuyên

Cứ mỗi dịp giáp tết, người dân TP Long Xuyên và du khách thường rảo quanh chợ tết bán trái cây kiểng ở góc đường Hai Bà Trưng, Nguyễn Huệ B thuộc khu vực phố đi bộ của TP Long Xuyên (An Giang) để tìm mua các loại trái cây kiểng, độc, lạ.

Các loại dưa hấu hồ lô, dừa khắc chữ... được khách chọn mua chưng tết - Ảnh: T.T.D.

Khu vực chợ trái cây kiểng này chuyên bán các loại trái cây độc lạ dành cho nhưng ai thích sưu tầm để thờ và chưng tết như bưởi chữ nổi, dưa hấu hồ lô vàng, dưa hấu vuông, dưa ép thỏi vàng, dưa hoàng kim, dừa khắc chữ phúc lộc thọ...

Ăn buffet tại Khu ẩm thực Làng Bột Sa Đéc

Làng bột Sa Đéc là một làng nghề truyền thống, ra đời cách nay hàng trăm năm. Hiện làng nghề có gần 350 hộ sản xuất bột với hơn 2.000 lao động chủ yếu ở phường 2, xã Tân Quy Tây và Tân Phú Đông, mỗi năm cung ứng 30.000 tấn bột gạo, không chỉ cho thị trường Sa Đéc mà cho nhiều tỉnh phía Nam.

Ý tưởng lập nên một điểm du lịch, nơi đó khách có thể vừa tham quan vừa thử tự tay xay bột, làm bánh như đến làng nghề, vừa là nơi thưởng thức các món bánh làm từ bột như đến khu ẩm thực là một ý tưởng hay. Khu ẩm thực Làng Bột Sa Đéc dựa trên ý tưởng đó.

Tui hoàn toàn ủng hộ ý tưởng này và mặc dù chỉ biết ăn bánh chớ không biết làm bánh, tui rất muốn đưa các dì của tui, là những người phụ nữ quê quán ở miền Tây Nam bộ đến thăm nơi này để nhớ lại ngày xưa và để thưởng thức lại những món bánh dân gian mà ngày xưa mình đã tự tay làm.

Coi trên mạng, tui thấy rất hấp dẫn với các món buffet như hình:

Chùa Ông Cần Thơ – Ngôi chùa tiêu biểu của người Hoa Nam Bộ

Chùa Ông là một trong những ngôi chùa cổ ở Cần Thơ thể hiện nét văn hóa độc đáo của người Hoa. Với đường lối kiến trúc tinh tế, hoa văn mang đậm nét văn hóa Trung Quốc đặc sắc. Vẻ đẹp của ngôi chùa vẫn còn trường tồn theo thời gian, xứng danh là một ngôi chùa đẹp ở miền Tây Nam Bộ trở thành điểm đến nổi tiếng của Cần Thơ. Khi du lịch Cần Thơ đến Chùa Ông bạn có thể cảm nhận không gian thật linh thiêng và thành tâm cầu bình an và hạnh phúc cho những người thân yêu.

Chùa Ông Cần Thơ – Ngôi chùa tiêu biểu của người Hoa Nam Bộ

Chùa Ông tọa lạc tại số 32 đường Hai Bà Trưng, thuộc địa phận phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Tên gốc của ngôi chùa là Quảng Triệu Hội Quán – hội quán của người Hoa tại hai phủ là Quảng Châu và Triệu Khánh, thuộc tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc là nơi thờ phượng, giao lưu, gặp gỡ đồng hương, giúp nhau làm ăn để an cư lạc nghiệp ở vùng đất mới.