Hiển thị các bài đăng có nhãn Thời báo KTSG. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Thời báo KTSG. Hiển thị tất cả bài đăng

7 thg 8, 2016

Đi chợ Gò Bình Định cầu may đầu xuân

Nói là chợ Gò nhưng thật ra không có chợ búa đâu cả. Không một túp lều, các ngày trong tháng cũng không có một ngày nhóm chợ mà chỉ duy nhất nhóm họp vào ngày mồng một Tết trong năm.

Quang cảnh nhóm họp Hội chợ Gò năm trước -Ảnh minh hoạ: website UBND huyện Tuy Phước

Chợ Gò thuộc thôn Phong Thạnh, thị trấn Tuy Phước, tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 6 km với một bãi đất trống bằng phẳng, cao ráo, dưới chân cầu Trường Út.

Không biết chợ Gò xuất hiện từ bao giờ, nhưng cứ mỗi mùng một Tết nơi đây trở thành một điểm hẹn vui chơi, cầu may cho nhiều người dân Bình Định. Và giờ đây người dân địa phương thường gọi sự kiện này là Hội xuân chợ Gò - là nơi vui chơi, cầu lộc trong ngày đầu năm mới.

29 thg 5, 2016

Còn ai nhớ chợ nhà lồng?

Cụm từ “chợ nhà lồng” xuất phát từ Nam bộ, ở Bắc bộ hầu như không sử dụng tên gọi này cho những ngôi chợ xây. Chúng ta có thể thấy từ này mang ý nghĩa tượng hình cho biết hình thức chợ giống như cái lồng: có giới hạn phạm vi nhưng không bị che kín, rộng rãi, đặc biệt là tuy có mái che nhưng kiến trúc và tổ chức không gian của chợ vẫn thông thoáng. Không gian chợ nhà lồng giới hạn bởi mái cao, gian chợ rộng, có hàng cột bốn phía đỡ mái, nền cao tránh ngập nước cũng là để phân biệt với không gian ngoài chợ. Nhưng không gian trong và ngoài nhà lồng có thể kết nối với nhau và với xung quanh vì chợ Nam bộ thường nằm sát bến sông hoặc gần các ngã đường lớn, dễ dàng tiếp cận.


Các thị tứ, thị trấn Nam bộ thường có các chợ nhà lồng ở khu vực trung tâm của cộng đồng dân cư. Khác với Bắc bộ, chợ quê thường tập trung tại các bãi đất trống ven làng, không có không gian cụ thể và rõ ràng như các chợ nhà lồng Nam bộ. Từ lâu tôi đã nghĩ rằng chợ nhà lồng chắc được người Pháp đưa vào Nam bộ khá sớm, vì có thể nhận thấy các chợ nhà lồng cổ hiện còn có kiến trúc, hình thức, quy mô, thậm chí vật liệu xây dựng cũng khá giống nhau, tức là có cùng một khoảng niên đại.

10 thg 5, 2016

Chim lá rụng

Người xứ Quảng, không ai không tự hào về con chim mía của quê hương họ. Đó là loại chim nhỏ hơn con chim sẻ, mình thon, chân nhỏ với sắc lông màu xám. Chính vì đặc tính sống từng bầy trong các đám mía nên loài chim này được người địa phương đặt tên như vậy.

Chim lá rụng chiên. Ảnh Cúc Tần

Mùa ép đường, tháng Tám cũng là mùa “thổi chim mía” bằng đèn pin và ống xì đồng. Nhưng để bắt được nhiều chim mía không gì khác hơn là giăng lưới. Chim mía đem về làm sạch, ướp gia vị, được nướng hoặc rô ti, là những món ngon độc đắc của xứ mía miền Trung. Cho nên nói họ tự hào về con chim mía là vậy.

7 thg 3, 2014

Rước lễ Tiên công

Hằng năm, cứ tới mùng 7 tháng Giêng, người dân vùng đảo Hà Nam thuộc thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh lại nô nức tham gia lễ hội Tiên công, một trong những lễ hội độc nhất vô nhị ở Việt Nam với tục rước người sống. Vào thời Hậu Lê, khoảng năm 1434, vâng chiếu vua Lê mở rộng kinh thành, một nhóm người gồm 17 nho sĩ, thợ thủ công, ngư dân, nông dân… đã xuôi thuyền qua sông Hồng đến cửa sông Bạch Đằng tìm đất lập nghiệp. Vùng đảo Hà Nam ngày nay là một trong những vựa lúa, vựa thủy sản của Quảng Ninh cũng chính là nơi 17 vị Tiên công chọn để lấn biển, khai hoang, lập ấp, dựng làng 580 năm trước.

Lễ hội Tiên công năm nay ở vùng đảo Hà Nam có 206 cụ thượng thọ được rước võng lọng về miếu Tiên công lễ tổ; trong đó có một cụ tròn 100 tuổi, 35 cụ tròn 90 tuổi và 170 cụ tròn 80 tuổi. Có 34 cụ được con cháu tổ chức rước lên miếu, chia thành 3 đoàn rước tập thể và một đoàn rước cá nhân. Đoàn rước có số cụ Thượng đông nhất là 28 cụ. Ảnh: Toàn cảnh lễ hội Tiên công năm Giáp Ngọ.

Đình thần Châu Phú

Đình thần Châu Phú. Ảnh TL. 

Đình Châu Phú tọa lạc ngay góc đường Nguyễn Văn Thoại và Trần Hưng Đạo, bên bờ sông Châu Đốc (phường Châu Phú, thị xã Châu Đốc, An Giang). Ban đầu, đây là một ngôi đền có tên chữ là Trung Nghĩa Từ, hay là Lễ Công Từ đường (gọi tắt là đền Lễ Công), dân chúng địa phương thì gọi là đền Ông, là nơi thờ Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700), do Nguyễn Văn Thoại đứng ra xây dựng vào năm 1822, khi ông đến làm Án thủ Châu Đốc kiêm Quản vụ trấn Hà Tiên.

Ban đầu ngôi đền tọa lạc trong một khuôn viên rộng, thoáng mát, nhiều bóng cây cổ thụ, hướng ra dòng sông Hậu. Đến năm 1926, nhà cầm quyền Pháp ở tỉnh Châu Đốc quyết định xây dựng bệnh viện (Bệnh viện đa khoa Châu Đốc ngày nay) trên mảnh đất của đền. Bà Huỳnh Thị Phú và hương chủ Lan đứng ra vận động dân chúng góp tiền của để chuyển đình đến đầu chợ Châu Đốc xây cất kiên cố, kiến trúc đẹp, đồ sộ như hiện nay. Trong thời Pháp thuộc, như nhiều đền thờ khác, Lễ Công từ đường cũng bị đồng hóa, trở thành đình thờ thần hoàng làng, với tên gọi đình Châu Phú.

24 thg 2, 2014

Bánh tằm Bạc Liêu

Nói tới bánh tằm, các địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long chỉ có một kiểu là bánh tằm bì chan nước cốt dừa. Chỉ duy Bạc Liêu là có loại bánh tằm tàu hủ ky gói xíu mại. Dĩa bánh bưng ra tỏa hơi nóng nghi ngút trên nền nước cốt dừa và những sợi bánh tằm trắng tinh như e thẹn trong nền rau xanh ngắt, mấy cọng giá sống trắng tươi và đậu phộng rang đâm sơ.

Bánh tằm Bạc Liêu. 

Nhưng “nhân vật” quan trọng là xíu mại gói trong tấm tàu hủ ky hình vuông nổi bật trên dĩa bánh. Xíu mại được làm từ thịt nạc băm với củ sắn, ướp gia vị vừa ăn trước khi gói vào tàu hủ ky thành miếng hình chữ nhật dẹp. Trộn đều bánh, chan nước mắm giấm ớt pha đường, cho vô miệng, gắp miếng xíu mại tàu hủ ky, cắn, nhai. Vị ngọt của thịt và củ sắn hòa trong nhiều hương vị đã ướp tan hòa chân răng trong cái dai dai xừn xựt với hương vị lạ của miếng tàu hủ ky hăng hắc mùi khói bếp. Rồi vị ngọt mặn và béo của nước cốt dừa làm tăng độ khoái khẩu. Cứ vậy mà ăn giúp bữa điểm tâm sáng thêm sảng khoái.

21 thg 2, 2014

Gáo Giồng giữa đồng nước nổi

Đồng Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.

Ở giữa Đồng Tháp Mười mênh mang nước lũ, có khu du lịch sinh thái Gáo Giồng nằm cận giữa vùng “rốn” của Đồng Tháp Mười, trong khu vực rừng tràm thuộc ấp 6, xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, cách trung tâm thành phố Cao Lãnh chừng khoảng 17km. Hai bên đường đến Gáo Giồng là đồng ruộng, xen kẽ những cụm vườn nhỏ với nhà cửa thưa thớt nằm dọc theo những dòng kênh nước đục ngầu phù sa.

Đến Gáo Giồng, du khách mua vé vào cửa 10.000 đồng/người. Khách sẽ được mời uống trà tim sen, ăn hột sen rang, xem video giới thiệu tổng quan và chi tiết về khu du lịch. Trước khi vào thăm vườn chim, hướng dẫn viên sẽ mời khách lên đài quan sát cao 18 mét và cho bạn mượn ống nhòm. Từ đây, du khách có thể quan sát gần như toàn bộ vườn chim với những cánh rừng tràm bạt ngàn xanh thẳm.

19 thg 2, 2014

Bánh canh hẹ ở Phú Yên

Miền Trung là nơi có nhiều loại bánh canh ngon nổi tiếng cả nước. Ở Huế có bánh canh cá tràu ngon nức tiếng, ở Bình Định có bánh canh chả cá đã được nhiều người biết và vào đến Phú Yên thì có món bánh canh hẹ gần như đã “nằm lòng” với mọi người gần xa. Du khách đến Phú Yên, một lần được thưởng thức bánh canh hẹ, dù trên các quán ở đường phố Tuy Hòa hay trong gia đình người thân đều tấm tắc khen ngon.

Bánh canh hẹ nấu sườn non. Ảnh: Tuyết Thắng 

Nhớ tôm chua Huế

Tôm chua Huế có cái gì đó riêng lắm, riêng đến nỗi nếu ai lần đầu được ăn cũng cảm thấy ngai ngái khó chịu nhưng nếu đã là người gắn bó lâu năm với Huế, được ăn thường xuyên thì đều xem nó như món “ruột”. Cái hương vị cay cay nồng nồng của con tôm “âm tính” này sẽ làm cho những người xa Huế lâu năm nhớ quay nhớ quắt, nhất là những ngày mưa dai dẳng.

Ăn tôm chua Huế không thể thiếu thịt ba chỉ luộc và rau sống. Ảnh: Tuyết Thắng 

Theo một số người có kinh nghiệm thì cách làm tôm chua Huế không cầu kỳ nhưng kỹ. Điều quan trọng là tôm phải tươi sống, nếu chọn được con tôm sống ở vùng phá Tam Giang hay đầm Cầu Hai thì món ăn càng ngon hơn. Tất cả các bước thực hiện phải theo thứ tự đúng công thức. Các gia vị đi kèm để biến con tôm thành món tôm chua đúng điệu phải có đủ bộ như riềng, gạo nếp, muối, tỏi, đường đều phải đúng liều lượng cần thiết.

Chùa Hưng Thiện ở Bạc Liêu

Chùa Hưng Thiện tọa lạc tại ấp Phú Tòng, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, cách trung tâm thị xã khoảng 8km về hướng đông. Đầu năm 2008, chùa đã khởi công dựng tượng Quán Thế Âm Bồ tát có tổng chiều cao 43,5 mét. Đến cuối năm 2013, việc dựng tượng đã hoàn thành. Đây có thể được xem là pho tượng Quán Thế Âm lớn nhất Bạc Liêu hiện nay.

Tượng Quán Thế Âm Bồ tát một tay cầm bình cam lồ, một tay bắt ấn niệm kinh chú, đứng trên tòa sen với những cánh sen màu hồng nhạt.

Lễ hội Lăng Ông Dung Ngọc Hầu

"Nhớ về thăm lại Trà Ôn, tháng Giêng mùng 4 giỗ Ông Ngọc Hầu!” là lời nhắn nhủ mọi người dân khu vực nầy nhớ đến tham dự lễ hội Lăng Ông Tiền quân Thống chế Điều Bát Nguyễn Văn Tồn tại thị trấn Trà Ôn tỉnh Trà Vinh. Đây là lễ hội đầu năm duy nhất diễn ra ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Ao sen trước sân lăng Ông. 

Lễ hội diễn ra liên tục trong ba ngày ba đêm, bắt đầu từ sáng mồng 2 tết Nguyên đán hằng năm. Phần lễ trang trọng với nghi thức cổ truyền. Phần hội rôm rả với nhiều hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa dân gian, nổi bật nhất là cuộc thi gói bánh tét - đặc sản đặc sắc của đồng bào lưu vực sông Cửu Long. Ngày tết Nguyên đán, dù thiếu vật thực nào cũng được người dân nơi đây bỏ qua, nhưng nhất thiết phải có những đòn bánh tét cúng rước ông bà đón xuân mới. Ngày hội gói bánh tét có sự tham gia của đông đảo bà con địa phương, đều là những người giỏi tay nghề, biễu diễn nghệ thuật ẩm thực cổ truyền của gia đình mình trước sự dự khán của khán giả mộ điệu.

18 thg 2, 2014

Chơi suối Đá Giăng

Suối Đá Giăng nằm cách trung tâm TP. Nha Trang (Khánh Hòa) 35 km về phía tây nam, kề bên đường lên đỉnh Hòn Bà, một di tích của bác sĩ Yersin thuộc huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Từ Cam Ranh ra hoặc Nha Trang vào đến Suối Dầu rẽ về hướng tây và đi men theo dòng suối bên trái khoảng 15 km thì đến, đường rộng, ô tô hoặc xe máy đều đến tận nơi.

Dòng suối này xuất phát từ vùng núi Hòn Bà; ở độ cao 300 mét (so với mực nước biển) hai dòng suối Đá Hàn và suối Cá nhập lại đổ ra hướng đông. Cũng dòng suối đó, đoạn lòng suối trải rộng với những bãi đá nằm giăng ngang, trải dọc này được gọi là suối Đá Giăng, đoạn dưới hẹp, hai bờ phủ đầy lau lách được gọi tên suối Lau và đoạn cuối ra gần quốc lộ 1 thì mang tên suối Dầu. Càng đi ngược lên thượng nguồn, dòng nước càng chảy xiết, nhiều đoạn tạo thành những thác nước nhỏ, trắng xóa.

Chùa Đất Sét

Thành phố Sóc Trăng có hai ngôi chùa Khmer nổi tiếng là chùa Dơi và chùa Chén Kiểu. Nhưng du khách đến địa phương nầy ai cũng háo hức tìm đến một ngôi chùa Việt cũng nổi tiếng không kém: đó là chùa Đất Sét, di tích lịch sử văn hóa của tỉnh Sóc Trăng.

Tam quan chùa Đất Sét. 

Chùa Đất Sét, tên chữ là Bửu Sơn Tự, tọa lạc tại số 286 đường Tôn Đức Thắng, khóm 1, phường 5, thành phố Sóc Trăng. Người dân địa phương gọi tên chùa Đất Sét không phải vì nó được xây dựng hoàn toàn bằng đất sét, mà chính vì vật kiến trúc, thờ tự trong chùa được hoàn thành bằng loại vật liệu rẻ tiền, đơn giản là đất sét. Đó mới là điều tài tình và kỳ công của nghệ nhân làm ra nó.

7 thg 2, 2014

Ngôi đền thờ Ông Bà Chủ Chợ

Tam quan của ngôi đền thờ Ông Bà Chủ Chợ. 

Có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên vì sao ông bà chủ một cái chợ lại được lập đền thờ. Ấy vậy mà ở thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp) có một ngôi đền như thế. Đó là đền thờ ông bà Đỗ Công Tường hay còn gọi ông bà chủ chợ Cao Lãnh. Ngôi đền rất cổ kính, trang nghiêm, nằm ngay khu trung tâm, trên đường Lê Lợi thuộc phường 2, thành phố Cao Lãnh.

Ông Đỗ Công Tường tục danh là Lãnh. Người sinh quán ở miền Trung đến lập nghiệp tại làng Mỹ Trà dưới triều Gia Long vào năm Đinh Sửu (1817). Với đức tính cần cù, chịu khó, ông bà đã khai khẩn đất hoang, trồng được một vườn quít khá lớn, cây trái sum suê.

20 thg 1, 2014

Ngọn núi thấp chất đầy huyền thoại

Cảnh đồng ruộng vùng Thất Sơn lãng mạn, nên thơ. 

Khi nói về Bảy Núi, vùng bán sơn địa của tỉnh An Giang, người xưa thường dùng cụm từ “Thất Sơn huyền bí”. Ngày nay, dù đã sang thế kỷ XXI đã hơn chục năm, nhưng nhiều huyền thoại bí ẩn vẫn còn phủ trùm những ngọn núi ở vùng biên thùy Tây Nam này. Trong đó, đậm màu huyền thoại nhất có lẽ là câu chuyện về núi Nước.

Trong số 7 ngọn núi ở An Giang được các nhà nghiên cứu tiền bối (Trịnh Hoài Đức, Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Văn Hầu, Vương Hồng Sển) liệt kê, núi Nước (ở Ba Chúc, Tri Tôn) không có tên. Núi Nước là nơi khi xưa vua Hàm Nghi từng đi qua trước khi trốn sang Campuchia. Có lẽ đó là ngọn núi nhỏ nhất thế giới, cao chưa tới 50 mét! Núi Nước nhỏ bé, thấp lè tè nhưng lại là nơi đầy ắp huyền thoại tâm linh và ái quốc; mặc dù nó không nằm trong nhóm Thất Sơn nổi tiếng là huyền bí.


Làng nghề làm thớt ở Đồng Tháp

Từ TPHCM theo quốc lộ 1A về phiá tây nam, đến ngã ba An Hữu, quẹo phải khoảng 30km là đến thị xã Sa Đéc. Tiếp tục thêm 30km về hướng tỉnh An Giang đến phà Vàm Cống quẹo trái chừng 4km trên trục quốc lộ 54 là đến xã Định An, thuộc huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Hơn 60 năm qua nơi đây đã hình thành một làng chuyên làm thớt gỗ. Đây là một nghề cha truyền con nối.

Phơi thớt dọc theo đường lộ.

Từ xa xưa, người dân ở đây thường chuyên chở, mua bán hàng hoá, nông sản bằng ghe xuồng đến các tỉnh ở xa và khi trở về thường mua lá lợp nhà, mua cây mù u - một loại gỗ rất chắc thường mọc hoang ven sông để làm cột nhà, làm rui, làm mè… Phần thừa gỗ mù u còn lại sau khi làm nhà, người dân ở đây cưa ra làm thớt để bán. Gỗ mù u là loại gỗ phù hợp nhất để làm thớt vì khi chặt, xắt hay băm,… gỗ của thớt mù u không bị băm nát và lưu lại vết đen như các loại thớt khác. Lâu dần tiếng đồn vang xa, ai ai cũng đều biết nơi sản xuất thớt tại vùng Định An này mà từ đó hình thành nên làng nghề truyền thống.

Cá sặc chiên giòn

Mỗi khi bước sang tháng 12, trời hết mưa, thời tiết bắt đầu se lạnh, cái ao thả cá sau nhà cậu tôi cũng bắt đầu dần cạn nước, cá liên tục táp mống, là cũng sắp đến ngày dọn ao bắt cá. Chờ đến một ngày Chủ nhật trong tháng, cậu gọi điện kêu mấy đứa cháu ở thành phố về chơi đông đủ, sẵn dịp như vậy ông cho chúng tôi xuống ao bắt cá, cho nên ai cũng xung phong vác thau, xô đựng cá lẽo đẽo theo sau.


Cá sặc chiên giòn

Cậu tôi nuôi cá chỉ để ăn chứ không bán, vì vậy ông thả nuôi đủ các loại cá xuống ao. Cho nên đến lúc tát ao xong, thì mọi người đem phân các loại cá ra để riêng. Tôi nhìn vào thấy nào là cá tai tượng, cá chép, cá rô phi, cá tràu, cá trê, cá rô, cá sặc và cả cá trắng nhảy lổn ngổn trong xô. Cậu bảo mợ tôi rộng lại để riêng, chiều cho chúng tôi mang về Sài gòn, chia cho hàng xóm láng giềng xung quanh mỗi người một ít. Ông đem một ít vào rộng trong khạp để kho hay nướng ăn dần.

Bún Mạch Tràng

Tuy không trắng trong, bóng bẩy như những loại bún ở nơi khác nhưng bún của làng Mạch Tràng (xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội) vẫn được người ta nhớ tới bởi hương vị thơm ngon, giai giòn, thanh mát không những đây là món ăn dân dã quen thuộc của người dân Cổ Loa, hơn thế nó lại còn là món ăn gắn liền với kí ức của một thời xa xưa.

Bún Mạch Tràng có màu trắng ngà đặc trưng. 

Chuyện kể rằng: “...Trong lúc chuẩn bị yến tiệc cho lễ dạm hỏi công chúa Mỵ Châu, người đầu bếp đã làm đổ bột gạo vào chiếc rổ đặt trong vạc nước sôi. Quá hốt hoảng, vội vàng nhấc chiếc rổ lên, anh chợt thấy bột gạo đã kết thành những dây dài mầu trắng. Tiếc của, vả lại không biết làm gì với những sợi bột trắng kia, sẵn có rau cần, anh bèn cho sợi gạo vào xào với rau cần, làm món ăn lót dạ...


Thăm Tam Đảo

Tam Đảo là địa danh gọi chung một vùng gồm ba ngọn núi là Thạch Bàn, Thiên Thị và Máng Chỉ nằm trên địa bàn 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và Tuyên Quang; hình thành cách đây 230 triệu năm do hoạt động của núi lửa phun trào. Phần lớn diện tích vùng Tam Đảo thuộc huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Thời tiết ở Tam Đảo rất thú vị, tựa như Đà Lạt hay Sa Pa; du khách có thể cảm nhận được khí hậu bốn mùa cùng trong một ngày.

Thị trấn Tam Đảo trong màn sương sớm. Thiên nhiên đã ban tặng cho nơi đây một khung cảnh vừa thơ mộng, vừa hùng vĩ, huyền ảo trong mây gió như sương khói vờn trên đỉnh núi rồi sà xuống những thảm cỏ, những ngôi nhà ven sườn núi.

19 thg 1, 2014

Khâu nhục - món ngon cho mùa lạnh

Cái rét tràn về qua làn sương buổi sớm khiến người ta có một chút cảm giác thèm những món ăn nóng sốt trong thời tiết se se. Món khâu nhục có nguồn gốc từ Trung Quốc, cũng là món ăn phổ biến của người Hoa tại Việt Nam. Người Tày ở Bình Liêu (Quảng Ninh) cũng rất quen thuộc với món ăn này. Đặc biệt ở vùng núi, cái rét vào mùa đông có phần đậm hơn nên món ăn này khá được ưa chuộng.

Đĩa khâu nhục tỏa hương hấp dẫn.

Điểm nhấn của món khâu nhục là cách kết hợp sử dụng nhiều loại gia vị đem chưng cách thuỷ với thịt heo (lợn) khiến cho người ăn có cảm giác hài hoà, thơm ngon tan trong đầu lưỡi và đặc biệt món này ăn trong những lúc thời tiết lạnh giá lại càng ngon thêm. Việc chế biến khá mất thời gian nhưng đồng thời món ăn này cũng có thể để lâu, ăn dần từ ngày này sang ngày khác mà không sợ mất hương vị thơm ngon, vì càng để lâu các loại gia vị càng thấm vào thịt heo khiến cho món ăn thêm phần đậm đà.