5 thg 11, 2015

Vô nhà lồng chợ Gò ăn bánh vá Gò Công

Với khách phương xa, trong những món ngon ở xứ Gò Công như mắm tôm chà, chả cua... món bánh vá ít nỗi tiếng hơn, nhưng với người xứ Gò nếu không nhớ thì thôi, lỡ nhớ rồi thì không thể cầm lòng được. 

Ăn bánh vá trơn đã là ngon nhưng ăn với bún, rau sống, huyết heo luộc, nước mắm tỏi ớt còn ngon miệng hơn nữa - Ảnh: Tấn Tới 

Trước biến cố 1975, người ta đồn bánh giá chợ Giồng, Vĩnh Bình, Gò Công là nhất, nhưng với nhiều thị dân sống ở thị xã Gò Công thì món bánh vá do tay bà Chính Hải làm mới đúng là số một. 

Ngày trước, ai có dịp thấy cả dãy sạp chuyên bán bánh vá ở chợ Gò mới biết dân tỉnh này ưa bánh vá cỡ nào. Lúc chúng tôi còn nhỏ, có khi đi chợ đứng cả tiếng đồng hồ coi mấy bà bán bánh vá chiên bánh, rồi hít ngửi khói bánh thơm cho đã thèm. 

Về chuyện tên là "bánh giá" hay "bánh vá", cá nhân tôi nhất định gọi là bánh vá, bởi ai từng thấy chiên bánh vá mới biết, nếu thiếu cái vá (loại vá bự để múc thức ăn) thì không ra hình thù cái bánh vá xứ Gò, như bánh cống mà không có cái cống thì đâu ra bánh cống Sóc Trăng. 

Ngày xưa người bán bánh vá chiên bánh bằng chảo gang, vá gang, lửa củi có lẽ nhờ vậy mà độ giòn của bánh vá ngon hơn thời nay. Khi bột gạo được cho vào vá, người ta cho thịt heo, gan heo xắt miếng, nấm rơm, nấm mèo vào, rồi phủ lên một lớp giá đậu xanh, sau đó phủ tiếp một lớp bột gạo rồi bỏ mấy con tôm tươi lên mặt bánh trước khi cho vào chảo mỡ heo để chiên. 

Cá nhân tôi nhất định gọi là "bánh vá", bởi ai từng thấy chiên bánh vá mới biết, nếu thiếu cái vá (loại vá bự để múc thức ăn) thì không ra hình thù cái bánh vá xứ Gò - Ảnh: Tấn Tới 

Nhìn cái chảo mỡ chiên bánh vá sôi vàng ươm, rồi chờ cái bánh vừa chín tách khỏi cái vá nổi trên thấy mà thèm. Bánh vá vừa chín được vớt ra để ráo mỡ, chờ nguội, rồi gói trong lá chuối hoặc giấy dầu cho khách cầm ăn. 

Đời nay, ai ăn món nhiều mỡ đều sợ cholesterol, nhưng ngày xưa người nghèo thì thiếu đạm nên chuyện tay cầm bánh vá, môi miệng dính đầy mỡ heo là cách thưởng thức món ngon ở đời. Hơn nữa bánh vá ngày trước làm bằng bột gạo mới xay, thịt mới ra lò, tôm tươi nhảy lờ, mỡ heo ta, giá đậu không hóa chất thì phải nói ngon hết biết. 

Ăn bánh vá trơn đã là ngon nhưng ăn với bún, rau sống, huyết heo luộc, nước mắm tỏi ớt còn ngon miệng hơn nữa. Ở chợ Gò Gông ngày trước có mấy sạp chuyên bán món bánh vá ăn với bún; nhưng đa phần dân quê đi chợ tỉnh tự mua bánh vá, bún rồi về vườn nhà hái rau sống, đâm nước mắm tỏi ớt để ăn. 

Món này phổ biến đến nỗi các tiệm hủ tíu của mấy ông Các Chú cũng phải ghen tị, ai đi chợ Gò mà không mua bánh vá bún về làm vài tô trước cúng ông bà sau mời cả nhà ăn thì chắc là gia cảnh người đó đang lúc ngặt nghèo. 

Quả thật món ngon trong thiên hạ là vô số, nhưng một món ngon đơn giản như bánh vá và bún bánh vá mà trở thành món để người xứ Gò luôn thèm nhớ thì đáng là món khiến người ta sống để ăn - Ảnh: Tấn Tới 

Về cái chuyện người xứ Gò Công ưa ăn bún thì nhiều người nhận định là do dân Gò nặng gốc Huế, gốc Quảng. Bún tươi làm ở xứ Gò ngày xưa có màu trắng ngà, từng cọng bún ráo khô không trắng tinh vì chất tẩy hay ướt nhèm nhẹp. 

Bún Sài Gòn ngày nay dù là thời tiết nóng nực hay mát mẻ, để ế vài tiếng đồng hồ là thiu, còn bún Gò Công ngày trước để cả ngày vẫn tươi. Người Gò Công nghèo thì ăn bún với rau sống chan nước mắm tỏi ớt, khá thì kèm theo miếng huyết heo luộc, giàu thì tô bún đủ thịt luộc; còn người sành ăn thì bất kể giàu nghèo cứ thèm là trong tô bún có đủ bánh vá, huyết heo. 

Có một bà Việt kiều từ Canada tâm sự: "Về cả tháng rồi thèm tô bún bánh vá với huyết heo muốn chết, nhưng mỗi lần cả nhà bày ra ăn chỉ gắp vài đũa rồi ngồi ngó bà con ăn cho đã con mắt.” 

Chúng tôi được nghe kể nhiều câu chuyện về người Gò Công tha hương thèm nhớ bánh vá và cả những người lớn tuổi cả đời không rời chân khỏi xứ Gò nhưng vẫn chọn ăn vài đũa bún bánh vá trước khi lìa đời. 

Quả thật món ngon trong thiên hạ là vô số, nhưng một món ngon đơn giản như bánh vá và bún bánh vá mà trở thành món để người xứ Gò luôn thèm nhớ thì đáng là món khiến người ta sống để ăn.

Trần Tiến Dũng - Ảnh: Tấn Tới

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét