30 thg 11, 2015

Từ Petrus Ký đến ngôi trường trăm tuổi

Với lối kiến trúc cổ điển của Pháp, Trường chuyên Lê Hồng Phong là một trong ba ngôi trường có tuổi đời lâu nhất tại TP. Ngôi trường là niềm tự hào của bao thế hệ học sinh có may mắn được gửi một phần ký ức tuổi trẻ của mình tại đây.

Ngôi trường nổi danh do kiến trúc sư Hebrard de Villeneuve, người Pháp thiết kế vào năm 1925. Năm 1928, khi các khu mới xây dựng xong, trường được đặt tên là Lycée Petrus Trương Vĩnh Ký - Trung học Petrus Trương Vĩnh Ký.

Năm 1975, trường được đổi tên theo tên cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong cho đến giờ.

Xưa rộng mênh mông

Một trong những bức ảnh xưa nhất chụp ngôi trường này là không ảnh chụp năm 1929, cho thấy ngôi trường khang trang nằm nổi bật trên một vùng đồng trống rộng lớn. Bốn con đường bao quanh khi ấy, nay là đường Nguyễn Văn Cừ, An Dương Vương, Trần Bình Trọng, Trần Phú. Phía sau trường và bên hông là sân vận động Lam Sơn, khu nội trú cho học sinh và khu nhà tập thể cho các giáo viên, có nhiều dãy nhà. Hai góc của công trình là hai tháp nước.

Một chuyên gia về di sản phân tích: Ngôi trường này được xây dựng theo phong cách kiến trúc Đông Dương độc đáo với sự pha trộn giữa các yếu tố theo lối kiến trúc Pháp và những đường nét đặc trưng của kiến trúc Á Đông. Cụ thể, phía dưới là các vòm, các trụ, trang trí trên trụ, trên vòm... là theo kiến trúc Pháp. Hoặc như phần hành lang được bao quanh bằng lan can có các “con tiện” theo kiểu Pháp.

Thế nhưng kiến trúc phía trên là mái ngói lợp dốc theo kiểu Á Đông. Thời kỳ đó tại Pháp, mái nhà phải là mái hơi dốc và phải chịu được sức nặng của tuyết đọng mùa đông nhưng ở xứ nhiệt đới thì lại không cần chịu lực nhiều mà chủ yếu phải dốc để thoát nước mưa cho kịp. Những kiến trúc sư của các công trình này hầu hết đã ở Việt Nam hơn 10 năm mới “nghiệm” ra những cách kết hợp hài hòa như vậy.

Đặc biệt là kiểu kiến trúc vì kèo là kiến trúc đậm Á Đông, thường được làm bằng gỗ nhưng Pháp thời đó làm ra được sắt thép, mệnh danh là nước công nghiệp nên đã đưa sắt sang thay gỗ, vẫn giữ kiến trúc vì kèo nhưng làm bằng sắt.

Một điểm đặc biệt trong các công trình cổ này là có những bức tường dày 1 m đến 1,2 m. Trong kiến trúc Á Đông, cột là nơi chịu lực. Trong kiến trúc Pháp, tường mới là thứ chính chịu lực nên rất dày. Vì như đã nói, mái nhà phải chịu lực của tuyết đọng mùa đông nên tường phải chịu được lực đỡ mái.

Quan niệm của người Á Đông rất trọng công trình xây theo khối vuông, vì quan niệm “trời tròn, đất vuông”, trong khi đó người Pháp xây trường này theo ba dãy dài tạo ra nhiều phòng học, một dãy hành lang trước. Bốn dãy này bao quanh thành kiểu hình vuông, bao sân lớn ở chính giữa.

Chuyên gia này cũng phân tích: Ở những công trình công cộng, người Pháp luôn xây thủy đài để cung cấp nước đủ mạnh. Đây cũng là một đặc trưng của kiến trúc Pháp, trọng về công nghiệp, họ không dùng nước ao, nước giếng đào như truyền thống của ta.

Trường chuyên Lê Hồng Phong mang phong cách Á-Âu kết hợp đến nay đã gần 100 tuổi. Ảnh: HOÀNG GIANG


Chỉ một phần là di sản

Dần về sau, các công trình xung quanh khu vực dạy học của trường đã bị thay đổi nhiều. Một phần diện tích này đã được tách riêng để lập Trường ĐH Khoa học Tự nhiên và Trường ĐH Sư phạm, phần lớn kiến trúc bị phá hủy để xây dựng lại.

Đến ngày nay, chỉ phần chính của ngôi trường còn được giữ lại gần như nguyên vẹn và TP cũng chỉ khoanh vùng, công nhận di tích cho những phần này. Theo sách Hành trình di sản văn hóa TP.HCM thì di sản trường gồm cổng ngoài (giáp đường Nguyễn Văn Cừ ngày nay), cổng chính vào sân trường, trên có tháp chuông đồng hồ, ba dãy phòng học hình chữ U một trệt một lầu với hành lang rộng, cửa vòm, cột vuông, tường gạch, mái ngói đỏ, đầu hồi trang trí hoa văn... vì còn được giữ gìn gần như nguyên vẹn (khu A). Trong những năm qua, để đáp ứng nhu cầu học tập, trường đã xây dựng thêm khu B, khu C và khu luyện tập thể thao. Các công trình mới xây dựng vẫn đảm bảo sự hài hòa với các công trình đã có.

Chuyên gia di sản cho biết khi xây dựng hồ sơ di sản, từng hạng mục trong công trình đều được nêu rõ về thời điểm xây dựng, từng được sửa khi nào, phần nào còn nguyên bản... Và khi công nhận di tích thì những phần nguyên bản cần phải giữ nguyên được ghi chú ra rõ, nếu có muốn sửa sang thì phải thẩm định rõ ràng mới sửa được.
Các công ty Pháp từng xây dựng công trình cổ tại Sài Gòn đều có thư gửi cho các chủ công trình để nói rõ về công trình cũng như khuyến cáo bảo hành, duy tu, sử dụng công trình. Vấn đề xử lý như thế nào là vấn đề cần nghiên cứu kỹ với các công trình cổ. Hầu hết công trình có giá trị về kiến trúc thì ta đều xem xét giữ lại và tu bổ. Một thực tế không tránh khỏi là những công trình cổ, trong đó có Trường Lê Hồng Phong, sẽ phát sinh các vấn đề theo thời gian sử dụng. “Kiến trúc đó vào thời điểm đó là “đỉnh”, phù hợp khí hậu thời bấy giờ, nhu cầu thời bấy giờ (khoảng 15-20 học sinh trong một phòng học) và không gian rộng lớn, nhiều cây cối bao quanh. Tuy nhiên, theo thời gian, cũng diện tích phòng như cũ nhưng đến 40-50 học sinh một phòng, các cảnh quan xung quanh bị thu hẹp lại, các công trình khác xây mới sát cạnh... thì không tránh khỏi chuyện nóng bức, chật hẹp. Chúng ta phải hòa hợp với di tích chứ không tài nào bắt di tích hòa hợp với ta được” - chuyên gia này nhận xét.

Sắt, gạch, xi măng từ Pháp chở qua
Người Pháp muốn xây dựng một Paris thứ hai tại Việt Nam nên những công trình mà họ xây dựng đều là tinh túy từ kiến trúc Pháp, đều có giá trị cao, hiện đại nhất vào thời đó.
Khi xây dựng, người Pháp đưa sắt, thép, xi măng sang để dùng. Người Pháp tự hào về công nghệ sắt của họ mà tháp Eiffel là biểu tượng. Trong rất nhiều công trình, họ dùng sắt thay gỗ, ví dụ vì kèo giữ nguyên kiểu kiến trúc Á Đông, đỡ cho mái kiến trúc Á Đông nhưng ngói Pháp và vì kèo sắt chứ không bằng gỗ.

Muốn xây, muốn sửa phải xin
Với các quyết định bảo tồn, TP nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng, khai thác trong khu vực di tích đã khoanh vùng bảo vệ. Trường hợp đặc biệt sử dụng đất đai ở khu vực di tích lịch sử-văn hóa và danh lam thắng cảnh phải được phép của chủ tịch UBND TP.

Các ngôi trường cổ
Ngoài Trường chuyên Lê Hồng Phong, TP còn có các ngôi trường cổ khác như: Trường THPT Lê Quý Đôn là trường trung học đầu tiên của Sài Gòn, được thành lập năm 1874, với tên gọi ban đầu Collège Chasseloup-Laubat; Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, còn được gọi là Trường nữ Gia Long, Trường nữ sinh Áo Tím, được thành lập từ năm 1913; Trường THPT Marie Curie mở cửa từ năm 1918, là trường dành riêng cho nữ sinh, mang tên Lycée Marie Curie.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét