27 thg 11, 2015

Vị Huế trong miếng bánh ram ít giòn dẻo

Bánh ít, ram ít là những món ngon truyền thống Huế thường được ăn cùng với bèo, lọc, nậm...
Những ngày Huế mưa, tôi lại thèm cảm giác ngồi bên bếp, cùng mẹ làm món bánh ít thơm ngon, xinh xắn. Với những phụ nữ Huế thế hệ mẹ tôi, hầu như ai cũng giỏi nội trợ và khéo léo. 

Bánh ít dân dã, truyền thống, quen thuộc, rất dễ mua bên ngoài nhưng nhiều người vẫn thích tự làm ở nhà. 

Hấp dẫn bánh ram ít với tôm chấy bên trên 


Đó là những chiếc bánh nhỏ xíu nhưng phải làm công phu. Từ nguyên liệu chính là bột nếp nhưng phải giàu kinh nghiệm mới cho ra chiếc bánh hoàn hảo. 

Nhiều người chọn bột nếp khô bán sẵn nhưng mẹ tôi thường tự xay nếp để làm. Theo mẹ, ấy là bí quyết để giữ được hương vị truyền thống. 

Nếp sau khi xay được gạn khô bằng cách bỏ vào bao vải, dùng vật nặng đè lên trên để ráo nước. Nhân bánh cũng là tôm đất như các loại bánh khác, là sản vật của xứ Huế, ở địa phương khác bạn không thể tìm được vị tôm tương tự. 

Nặn bánh ít cần phải khéo tay để bánh đẹp và nhân không bị bung ra. Chiếc bánh nhỏ, tròn, xinh xắn chỉ vừa một đến hai lần cắn, có lẽ vì thế nên nó có tên là bánh ít. 

Bánh nặn xong thì sắp lên mẹt tre để hấp, chừng 15 – 20 phút là chín. Khi ăn rải lên chút tôm chấy, chấm cùng nước mắm chua ngọt. 

Người Huế còn biến tấu bánh ít thành bánh ram ít. Là ram một miếng bột nếp cỡ bằng bánh ít nhưng dẹp hơn rồi gắn bánh ít lên trên. Bánh ít dẻo thơm, bánh ram giòn rụm, sự kết hợp quả thực hài hòa và tròn vị. 

Chiều mưa xứ Huế, được thưởng thức một dĩa ram ít thật ấm bụng làm sao... 

Bột nếp đã xong 

Nhân tôm cũng sẵn sàng cho nặn bánh 

Ở Huế, có nhiều gia đình làm bánh truyền thống 



Bánh chín khá dẻo, phải dùng que tre tách từng cái 


Bánh ít không nhân vừa ram xong... 

... kết hợp thành bánh ram ít rất tròn vị 

Tuyết Khoa (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét