30 thg 11, 2015

Bò tơ… hoang dã

Cứ mỗi lần ngồi vào bàn ăn có món bò, tâm trí tôi liền miên man đến món “bò tơ hoang dã” rất thú vị. 

Món “bò tơ hoang dã” 

Tên gọi “bò tơ hoang dã” là do tôi định danh khi bù khú với bạn bè thế thôi, nhưng thực tế thì nó cũng hoang dã thiệt. Bò sống giữa miền hoang dã và khi “chiến đấu” cũng rất thả ga giữa miền hoang dã núi rừng. 

Nếu tính từ thủ phủ TP.Quy Nhơn, thì An Lão là huyện có vị trí nằm xa nhất của tỉnh Bình Định với khoảng cách chừng 140 km. Đây là huyện miền núi có địa hình tương đối phức tạp, chia cắt mạnh, độ chênh lệch cao lớn, thấp dần từ tây sang đông và từ bắc vào nam. Vùng thấp tương đối bằng phẳng thuộc bãi bồi ven sông An Lão bao gồm các xã: An Hòa, An Tân, thị trấn An Lão và một phần An Trung, An Hưng. Vùng cao với độ cao tuyệt đối trên 1.000 mét so với mực nước biển chủ yếu thuộc khu vực xã An Toàn có địa hình lượn sóng, nhiều đồi dốc với thảm thực vật còn khá phong phú. Chủ yếu là người đồng bào sinh sống nên cỏ ở vùng núi cao này hẳn nhiên là cỏ sạch. Và bò tơ nơi đây cam đoan cũng là bò sạch luôn. 

An Lão còn được mệnh danh là “thủ phủ rùa vàng” một thời lừng danh với mức giá rất khủng, đến vài trăm triệu đồng mỗi con. Chẳng biết do đâu mà rùa vàng “chọn” sông suối, núi rừng An Lão làm nơi sinh trưởng. Loại rùa này thường chỉ xuất hiện ở những nơi thâm sơn cùng cốc rậm bóng rừng già, mà chốn thâm sơn cùng cốc kiểu ấy vốn nhiều nơi khác cũng có nhưng dường như nó lại vắng bóng. Điều khá lạ này được cư dân bản địa lý giải rằng, có lẽ thiên nhiên yên bình, đúng chất hoang dã đã dành tặng một không gian sống tuyệt vời cho rùa vàng, và tất cả xem đó như là lộc trời ban cho người An Lão. Lan man một chút để hình dung phần nào về chất hoang dã của miền cao An Lão vậy thôi…
Bây giờ ở Sài Gòn, tôi thấy nhiều người rất khoái khẩu với món bò. Có lẽ bò chế ra được nhiều món ngon, từ bò né, bò nhúng dấm, bò nướng đến lẩu bò… mà giá thành lại khá mềm nên ở đâu cũng phổ biến. Cạnh nhà tôi ở có một quán bò tơ Củ Chi mà từ ngày khai trương đến nay cách đây khoảng 3 tháng, cứ tầm chiều chiều là thực khách đông nghẹt. Không gian quán rộng gần cả ngàn mét vuông ầm ào tiếng cụng ly mà thoạt trông như… chiến trường vậy. Vài lần chở vợ con ra ăn thử xem sao nhưng cứ tầm khoảng 7 - 8 giờ tối là bò hết sạch. Đúng là sức ăn của số đông bây giờ không thua gì Thánh Gióng thuở xưa!
Nói về chuyện ăn ở Sài Gòn lắm lúc cũng thấy vui vui. Dường như đặc sản khắp mọi miền đất nước, thậm chí là những món ăn lừng danh của các xứ sở khác trên toàn cầu, cũng đều có mặt. Sài Gòn hay được ví là vùng đất “hợp chủng quốc”. Chính đặc trưng này đã “mang” hết thảy những món ngon vật lạ khắp nơi theo chân dòng người xa phương đến cư ngụ, mưu sinh. 

Độ “đã” của món ăn còn lãng đãng ở bốn bề là thiên nhiên hoang dã, tiếng chim, tiếng róc rách suối reo 

Tôi thấy “bò ta” có lúc lại “lép vế” trước “bò Tây” khi mà ngày càng có nhiều nhà hàng sang trọng chỉ lo bán sườn bò, ba chỉ bò, thăn bò, nạc đùi và nạc vai bò… của Mỹ, của Úc, của Nhật… Thời hội nhập kinh tế thì ẩm thực cũng phải “hội nhập” thế thôi. Có người ăn “bò Tây” cứ khen nức nở. Tôi thấy nó được khen ngon, có lẽ vì giá thành “bò Tây” không hề rẻ, và cũng có lẽ các món ăn có tên gọi “có vẻ Tây Tây”. Ví như món sườn bò Mỹ sốt Hàn (nướng với tương sốt của Hàn Quốc) chỉ 2 láT sườn… mỏng như lá lúa ở một quán gần nhà tôi có giá đến 159.000 đồng. Ít có dịp ăn và món ăn ấy cũng ít lượng quá nên khi “chiến” hẳn nhiên ai cũng thấy ngon thôi. 

Với tôi, không phải kiểu “con hát mẹ khen” nhưng tôi cảm thấy “bò ta” là ngon nhất. Do phần nhiều ăn cỏ tự nhiên và “chạy bộ” cũng nhiều nên thịt “bò ta” săn chắc, chất của thịt có vị ngọt sâu… Thịt từ con “bò Tây” được phân ra nhiều loại để bán nhưng hình như nó không có loại bắp bò như kiểu “bò ta”. Bắp bò ta thì ai cũng biết rồi, chế biến món gì cũng ngon thần thánh luôn. Cứ mỗi lần ngồi vào bàn ăn có món bò, tâm trí tôi liền miên man đến món “bò tơ hoang dã” rất thú vị. 

Hình như chỉ miền núi cao An Lão người ta mới chế ra cái món bò tơ hoang dã này. Bò được thui nguyên con trên than lửa hồng nhưng chỉ thui cho chín tới, sau đó thái ra từng miếng xiêng que và lại được thui đều một lần nữa cũng trên lửa than cho thịt săn lại. 

Bạn cứ tưởng tượng đi, miếng thịt đang nóng hổi thơm lừng, chấm với muối ớt tươi, sực ngay một cái thì cảm giác nó ngon đến mức nào. Độ “đã” của nó còn lãng đãng ở bốn bề là thiên nhiên hoang dã, tiếng chim, tiếng róc rách suối reo giữa núi đồi ngút ngàn xanh tươi.

Tân Phú (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét