22 thg 11, 2015

Thăm căn cứ dưới tán rừng Xẻo Quýt

Dưới những tán rừng tràm mênh mông ở Xẻo Quýt là một căn cứ quân sự bí mật của người dân Đồng Tháp trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Giờ đây, những di tích này đã trở thành một một điểm tham quan ẩn chứa nhiều điều thú vị. 

Khu di tích Xẻo Quít thuộc địa phận hai xã Mỹ Long và Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) có diện tích gần 50ha, trong đó 20ha là rừng tràm nguyên sinh từng là căn cứ địa trong kháng chiến chống Mỹ (giai đoạn 1960 – 1975) với nhiều công trình hạng mục được xây dựng bí mật.

Xẻo Quít có một hệ thống kênh rạch dày đặc, len lỏi trong cánh rừng tràm ngập nước tạo thành một hệ thống giao thông đường thủy độc đáo, đồng thời giúp kết nối các hầm hào, công sự, lán trại làm việc…trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Rừng tràm hơn 50 tuổi với hệ thống cây và dây leo chằng chịt tạo nên một hệ sinh thái đa dạng, hoang sơ trong khu di tích. Ảnh: Lê Minh


Du khách lên tháp quan sát trong khu di tích để ngắm toàn cảnh của hệ sinh thái hoang sơ từ trên cao. Ảnh: Lê Minh

Du khách tham quan Xẻo Quít trên con đường mòn len lỏi trong khu rừng tràm... Ảnh: Lê Minh

...hoặc ngồi thuyền len lỏi trên những con kênh đào trong khu di tích. Ảnh: Thông Hải

Bản đồ khu căn cứ Xẻo Quít trước đây trưng bày trong khu di tích. Ảnh: Lê Minh

Một số công trình hầm bí mật trong Khu di tích Xẻo Quít vẫn còn gìn giữ cho đến hôm nay. Ảnh: Thông Hải

Nhiều bạn trẻ đến tham quan, tìm hiểu những hiện vật, công sự tại Khu di tích Xẻo Quít. Ảnh: Thông Hải





Một số hiện vật trưng bày tại khu di tích Xẻo Quít. Ảnh: Lê Minh 

Sau năm 1975, tỉnh ủy Đồng Tháp chủ trương phục chế lại các công trình, sưu tầm lại các hiện vật, đưa căn cứ Xẻo Quít thành nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và đón khách tham quan.

Chúng tôi đến Xẻo Quít vào đầu mùa nước nổi, khi những con kênh đào trong rừng tràm đã ngập nước, rất thuận lợi cho việc khám phá rừng tràm trên chiếc xuồng ba lá. Những hướng dẫn viên nữ trong trang phục áo bà ba đen, khăn rằn choàng cổ, đầu đội mũ tai bèo vừa chèo xuồng đưa chúng tôi thưởng ngoạn khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, trong lành vừa tận tình giới thiệu, kể lại những câu chuyện, những chiến công hào hùng của bao lớp người đi trước.
Năm 2014, Khu di tích Xẻo Quít đón 100.514 lượt khách đến tham quan, trong đó có 3.423 lượt khách quốc tế.

Chúng tôi tiếp tục đi bộ trên con đường mòn dài khoảng 1,5km len lỏi dưới những tán cây tràm và dây leo chằng chịt để tự mình khám phá, thưởng thức thiên nhiên trong lành nơi đây. Hiện nay, Xẻo Quít có hơn 170 loài thực vật và 200 loài động vật hoang dã, được xem như một khu bảo tồn thiên nhiên đặc trưng của khu vực Đồng Tháp Mười.

Chúng tôi còn được tận mắt chiêm ngưỡng những công trình trong chiến tranh được xây dựng bí mật dưới những rừng cây, mô đất, bờ kênh, như: hội trường, nhà làm việc, nhà ở, nhà bếp, công sự chống bom pháo, hầm bí mật,… Tất cả như được sống lại những năm tháng đấu tranh ác liệt nhưng rất hào hùng.

Ngoài ra, khu di tích còn tái hiện nhiều hoạt động sinh hoạt đặc trưng của miền sông nước như: câu cá, giăng lưới, sản xuất hàng thủ công từ nguyên liệu lục bình, các trò chơi đua xuồng, bắt vịt trên sông, vượt cầu khỉ, đờn ca tài tử, thưởng thức trà tâm sen, … nhằm giúp du khách có thể trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt, văn hóa của cư dân vùng Đồng Tháp Mười xưa kia. Đặc biệt, đến với khu di tích Xẻo Quít, chúng tôi còn được với các món đặc sản: cơm vắt chấm muối mè, cá lọc nướng cuốn lá sen non, lẩu gà lá giấm, ốc hấp tiêu, cơm gạo huyết rồng gói lá sen, cá rô kho nồi đất… mang đậm hương vị ẩm thực độc đáo của quê hương của vùng đất sen hồng.

Những món ăn đặc sản miền Tây phục vụ khách tham quan tại khu ẩm thực Xẻo Quít. Ảnh: Lê Minh

Khu chòi lá phục dụng để du khách nghỉ chân trên lộ trình tham quan khu di tích Xẻo Quít. Ảnh: Lê Minh

Khu nhà hàng phục vụ ẩm thực miền Tây tại khu di tích Xẻo Quít. Ảnh: Lê Minh 

Bạn Lê Thúy An, sinh viên trường Đại học Đồng Tháp đi cùng nhóm bạn đến tham quan Xẻo Quít chia sẻ: “Xẻo Quít là một điểm đến rất độc đáo, vừa giúp chúng tôi hiểu biết hơn về lịch sử và văn hóa nơi đây, vừa là một điểm du lịch, khám phá thú vị”.

Bài: Sơn Nghĩa - Ảnh: Lê Minh – Thông Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét