16 thg 11, 2015

Về miền thanh bình đất võ

Về Tây Sơn, Bình Định không khó để cảm nhận được nét thanh bình của quê hương người anh hùng áo vải, cờ đào Nguyễn Huệ.


Đến Bình Định, du khách sẽ chiêm ngưỡng được những cánh đồng vàng óng trong nắng sớm hay những buổi chiều tà với không khí ngày mùa tấp nập ở khắp các làng quê của Tây Sơn. Những bông lúa nặng trĩu, dập dìu, đung đưa theo từng nhịp chân bước. Trên những cánh đồng, từng hàng lúa được xếp gọn gàng. Những chiếc máy gặt lúa xình xịch suốt ngày. Trên bờ, những chiếc máy tuốt lúa trả những hạt thóc vàng, mùi rơm tỏa ra thơm ngát. Những khuôn mặt đen sạm vì nắng, mồ hôi túa ra nhưng nụ cười của vụ lúa mới được mùa đã xóa tan mệt nhọc của mọi người. Không khí ấy khiến cho du khách cảm thấy ấm lòng. 

Trên đường từ thành phố Quy Nhơn về đến đất võ Tây Sơn, đâu đâu cũng thấy hình ảnh những người nông dân cần mẫn, nâng niu từng hạt lúa. Họ phơi lúa trên những mặt đường nhựa bỏng rát, đôi chân không ngừng “đi lúa” để hạt thóc mau khô. Những đống rơm vàng trải khắp con đường. Những ụ rơm được xếp ngay ngắn hình tròn, hình chóp. Hình ảnh những chú bò thong dong trên những ruộng lúa đã gặt xong, bụng no kềnh theo mùa gặt.

Nhưng, vẻ thanh bình của miền đất võ không chỉ có thể. Từ đường lộ lớn, rẽ vào hướng dẫn đến khu du lịch Hầm Hô, cả làng quê được bao bọc mởi màu xanh của cỏ cây. Phía xa xa là dãy núi sừng sững, hiền hòa. Hầm Hô nằm khuất đường lớn, được mẹ thiên nhiên ưu ái ban tặng khi vừa có núi, vừa có dòng suối quanh năm róc rách nước chảy len lỏi qua những phiến đá lớn, nhỏ từng kích thước. Những con đường nhỏ được làm ngay ngắn xuyên qua những tán cây. Về đêm, bạn không chỉ nghe được tiếng nước chảy mà còn cảm nhận được biết bao nhiêu thanh âm của núi rừng. 

Nếu đi dạo trong làng vào buổi sáng sớm, không khó để bắt gặp hình ảnh những phên nứa phơi bánh tráng được đặt ngay trước nhà, gác lên bờ rào. Những tấm bánh tráng mỏng được phơi khi nắng sớm vừa ló rạng còn pha chút hơi sương. 

Đến Tây Sơn, hiếm ai bỏ qua bảo tàng Quang Trung – được xây trên chính mảnh đất xưa của gia đình 3 anh em họ Nguyễn. Còn đó cây me cổ thụ tán vẫn xanh ngắt. Còn đó giếng nước đá ong trong vắt mà ai đến đây cũng dừng chân bên giếng, múc một gàu nước mát lành để uống. Câu chuyện với người hướng dẫn viên nặng tiếng Bình Định khi trầm, khi bổng ngọt lịm như ru lòng người. Đến Bình Định mà quên không thưởng thức tiếng trống gọi quân xưa, được xem những màn múa roi đi quyền thì coi như bạn đã không cảm nhận được hồn khí nơi đây. Từ những em nhỏ mới chừng 10 tuổi, có vài 3 năm học võ cho đến những võ sĩ, tuổi đời bước qua 50 và cả cuộc đời họ gắn với múa roi, đi quyền. Tiếng trống xưa giục quân ra trận bảo vệ đất nước. Còn nay, tiếng trống như vọng lại từ quá khứ hào hùng vẫn vẹn nguyên khí thế ấy.


Dòng suối đá ở khu du lịch Hầm Hô 

Khung cảnh thanh bình ở Tây Sơn với dòng sông lặng nước, bầu trời và rặng núi trong xanh 

Giếng nước đá ong ở bảo tàng Quang Trung đã có hơn 200 năm tuổi 

Cây me cổ thụ tán vẫn xanh ngắt 

Ngôi nhà Rông độc đáo bên trong bảo tàng Quang Trung 

Cây cầu cong cong dẫn lối du khách vào khám phá bảo tàng Quang Trung 

Khung cảnh đẹp như bức tranh sơn thủy hữu tình 

Bánh tráng phơi sương ở Tây Sơn 

Vào mùa gặt những con đường thơm nức mùi rơm mới 

Cánh đồng vàng báo hiệu một mùa bội thu 

Lúa sau khi được gặt được xếp ngay ngắn trên ruộng 

Những người phụ nữ thoăn thoắt đôi chân gánh lúa về nhà 

Những đường quyền đầy uy lực của các võ sư Bình Định 

Bài và ảnh: Đào Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét