15 thg 11, 2015

Ăn hủ tiếu... Hội An chưa? Thử đi

Đến Hội An ăn hủ tiếu! Tôi cho rằng đó là một gợi ý… lãng nhách không thể lãng nhách hơn. 

Tô hủ tiếu với nước dùng trong, thịt chả xếp khéo, ngon đậm đà 

1. Đến Hội An thì phải cao lầu, mì Quảng, cơm gà, thịt nướng, bún mắm, bánh mì hay chí ít là lê la lề đường ăn chè chứ... Nhưng mấy món đó chỉ dành cho những ai lần đầu đến với phố Hội thôi, lần thứ ba, thứ tư chí ít phải khác. Đó là lý do mà tôi và cô bạn đi cùng lê la dọc con đường Phan Châu Trinh - nơi tập trung nhiều “thương hiệu” ăn uống nổi tiếng như cơm gà Bà Buội, cơm gà Ty, bánh mì Phượng… cốt để tìm ra một thứ… khác khác để ăn. May thay, xe cao lầu, hủ tiếu ông Tý nằm khiêm tốn ngay đầu một con hẻm nhỏ nhưng khá đông khách và trông vô cùng sạch sẽ đã nhanh chóng ập vào mắt chúng tôi. Thú thật, lúc đó tôi bị thu hút nhiều bởi những lát thịt thái bản to mỏng đều đặn đặt sau lớp kính thủy tinh. Bằng dự cảm của một người “sành ăn”, tôi đoan chắc, quán này phải ngon. Thế là, không nấn ná gì nữa, hai đứa tấp vô ngay mà không cần suy nghĩ. 

Xe hủ tiếu ông Tý thường bán vào buổi chiều tối, rất đắt khách 

2. Tôi gọi ngay một tô hủ tiếu để thử. Tô hủ tiếu nghi ngút khói được dọn ra, hủ tiếu xếp gọn trong tô, cao lùm lùm, đầy đặn, phía trên gọn gàng vài lát thịt, hai lát chả bò, có cả bao tử và gan heo. Đặc biệt, một nhúm đậu phộng giã nhỏ được rắc thêm, rau nêm ngoài hành còn có ngò gai khiến chỉ cần ngửi thôi đã thấy thèm. Mà lạ, cái mùi hủ tiếu này khiến tôi liên tưởng đến món hủ tiếu bò viên ở… Bến Tre, trộn thêm chút hương vị của kiểu hủ tiếu sa tế người Hoa, vô cùng hấp dẫn. Hội An vốn là sự pha trộn văn hóa Nhật, Hoa, Việt nên không lạ khi có thể bắt gặp khẩu vị Trung Hoa tại đây, còn do đâu mà tô hủ tiếu này khiến tôi nhớ đến xứ dừa thì tôi không rõ, có thể là do mấy lát chả bò và mùi vị ngò gai quen thuộc. Mà thôi, bỏ qua việc đó, phải nếm thử thôi. Nước hủ tiếu trong vắt, chỉ có ít váng mỡ vàng vàng nổi lên khiêm tốn, húp vào thấy thanh tao, dịu nhẹ. Sợi hủ tiếu thì đặc biệt dai và không chua. Thịt dùng cho hủ tiếu cũng là thịt dùng cho món cao lầu, được rim chiên đậm đà, có màu nâu mật trông rất hấp dẫn, còn chả thì thơm dai khỏi nói. 

Hủ tiếu ăn kèm với đu đủ bào ngâm chua, cần tây 

Chưa kể, rau ăn kèm hủ tiếu cũng là điều đáng nói. Đó là những lát đu đủ xanh ngâm chua giòn rụm, vài cọng cần tàu và giá. Phải công nhận là giá ở phố Hội rất tươi, rất ngon, rất thơm, ăn vào còn cảm nhận rõ mùi đậu thoang thoảng, hoàn toàn không sợ kiểu giá ngâm hóa chất trắng nõn múp míp vừa ăn vừa lo như ở Sài Gòn. Chưa hết, đĩa ớt tươi ăn kèm nhìn cũng rất… cá tính. Những khoanh ớt cam đoan rất cay, xắt dầy… chưa từng thấy, chưa kể tương ớt ăn kèm các kiểu, nhìn rất kích thích. 

Đậu phộng giã làm cho vị hủ tiếu có nét tương đồng với hủ tiếu sa tế của người Hoa 

3. Thật không uổng công khi đã “mạo hiểm” thưởng thức hủ tiếu Hội An, mặc cho cô bạn cắm cúi ăn cao lầu. Ăn xong, tôi chỉ có một kết luận là: ngon và khác xa hủ tiếu Sài Gòn, kiểu ngon khiến người ta vừa ăn vừa sợ hết. Khi còn một ngày cuối cùng ở Hội An, hai đứa đã trở lại, lần này thì mỗi đứa… 2 tô, vừa hủ tiếu, vừa cao lầu. Chúng tôi ăn theo kiểu cho bõ thèm để đi rồi khỏi tiếc nuối. Dù vậy, lần sau đến Hội An nhất định phải ăn hủ tiếu nữa, nghe nói có phở bò cũng rất đặc trưng, nghĩ thôi đã thấy đói bụng rồi...

Thiên An (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét