4 thg 11, 2015

Lăng Mẫu Liễu Hạnh

Về Nam Định, bạn bảo là sẽ đưa tôi đến viếng Lăng Mẫu. Tôi ngờ ngợ, hỏi lại:
  • Mẫu nào?
  • Mẫu Liễu Hạnh đấy anh!
  • Lăng là nơi chôn cất đấy chứ?
  • Chứ còn thế nào nữa? Anh khéo hỏi.
Biết sao tôi thắc mắc không? Bởi vì theo truyền thuyết thì Mẫu Liễu Hạnh là một trong 4 vị Tứ Bất Tử của Việt Nam (cùng với Thánh Tản Viên, Chử Đồng Tử và Thánh Gióng). Đã bất tử thì tất nhiên là không chết, mà đã không chết thì... lấy đâu ra lăng? Lại nữa, giả dụ có chết đi, thì thời của Bà cách đây mấy ngàn năm rồi, làm gì còn dấu vết lăng mộ chứ? Cứ xem các vị cùng thời (các vua Hùng chẳng hạn), có ai còn mồ mả chi đâu, hoạ chăng chỉ có đền thờ!

Tôi không hỏi thêm, không phải vì giấu dốt, mà vì trong chuyện tìn ngưỡng - tâm linh có khi mình không rõ, hỏi bậy thì sẽ thất thố, làm buồn lòng người đối thoại. Thôi thì cứ đến viếng lăng cho biết.


Lăng Mẫu nằm ở xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, Nam Định. Đường đến lăng đi qua những làng xóm miền quê, hai bên đường là những cánh đồng bắp và đậu phộng (nhưng bạn lại gọi là ngô và lạc!).


Lăng đây rồi! Lăng Mẫu Liễu Hạnh là một công trình mỹ thuật bằng đá, được xây thành hình vuông mỗi cạnh 24 met. Mộ nằm ở trung tâm, từ ngoài vào trong là 5 vòng tường hoa bao quanh mộ. Các mặt tường hoa đều có cửa đi lên mộ, mỗi cửa lên có bình phong làm theo kiểu cuốn thư, đục chạm hoa lá cách điệu nghệ thuật. Mỗi vòng tường hoa có 12 trụ đá, trên mỗi trụ đá có một búp sen. Như vậy có tất cả 60 búp sen nhô lên ở quan lăng, trông như một hồ sen.


Không biết vô tình hay hữu ý mà mỗi búp sen dù bằng đá nhưng đều phơn phớt ánh hồng, khiến cho công trình lăng vừa trang nghiêm lại vừa mang nhiều nữ tính.


Điều khiến người viếng thăm cảm thấy hơi bị gợn là ngay trung tâm của lăng, nơi phần mộ của Mẫu Liễu Hạnh là một... Hòm Công Đức to tướng lồ lộ ra.


Ở xa bên trong là Phủ thờ Mẫu.

Ban thờ Mẫu

Ban thờ Công đồng Tứ phủ

Công trình lăng được xây dựng từ năm 1938, dưới triều Bảo Đại, do triều đình phái hội Xuân Kinh ở Huế về thiết kế và xây dựng. Đây là một tác phẩm điêu khắc đạt yêu cầu mỹ thuật, kỹ thuật cao, vì vậy năm 1975 đã được công nhận là Di tích Văn hóa - Lịch sử cấp Quốc gia.

Trở lại thắc mắc vì sao lại tồn tại Lăng Mẫu ở đây, tôi về nhà đọc sách và thấy nói rằng thế này:

Nữ thần Liễu Hạnh là một trong Tứ bất tử của dân tộc Việt. Nàng là nữ thần thượng đẳng của Cung đệ nhị trên trời, con gái thứ hai của Thượng đế.

Năm 1557, đời Hậu Lê, nàng thác sinh thành một cô gái đẹp trong gia đình Lê Thái Công ở thôn An Thái (làng Vân Cát, huyện Vụ Bản, Nam Định). Cô gái đẹp được đặt tên là Giáng Tiên. Nàng kết duyên năm 18 tuổi, và đột ngột từ trần 3 năm sau đó.

Ngội mộ mà ta thấy ở Vụ Bản hiện giờ chính là mộ của nàng Giáng Tiên, được xem là một kiếp giáng trần của Mẫu Liễu Hạnh. Như vậy ngôi mộ có từ năm 1588, đến nay mới hơn 400 năm, còn công trình lăng cho đến nay chỉ mới 77 năm mà thôi.

Dù sao đi nữa, những truyền thuyết của dân tộc thật phong phú, mấy ai được biết hết, phải không các bạn?

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét