24 thg 11, 2015

Nơi ngã ba biên giới

Trên đất nước ta chỉ có hai tỉnh nằm ở điểm giáp ranh 3 biên giới là Ðiện Biên và Kon Tum. Ở Ðiện Biên là bản A Pa Chải của bà con dân tộc Hà Nhì, thuộc xã Xín Mần huyện Mường Nhé (giáp Lào và Trung Quốc). Ở Kon Tum là buôn I ệc của đồng bào dân tộc Ka Dong, thuộc xã Bờ Y huyện Ngọc Hồi (giáp Lào và Campuchia).

Tại đây có ngã ba Đông Dương (cũng gọi là ngã ba Tam biên) nổi tiếng. Đường 40 trên đất Việt Nam đến đây chia về hai hướng, sang tỉnh Atôpơ - Lào và tỉnh Ratanakiri - Campuchia. Nơi đây còn được biết đến như là cái “túi bom” của toàn vùng Đông Dương dưới sức mạnh của “uy lực không lực Hoa Kỳ” trong thời kháng chiến chống Mỹ.

Cột mốc ngã ba biên giới.


Đi từ Bắc vào Nam theo đường thiên lý Hồ Chí Minh, đến thị trấn Plei Kần huyện Ngọc Hồi - Kon Tum, du khách sẽ gặp một ngã tư. Ấy là chỗ giao nhau của ba con đường: đường Hồ Chí Minh (tức đường 14, tên cũ là đường 18), đường 14C và đường 40. Đường 40 rẽ ngoặt về hướng Tây đi vào khu vực biên giới, chừng 10 cây số thì chia thành hai nhánh để đổ về hai nước bạn. Chỗ rẽ ấy chính là ngã ba Đông Dương. Từ ngã ba Đông Dương đi chênh chếch về hướng Tây Nam thì sang đất Campuchia, thẳng hướng Tây thì sang đất Lào, mỗi hướng chừng trên dưới 7, 8 cây số là đụng đường ranh biên giới.

Lệ thường, các cột mốc biên giới đều chỉ có hai mặt, mỗi mặt ghi số hiệu và Quốc hiệu, Quốc huy hai nước giáp ranh nhau, nhưng ở đây có một cột mốc ba mặt. Do vậy du khách nào đặt chân đến đây cũng đều háo hức muốn tận mắt “mục sở thị” cột mốc ba mặt ấy. Chỉ “khổ” cho Đồn Biên phòng Bờ Y ở đây, vì muốn vào tham quan cái cột mốc ấy thì phải đi theo con đường tuần tra của bộ đội biên phòng và thế là các anh phải cử người mở gác barie mới vào ra được.

Khám bệnh cho bà con dân tộc ngã ba biên giới.

Cột mốc ấy cách ngã ba Đông Dương chừng 10 cây số, trên một ngọn đồi cao 1.068m so với mặt nước biển, có tên Đồi Tròn, cách đường tuần tra của bộ đội biên phòng không xa. Đường tuần tra này xuyên suốt dọc chiều dài biên giới trên bộ, còn được gọi với cái tên rất... văn chương, là “Vạn lý đường biên”. Ở đây, ngày 18/1/2008 có mặt đầy đủ đại diện Bộ Ngoại giao ba nước, đại diện lãnh đạo ba tỉnh giáp ranh: Kon Tum (Việt Nam), Atôpơ (Lào) và Ratanakiri (Campuchia) đã diễn ra buổi lễ khánh thành cột mốc chung. Cột mốc đặc biệt này mang số hiệu 2007, là một khối đá granit nặng 1 tấn, cao 2 mét, được vạc thành ba mặt hướng về ba nước. Đứng trên bệ mốc, đưa mắt nhìn mênh mang núi rừng nối liền ba nước, lòng dễ dâng trào một cảm xúc biên cương, nhất là vào những buổi chiều tà sương buông mờ mịt hay những ngày mưa trắng xóa biên thùy. Từ đây đi Thủ đô Băng Cốc của Thái Lan khoảng 1.000km, gần hơn đi Thủ đô Hà Nội vài trăm cây số!

Hiện chưa có cửa khẩu mở sang Campuchia, từ ngã ba Đông Dương theo đường 40 đi về Tây chừng trên 6km thì gặp cặp cửa khẩu quốc tế Bờ Y - Phu Cưa thông thương qua Lào. Ngày 19/5/2010, nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Hồ Chủ tịch, đại diện hai nước Việt Nam và Lào, đại diên hai tỉnh Kon Tum và Atôpơ đã làm lễ khánh thành cột mốc 790 phân ranh hai nước trên đỉnh Dốc Muối, là nơi thời chống Mỹ có một kho muối phục vụ chung cho chiến trường ba nước. Cột mốc 790 khởi công từ năm 2009 với kinh phí trên 3 tỷ đồng, bằng đá granit nguyên khối, đế rộng 1,6 mét, cao 2,2 mét. Cạnh cột mốc, ngày 9/7/2010 cũng đã diễn ra Lễ khánh thành khu Kiểm soát liên hợp Việt Nam - Lào.

Bờ Y có một vị thế đặc biệt, cũng như A Pa Chải ở Điện Biên (cột mốc ba mặt ở A Pa Chải được cắm năm 2005). So với A Pa Chải thì Bờ Y gần gũi hơn, đi lại dễ dàng, thuận tiện hơn rất nhiều. Do vậy, nên lượng khách tham quan để tìm xúc cảm nơi miền biên ải nhiều hơn. Và sau này có lẽ còn nhiều hơn nữa, khi mà Khu đô thị Tam biên hình thành theo Quyết định số 225/QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ quy hoạch Khu đô thị biên giới loại 2 tại Bờ Y này. Khu đô thị tương lai này có diện tích tổng thể trên dưới 70.000 héc-ta, với đường biên giáp Lào 30km, giáp Campuchia 25km.

Người dân ngã ba biên giới chăm sóc cà phê.

Ý tưởng thành lập khu “Tam giác phát triển” này bắt nguồn từ cuộc họp cao cấp lần thứ nhất tại Viêng Chăn năm 1999 giữa Thủ tướng ba nước. Khu Tam giác gồm các tỉnh: Ratanakiri, Stung Treng (Campuchia); Atôpeu, Sê Kông (Lào); Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông (Việt Nam). Tại Hội nghị cấp cao lần thứ tư ở Đà Lạt tháng 12/2006, Thủ tướng Hun Xen (Campuchia) đánh giá khu Tam giác rằng: “Vùng giáp ranh biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia có giá trị như một bình ắc-quy khổng lồ của ba nước”! Cũng tại hội nghị này, ba Thủ tướng đã thông qua Tuyên bố chung về Phương hướng phát triển khu Tam giác, lập Ban Điều phối chung. Đến cuối năm 2012, tại thành phố Kon Tum, đại diện ba nước lại họp bàn kế hoạch, rồi đầu năm 2013 ba Thủ tướng lại gặp nhau tại Viêng Chăn bàn việc đẩy nhanh tiến độ vùng Tam giác phát triển này.

Ngày nay du khách qua đây, lồ lộ trước mắt là một công trường vĩ đại, loanh quanh đường ngang lối dọc rộng rãi khang trang và các công trình xây dựng khác đang hối hả thi công. Nhìn vào sơ đồ quy hoạch, khu đô thị biên giới này có nhiều hạng mục rất quy mô và hiện đại, như: Khu dân cư đô thị, Khu dân cư nông thôn, Làng văn hóa Tây Nguyên, Làng văn hóa Asean, Khu thương mại tự do,... Để kịp thời phục vụ khách qua lại, ngày 5/1/2007 đã khai trương một siêu thị rộng 2.000m2, bán các mặt hàng giao lưu giữa ba nước.

Với viễn cảnh đô thị hóa một vùng núi rừng biên giới, người đến sau này sẽ không bao giờ còn gặp lại một cảnh sắc biên cương, một cảm xúc biên tái nữa. Còn nhớ trên bốn mươi năm trước, một anh “lính thú biên phòng” của thời chính quyền Sài Gòn đồn trú tại đây đã có những câu thơ:

Trường Sơn nhón gót trông Lào Hạ
Mù cuối chân mây sắc lá rừng
Sừng sững bắc phương thành núi dựng
Đụng đầu dội ngược gió mây xuân

Xuân đến áp lưng sườn đá dựng
Nhìn rừng vây núi núi vây mây
Chẳng biết phương nào phương cố quận
Phương nào cũng thấy khói mây bay

Tráng sĩ đồn quân trên đất lạ
Đón xuân chẳng tốn pháo mừng xuân
Nghe trong lòng chảy nghìn sông Dịch
Nhìn bóng Trường Sơn ngỡ nước Tần...

Người lính, tác giả những vần thơ ấy là Lê Nguyên Ngữ, bây giờ đã là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Tất cả đều hãy còn ở phía trước. Tuy nhiên khách tham quan đến đây cũng có thể tưởng tượng ra hình ảnh một thế liên hoàn của trục hành lang kinh tế Đông - Tây, từ Đông Nam Myanmar, Đông Bắc Thái Lan, Đông Bắc Campuchia, Nam Lào... sẽ ngang qua đây để đi về phía biển Việt Nam. Lúc ấy, nơi cái nút giao điểm ngã ba Đông Dương này sẽ tụ hội toàn xứ Đông Dương, hay nói cách khác, là toàn khu vực Tây Bắc ASEAN.

Và, cánh lính biên phòng ở đây sẽ không như anh lính biên phòng xưa với nỗi niềm hoài cổ “nhìn bóng Trường Sơn ngỡ nước Tần”!

Bài, ảnh: Tạ Văn Sỹ

Một số hình ảnh về Ngã ba biên giới (PHN sưu tầm)

Lối lên cột mốc Ngã ba biên giới. Ảnh: Phạm Đình Quang trên Panoramio.com

Cột mốc 3 mặt ở Ngã ba biên giới. Ảnh: Ngọc Viên Nguyễn trên Panoramio.com

Đường lên cột mốc Ngã ba biên giới. Ảnh: Ngọc Viên Nguyễn trên Panoramio.com

Cửa khẩu quốc tế Bờ Y. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét