3 thg 11, 2015

Móng Cái - hấp lực của thành phố vùng biên

Từ lâu, Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) đã là cái tên nổi tiếng đối với du khách trong và ngoài nước bởi nó được biết đến như là một trung tâm thương mại sầm uất bậc nhất khu vực Đông Bắc của Việt Nam. Nơi đây được ví như "thiên đường mua sắm” của Việt Nam với đầy đủ những nhịp sống năng động của một trong những thành phố thương mại trẻ nhất nước.

Thành phố Móng Cái cách thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) gần 200km về hướng Đông Bắc theo quốc lộ 18. Xưa kia, Móng Cái có tên gọi là Mang Nhai. Đây là một thành phố có vị trí địa lý thuận lợi, có vai trò chiến lược quan trọng về địa chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh và đối ngoại với đầy đủ cửa khẩu quốc tế trên biển và trên bộ, kết nối Việt Nam với Trung Quốc và các nước khác trên thế giới.

Chính vì vậy, Móng Cái là khu thí điểm kinh tế sớm nhất của Việt Nam, bắt đầu từ năm 1996. Với lợi thế đường biên dài giáp với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), nền kinh tế cửa khẩu của Móng Cái phát triển mạnh với việc ra đời hàng loạt trung tâm thương mại sầm uất, hệ thống nhà hàng, khách sạn từ bình dân cho đến 5 sao… Vì thế thật không quá lời khi du khách đã ví Móng Cái là “thiên đường mua sắm” của vùng Đông Bắc Việt Nam.

Thành phố Móng Cái giống như một chuỗi phức hợp dịch vụ thương mại lớn và sầm uất với các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, nhà hàng... mọc lên san sát dọc theo các đại lộ khang trang, hiện đại như đại lộ Hòa Bình, Hùng Vương, Hữu Nghị, Trần Phú,…

Hiện nay, Móng Cái có 14 chợ và trung tâm thương mại lớn, tập trung ở khu trung tâm thành phố với hàng ngàn cửa hàng kinh doanh lớn nhỏ. Ở đây có các trung tâm thương mại lớn chuyên cung cấp hàng hóa bán lẻ và bán buôn cho cả khu vực miền Bắc.

Thành phố Móng Cái lung linh trong ánh đèn điện của các khu thương mại về đêm. Ảnh: Tất Sơn

Chợ trung tâm và cây cầu Ka Long (biểu tượng của thành phố) nhìn từ trên cao. Ảnh: Tất Sơn

Trung tâm thời trang của thành phố Móng Cái là nơi du khách có thể thỏa sức mua sắm với đầy đủ các mặt hàng từ bình dân đến cao cấp. Ảnh: Tất Sơn

Đến đây du khách có thể mua sắm cho mình những mặt hàng quần áo chất lượng với giá gốc. Ảnh: Tất Sơn

Móng Cái đã được Chính phủ quy hoạch phát triển thành Khu Kinh tế Cửa khẩu Móng Cái với tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Tư liệu 

Chợ Trung tâm Móng Cái nằm trên đường Trần Phú là khu chợ thu hút nhiều du khách nhất. Các khu chợ Móng Cái 2 và 3 cũng nằm trên phường Trần Phú, cách cửa khẩu Bắc Luân chừng 1 cây số. Các khu chợ này cùng với Trung tâm thương mại Vinh Cơ được biết đến như là “thiên đường” của những mặt hàng điện tử, nên nó có sức hấp dẫn rất lớn đối với du khách, khiến cho ai đến đây cũng phải sẵn sàng mở hầu bao để mua sắm cho mình những món đồ như ý.

Không chỉ là thiên đường mua sắm, thành phố trẻ vùng biên này còn có nhiều thứ đặc biệt đáng để khám phá. Ví dụ như khu Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái không chỉ nổi tiếng là cửa ngõ giao thương nhộn nhịp bậc nhất vùng Đông Bắc, nối thành phố Móng Cái (Việt Nam) với thành phố Đông Hưng (Trung Quốc), mà còn giúp thành phố Móng Cái phát triển loại hình du lịch “xuất ngoại”. Du khách đến đây có thể dễ dàng xuất cảnh đi du lịch sang các tỉnh vùng ven biển của Trung Quốc thông qua các thủ tục xuất nhập cảnh được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả.

Dù là thành phố thương mại trẻ năng động nhưng Móng Cái vẫn không mất đi những nét cổ kính, giàu truyền thống lịch sử của một vùng đất thiêng nơi địa đầu Tổ quốc. Đầu tiên phải kể đến sông Ka Long, con sông được mệnh danh là “nhất giang lưỡng quốc”, tạo thành biên giới tự nhiên dài 60km giữa thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) và thành phố Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Đây là một cửa khẩu đường sông sầm uất và quan trọng trong quan hệ giao thương Việt - Trung.

Tiếp đến là cây cầu Ka Long bắc qua sông Ka Long, biểu tượng của thành phố Móng Cái, do một nữ kiến trúc sư người Pháp thiết kế và xây dựng vào năm 1964. Cầu Ka Long là cây cầu duy nhất ở Việt Nam được xây dựng hoàn toàn bằng đá. Cầu Ka Long hiện là một trong những điểm du lịch nổi tiếng ở Móng Cái, cùng với Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái, Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vỹ, nhà thờ Trà Cổ, chùa Xuân Lan…

Với những lợi thế về vị trí địa lý, cảnh quan thiên nhiên và tiềm năng phát triển kinh tế, Móng Cái đã được Chính phủ quy hoạch phát triển thành Khu Kinh tế Cửa khẩu Móng Cái với tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Khu Kinh tế này sẽ có diện tích 121.197ha (trong đó diện tích đất liền là 66.197ha, diện tích mặt biển là 55.000ha).

Theo quy hoạch, Khu Kinh tế Cửa khẩu Móng Cái sẽ trở thành một cực tăng trưởng kinh tế năng động của vùng Đồng bằng sông Hồng, một trung tâm kinh tế phát triển trên vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ và là cửa ngõ thương mại hợp tác quốc tế quan trọng giữa Việt Nam - Trung Quốc và các nước ASEAN.

Móng Cái có sân gofl 18 lỗ được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế.

Móng Cái có những khách sạn và nhà hàng cao cấp đạt chuẩn quốc tế. Ảnh: Tư liệu

Nhà thờ đá Trà Cổ được coi là một tuyệt tác nghệ thuật kiến trúc cổ của phương Tây. Ảnh: Tư liệu

Bãi đá trên đảo Vĩnh Thực nằm ở phía Nam thành phố Móng Cái. Ảnh: Tư liệu

Đảo Vĩnh Thực là nơi còn khá hoang sơ, nên rất hấp dẫn với loại hình du lịch khám phá. Ảnh: Tư liệu

Thành phố Móng Cái vừa cho khai trương tuyến phố đi bộ đầu tiên trên đường Trần Phú. Ảnh: Tất Sơn 

Với những lợi thế này, hi vọng trong tương lai không xa, Móng Cái - thành phố vùng biên của Tổ quốc sẽ trở thành một trung tâm thương mại xứng tầm khu vực.

Bài: Thảo Vy - Ảnh: Tất Sơn & Tư liệu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét