10 thg 11, 2015

Ao Dong - hang Luồn sơn thủy hữu tình

Được sự sắp đặt khéo léo của tự nhiên, với mặt nước trong xanh, núi đá vôi, hang động thạch nhũ... ao Dong - hang Luồn đang trở thành điểm đến mới hứa hẹn thu hút du khách đến Hà Nam. 

Không gian rộng thoáng của ao Dong với sắc xanh của nước và cây cỏ - Ảnh: Minh Đức 

Từ Hà Nội, chúng tôi chạy dọc quốc lộ 1A cũ, qua địa phận huyện Thường Tín, Phú Xuyên để bắt đầu hành trình khám phá Hà Nam một ngày.

Hà Nam không phải là tỉnh được nhắc tới với nhiều điểm du lịch nổi tiếng, chủ yếu với hệ thống các ngôi chùa như chùa bà Đanh, Long Đọi Sơn cùng những nhà thờ có kiến trúc độc đáo. Vì vậy du lịch Hà Nam còn khá mới mẻ với nhiều người. Nhưng có lẽ từ bây giờ, những ai thích trải nghiệm sẽ có thêm một điểm đến trong sổ tay mỗi khi nhớ đến vùng đất này: ao Dong - hang Luồn. 

Ngoài những địa điểm nổi tiếng không thể bỏ qua như chùa Bà Đanh, nhà Bá Kiến cũng như thưởng thức các món ăn nổi tiếng như bánh cuốn Phủ Lý, chuối ngự, cá kho làng Đại Hoàng, trong danh sách những nơi sẽ đi qua có một điểm khá mới mẻ mà tôi mới nghe lần đầu. Đó là ao Dong - hang Luồn

Ao Dong thuộc địa phận xã Liên Sơn, huyện Kim Bảng. Từ trung tâm thành phố Phủ Lý, sau khi qua cầu Hồng Phú, chúng tôi hỏi đường tới Bút Phong khá dễ dàng vì người dân bên đường sẵn lòng chỉ dẫn.

Do chưa được khai thác du lịch nên phải chú ý quan sát mới nhìn thấy chỉ dẫn vào ao Dong viết trên tấm gỗ dựng ven đường. Là vùng khai thác đá cho ngành công nghiệp ximăng, việc tồn tại một nơi có vẻ đẹp yên bình có thể khiến nhiều người bất ngờ.

Đi hết con dốc dẫn vào khu khai thác đá, cả nhóm gửi xe ở chân dốc rồi tìm đường tản bộ xuống ao. 

Con đường dẫn xuống ao Dong - hang Luồn - Ảnh: Minh Đức 

Cô lái đò ao Dong - Ảnh: Minh Đức 

Do các dãy núi vòng cung bao bọc nên khu vực này trước kia không được nhiều người biết tới cho đến khi các hoạt động khai thác đá làm lộ ra con đường dẫn xuống khu vực hang Luồn.

Tiếp tục đi bộ hết con dốc, rẽ sang một lối nhỏ lần theo sườn núi toàn đá hộc mới tới được ao Dong.

Bỏ lại những ồn ào, bụi bặm bên ngoài khu công trường, quang cảnh trước mắt hiện lên thơ mộng và trong lành. Chỉ vỏn vẹn hơn 300 mẫu nhưng ao Dong có đầy đủ vẻ đẹp như các địa danh đá vôi nổi tiếng ở Tam Cốc, Tràng An (Ninh Bình).

Như một tấm gương lớn soi bóng thế núi hùng vĩ khắp phía, mặt nước ao xanh trong nhìn rõ những rong rêu đang uốn mình theo làn nước, bên trên là những thảm hoa súng bung nở...

Không ai biết cái tên ao Dong có từ đâu, nhưng nhiều người cho rằng tên gốc là “rong” vì có nhiều rong rêu, sau đó đọc sai thành “Dong”.

Ở đây chỉ có một ngôi nhà nhỏ bên núi của người trông coi ao. Chúng tôi hỏi thuê thuyền thì được biết khách từ xa tới đây thường phải trả 10.000 đồng tham quan và thêm tiền đò.

Tuy nhiên, ngồi chuyện trò một lúc, người phụ nữ đồng ý giá 150.000 đồng cho sáu người dạo chơi trên thuyền, không thu thêm "vé vào cửa". 

Mùa cạn du khách vẫn có thể đi vào hang Luồn 

Vẻ đẹp nơi hang Luồn thông ra bên ngoài - Ảnh: Minh Đức 

Đang mùa cạn nên thuyền đi vào hang khá dễ dàng. Hang Luồn có chiều dài khoảng 400m, kích thước khá nhỏ, nhưng vòm cửa hang rộng với những tán cây xòa bóng. Mùa nước lên thuyền không thể đi vào hang do nước ngập kín cửa.

Vừa tiến tới cửa hang mọi người đã cảm nhận được không khí mát lạnh và gió hun hút thông qua hai đầu hang. Cô lái đò đưa chúng tôi đèn pin và vừa chèo vừa chỉ dẫn, giới thiệu từng thạch nhũ trên trần hang.

Chưa bị bàn tay con người tác động và không bị ánh đèn làm biến sắc nên những thạch nhũ đủ các hình dáng trong hang vẫn giữ được vẻ đẹp tự nhiên, cuốn hút.

Len lỏi sâu vào hang cảm giác như con thuyền đang khẽ khàng chạm vào thế giới cổ tích huyền ảo.

Đi hết lòng hang, mọi người như hòa mình vào khung cảnh yên bình của những cánh đồng dưới chân núi đá vôi bên ngoài. Dừng chân một lúc, thuyền quay lại con đường cũ, đưa khách ghé thăm thêm hang động phía tay phải.

Qua một cây cầu đá nhỏ là tiến vào cổng hang nước thứ hai. Đây là hang kín và ngắn với những vùng nước sâu. Những khối nhũ đá trong hang tạo hình đa dạng hơn, từ những bông hoa hồng cho tới hình ảnh sóng nước, bầu ngực phụ nữ... 

Những thạch nhũ muôn hình vạn trạng - Ảnh: Minh Đức 

Cây cầu đá được người dân dựng lên, tạo điểm nhấn cho bức tranh thủy mặc - Ảnh: Minh Đức 

Thỏa thích ngắm cảnh, chụp ảnh... chúng tôi vừa lên bờ thì gặp mấy người dân địa phương ghé xuống ao thư giãn sau giờ làm việc về.

Trò chuyện với họ mới hiểu nhiều hơn về mảnh đất này. Đây cũng là nơi mà chiều chiều người dân xung quanh tụ tập chuyện trò, tắm mát hoặc tận hưởng chút yên bình cuối ngày.

Sau những giờ ngao du sơn thủy, cả nhóm vui vẻ nán lại, lắng nghe tiếng chim hót và tiếng nước chảy róc rách từ trên đỉnh núi.

Rời ao Dong - hang Luồn khi nắng chiều dần dịu lại, khung cảnh thiên nhiên như tĩnh lặng, u tịch hơn bao giờ hết. Có lẽ từ bây giờ chúng tôi đã có thêm một điểm đến trong sổ tay mỗi khi nhớ đến đất Hà Nam. 

MINH ĐỨC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét