24 thg 11, 2015

Du khách Tây và hành trình trải nghiệm trên tàu Thống Nhất

Tàu lăn bánh rời Sài Gòn trong buổi sáng sớm, cảm giác ngồi trên toa tàu thoải mái cùng tiếng cười nói rôm rả trong những giây phút tàu lăn bánh… là những trải nghiệm không thể nào quên. 

Mọi thứ xung quanh như muốn đưa du khách vào giấc ngủ say - Ảnh: wanderlust 

Vươn lên từ đống tro tàn

Trong mắt du khách, tàu Thống Nhất là hành trình khám phá tuyệt vời, nhưng với người dân Việt Nam, con tàu này còn là biểu tượng của sự thống nhất, nối liền hai miền đất nước.

Đoàn tàu duy nhất được Pháp xây dựng (1899 - 1936) để vận chuyển vũ khí và lương thực cả hai miền và bị phá hủy trong cuộc chiến tranh chống Mỹ.

Từ năm 1954, tàu Thống Nhất ngưng hoạt động vì không được phép đi qua vùng phi quân sự gần Huế do Mỹ thiết lập nhằm chia cắt hai miền Nam - Bắc.

Bên ngoài sân ga Sài Gòn, tôi gặp anh Ngọc, người cống hiến 55 năm cuộc đời cho những chuyến đi lãng mạn nhất của Việt Nam. Từ khi còn là cậu bé sống ở Tây nguyên, anh đã rất thích tàu hỏa. Anh nhớ lại “lần đầu tiên, khi nhảy lên tàu mà không có vé nên đã bị nhân viên trên tàu phát hiện và đuổi xuống”.

Kể từ đó anh ước mơ và làm mọi cách để có thể làm việc trên con tàu này. Điều đó đã trở thành hiện thực, anh trở thành một trong những người góp phần xây dựng lại hệ thống đường sắt Thống Nhất Việt Nam.

Tuyến đường sắt nối liền Bắc Nam được khởi công xây dựng và tu sửa lại vào ngày 31-12-1976 sau hơn 20 tháng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 

Con tàu luồn lách qua những căn nhà san sát trên phố - Ảnh: wanderlust 

Con tàu đang băng qua một triền núi - Ảnh: Vietq 

Hành trình Sài Gòn - Tháp Chàm - Đà Lạt

Chuyến phiêu lưu của chúng tôi bắt đầu từ ga Sài Gòn đi Đà Lạt. Vừa ra đến ngoại ô, khung cảnh hai bên đường đã hiện ra đầy quyến rũ với những cánh đồng lúa xanh mơn mởn lắc lư theo các cơn gió rít.

Hai bên đường thấp thoáng những ngôi nhà nhỏ ẩn mình dưới những tán cây cổ thụ, xen kẽ xóm làng là những nghĩa trang với những nấm mồ với cây cỏ, dây leo quấn quanh.

Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là Tháp Chàm - công trình độc đáo với kiến trúc nghệ thuật và điêu khắc Chăm. Từ đây, chỉ mất gần 3 giờ xuyên qua các cung đường cheo leo cùng khung cảnh núi non kỳ vỹ, thơ mộng là có thể đến ga Đà Lạt, nơi người Pháp tận hưởng ngày nghỉ xa hoa thời thực dân.

Từ năm 1972, ga Đà Lạt không còn liên kết với tuyến đường tàu chính nên nhà ga sơn màu vàng mù tạt với các khung cửa sổ bám đầy bụi, chiếc ghế lông trong phòng chờ không còn nhộn nhịp như trước.

Hiện sân ga số 1 được chuyển thành một quán cà phê treo những bức ảnh trắng đen về thời cực thịnh của nhà ga. Những món đồ chơi cũng được thiết kế như một toa tàu hỏa với 3 toa bằng gỗ cũ kỹ được kéo bởi đầu máy diesel tông màu vàng, xanh.

Cảm giác chao đảo khi con tàu đang tăng dần tốc độ, lượn qua những đường hầm hẹp, thậm chí tiến sát những ngôi nhà nơi cả gia đình đang ăn uống, qua các trang trại nhà kính trồng hoa và rau... 

Trên toa tàu cổ - Ảnh: wanderlust 

Phía trước sân ga Đà Lạt - Ảnh: dulichdalat 

Hành trình Nha Trang - Đà Nẵng

Chuyến tàu xuất phát từ Nha Trang vào lúc 16g30, ngồi cùng băng ghế với chúng tôi là một cặp vợ chồng bản địa trong trang phục pyjama, họ cũng đang trên đường trở về Huế sau chuyến thăm người thân ở Sài Gòn.

Toa tàu dành cho những người ngồi ghế gỗ hạng hai như chúng tôi cũng có khá nhiều bất tiện, hành khách vẫn bị nhồi nhét và ồn ào. Không có toa ăn uống riêng cho hành khách, thay vào đó có một người phụ nữ khá lớn tuổi đẩy chiếc xe bán đồ ăn như cơm, gà chiên, susu luộc… để phục vụ hành khách.

Đà Nẵng nổi tiếng với bờ biển tuyệt đẹp và là thành phố hiện đại với những khách sạn cao tầng, ván trượt và dù lượn trên bầu trời. Điểm nhấn nổi bật ở thành phố biển này chính là tượng Phật Quan Âm màu trắng cao 72m sừng sững trên sườn núi xanh ngắt màu lá.

Ngay sát bờ biển, các thuyền thúng bằng tre nằm rải rác dọc bờ biển, trên những bãi cát trắng. Thấp thoáng một vài người dân làng chài đang kéo lưới ở những vùng nước đục, hì hục kéo lưới với những vạt lưới đầy ắp cá.

Phía tây nam bao bọc bởi dãy Ngũ Hành Sơn, ngọn núi thiêng liêng được tôn thờ trong nhiều thập kỷ, chúng tôi trèo qua các bậc thang của núi Thủy Sơn - ngọn núi lớn nhất trong dãy ngũ hành với những ngôi chùa, hang động của các tín đồ Hindu sử dụng trước khi Phật pháp du nhập. 

Chùa Long Sơn, Nha Trang - Ảnh: wanderlust 

Biển Lăng Cô nối liền Đà Nẵng - Huế - Ảnh: wanderlust 

Hành trình Đà Nẵng - Hà Nội

Đến ga Đà Nẵng tiết trời âm u với cơn mưa bất chợt, chúng tôi hi vọng một điều kỳ diệu nhỏ nhoi cho sự trì hoãn của chuyến tàu. Mỗi phút trôi qua ở phòng chờ càng trở nên đông đúc vì nhiều gia đình chen chúc nhau tìm ghế ngồi và những khách du lịch nặng nề với chiếc balô đang tìm chỗ.

Trong ngoài sân ga tấp nập những gánh hàng rong bán cá nướng, trứng luộc, trà, đĩa đá dán hình Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng tiếng chào mời nhộn nhịp.

Khi đoàn tàu đến nơi là lúc hành khách ùa lên tàu như một đàn kiến gấp gáp với đống hành lý nặng trĩu. Chúng tôi ngồi yên ở cabin sau tấm màn màu hồng, dẹp những bông hoa giả và theo chỉ dẫn của anh hướng dẫn để chuẩn bị vào khu vực ngoạn mục nhất của tuyến đường sắt. 

Động Huyền Không, Đà Nẵng - Ảnh: wanderlust 

Ga Hà Nội - Ảnh: duongsathanoi 

Cơn mưa phùn không ngớt ngay cả khi đã đến Hà Nội, những đám mây thấp che phủ khu phố cổ, cơn mưa rào trút xuống dần trên cây cầu giữa hồ Hoàn Kiếm và các bức tường Nhà hát lớn.

Màn đêm buông xuống, chúng tôi ghé vào quán bar và nhà hàng Ray Quân, nằm gần đường ray xe lửa trong tiếng còi xe inh ỏi không ngừng.

Tuy vậy, tiếng xe máy, tiếng gà và tiếng thau, chậu, chảo nhanh chóng bị dập tắt bởi tiếng của đoàn tàu đang đến cùng tiếng gầm như sấm với tia lửa bắn ra từ các bánh xe đang rít lên và cả ánh sáng rực màu hổ phách từ các khoang ngủ.

Rồi không gian lại trở nên yên tĩnh. Và mỗi khi đến Ray Quân, chúng tôi lại thưởng thức một ly rượu nếp, nâng ly chúc mừng chuyến đi, sự khéo léo và quyết tâm đeo bám chuyến tàu Bắc Nam này... 

HOÀNG THƯƠNG (Theo Wanderlust) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét