30 thg 7, 2017

Lễ bỏ mả - nghi lễ tâm linh của người Raglai

Lễ bỏ mả là một nghi lễ tiêu biểu và quan trọng nhất trong hệ thống các nghi lễ truyền thống của người Raglai. Nó thể hiện một cách đầy đủ, đậm nét bản sắc văn hóa của tộc người này.

Lễ bỏ mả (Vidhi atơu) là một lễ thức quan trọng của người Raglai, được tổ chức vào tháng 3 đến tháng 4 hàng năm, sau khi đã thu hoạch xong mùa màng. Cũng như các tộc người khác ở Tây Nguyên, đồng bào Raglai quan niệm rằng, trong cõi nhân gian có hai thế giới cùng song song tồn tại, đó là thế giới của người đang sống và thế giới của những người đã khuất.

Trong lễ bỏ mả có múa hát, đánh mã la, uống rượu cần... mừng cho linh hồn người chết được siêu thoát. 


Trong nghi lễ vòng đời, mỗi con người đều phải trải qua rất nhiều nghi lễ cầu cúng, trong đó lễ bỏ mả được xem là quan trọng nhất - là ngày chia tay vĩnh viễn giữa người đang sống và người đã chết, để người chết thực sự trở về cõi vĩnh hằng.

Theo luật tục của người Raglai ở Ninh Thuận, trước khi tổ chức lễ bỏ mả, chủ nhà phải mời đủ những người thân đã từng tham dự lễ tang người quá cố, để họ được chia tay lần cuối với người đã chết, đồng thời để bày tỏ tri ân của gia đình đối với cộng đồng. Vì vậy, muốn tổ chức lễ bỏ mả, chủ lễ nhất định phải nhờ thầy địa lý (thầy cúng) chọn ngày lành, giờ tốt; sau đó tập trung chuẩn bị ủ rượu cần, làm nhà mồ, kago…, rồi phải đi đến từng nhà, trực tiếp mời bà con họ hàng tham dự.

Ba thầy cúng làm lễ Kapo. 

Kago được cột chắc chắn trên nóc nhà mồ. 

Để chuẩn bị tổ chức lễ, việc dựng mới nhà mồ có kago, đó là một dạng lâu thuyền và được sử dụng trong nghi thức bỏ mả của người Raglai, thuyền kago là thế giới tâm linh của con người hiện tại với thế giới bên kia và sự ràng buộc giữa cái hiện tại và cái hư vô. Người Raglai cho rằng càng có nhiều vật trang trí gắn trên kago thì người chết càng nhận được nhiều niềm vui ở thế giới bên kia.

Lễ Bỏ mả tiến hành trong 3 ngày, với nhiều lễ thức khác nhau như lễ bầu chủ nhang (Po Yarh), lễ dặn hồn mả (Ti kây Atơu), lễ cúng kago (Papơc Kago), lễ đập heo đập gà (Toh un toh manuq), lễ rước hồn mả về nhà ăn cơm (Nao tuh Atơu), lễ làm tầng mả cho người chết ( Ngă Vidhi Atơu)… Mỗi lễ thức mang một ý nghĩa tâm linh sâu sắc, thể hiện niềm tin tín ngưỡng và truyền thống đạo lý đoàn kết, yêu thương, kính trọng nhau của đồng bào dân tộc Raglai. 

Lễ vật và Kago được rước đến nhà mồ. 

Nghi thức đãi ma ăn uống. 

Đặc biệt, 3 ngày dự lễ bỏ mả, cũng là khoảng thời gian bà con xa gần tề tựu bên nhau, cùng chung mâm cơm, cùng chung bát rượu và cùng múa hát, chung vui… Nhiều hình thức nghệ thuật dân gian như chạm khắc gỗ (trụ nhà mồ, kago) và trình diễn (múa, âm nhạc) nhờ vậy mà được lưu truyền khá nguyên vẹn từ đời này sang đời khác, góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú trong đời sống văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Lễ bỏ mả của người Raglai chứa đựng những quan niệm về sự sống, cái chết và quan niệm về thế giới tâm linh. Đối với họ, chết không phải là hết mà là bắt đầu cho cuộc sống khác ở một thế giới khác, đó là xứ sở của ông bà tổ tiên. Đó chính là những sắc thái văn hóa góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của người Raglai nói riêng, các tộc người nói chung.

Lễ Bỏ mả là nghi lễ có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của người Raglai, tích hợp các giá trị văn hoá, nghệ thuật truyền thống, thể hiện sự sáng tạo và mang giá trị gắn kết cộng đồng. Năm 2012, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã quyết định đưa Lễ Bỏ mả của người Raglai ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng.



Minh Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét