15 thg 7, 2017

Phù Lưu – làng quê văn hiến

Phù Lưu là ngôi làng cổ ở Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh. Ngôi làng có truyền thống buôn bán và văn hóa lâu đời, quê hương của nhiều trí thức, văn nghệ sĩ nổi tiếng thời kỳ cận hiện đai.

Lịch sử hình thành làng quê văn hiến
Làng có tên nôm là làng Giầu, vào buổi sơ khai làng nguyên là một vùng trồng trầu. Theo thuyết phong thủy mà dân làng từ xưa đã truyền tụng qua bài Mộc dục là: “Làng nằm trên một dải đất cao, có mạch từ đền Cổ Pháp đến núi Voi, núi Ngựa qua nhập vào sông Kim Ngưu rồi tích tụ ở chốn Loa Hồ. Vì thế đất cát tràn khí tốt, sản sinh những bậc văn nhân, sĩ, nông, công, thương, bốn nghề toại nguyện…”. Thực tế đó là sự lý giải cho vị thế, cảnh quan tuyệt hảo ở đây – nơi đất lành được tụ khí chung đúc, nơi tiện lợi giao thông, thành trạng chuyển nối giữa rừng núi và đồng bằng, giữa đô thị và nông thôn. Do đó Làng vừa sản sinh văn nhân vừa phát triển mọi nghề, nhất là thương nghiệp. 



Phía nam làng Phù Lưu là khu rừng Sắt, vốn là lăng mộ của Trần Bá Liệt và một số quý tộc nhà Trần. Phía bắc của làng Phù Lưu là đầm Phù Lưu và rừng Báng, đầu thế kỷ XX, dân làng Đình Bảng mới được phép khai phá rừng thành đất công. Ở phía đông, nằm sát cạnh làng Phù Lưu là làng Đình Bảng. Xưa nằm ở vị trí có nhiều lợi thế khiến cho làng Phù Lưu sớm trở thành trung tâm buôn bán. Đó là vị trí trung tâm của đồng bằng cao xứ bắc thuộc lưu vực sông Hồng, sông Đuống, sông Tiêu Tương…

Đầu thế kỷ XX, làng Phù Lưu có diện tích khoảng 49 hecta, 180 hộ dân, 3078 người. Cư trú trong làng bao gồm nhiều dòng họ, nhiều người trong họ quan hệ theo huyết thống thân tộc khá chặt chẽ, một số họ lớn ở làng Phù Lưu như: họ Hoàng, họ Chu, họ Vũ, họ Phạm… Ngoài mối liên kết theo họ, người dân ở đây còn liên kết theo giáp.

Ngoài nét chung của một làng quê, ở Phù Lưu còn có những nét riêng, độc đáo của một làng buôn trong sinh hoạt văn hóa, tổ chức của cư dân dã có dáng dấp phố xá. 

Truyền thống văn hoá làng Phù Lưu
Phù Lưu vốn là một làng nông nghiệp cổ truyền, canh tác một dải đất màu mỡ. Những ghi chép trong các nguồn thư tịch cổ đã cho biết Phù Lưu xưa là một làng chợ lớn. Sách “Đại nam nhất thống chí” ghi: “Chợ Giàu ở huyện Đông Ngàn, buôn bán đông đúc là một làng chợ lớn trong tỉnh”. Sách “ Phong thổ Hà bắc đời Lê” cũng chép “Buôn the lụa, có người Phù Lưu buôn bán khắp nơi”.


Ngay tên làng Phù Lưu, vốn có tên là Thị Thôn( làng Chợ), đã cho thấy ngay từ đời Lê, Phù Lưu đã là một làng chợ. Sau này mới đồng nhất tên làng với tên xã là Phù Lưu ( hay còn gọi là chợ Giàu) với câu ca:

“Ai lên quán dốc chợ Giàu
Để thương, để nhớ, để sầu cho khách đường xa”

Theo truyền thuyết, chính đầm Phù Lưu là nơi các tướng của Triệu Quang Phục: Trương Hống và Trương Hát tập hợp và huấn luyện quân sĩ tiến ra đánh đuổi quân giặc nhà Lương.

Thời Lý, Trần, Phù Lưu thuộc đất Cổ Pháp, Quê hương nhà Lý, theo truyền thuyết , đó là nơi nhà Lý xây dựng bản doanh để chỉ huy cuộc kháng chiến chống Tống.

Thời Pháp thuộc, người Phù Lưu sớm nổi dậy chống Pháp, giác ngộ Cách Mạng. Sau cách mạng Tháng Tám, Phù Lưu là địa điểm dự bị để họp quốc hội đầu tiên, đó là đình làng Phù Lưu.

Các di tích lịch sử - Văn hóa

Các công trình đình, đền làng Phù Lưu là những công trình tín ngưỡng, tôn giáo, trung tam sinh hoạt văn hóa của toàn dân, đông thời là nơi hội tụ, lưu giữ bền vững và tôn nghiêm những truyền thống của người Phù Lưu: “Uống nước nhớ nguồn”, hiếu học, trọng nhân nghĩa, đoàn kết nhân ái và có quan hệ thủy chung, rộng mở, khuyến khích làm việc nghĩa, giúp dân, giúp nước. Ở đó cũng là nơi lưu giữ những nguồn tài liệu quý và phong phú, giúp cho việc nghiên cứu lịch sử Phù Lưu nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung trên nhiều lĩnh vực.


Chùa liền với đình về phía đông bắc, với tên chữ là “Pháp Quang Tự” . Theo nhiều nguồn tư liệu, nhất là gia phả họ Ngô ở Trang Liệt , văn bia dựng đài Kính Thiên, cho biết chùa Pháp Quang đã có từ lâu, đến thế kỷ XV – XVII đã là ngôi chùa lớn có nhiều tượng phật. Kiến trúc chùa Pháp Quang hiện nay là công trình được sửa dựng vào thời Nguyễn, dưới thời vua Thành Thái, năm Kỷ Hợi, riêng tòa gác chuông kiến trúc chồng diềm tám mái được dựng vào năm Bảo Đại thứ 8 (1933) , qua khảo sát, một số nhà nghiên cứu cho rằng chùa xưa có mặt bằng “ Nội công ngoại quốc”, trong quá trình sửa chữa lại, những người xây dựng đã cắt rời tòa ống muống, biến thành tòa thượng điện. Tượng của chùa cũng bị phá hủy nhiều, đáng chú ý nhất là ba pho tượng Tam thế, chùa còn có tượng Thích Ca sơ sinh, tượng Di Lạc, hai pho tượng phật bằng đá đặt ở sân trước cửa chùa và một số tượng khác.

Đình, đền làng Phù Lưu còn là cụm di tích kiến trúc nghệ thuật cổ kính và đặc sắc. Những công trình này được khởi dựng từ thế kỷ XVI-XVII, và nhiều lần được người dân trùng tu, mở rộng. Từ quy mô bề thế, kết cấu vững chức, dáng vẻ thanh thoát với các mái đao uốn cong, mềm mại, đến các mảng chạm khắc tinh vi trên các bộ phận kiến trúc và các di vật, đã phô bày trình độ, tài nghệ xây dựng, kỹ thuật trang trí, chạm khắc của những lớp thợ đã tham gia vào tu dựng các công trình trên. Đó là di sản văn hóa quý, tập trung ở một khu vực, tạo thành cụm di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật độc đáo và tiêu biểu của một làng buôn xứ bắc- làng Phù Lưu.

Quỳnh Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét