26 thg 7, 2017

Giai thoại địa danh rạch Bù Mắt

Rạch Bù Mắt là tên của một con rạch ở xã Ðất Mới, huyện Năm Căn. Ðịa danh “Bù Mắt” được hình thành do cách gọi dân gian, đọc trại từ tên “bọ mắt”, một loại côn trùng nhỏ hơn hạt mè (vừng) sống ở nơi ẩm ướt, hay đeo bám vào da người và hút máu như muỗi.

Trước đây, ở hai bên bờ con rạch này có rất nhiều cây bụi mọc hoang, nhiều nhất lá dừa nước, tạo môi trường lý tưởng cho loài bọ mắt sinh sôi nảy nở. Trong truyện ký “Cây đước Cà Mau”, Nhà văn Ðoàn Giỏi mô tả: “Xứ này, muỗi, bù mắt như trấu, nhiều người không có mùng mà ngủ, phải chằm khíu bao bố tời, đệm cho cả nhà nằm”.

Buổi trưa, hoặc những ngày nắng ráo, bọ mắt thường trốn trong bụi rậm bên bờ sông, hoặc đậu trên lá dừa nước mọc ven sông rạch nên ít người phát hiện. Bọ mắt chỉ xuất hiện nhiều nhất lúc trời chạng vạng tối, buổi sáng sớm hoặc những lúc trời mưa lâm râm (mưa nhỏ hạt). Khi đó, chúng thường kéo thành từng bầy, bám vào những nơi ẩm ướt, phát hiện hơi người là chúng bám vào da để chích. Ðiểm đáng chú ý là khi chích, bọ mắt thường gom thành từng cụm chính vào một chỗ, dân gian gọi là bù mắt “xây đùn”, chỗ bị chích sau đó thành một vệt đen sạm.

Một đoạn rạch Bù Mắt ngày nay.


Nơi đây vẫn còn lưu truyền câu chuyện, ngày trước có viên quan nọ có việc phải đi qua con rạch này, vốn đã nghe trước lời đồn, ông thuê sẵn một chiếc ghe có mui, cửa nẻo kín đáo và có mùng cẩn thận. Khi đến nơi đây thì trời sắp tối, ông bảo người chèo ghe nấu bữa cơm đơn giản, cho hai trứng vịt vào hấp, ăn tạm lót dạ để sáng mai lên đường.

Nồi cơm vừa chín, hai trứng vịt được lột ra trắng phau để trong cái tô nhỏ. Vừa lúc ghe cập bến một nhà dân ven rạch, chủ nhà nghe tiếng động liền xuống mời vị quan lên nhà nghỉ ngơi, vì sợ trời tối lại nhiều muỗi, bọ mắt không thể ở dưới ghe được.

Sau mấy câu chào hỏi, một lúc nhìn lại hai trứng vịt lúc nãy trắng phau giờ đã chuyển sang màu đen như hai cục than, do bọ mắt bám vào. Vị khách phải mang trứng đi rửa sạch để vào mùng ăn cơm. Hôm sau, viên quan có dịp đi dạo quanh xóm mới biết đa số dân nghèo bị bọ mắt cắn đến nỗi bị ghẻ lở, bệnh tật, nhiều người không có mùng ngủ phải lấy nóp bàng nhúng nước cho sợi bàng nở ra để chui vào ngủ.

Cuốn sách “Cà Mau xưa” của các tác giả Nghê Văn Lương và Huỳnh Minh (NXB Thanh Niên, 2003) ở trang 70 có đoạn kể về con rạch này: “Lần nọ, tam bản tôi ghé lại mé rạch đặng bắn lọ nồi, lúc trời mưa lâm râm. Chừng 10 phút sau, tôi trở xuống ghe, mặt mày ngứa ngáy khó chịu, phải lấy dầu cù là mà thoa. Khi lấy kiếng soi mặt thì chính tôi không còn nhìn được tôi nữa”.

Khu vực này xưa kia có nhiều xóm rẫy của Huê kiều (Hoa kiều) trồng nhiều loại hoa màu như rau, dưa, cà, đặc biệt là ớt sừng trâu, người địa phương hay gọi là những “rẫy Chệt” (người Nam Bộ gọi dân Hoa kiều là dân “Chệt”, do đó mà xuất hiện nhiều địa danh: Bãi Chệt, Rẫy Chệt, kinh Chệt Tửng, kinh Chệt Sáu, kinh Chệt Sậy, kinh Chệt Ớt, kinh Chệt Thợ…). Thỉnh thoảng có thương lái từ chợ Cà Mau, chợ Năm Căn ghé vào cân sỉ để về bán lại.

Vốn là một nhánh của sông Bảy Háp, lại là nơi cung cấp rau quả tươi sống, ghe xuồng của thương lái thường đi lại nên con rạch cũng được nhiều người biết đến. Trong một số tài liệu và bản đồ địa lý trước đây ghi tên rạch này là rạch Mang Dỗ. Qua tra cứu các từ điển Hán Việt không thấy nghĩa của từ này, có giả thiết rằng, tên Mang Dỗ được đọc trại từ “Mang Rỗ” (do người Hoa kiều đọc “Mang Rỗ” thành “Mang Dỗ”), là tên của một loài cá từng xuất hiện rất nhiều ở khu vực này.

Cá mang rỗ (tên khoa học là Toxotes charareus) sống ở môi trường nước lợ và nước ngọt, gần các cửa sông lớn, tại Việt Nam phân bố chủ yếu ở khu vực (trong đó có Cà Mau). Cá mang rỗ (có tài liệu ghi là “măng rỗ”) có đầu nhọn, miệng rộng, thân dẹt và thon dài, khi trưởng thành có thể dài đến 30 cm, nặng trên 1 kg. Ðặc biệt, thức ăn của chúng chủ yếu là các loài giáp xác và côn trùng trong không khí (trong đó có muỗi, bọ mắt…), chúng thường bơi gần mặt nước và săn mồi bằng cách phun những tia nước rất mạnh vào côn trùng đang bay hoặc đang đậu trên cây, làm con mồi rớt xuống và lao đến đớp lấy. Cá mang rỗ có thể thực hiện cú bắn chính xác và hạ gục con mồi ở khoảng cách từ 1-2 m, vì vậy, trong dân gian còn gọi cá này bằng những tên khác như: cá cung thủ, cá phun nước, cá cao xạ pháo… Loài cá này hiện nay còn rất ít trong tự nhiên, nhưng đã được thuần hoá thành cá nuôi cảnh với kích thước nhỏ hơn.

Tên gọi rạch Bù Mắt (bọ mắt) ngày nay và rạch Mang Dỗ (mang rỗ) trước kia đều có nguồn gốc từ tên các loài động, thực vật xuất hiện nhiều ở địa phương. Ðây chính là một trong những tính chất đặc thù của địa danh dân gian ở vùng sông nước, đồng thời phản ánh quy luật định danh đối với các địa danh ở Cà Mau nói riêng, địa danh Nam Bộ nói chung.

Ngày nay, rạch Bù Mắt đã trở thành địa danh hành chính (ấp Bù Mắt, xã Ðất Mới, huyện Năm Căn). Người dân ở đây không còn chịu cảnh bọ mắt cắn “xây đùn” như trước nữa, vì kinh rạch đã được khơi thông, nhiều gia đình lấy nguồn nước tự nhiên vào vuông nuôi tôm, môi trường cũng thông thoáng hơn…, các loài muỗi, bọ mắt từ đó mà giảm đi rất nhiều. Tuy nhiên, những câu chuyện kể về rạch Bù Mắt một thời vẫn còn lưu lại trong trí nhớ người già, thỉnh thoảng lúc trà dư, tửu hậu lại có dịp kể lại cho con cháu nghe.

Bài và ảnh: Huỳnh Thăng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét