4 thg 7, 2017

Lễ cầu mùa của người Sán Chay

Là một trong những lễ hội được tổ chức lớn nhất trong năm của người Sán Chay, lễ hội cầu mùa là hoạt động sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng đặc sắc với những nét riêng, độc đáo. Vừa qua, bà con dân tộc Sán Chay (thôn Đồng Xiền, xã Yên Lạc, Phú Lương, Thái Nguyên) đã tái hiện lễ hội cầu mùa của dân tộc mình tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Dân tộc Sán Chay còn có các tên gọi khác là Hờn Bận, Cao Lan, Sán Chí, Mán Cao Lan cư trú chủ yếu tại địa bàn các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Cạn, Bắc Giang và rải rác ở vài tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam.

Thường vào dịp tổ chức lễ hội cầu mùa, các gia đình người Sán Chay cùng chuẩn bị, góp chung lễ vật để chuẩn bị mâm cỗ cúng gồm có thịt lợn, xôi, gà, trứng, các loại bánh truyền thống, hoa quả. Một trong những vật quan trọng không thể thiếu trong lễ cúng là những tờ tranh với các họa tiết, hình vẽ cổ dựng quanh mâm lễ vật. Theo truyền thống người Sán Chay có khoảng gần 30 bức tranh với hình vẽ khác nhau được dùng trong các buổi lễ.

Một phụ nữ dân tộc Sán Chay chuẩn bị treo những bức tranh có các họa tiết cổ phục vụ cho nghi thức cúng cầu mùa.


Lễ vật người dân Sán Chay dâng cúng trong Lễ cầu mùa.

Thầy mo bắt đầu tiến hành các nghi lễ trong Lễ cầu mùa của người Sán Chay.

Các vật dụng thầy mo sử dụng trong lễ cúng là miếng gỗ chẻ đôi từ một đoạn cây và chén rượu...

... và được sử dụng để xin âm dương vào cuối phần lễ.

Điệu múa Tắc Xình khỏe khoắn, vui tươi mở đầu phần hội Lễ cầu mùa.

Những người đàn ông múa những vũ điệu cuối cùng của điệu múa Tắc Xình.

Điệu Tắc Xình biểu diễn trên nền âm thanh phát ra từ các nhạc cụ đơn giản bằng ống tre nứa với các kích thước khác nhau.

Vũ đạo của điệu múa Tắc Xình mô phỏng các hoạt động trong lao động sản xuất của người Sán Chay.

Phụ nữ Sán Chay trong trang phục dân tộc mình trong buổi lễ tái hiện nghi lễ cầu mùa. 

Vào giờ tốt, sau một hồi trống đất, thầy mo của bản trong trang phục tế lễ bắt đầu lễ cúng cầu mùa. Ông đọc lời khấn từ một cuốn sách, chép lại lời khấn cổ xin trời đất cho mưa thuận gió hòa, muôn loài được sinh sôi nảy nở, làng xóm bình yên nhà nhà mạnh khỏe, mọi người có cuộc sống no đủ. Trong khi ông làm lễ, người gõ trống đất liên tục gõ những nhịp đều nhỏ. Khi tiếng trống đất được đánh dồn dập, thầy mo sẽ xin âm dương, được chấp thuận cũng là lúc trống dứt, phần lễ cầu mùa kết thúc.

Phần hội được bắt đầu với điệu nhảy Tắc xình. Đây là điệu múa do các thanh niên nam nữ trong trang phục truyền thống cùng tham gia biểu diễn. Là điệu múa dành riêng cho lễ cầu mùa, Tắc xình có các động tác múa mô phỏng những hoạt động trong lao động sản xuất. Vũ điệu tuy đơn giản nhưng dưới sự dẫn dắt, giữ nhịp của tiếng nhạc phát ra từ giàn nhạc cụ thô sơ, dân dã lại trở nên vô cũng hấp dẫn với người xem.

Nhạc cụ người Sán Chay dùng trong điệu múa Tắc xình là trống đất và những ống gõ được làm từ tre nứa to nhỏ, dài ngắn khác nhau. Đặc biệt ấn tượng là tiếng của chiếc trống đất có đường kính miệng trống khoảng 20cm. Để làm trống họ đào sâu xuống đất khoảng 50cm với đường kính đáy rộng gấp đôi miệng trống. Tiếp đến dùng vỏ cây bịt miệng hố, rồi căng một đoạn dây rừng trên mặt đất. Sau đó chống một nhánh cây nhỏ từ miệng trống nối với dây trống. Khi làm lễ hay giữ nhịp cho điệu nhảy, người chơi gõ vào dây là tạo ra những âm thanh vọng từ đất nghe rất khác lạ.

Sau điệu múa, người Sán Chay cùng nhau hát những bài ca dân gian, diễu hành vòng quanh để thể hiện cho sự gắn bó của bà con trong bản bản. Lễ cầu mùa khép lại khi những người dân Sán Chay mời khách cùng dự bữa cơm đoàn kết, ấm áp cùng với những lời chúc cho một mùa vụ mới thật no ấm.

Bài và ảnh: Việt Cường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét