6 thg 7, 2017

Không gian văn hóa của Hiếu Tín

Nổi tiếng trong giới trẻ về thú sưu tập, lại chuyên nghiên cứu và giảng dạy về văn hóa, giảng viên Nguyễn Hiếu Tín (Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Tp. Hồ Chí Minh) có niềm đam mê đặc biệt với các loại gốm, ấm trà, tượng danh nhân và hiện ngôi nhà của anh trở thành “bảo tàng” thu nhỏ trưng bày các bộ sưu tập độc đáo của mình. 

Trong ngôi nhà 3 tầng của mình, Hiếu Tín dành hết không gian để bài trí đủ các loại đố gốm, tượng các loại, biến nơi đây giống như một bảo tàng thu nhỏ về văn hóa. Trong mỗi bộ sưu tập, Hiếu Tín lại tiếp tục phân loại thành nhiều chủ đề khác nhau, như bộ sưu tập ấm trà được phân chia ra các loại ấm trà theo từng loại chất liệu: gốm Biên Hòa, gốm Nam Bộ xưa hay gốm tử sa Trung Quốc.

Ngay ở phòng khách, Hiếu Tín bày trang trọng bức tượng của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, vị anh hùng dân tộc có công đánh đuổi quân Nguyên Mông dưới triều đại nhà Trần cuối thế kỷ 13. Hai bên tượng Hưng Đạo Vương là hai bình sứ có tích Hai Bà Trưng cưỡi voi đánh giặc, với khí thế chống ngoại xâm ngút trời của dân tộc từ những năm 40 đầu công nguyên. Nói về ý tưởng sưu tập tượng danh nhân, Hiếu Tín cho biết khi đọc các cuốn sách về danh nhân, anh cảm thấy có nhu cầu tìm hiểu sâu hơn về nhân vật qua thần thái, hình dáng các bức tượng được làm từ nhiều chất liệu. Rồi anh mới bỏ công tìm mua các bức tượng độc đáo để làm dày dặn thêm bộ sưu tập của mình.

Bộ sưu tập các loại ấm của Hiếu Tín.


Một chiếc ấm với các họa tiết trang trí phong cảnh Việt Nam.



Các loại ấm trà độc đáo được làm từ những dòng gốm truyền thống Việt như gốm Biên Hòa, gốm Nam Bộ xưa.

Một góc không gian trưng bày bộ sưu tập bình hoa của Hiếu Tín.


Một số hiện vật độc đáo trong bộ sưu tập bình hoa làm bằng gốm Biên Hòa.


Bộ sưu tập một số bình gốm cổ của Hiếu Tín.

Họa tiết trang trí hình thiếu nữ Việt trên bộ sưu tập gốm Biên Hòa.



Bộ sưu tập Ông Địa mang đặc trưng văn hóa Nam Bộ.

Nhờ các hiện vật sưu tầm, Hiếu Tín có thêm tư liệu để phục vụ công việc khảo cứu, làm chất liệu cho đề tài nghiên cứu của mình. 

Từ phòng khách tầng trệt cho đến các phòng trên các tầng lầu, Hiếu Tín chú trọng cách bài trí không gian mang đậm bản sắc văn hóa Việt. Đây như một cách để anh giới thiệu văn hóa dân tộc thông qua một chủ đề văn hóa. Từ những chú cóc có hình dáng đủ tư thế làm bằng gốm, Hiếu Tín sắp xếp thành một lớp học khi cả thầy và trò đều là cóc lấy ý tưởng từ bức tranh dân gian Đông Hồ “Lão Oa đọc sách”. Ở đây, con cóc được hóa thân thành thầy đồ theo văn hóa người Việt xưa bởi tâm niệm cóc được coi như “linh vật” của con người, “con cóc là cậu ông trời”. Theo Hiếu Tín giải thích: “Nền văn minh Việt có từ lâu đời, thể hiện qua nghiên cứu về chữ khoa đẩu, chữ của người Việt cổ có từ thời vua Hùng qua di tích khảo cổ bãi đá cổ Sapa. Đây là loại chữ có hình dáng phảng phất như con nòng nọc, ấu trùng sinh ra loài cóc”. Như vậy, từ xa xưa, cóc đã gắn liền với đời sống tâm linh người Việt qua nhiều các hình tượng văn hóa dân gian.

Đặc biệt, cũng nhờ các bộ sưu tập mà Hiếu Tín có thêm tư liệu để phục vụ cho việc khảo cứu, làm chất liệu cho đề tài nghiên cứu của mình. Hiện tại, anh đang viết về gốm Biên Hòa, nên bộ sưu tập về gốm Biên Hòa trở thành nguồn tư liệu thực tế sinh động cho anh với nhiều loại hiện vật làm từ loại gốm này. Hiếu Tín coi đây như cách “trả ơn” cho những hiện vật khi chúng mang đến cho anh niềm vui vô giá về tinh thần.

Có thể nói, thông qua “bảo tàng” thu nhỏ của Hiếu Tín với từng chuyên đề trưng bày được sắp xếp khoa học, nhiều sinh viên ngành văn hóa, du lịch hay những du khách nước ngoài có cơ hội được hiểu thêm về văn hóa Việt qua từng giai đoạn phát triển. Nơi đây còn là điểm hẹn cho bất kỳ ai có niềm đam mê những nét đẹp văn hóa dân tộc, qua đó tìm cho mình những giờ phút thư thái về tinh thần, được đàm đạo bên ấm trà cùng nhà sưu tập trẻ Hiếu Tín về những giá trị tinh thần được kết tinh từ ngàn đời mà ông cha truyền lại qua bao thế hệ.

Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Thông Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét