13 thg 7, 2017

Vang danh làng rèn Nhị Thành

Làng nghề rèn Nhị Thành, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa (Long An) có từ rất lâu đời, cung cấp phần lớn nông cụ cho công cuộc cải tạo vùng đất hoang hóa, nhiễm phèn trước kia để trở thành một vùng đồng bằng trù phú Đồng Tháp Mười hôm nay. 

Đến Nhị Thành, dù đã qua “thời kỳ hoàng kim” từ rất lâu rồi nhưng chúng tôi vẫn nghe thấy những tiếng kim loại chát chúa rất đặc trưng. Chúng tôi đến Lò rèn Út Nhựt của ông Lê Minh Nhựt, 82 tuổi và có thâm niên lâu nhất của làng nghề với trên 60 năm ở ấp 4.

Một cảm giác bùi ngùi khi chúng tôi được anh Lê Minh Hồng, con trai ông Lê Minh Nhựt thông báo ông Nhựt đã rất yếu. Tuy vậy, qua câu chuyện với anh Hồng, chủ hiện tại của Lò rèn Út Nhựt, chúng tôi thực sự tin mình đã gặp đúng người, một người với 30 năm trong nghề, đủ tâm và sức để không chỉ kế thừa sự nghiệp của người cha đáng kính và còn có thể góp công cùng các thợ rèn lâu năm khác gìn giữ truyền thống của làng nghề.

Anh Lê Minh Hồng chia sẻ, nghề rèn ở Nhị Thành đã có từ rất lâu rồi, nhiều lão niên trong làng như cha anh đều cho rằng nghề có từ thời mở cõi đất phương Nam và được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Sản phẩm của làng rèn với những nông cụ thô sơ như cày, cuốc, xẻng, liềm, hái… đều là vật dụng thiết yếu trong cuộc sống sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Nung nguyên liệu để rèn sản phẩm.


Người làm nghề rèn không chỉ đòi hỏi sức khỏe tốt mà còn phải có trái tim của người thợ kim hoàn,
sự khéo léo của người thợ may cũng như sự sáng tạo và tinh thần hăng say lao động. Người thợ phải làm việc dưới sức nóng của những chiếc lò lửa, họ phải nung, đập những khối sắt, thép nặng trịch,
có hình dạng méo mó rồi tạo dáng cho nó. 

Tay quai tay búa tao nên những thanh âm đặc trưng ở làng rèn Nhị Thành.

Sau khi tạo dáng cho sản phẩm là tiến hành tôi sắt. Cuối cùng là khâu làm chuôi, tra cán, lau chùi sản phẩm. Sản phẩm ngoài dao, búa, liềm còn có rựa, cuốc, lưỡi cày… là những sản phẩm được người dân trong vùng và các tỉnh lân cận ưa chuộng suốt một thời gian dài. 

Sử dụng máy đập giúp tăng năng suất sản phẩm.

Công đoạn máy mài sản phẩm rèn. Để cho ra một sản phẩm,, người thợ rèn phải trải qua 6 công đoạn,
trong đó công đoạn tạo dáng là khó và nặng nhất, người thợ không chỉ dùng sức để uốn nắn những thỏi sắt, thép mà còn phải có sự phối hợp đồng bộ với tất cả mọi người. Người cầm kìm giữ vai trò quan trọng trong việc tạo dáng, sẽ điều khiển việc đập thích hợp, đập bao nhiêu cái và ở những chỗ nào để công cụ có dáng ưng ý. 

Những người thợ rèn phải lao động cật lực để biến những khối sắt thép thô cứng trở thành lưỡi dao, cái cuốc, cái liềm.

Ông Lê Văn Kịp - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhị Thành cho biết: “Hiện nay trên địa bàn xã Nhị Thành còn hơn 30 hộ vẫn bám trụ với nghề rèn, tập trung chủ yếu ở các ấp 3, 4 và 5". 

Để sản phẩm làm ra đạt chất lượng, đòi hỏi người thợ phải bền bỉ, kiên trì và tỉ mỉ. Người thợ rèn lựa chọn sắt thép, biết nhìn độ lửa để tạo ra độ sắc, bền cho từng sản phẩm, những kinh nghiệm ấy do người thợ Nhị Thành chắc lọc qua những năm tháng cần mẫn với nghề.

Anh Lê Minh Hồng, chủ Lò rèn Út Nhựt kiểm tra chất lượng sản phẩm.

Sản phẩm cào của làng rèn Nhị Thành.

Sản phẩm của làng rèn Nhị Thành vẫn được khách hàng nhiều nơi ưa chuộng. 

Từ nhỏ lớn lên, anh Lê Minh Hồng đã được sống thanh âm thân thuộc của những tiếng quai búa, tiếng thổi bễ lò rèn, hay những hình ảnh đỏ lửa, những tia lửa rực sáng hắt lên khuôn mặt đen bóng, nhễ nhại mồ hôi của thợ rèn… Anh được người cha giàu kinh nghiệm là ông Lê Minh Nhựt truyền dạy những đức tính cần thiết của nghề rèn là bền bỉ, kiên trì và tỉ mỉ.

“Tôi luôn ghi nhớ lời cha tôi dặn, nghề rèn là một nghề trung thực từ khâu chọn nguyên liệu. Hơn nữa, sản phẩm rèn lại gắn liền cuộc sống của bà con nông dân, góp sức vào tăng gia sản xuất trên quê hương. Có thể lợi nhuận hiện tại không cao, nhưng nghề rèn vẫn nuôi sống được gia đình tôi và anh em làm nghề. Chúng tôi sẽ cố gắng theo nghề để gìn giữ, tiếp nối những tâm nguyện mà ông cha truyền lại…”
Anh Lê Minh Hồng tâm sự
Nghề rèn rất công phu với nhiều công đoạn để tạo ra một thành phẩm. Bước đầu là công đoạn chuẩn bị nguyên liệu, nhiên liệu rồi đến việc thổi bễ khí để đạt được độ nóng cần thiết rồi mới cho sắt vào nung. Luôn có một người thường trực thổi bễ khí, một người cặp sắt nung. Sắt vừa đỏ và đủ độ mềm cần thiết sẽ được mang ra và người thổ bễ khí sẽ quai búa (đập sắt) để định hình sản phẩm. Sau rất nhiều lần nung, đập, sản phẩm sẽ được đình hình và tiếp tục đến các công đoạn mài, bào, liếc (làm sắc), làm chuôi, tra cán.

Ở đây, công đoạn nào cũng quan trọng, nhưng quan trọng nhất là sắt nguyên liệu lúc đầu để rèn phải đủ tuổi thì mới đảm bảo chất lượng sản phẩm. Và công đoạn quyết định đến độ sắc, bền cho sản phẩm lại phụ thuộc vào độ lửa để nung sắt. Do vậy, thợ phụ trách công đoạn này đòi hỏi phải có kinh nghiệm, khéo léo thì mới căn độ lửa chính xác trong quá trình nung.

Là một làng nghề truyền thống nổi tiếng ở Long An cũng như đồng bằng sông Cửu Long, làng rèn Nhị Thành với nhiều thế kỷ tồn tại và phát triển đã trải qua biết bao nhiêu thăng trầm. Nhiều năm gần đây, sản phẩm rèn truyền thống của Nhị Thành phải chịu rất nhiều cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp trong nước cũng như ngoại nhập. Các sản phẩm bằng inox nhẹ với chủng loại phong phú, mẫu mã đẹp, tiện sử dụng được khách hàng ưa chuộng khiến thị phần của làng nghề bị giảm sút đáng kể.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn hơn 30 hộ đang bám trụ với nghề rèn ở Nhị Thành, luôn tâm huyết lưu giữ nghề của ông cha. Sản phẩm rèn Nhị Thành hiện vẫn bán được ở tỉnh Long An, Cà Mau, An Giang, Cần Thơ và các tỉnh, thành lân cận. Anh Lê Minh Hồng cho biết, giá công thợ hiện là 230.000 - 270.000 đồng/người/ngày, dù công việc rất nặng nhọc nhưng với mức thu nhập như vậy, cuộc sống của người thợ cũng tạm ổn. Giá bình quân các sản phẩm rèn khoảng 25.000 đồng/sản phẩm, trừ chi phí nguyên liệu, nhiên liệu, công thợ lãi khoảng 5.000 đồng/sản phẩm. Lò rèn Út Nhựt của anh Lê Minh Hồng làm được 80-100 sản phẩm/ngày.

Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Thông Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét