3 thg 7, 2017

Trình trò trâu rơm bò rạ

Vào mùng 4 Tết hằng năm, dân làng Bích Đại và Đồng Vệ (xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) lại cùng nhau tổ chức hội làng với điểm nhấn chính là trò diễn trâu rơm bò rạ. 

Tuy là hai làng nhưng Bích Đại và Động Vệ lại có chung ngôi đình, chung hội và cùng thờ Đinh Thiên Ích, một vị tướng thời Hùng Vương thứ 6. Màn trình diễn các hoạt động nghề nông trâu rơm bò rạ là hoạt động văn hóa để tưởng nhớ đến ông, người có công dạy dân làng trồng lúa nước.

Theo sắc phong của làng, Đức Thánh Đại Vương Đinh Thiên Ích là một vị tướng tài. Năm 62 tuổi, ông từ quan ngao du thiên hạ. Khi đến vùng này, thấy phong cảnh hữu tình ông ở lại và lập làng dạy dân trồng lúa nước, chăn nuôi gia súc, dệt vải, học chữ. Khi ông mất, dân làng tôn ông là thành hoàng làng.

Khi xưa vào hội, dân hai làng ở Đại Đồng nhà nào có trâu bò, không có tang đều làm một con trâu hoặc bò bằng rơm đem ra sân đình. Ngày nay, người dân trong xã chia thành 3 đội theo vị trí địa lý về dự hội. Thường mỗi đội có khoảng bảy chú trâu bò bằng rơm, rạ.

Trình trò trâu rơm bò rạ trên sân đình xã Đại Đồng (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) vào ngày mùng 4 tết hàng năm.


Hội làng là ước vọng của người dân cầu mong một vụ mùa bội thu, trăm nghề no đủ.

Dân làng Đại Đồng thực hiện các nghi lễ cúng tế Thành Hoàng làng trong ngày hội.

Trâu rơm được dắt ra sân đình chung của hai làng.

Tiếng trống hội rộn ràng trong lễ trâu cày tại đình làng Đại Đồng.

Vào ngày hội, dân làng hồ hởi mang những chú trâu bò được tết bằng rơm rạ ra đình dự hội đầu xuân.

Những chú trâu, bò được tết từ rơm, rạ loại dài, đẹp để lại từ vụ gặt trước Tết.

Sau tiếng trống hội, những chú trâu bắt đầu diễn trò trâu cày ngay giữa sân đình.

Những nam thanh niên giả nữ tung trấu tượng trưng cho cách reo mạ của nghề nông.

Trai làng vui vẻ trong vai trâu cày trong lễ hội trâu rơm bò rạ.

Người dân hai làng tụ hội về sân đình trong ngày hội mùa xuân.

Phút nghỉ ngơi sau lễ trâu cày trong ngày hội.

Những người nông dân vui vẻ, háo hức trong ngày hội của làng. 

Để tạo nên những chú trâu bò khác thường này, người dân phải để dành rơm, rạ cọng dài, đẹp từ vụ trước. Họ bện chặt rơm ở một số phần để tạo hình trâu bò như sừng, sống lưng... Tiếp theo là bó rơm làm phần đầu, riêng phần thân thì phủ rơm lên khung tre rồi tết đuôi. Để những chú trâu bò thêm phần sinh động, người dân Đại Đồng cắt mo cau làm tai cho trâu rơm bò rạ, vẽ mắt rồi cài hoa là hoàn thiện một chú trâuđể dự ngày hội làng.

Lễ trình nghề Đại Đồng bắt đầu sau một hồi trống dài. Dứt tiếng trống, các thanh niên trong làng đội những chú trâu rơm bò rạ lên người đóng thành trâu cày. Mỗi chú trâu được khoác ách, buộc cày và một người nam khác dắt. Dưới những lá cờ hội đầy màu sắc những chú trâu rơm bò rạ cùng diễn tích trâu cày ngay trên sân đình. Cùng lúc, những người nam giả nữ sẽ cắp thúng, vãi trấu giả cách gieo, cấy mạ, tạo nên không gian của ngày mùa sôi động. Ngoài ra, tích diễn trò tứ dân chi nghiệp với các vai ông đồ, nông dân, thợ mộc, người bán hàng … do dân làng vào vai cũng được diễn ra đồng thời.

Các tích trò diễn của dân làng Đại Đồng với mục đích chính là để giới thiệu những nghề lâu đời trong vùng, trong đó nghề chính là trồng lúa nước. Đây cũng là ước vọng của dân làng cầu mong một vụ mùa bội thu, trăm nghề no đủ trong năm.

Bài: Việt Cường - Ảnh: Khánh Long, Việt Cường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét