31 thg 7, 2017

Đền Bà Vũ trong đời sống tâm linh của người Hà Nam

Tín ngưỡng thờ Bà Vũ xã Chân Lý, Lý Nhân, Hà Nam chính là biểu tượng của lòng ngưỡng vọng lòng biết ơn của nhân dân đối với những người con gái tiết hạnh, kiên trung như bà Vũ Thị Thiết. 

Theo truyền thuyết ở địa phương thì ngôi đền này được xây dựng từ thế kỷ XV, ngay sau cái chết oan uổng của Vũ Thị Thiết. Ban đầu di tích chỉ là ngôi miếu nhỏ bằng tranh tre nứa lá do nhân dân dựng lên để thờ. Phải sau sự kiện Lê Thánh Tông đi đánh giặc qua đây, có vào chiêm ngưỡng và thắp hương nơi cổ miếu, khi chiến thắng trở về vị Vua anh minh này đã hạ lệnh cho địa phương xây dựng lại thì nơi đây mới được mở rộng và làm khang trang lên. Ngôi đền được xây dựng ở ngoài bãi ngay ven sông Hồng. Đây là khu đất rộng mấy chục mẫu, dân cư sống thành làng. Sau vì nước lũ xói mòn, bãi bị lở nên ngôi đền phải dời vào vị trí như hiện nay.

Tam quan ngôi đền. 


Phạm vi ngôi đền nằm áp sát vào khu vực đê bối ven sông Hồng. Bốn cột đồng trụ xây ngay trên mặt đê, mặt quay ra sông theo hướng Bắc, mỗi cột cao trên 6m, lại được mặt đê tôn thêm 1,60m, chính vì vậy mà nó đã tạo ra được một sự bề thế. Bốn cột trụ cao vượt tầng những cây cổ thụ xung quanh vươn lên trời xanh.

Cột trụ chia làm bốn phần, dưới cùng là chân tạo dáng phình ở giữa và thu về hai đầu hình chân tảng thắt cổ bồng, phần trên là một khối chữ nhật, các mặt đều có gờ chỉ tạo thành những khung câu đối, chữ được đắp nổi vào tường vữa. Phía trên phần này là một khối hộp hình vuông, bốn mặt được đắp nổi hình tứ linh và trên cùng là một con nghê đắp cân đối quay mặt chầu vào nhau.

Sân đền nằm dưới chân đê bối, cách mặt đê 1,60m nên phải qua 6 bậc mới xuống được sân. Ngoài cổng chính ở giữa hai cột đồng trụ lớn còn có hai cổng phụ hai bên xây theo kiểu tám mái cửa vòm.

Toàn cảnh đền Bà Vũ. 

Qua một sân gạch rộng là vào khu đền chính. Toàn bộ khu đền được xây dựng theo kiểu chữ Môn khép kín. Đằng trước là bảy gian tiền đường với hệ thống vì kèo biến thể giá chiêng chồng rường con nhị. Công trình này chốn cột, các xà đều gác lên tường. Hai đầu hồi được xây bít đốc. Toàn bộ mái lợp bằng ngói nam. Mặt đằng trước ba gian giữa là hệ thống cánh cửa bằng gỗ lim, phần trên là chấn song con tiện, phía dưới đóng theo lối cửa bức bàn. Hệ thống tường xây đằng trước có 4 cửa sổ không có cánh được trổ hình chữ triện gồm 2 cửa tròn và 2 cửa chữ nhật. Phía ngoài cùng hai bên hồi là hai cột đồng trụ. Mặt trước nhà tiền đường có ba đôi câu đối được đắp bằng vữa.

Khu trung đường làm cao hẳn lên theo kiểu gác chuông nhưng có mặt bằng hình chữ nhật. Công trình gồm 4 cột cái ở giữa và 4 cột quân ở 4 góc làm theo kiểu chồng diêm gồm hai tầng mái, mỗi lớp có 4 mái với các đao góc được uốn cong lên. Toàn bộ kiến trúc này được lợp bằng ngói vẩy. Các mái ngói như những lớp sóng dâng dần lên cao, góp phần làm cho công trình thanh thoát đỡ nặng nề.

Ngôi đền với các công trình nối tiếp bao xung quanh và nhà trung đường nằm ở chính giữa, với hai tầng mái vươn cao, nổi trội hẳn lên như một bông sen nở rộ kheo sắc dưới trời xanh. Đây chính là nét độc đáo của công trình kiến trúc tại đền.

Lễ hội đền Bà Vũ. 

Ba gian chính tẩm, tường phía sau và hai bên xây gạch, còn mặt đằng trước là hệ thống cửa bức bàn, nối liền với khu trung đường. Tất cả các vì kèo và bộ khung đều làm bằng gỗ lim, chạm khắc tuy đơn giản nhưng kỹ thuật đục đẽo láp ráp hết sức chính xác đã tạo nên một sự hoàn chỉnh vững chắc cho công trình.

Hai bên khu chính tẩm, về phái các đầu hồi, mỗi bên có ba gian. Về phái hai bên nhà trung đường, ở phái tây cũng có ba gian, còn về phía đông là một bức tường xây đã khép kín toàn bộ các công trình ở đây.

Căn cứ vào lịch sử nhân vật thờ tại di tích và truyền thuyết ở địa phương thì ngày từ thế kỷ XV ngôi đền này đã được xây dựng rất khang trang, hơn năm trăm năm qua, các công trình xây dựng chủ yếu bằng gỗ, chắc chắn chúng đã được tu sửa nhiều lần. Rất tiếc dấu vết kiến trúc của những lần xây dựng trước không để lại dấu vết gì trong công trình hiện nay. Toàn bộ ngôi đền cho đến lúc này đều mang phong cách của nền kiến trúc ở thế kỷ XIX. Tuy vậy nó vẫn tiếp thu được truyền thống, kiểu dáng, cổ truyền của dân tộc, đồng thời vẫn có những nét sáng tạo, góp phần làm phong phú thêm cho nền kiến trúc Việt Nam.

Như Quỳnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét