17 thg 7, 2017

Có một chùa Hương khác

Chùa Hương ở Hà Tây với bài hát nổi tiếng Em đi chùa Hương (thơ Nguyễn Nhược Pháp, nhạc Trung Đức) là trọng điểm du lịch hành hương của cả nước. Ít ai biết rằng, chùa Hương Hà Tây chỉ là phiên bản, xây dựng vào cuối thế kỷ XVII. Chùa Hương gốc ở trên núi Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) được xây dựng từ đầu thế kỷ XIII.

Các vua Lê – chúa Trịnh quê vùng Thanh Hóa nên các phi tần, mỹ nữ đa số được chọn tuyển ở miền Hoan Châu. Hằng năm, các cung phi, cung nữ thường trẩy hội chùa Hương bằng đường thủy qua cửa Hội Thống (gần Cửa Lò ngày nay). Dù đã bố trí lính lệ bảo vệ, phục dịch dọc đường; chúa Trịnh vẫn lo lắng nên lệnh cho xây chùa Hương Tích thứ hai ở Hà Tây mà thờ vọng để các cung tần đi trẩy hội gần và dễ quản lý hơn. Chùa Hương Hà Tây chỉ cách Hà Nội khoảng 60 km, còn chùa Hương Hà Tĩnh hơn 300 km.

Phong cảnh non xanh nước biếc từ ngôi chùa trên cao nhìn xuống

Chùa Hương Tích hay Hương Tích cổ tự, nghĩa là chùa Thơm, được mệnh danh Hoan Châu đệ nhất danh thắng, xếp vào hàng 21 thắng cảnh nước Nam xưa. Chùa ở độ cao 650m, trên lưng chừng đỉnh Hương Tích, một trong những ngọn núi đẹp nhất của dãy Hồng Lĩnh (Thiên Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh). Chùa được chạm khắc vào Anh Đỉnh – một trong chín đỉnh đồng lớn đặt ở Đại Nội Huế từ năm 1936.

Hỏa hoạn năm 1885 đã thiêu hủy phần lớn các công trình và hiện vật, chỉ sót lại vài kiến trúc đơn lẻ, gạch lát thời Trần, quả chuông thời Lê. Năm 1901, chùa được Đào Tấn, ông tổ ngành Tuồng cổ và là Tổng đốc An Tĩnh xây dựng lại. Các công trình kiến trúc như đền, am, chùa được khởi tạo, trả lại dáng vẻ nguyên xưa. Tiếc là Phật phả và Bia ký không còn nên sử liệu về chùa Hương Tích khởi công xây dựng chính xác vào ngày tháng không có, chỉ phỏng đoán năm, dưới thời nhà Trần, cùng tuổi với chùa Yên Tử ở Quảng Ninh.

Khác với nhiều chùa khác, Hương Tích cổ tự là cả quần thể di tích văn hóa tôn giáo. Có chùa thờ Phật, đền thờ Thần, có đền mang tín ngưỡng nông nghiệp và thờ mẫu. Quần thể chùa chia làm ba phần chính: Thượng điện, đền Thiên Vương và am Thánh Mẫu. Theo truyền thuyết, am Thánh Mẫu là nơi Công chúa Diệu Thiện, con vua Trang Vương, tu hành và hóa Phật Quan Âm. Kiến thúc thuần Việt, từ bậc thang đá đến tường và mái ngói đều có rêu phong, chứng tích của thời gian lưu lạc. Xung quanh chùa còn nhiều cảnh quan như động Tiên Nữ, am Phun Mây, miếu Cô, suối Tiên Tắm, khe Quỷ Khóc…

Chùa Hương Tích gắn liền với những truyền thuyết vua Hùng tìm đất đóng đô và 99 con Phụng Hoàng, về Ông Đùng xếp 99 ngọn núi để cưới Bà Đùng và nhiều di tích trên núi Hồng Lĩnh.

Mái chùa cổ kính

Cung Tam Bảo là kiến trúc tiêu biểu nhất trong quần thể, nơi lưu giữ nhiều pho tượng Phật có niên đại từ hàng mấy trăm năm. Điện thờ có 50 pho tượng Phật ngồi, cao ngang tầm ngực, vô vi, ưu tư trầm mặc giữa sương mây, lửa nến và hương đồng gió nội. Trong những năm 1960-1975 để tránh bom đạn, các tăng ni đã bí mật chôn giấu các pho tượng Phật vào lòng đất.

Mãi đến năm 2006, khi chùa trùng tu tôn tạo, các tượng Phật mới được đào lên phúng viếng, thờ phụng. Như có phép lạ, trải qua bao nhiêu năm vùi sâu dưới đất, sau khi hành lễ và tráng nước thơm, các pho tượng lại bóng loáng, không có dấu hiệu hoen rỉ, ố mòn. Nhiều người tin rằng đó là kỳ tích Quan Âm linh thiêng, Phật tổ độ trì do thiện tâm cầu khẩn và trời đất phù hộ.

Chùa Hương cách quốc lộ 1 chừng 6 km về hướng tây, xe 45 chỗ vào tận nơi. Khách mua vé vào cổng rồi đi thuyền máy khoảng 3 km trên hồ nhà Đường. Tiếng địa phương gọi là hồ nhà “Đơờng”, có từ thời Bắc thuộc, cách đây hơn 2.000 năm. Nước hồ trong xanh và mát, phẳng như một tấm gương khổng lồ giữa đất trời lồng lộng và mênh mông rừng núi. Lên thuyền từ khe Quỷ Khóc và men theo lối mòn trekking khoảng 2km là tới ga cáp treo. Lối đi xinh và đẹp như tranh. Khi len lỏi giữa rừng thông vi vu, lúc gập ghềnh khúc khuỷu, cạnh suối Hương Tuyền róc rách. Gió mơn man và thông thầm thì tình tự, thơm thảo hương rừng.

Đường xuống núi

Mùa hè, quần áo đẫm mồ hôi và gió Lào thử thách, còn hơn tập thể dục nặng. Thích nhất là đi vào dịp tháng 10, trời se lạnh, thông bừng sáng nến chào đón, khách nhẩn nha vãn cảnh, lòng an tâm tịnh, chơi vơi như thoát tục. Nếu lười đi bộ, có thể nhờ xe ôm thồ lên ga cáp treo. Đường núi lởm chởm ổ voi, xe chồm như ngựa chứng, có người lên tới nơi mặt tái mét, tưởng trúng gió.

Viếng chùa mà vài cây số đường núi cuốc bộ không nổi thì nên bái vọng từ ngoài quốc lộ hoặc tại gia vì Phật tại tâm. Đã đi hành hương thì phải dám hành xác, ít ra cũng vã mồ hôi. Từ cáp treo, tha hồ ngắm toàn cảnh Hồng Lĩnh với hồ nhà Đường và bát ngát xanh núi rừng, đồng ruộng. Nhiều bữa, gió đùa khô áo, mây sà vào cabin ghẹo khách.

Khác biệt và đối lập với phiên bản Hà Tây, chùa Hương Tích ở Hồng Lĩnh còn giữ được nhiều nét chân quê, dân dã. Chùa nhỏ, suối nhỏ, am nhỏ, đường nhỏ, buôn bán nhỏ, quà nhỏ và nói năng cũng nhỏ. Quà nhỏ là món hành tăm còn gọi là củ nén, đặc sản của vùng đất lam lũ và chịu hạn. Theo Đông y, hành tăm tính nóng, vị cay; có tác dụng tiêu đờm, giảm ho, sát khuẩn, giải độc, lợi tiểu… Món cháo nóng hành tăm giải cảm cực tốt. Bị sốt do cảm lạnh cứ đập mấy củ xoa vào lòng bàn chân và sống lưng là hạ sốt. Chưng cách thủy với đường phèn trị ho, sổ mũi, nhức đầu. Hành tăm còn là gia vị để chế biến các món có tính lạnh như lươn, nghêu, các loại cá… Quà nhỏ mà tinh tế như duyên thầm của các cô gái quê, sâu lắng như mấy điệu hò ví dặm.

Trừ mùa lễ hội sau tết, những dịp khác chùa Hương Tích tĩnh lặng đến nao lòng. Khách nhẹ lòng suy gẫm, như thoát tục, tạm xa bụi trần để đến với cõi Phật sắc sắc không không. Mùa vắng, cáp treo cũng nghỉ, chỉ hoạt động khi có khách mua vé. Những ai thật tâm muốn tìm chút không gian Phật nguyên thủy, thì chùa Hương Tích Hà Tĩnh là điểm hẹn tâm linh chưa bị thương mại hóa. Ra về cứ vấn vương cõi Phật, bỗng thấy mình tự tại, bớt sân si giữa biển đời sóng gió.

Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN MỸ (Lửa Việt Tours)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét