17 thg 7, 2017

Có một ngôi chùa tên là Chùa Ruộng Lớn

Gần đây, trên mạng các bạn trẻ thường post hình lên, hoặc nhắc nhau khi đến Long Khánh, Đồng Nai thì nhớ ghé thăm một ngôi chùa rất đẹp, mang cái tên rất mộc mạc: chùa Ruộng Lớn.

Tui ngạc nhiên lắm, vì tui sinh ra và lớn lên ở Long Khánh, tới năm 1977 mới tạm lìa bỏ nơi này để đi học ở Sài Gòn, nhưng từ đó tới nay vẫn thỉnh thoảng về thăm quê nhà mà sao lại chưa biết ngôi chùa này. Lại nữa, các bạn đưa hình ảnh đẹp của ngôi chùa lên mà không nói... chùa tên gì (là tui nói tên chính thức á, còn Ruộng Lớn chắc là tên gọi của người dân rồi), càng không nói gì đến xuất xứ của chùa. Vậy nên có dịp về Long Khánh, tui tìm đến đây...

Chùa nằm ở xã Bảo Vinh, Long Khánh, trong một vùng thôn quê hẻo lánh. Ngay cổng chùa đã là một sự khác biệt so với các ngôi chùa khác, đó là mô phỏng chiếc cổng tre, thay vì cổng tam quan đường bệ.

Cổng chùa

Phiến đá trước cổng chùa

Bước qua cổng chùa là một khung cảnh êm đềm, xanh mát. Trong khuôn viên rộng khoảng 1 ha là những tiểu cảnh, tượng điêu khắc mô tả những điển tích Phật giáo, những tượng Phật không phô trương vẻ hoành tráng nhưng thật tinh tế, hài hòa và đẹp mắt. Những điêu khắc này trong khung cảnh làng quê tạo nên một vẻ an bình, hiền dịu khiến lòng khách nhàn du yên ả, dễ chịu vô cùng.

Thuyền Bát nhã

Vườn Lâm Tỳ Ni - Đức Phật đản sinh

Đức Phật xuất gia

Bờ sông Anôma, Đức Phật cắt tóc, quyết chí tu hành

Đức Phật nhập Niết bàn

Phật Bà Quan Âm trên lưng chim phượng



Những bức tượng được chạm khắc rất tinh tế và đẹp mắt

Ở bên ngoài chùa là cánh đồng lúa xanh, gợi nhắc ta cái tên chùa: Ruộng Lớn.

Ở góc trái là ngôi chánh điện chùa. Rất khiêm tốn và đơn giản, nhưng trang nghiêm và đẹp. Ngôi chánh điện này có một điểm lạ, mang hình lục giác.



Bên trong chánh điện


Chùa Ruộng Lớn là một ngôi chùa ni, Bắc tông. Tên chính thức của chùa là Hiển Mật, vì chùa tọa lạc tại ấp Ruộng Lớn, xã Bảo Vinh, nên người dân gọi là chùa Ruộng Lớn. Vị ni sư trụ trì chùa có pháp danh rất... không có gì: Thích Nữ Hư Không.

Tui đến đây không có cơ may diện kiến ni sư trụ trì, vị ni ở chùa kể về lai lịch ngôi chùa và tui ghi lại như sau.


Ni sư kể rằng ngôi chùa Hiển Mật được khai sơn năm 1984, đến nay đã được 33 năm (đó là lý do vì sao tui không biết ngôi chùa này, vì tui đã rời Long Khánh từ năm 1977). Sư thầy vốn tu ở Ninh Thuận, nhưng người ta không cho tu ở đó nữa nên sư xuôi về phương Nam, dựng ngôi chùa nhỏ ở vùng quê hẻo lánh Long Khánh này làm nơi tu tập. Rồi ngày qua ngày, những người dân nghèo nơi đây góp chút công, chút của để ngôi chùa được như ngày hôm nay. Đến nay, khuôn viên chùa có diện tích khoảng 1 ha.

Tui đọc trên bàn thờ Sư tổ của chùa, được biết sư tổ là ni sư Thượng Pháp Hạ Bảo, thế danh Vương Bạch Liên, tu tại Linh Sơn Thạch, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Sư tổ viên tịch năm 1983, tại Linh Sơn Thạch. Kết hợp các thông tin, tui ngờ ngợ đoán ra điều mà vị ni này chưa kể rõ: vào năm 1983, khi sư thầy của ni sư Thích Nữ Hư Không viên tịch, có những khó khăn nào đó từ chính quyền địa phương khiến ni sư phải rời nơi cũ tìm chốn tu hành mới, và chốn ấy chính là ấp Ruộng Lớn. Thời điểm sư đến đây là một năm sau, 1984.

Có một điều rất đặc sắc ở chùa Ruộng Lớn là nơi đây có rất nhiều tảng đá. Những tảng đá thô được xếp đặt, tôn tạo thành những hình khối rất sinh động, tự nhiên.




Vị ni cho biết những khối đá ấy là do người dân ở đây làm ruộng, làm rẫy khơi đá nơi đất của mình lên và mang đến hiến cho chùa. Một số tảng lớn khác do Phật tử phương xa hiến tặng.

Nhìn những khối đá được xếp đặt khéo léo, gợi nên những hình ảnh sinh động, cùng cảnh quan tuyệt đẹp, hài hòa với những cụm tượng, cây xanh, bãi cỏ... tui tò mò hỏi ni sư rằng có bàn tay của kiến trúc sư hay điêu khắc gia nào hỗ trợ chăng? Sư nhỏ nhẹ trả lời rằng: Sư thầy tui làm không đó chú ơi. Phật tử cho đá, góp công góp của, sư thầy tui xem ngắm và thiết kế rồi gọi người làm. Chùa nghèo mà, có gì dùng nấy.

Nếu bạn biết rằng người dân ở ấp Ruộng Lớn rất nghèo, có tới 50% là người dân tộc Châu Ro, hầu hết là làm nghề nông, thậm chí làm nghề bắt rắn, bắt ếch - bạn sẽ thấy quý vô cùng tấm lòng của họ dành cho ngôi chùa này. Và chắc bạn cũng như tui, rất kính yêu và khâm phục vị ni sư đã dành cả tấm lòng, tâm huyết cho ngôi chùa, cho Phật pháp: Ni sư Thích Nữ Hư Không.

Ni sư Thích Nữ Hư Không đang trao quà cho đồng bào nghèo. Ảnh: Báo Giác Ngộ

Nếu có dịp đến Long Khánh, hãy đến thăm chùa Hiển Mật - Ruộng Lớn nhé bạn. Đây không phải ngôi chùa cổ, cũng không phải ngôi chùa hoành tráng, nhưng là một ngôi chùa rất đẹp, rất bình an và... rất hiền!

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét