6 thg 7, 2017

Danh thắng núi Trầm

Thắng cảnh núi Trầm thuộc xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) không chỉ có phong cảnh sơn thủy hữu tình mà còn là nơi quần tụ nhiều di tích, chùa chiền mang ý nghĩa tâm linh, có giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời vùng xứ Đoài. 

Chuyện kể rằng núi Trầm là viên ngọc trắng rơi xuống từ trời, khi chạm đến đất ven sông Đáy thì hóa thành 5 con chim phượng hoàng nhô đầu là 5 đỉnh núi. Vì vậy núi Trầm còn có tên gọi khác là Ngũ Nhạc Sơn, sau đổi tên là Tử Trầm Sơn. Đường lên núi Trầm chỉ mất khoảng 10 phút từ dưới chân núi là có thể lên lưng chừng. Tại đây có một khoảnh đất khá bằng phẳng, du khách có thể dễ dàng quan sát năm đỉnh núi đá vôi màu trắng nổi bật. Từ đây có nhiều lối mòn nhỏ tỏa lên năm đỉnh núi. 

Toàn cảnh núi Trầm với 5 đỉnh tại xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Ảnh: Việt Cường

Khung cảnh làng mạc trải dài với những cánh đồng xanh mướt của xứ Đoài nhìn từ đình núi Trầm. Ảnh: Khánh Long


Chùa Trầm cổ kính được xây dựng từ thế kỷ XVI. Ảnh: Việt Cường

Chùa Vô Vi nằm cheo leo trên vách núi. Ảnh: Việt Cường

Những cây đại cổ thụ tại Chùa Vô Vi. Ảnh: Việt Cường

Những mỏm núi đá vôi màu trắng trên đỉnh núi Trầm. Ảnh: Việt Cường 

Núi Trầm còn được biết đến như là một địa điểm hành hương linh thiêng với quần thể ba ngôi cổ tự gồm Chùa Trầm, Chùa Hang và Chùa Vô Vi. Ba ngôi cổ tự mỗi chùa mỗi vẻ nhưng đều nhỏ nhắn, khiêm nhường ẩn mình vào núi. Nổi tiếng nhất trong số đó phải kể đến ngôi chùa được xây dựng từ thế kỳ XVI có tên rất đạo: Chùa Vô Vi.

Chùa Vô Vi chỉ có diện tích khoảng 10 mét vuông. Phần lớn diện tích chùa Vô Vi dành làm điện thờ Phật, nhưng thật lạ ngay trong không gian chật hẹp đó vẫn có khoảng không khá lớn cho lầu Nghênh Phong. Từ đây, phật tử có thể vừa đón gió mát vừa phóng tầm mắt để thấy dòng sông đào từ thời Trịnh - Lê uốn lượn, xa hơn là ruộng đồng phì nhiêu và khung cảnh làng quê thanh bình.

Ngay dưới chân núi Trầm là cửa động cao hơn 3 mét là lối vào Chùa Hang. Khi vào trong động có nhiều nhũ đá hình thù với màu sắc kỳ ảo. Không gian thờ phụng tại Chùa Hang có nhiều pho tượng bằng đá. Do nằm sâu trong hang động khiến không gian tâm linh Chùa Hang rất độc đáo. Vào ngày nắng, ánh sáng chiếu qua những khe hở trên trần hang tạo cho Chùa nét kỳ ảo hiếm có. Ngoài trống đá, khánh đá, tượng thờ bằng đá có từ thời Lê, trên vách động hiện còn lưu giữ 15 tác phẩm thơ, văn cổ có giá trị.

Là ngôi chùa chính trong quần thể Danh thắng, Chùa Trầm có sân rộng với nhiều cây cổ thụ tạo nên không gian trang nghiêm và thanh tịnh. Vào mùa hội hay ngày tuần, đây là địa điểm tâm linh thu hút rất đông phật tử mọi miền hành lễ.

Bài thơ cổ ca ngợi thắng cảnh núi Trầm được khắc trên lưng rùa đá ở sân Chùa Trầm. Ảnh: Khánh Long

15 tác phẩm thơ, văn cổ có giá trị được tạc vào đá trên vách Chùa Hang. Ảnh: Việt Cường

Tượng thờ tạc bằng đá trong Chùa Hang. Ảnh: Khánh Long

Chuông đồng cổ trong Chùa Hang. Ảnh: Việt Cường

Những tượng thờ tạc bằng đá trong Chùa Hang ở động Long Tiên dưới chân núi Trầm. Ảnh: Khánh Long

Du khách thích thú đánh thử chiếc “trống trời” tại động Long Tiên. Ảnh: Việt Cường 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 4 lần về thăm núi Trầm. Đặc biệt trong thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, trước khi lên Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có thời gian ngắn chọn nơi đây làm nơi ở và làm việc. Chính từ núi Trầm, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến và Thư chúc Tết đồng bào cả nước năm Đinh Hợi 1947 được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc và phát lên sóng Đài tiếng nói Việt Nam đến với đồng bào cả nước.
Thực hiện: Việt Cường - Khánh Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét