Ngôi làng cổ kính của xứ Quảng
Làng Lang Châu 琅𤥅 ra đời vào khoảng đầu thế kỷ 16, do các tộc họ từ phía Bắc đến định cư, khai phá. Tiếp cận với hai bản phổ hệ gốc của hai tộc Trương Đức và Lê Trung trong làng thì đọc thấy niên đại các vị thủy tổ của hai tộc tiền hiền (Trương Đức và Lê Đình) vào lập làng đều là năm Khai Đại nguyên niên (1403).
Kết hợp với việc được chép trong sách “Ô châu cận lục” (1555), làng Lang Châu có thể được lập vào khoảng đầu thế kỷ 16. Lúc đầu, nơi này lấy xã hiệu Nam Cường thôn, sau mới đổi thành Lang Châu xã.
Sau đó, nhiều tộc họ khác cùng đến khai phá, phát triển làng Lang Châu: “các tộc (có 9 đời) Hồ Tấn, Võ Đức, Lê Đức, Lê Văn, Trương Văn, Trương Đăng ứng vị tại Đông phối. Tộc có 8 đời như: Trương Hữu, Nguyễn Đăng, Phạm Đình, Trương Văn, Trần Văn, vị tại Tây phối. Ngoài ra các tộc khác đều liệt vào tùng tự”.
Về mặt hành chính, Lang Châu từ hệ thuộc huyện Điện Bàn, phủ Triệu Phong, Thuận Hóa (thời Lê); tổng Uất Lũy, huyện Diên Khánh, phủ Điện Bàn (thời chúa Nguyễn); huyện Duy Xuyên, phủ Thăng Hoa (thời Tây Sơn); tổng Mậu Hòa Trung, huyện Duy Xuyên, phủ Thăng Hoa (đầu triều Nguyễn đến năm 1836), rồi chuyển về thuộc phủ Điện Bàn (từ năm 1836).
Từ đầu thế kỷ 20 đến năm 1945 thì thuộc phủ Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Quá trình biến thiên về hệ thuộc hành chính của làng Lang Châu vừa phản ánh đặc điểm diên cách lịch sử của huyện Duy Xuyên, vừa mang dấu ấn về quá trình sắp đặt, cải cách hành chính vùng đất Quảng Nam xưa.
Là “Duy Xuyên đệ tam đại xã”
Theo địa bạ được lập vào đầu thế kỷ 19, xã Lang Châu có tổng diện tích là 697 mẫu 2 sào 2 thước 7 tấc 4 phân. Tuy không lớn bằng Quảng Nam tam đại xã nhưng xét làng chỉ kém các làng Trà Kiệu, Đông Sơn và Bàn Thạch ở Duy Xuyên. Như vậy, Lang Châu là một trong những đại xã của vùng đất Duy Xuyên, Quảng Nam xưa.
Về địa giới, làng bao quát hai thôn Lang Châu Bắc và Lang Châu Nam, một phần thôn Hòa Bình, xã Duy Phước và tiếp giáp với các ngôi làng cổ kính khác trong vùng.
Đất đai của làng là dải đồng bằng rộng rãi, phì nhiêu, vô cùng thuận lợi phát triển nghề nông tang. Từ rất sớm, làng đã nổi danh với nghề trồng dâu nuôi tằm: “Lang Châu dệt nhiều lụa trắng” được chép lại trong sách “Ô châu cận lục”, góp phần vào sự phát triển của nghề tàm tang của quê lụa Duy Xuyên trong lịch sử.
Làng Lang Châu xưa nằm bên bờ nam sông Thu Bồn, nơi con đường thiên lý Bắc - Nam chạy qua. Trên địa phận của làng có quán Lang Châu - thời chúa Nguyễn, đó là ngôi quán/ nhà trạm đầu tiên từ dinh Quảng Nam đi vào phía Nam. Trong làng cũng có dòng thủy đạo nhỏ - sông Lang Châu là nguồn nước tưới tiêu, cũng là nơi ghe thuyền qua lại theo hướng đông - tây.
Nếp làng
Các thiết chế tín ngưỡng của làng gồm mộ các ngài tiền hiền, đình làng, miếu Văn Thánh, nhà thờ Tiền hiền, miếu Thành hoàng, nhà thờ tộc Trương, nhà thờ tộc Lê, hai ngôi chùa tên là chùa Ba Yên (Hoa Yên tự), Bửu Phước (Bảo Phước tự). Các công trình này đều có các hoành phi liễn đối sơn son thếp vàng mỹ lệ (Quảng Nam xã chí).
Ngày nay, ở xứ Ông Nông của làng, giữa những cánh đồng tươi tốt, xanh mát bao bọc, cảnh quan xung quanh vô cùng thoáng đãng, trên khu vực nền móng đình và nhà thờ Tiền hiền xưa, chư tộc phái làng Lang Châu đã cho trùng tu ngôi Tự đường Lang Châu (Tiền hiền tự vũ) vào năm 1997 khá khang trang.
Về mặt giáo dục - khoa cử, làng Lang Châu có những nhân vật khoa bảng về cả văn lẫn võ mà cuộc đời, sự nghiệp của họ ít người biết tới hoặc đã bị lãng quên: đó là danh thần triều Nguyễn Trương Trọng Hữu, và Võ cử nhân Lê Trung Lập.
Ông Trương Trọng Hữu (1852-?), người tộc Trương Hữu, tự là Cổ Trai, hiệu là Doãn Tân, người làng Lang Châu, đỗ Cử nhân thời vua Tự Đức năm 1876, được bổ làm quan, kinh qua nhiều chức vụ trong triều đình như Biên tu - Tu soạn Hàn lâm viện, Án sát sứ tỉnh Quảng Trị, Hồng Lô Tự Khanh sung Hoàng đệ Giáo đạo, Bố chánh sứ tỉnh Hà Tĩnh… - một bậc danh thần triều Nguyễn.
Kết hợp bản phổ hệ tộc Lê Trung với tư liệu “Quảng Nam tỉnh tạp biên”, ông Lê Trung Lập thi đỗ Cử nhân võ và làm quan tới chức Cấm binh Chánh đội trưởng thí sai, võ giai, trật tòng lục phẩm, khoảng dưới thời vua Tự Đức. Sau khi mất, ông được triều đình ban sắc phong truy tặng làm Võ công Đô úy Cấm binh Cai đội, trật Chánh ngũ phẩm.
Diện mạo ngôi làng cổ Lang Châu từ quá trình lập làng, phát triển làng xã, đời sống tín ngưỡng tôn giáo, giáo dục - khoa cử, ở một mức độ nào đó, vừa là hình ảnh thu nhỏ của vùng đất Duy Xuyên - Quảng Nam, vừa thể hiện vai trò, đóng góp của đất và người Lang Châu cho quê hương xứ sở.
Nếp làng
Các thiết chế tín ngưỡng của làng gồm mộ các ngài tiền hiền, đình làng, miếu Văn Thánh, nhà thờ Tiền hiền, miếu Thành hoàng, nhà thờ tộc Trương, nhà thờ tộc Lê, hai ngôi chùa tên là chùa Ba Yên (Hoa Yên tự), Bửu Phước (Bảo Phước tự). Các công trình này đều có các hoành phi liễn đối sơn son thếp vàng mỹ lệ (Quảng Nam xã chí).
Ngày nay, ở xứ Ông Nông của làng, giữa những cánh đồng tươi tốt, xanh mát bao bọc, cảnh quan xung quanh vô cùng thoáng đãng, trên khu vực nền móng đình và nhà thờ Tiền hiền xưa, chư tộc phái làng Lang Châu đã cho trùng tu ngôi Tự đường Lang Châu (Tiền hiền tự vũ) vào năm 1997 khá khang trang.
Về mặt giáo dục - khoa cử, làng Lang Châu có những nhân vật khoa bảng về cả văn lẫn võ mà cuộc đời, sự nghiệp của họ ít người biết tới hoặc đã bị lãng quên: đó là danh thần triều Nguyễn Trương Trọng Hữu, và Võ cử nhân Lê Trung Lập.
Ông Trương Trọng Hữu (1852-?), người tộc Trương Hữu, tự là Cổ Trai, hiệu là Doãn Tân, người làng Lang Châu, đỗ Cử nhân thời vua Tự Đức năm 1876, được bổ làm quan, kinh qua nhiều chức vụ trong triều đình như Biên tu - Tu soạn Hàn lâm viện, Án sát sứ tỉnh Quảng Trị, Hồng Lô Tự Khanh sung Hoàng đệ Giáo đạo, Bố chánh sứ tỉnh Hà Tĩnh… - một bậc danh thần triều Nguyễn.
Kết hợp bản phổ hệ tộc Lê Trung với tư liệu “Quảng Nam tỉnh tạp biên”, ông Lê Trung Lập thi đỗ Cử nhân võ và làm quan tới chức Cấm binh Chánh đội trưởng thí sai, võ giai, trật tòng lục phẩm, khoảng dưới thời vua Tự Đức. Sau khi mất, ông được triều đình ban sắc phong truy tặng làm Võ công Đô úy Cấm binh Cai đội, trật Chánh ngũ phẩm.
*
* *
HY GIANG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét