26 thg 7, 2017

Guốc mộc Phú Văn

Làng nghề guốc mộc truyền thống Phú Văn (phường Phú Thọ, Tp. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) dù đang chịu nhiều cạnh tranh của các sản phẩm giày dép chất liệu da hay nhựa của thời đại công nghiệp nhưng vẫn đang tiếp tục tồn tại, cải tiến mẫu mã để thích ứng với thị trường như minh chứng cho một sức mạnh tiềm ẩn của nét văn hóa truyền thống.

Dấu ấn của làng nghề guốc mộc Phú Văn về một thời kỳ sung túc, gắn với cái tên đường “Xóm Guốc” vốn đã được người dân gọi từ lâu đời và được chính quyền địa phương công nhận vào năm 1999.

Chúng tôi về Xóm Guốc, hỏi ai cũng biết đến gia đình ông Sáu Dẻo - người tâm huyết với nghề truyền thống của ông cha. 

Nguyên liệu để làm guốc mộc thường là gỗ loại gỗ xốp, nhẹ, dễ xẻ và dễ tạo dáng như mít, xoài.


Máy xẻ gỗ tạo hình thô ban đầu cho mỗi chiếc guốc.

Công đoạn tạo hoa văn phần đế guốc.

Công đoạn mài bóng guốc.

Công đoạn xịt sơn bóng cho guốc.

Dán keo để hoàn thiện các chi tiết cho sản phẩm guốc mộc.

Những đôi guốc mộc mới lấy ra từ lò sấy.

Bà Sáu Dẻo, cùng với ông Sáu Dẻo là 2 vợ chồng có kinh nghiệm làm guốc lâu năm nhất ở làng guốc mộc Phú Văn.

Làng nghề guốc mộc Phú Văn vẫn đang tiếp tục tồn tại dù chịu nhiều cạnh tranh nhờ sức mạnh tiềm ẩn của nét văn hóa truyền thống và tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Guốc mộc Phú Văn luôn cải tiến tùy theo thị hiếu của thị trường. 

Ông Sáu Dẻo (tên thật là Nguyễn Văn Dẻo) cho biết, năm nay ông 70 tuổi nhưng có hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghề làm guốc mộc. Thời trẻ, ông đi học nghề trong làng và gặp được bà Sáu Dẻo cũng đi làm mướn. Hai người nên duyên vợ chồng, tích cóp được chút vốn và mở cơ sở riêng cũng gần 40 năm nay.

Theo ông Sáu Dẻo, có nhiều công đoạn để tạo ra đôi guốc, gỗ sau khi cưa khúc, cho vào máy xẻ rồi vẽ lên thớ gỗ trước khi đem mài thô. Sau khi định hình chiếc guốc lại tiếp tục mài bóng. Công đoạn cuối là đóng quai và sơn trang trí, tùy theo yêu cầu của khách hàng.

Từ hai bàn tay trắng, nhờ tạo dựng cơ sở guốc mộc, ông bà Sáu Dẻo đã mua được đất, xây nhà và nuôi con cái ăn học, yên bề gia thất. Ông Sáu Dẻo kể lại, từ khi mới hình thành đầu thế kỷ 20, làng nghề guốc mộc có tới hơn 80 cơ sở làm nghề. Đến thập niên 1970, khi làng nghề bước vào giai đoạn hưng thịnh nhất, sản phẩm guốc mộc còn được xuất khẩu đi các nước Đông Nam Á và cả một số nước châu Âu. Tuy vậy, nhiều năm qua, xã hội phát triển theo hướng công nghiệp, sản phẩm guốc mộc bị giảm sút thị phần, nhiều hộ ở làng nghề phải chuyển sang nghề khác.

Bà Sáu Dẻo tâm sự: “Làng nghề hiện tại chỉ còn chưa đến 10 gia đình làm nghề, vợ chồng tôi còn duy trì vì làm lâu năm, gắn bó với nghề, muốn lưu giữ nghề truyền thống ở quê hương mình”. Bà cho biết, gỗ nguyên liệu giá khoảng 600.000 đồng/cây (chiều dài 1m), mỗi cây làm được 70-80 đôi guốc, giá 5.000-20.000 đồng/đôi tùy theo công sức của người thợ làm guốc. Trừ tiền công thợ, nguyên liệu, thu nhập của hai ông bà cũng tạm ổn cho sinh hoạt hàng ngày, và quan trọng là có được niềm vui với nghề.

Theo bà Sáu Dẻo, người thợ làm guốc cần phải khéo léo, tỉ mỉ trong từng công đoạn, biết được thị hiếu của khách hàng để kết hợp vẻ đẹp truyền thống và hiện đại trên mỗi đôi guốc.

Cũng như các làng nghề sơn mài, điêu khắc trên đất Thủ, làng nghề guốc mộc Phú Văn với hàng thế kỷ tồn tại đều đã trải qua nhiều thăng trầm. Tuy vậy, vẫn còn đó những gia đình tâm huyết như ông bà Sáu Dẻo để giúp cho làng nghề truyền thống luôn được gìn giữ. Nhờ đó, làng nghề không chỉ tạo điều kiện phát huy tiềm năng kinh tế địa phương, tạo công ăn việc làm cho lao động nhàn rỗi, mà còn bảo tồn những giá trị văn hóa quý giá cho thế hệ mai sau.

MỘT SỐ SẢN PHẨM CỦA LÀNG GUỐC MỘC PHÚ VĂN:






Đôi guốc gắn bó trong đời sống văn hóa - sinh hoạt của người dân Việt từ xa xưa, bất kể người già, trẻ em, thanh niên hay phụ nữ đều có một đôi guốc cho riêng mình, thường sử dụng trong những dịp đi giỗ chạp, cưới hỏi, hay trẻ em đi học… Đôi guốc như một người bạn giản dị, có thể sử dụng không phân biệt tầng lớp, sang hèn, mà vẫn luôn thể hiện sự trang trọng, lịch sự. 

Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Thông Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét