23 thg 7, 2017

Làng chõng tre ở thành Vinh

Trái với sự ồn ào năng động của phố xá cách đó không xa, xóm 6, xã Nghi Liên (TP Vinh) vẫn giữ những nét bình yên dân dã hiếm có.
Đó cũng chính là ngôi làng duy nhất của thành phố đến nay còn lưu giữ nghề làm chõng tre với nhiều tay thợ lành nghề.

Chúng tôi tìm về xóm 6, xã Nghi Liên khi trời đã về chiều. Từ xa đã nhìn thấy nào người lớn, trẻ con, từng nhóm đang quây quần trên những chiếc chõng tre hóng gió. Một khung cảnh bình yên mà người ta khó lòng bắt gặp giữa chốn thị thành sôi động và ồn ã.

Trời chiều song thi thoảng, tiếng đục, đẽo lại vang lên. Những âm thanh vui tai ấy dẫn chúng tôi đến nhà ông Lê Duy Đông, người đã có hơn 30 năm gắn bó với nghề làm chõng tre. Đặc biệt, cả 3 người đàn ông trụ cột trong gia đình ông gồm cụ thân sinh, ông và người anh trai đều làm nghề và trở thành những người thợ lành nghề bậc nhất Nghi Liên.

Ngay đầu ngõ ngôi nhà nhỏ là cơ man nào tre, nứa, mai cần… Ở phía trong, nơi có khoảng sân rộng, người đàn ông có mái tóc hoa râm, nước da bánh mật với đôi bàn tay gân guốc và chai sạn đang say sưa đẽo, gọt các thanh tre để ráp làm chân chõng. 

Ông Lê Duy Đông (phải) cùng anh trai của mình là những người thợ làm chõng lành nghề bậc nhất của xóm 6, xã Nghi Liên. Ảnh: T.Q 


Phía bên kia, vợ ông Đông đang quạt một lò than lớn. Khi than đã bén, bà lần lượt vác từng cây tre đặt bên cạnh lò. Ông Phương lúc này mới nghỉ tay, uống vội hớp nước để đến chỗ lò than. Nhận ra khách, ông cười bảo: “Hôm qua vừa kiếm được gần chục cây tre cật, gốc già, ruột lại đặc rất ưng ý. Nhưng tiếc là chúng lại bị cong nên phải đốt qua lửa để uốn cho thẳng. Mình chịu khó đốt, uốn, mất công một chút nhưng bù lại làm được cây chõng chắc chắn”.

Nói đoạn, ông tỉ mẩn hơ từng chỗ bị cong trên mỗi cây tre. Vừa hơ, ông vừa xoay tròn thật nhanh để tre không bị cháy đen phần ngoài rồi nhanh chóng đặt xuống nền sân, một chân ông ghì chặt thân tre, hai tay ép mạnh và nắn cho phần tre cong được thẳng ra. Cứ như thế, cho đến khi những cây tre được thẳng đều tăm tắp cũng là khi lưng áo ông ướt đầm mồ hôi.

Nghề làm chõng tre vất vả là vậy nhưng ông lại thấy được niềm vui trong sự vất vả ấy. Có lẽ, bởi cây chõng tre là người bạn không thể thiếu từ thuở ông vịn tay chập chững tập những bước đi đầu tiên, cho tới khi lớn hơn một chút thì được lân la phụ cha làm chõng; để sau mỗi chuyến chợ chõng của mẹ lại được thưởng những cây kẹo bột, kẹo dồi.

Ông kể, hồi đó nhà nghèo nên chẳng có giường, cả nhà đều ngủ trên chõng. Thậm chí, không có tiền mua võng cho con, cụ thân sinh của ông còn thiết kế một chiếc chõng nhỏ và treo 4 góc lên xà nhà. Sau đó buộc một dây và song cửa sổ, mỗi khi nằm lên chõng chỉ cần kéo nhẹ dây là chõng có thể đu đưa qua lại.

Việc ráp nối các bộ phận của chõng được tiến hành chuẩn xác và ăn khít hoàn toàn. Ảnh: T.Q 

Cứ thế, ông Đông lớn lên theo từng nhịp chõng đưa. Cho đến năm 13 tuổi, ông đã có thể tự tay làm được chiếc chõng đầu tiên. Mặc dù, chiếc chõng sau khi hoàn thành đã được mẹ đem ngay ra chợ bán nhưng đến giờ, sau hàng chục năm trôi qua ông vẫn có thể nhớ và tả rành mạch về kích thước và từng chi tiết nhỏ liên quan đến nó.

Năm 1986, khi vừa bước qua tuổi 20 ông Đông nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Sau 3 năm phục viên trở về. Từ đó đến nay, sau mỗi ngày đồng áng là ông lại gắn bó với nghề làm chõng.

Theo ông, học để biết làm chõng tre không khó, chỉ cần chăm chú học hỏi, xem người ta làm là có thể định hình được. Tuy nhiên, để chiếc chõng tre làm ra đạt chuẩn, bền, đẹp vô cùng khó. Nó không chỉ đòi hỏi sự kiên nhẫn, bền bỉ mà còn phải có một chút năng khiếu và khéo tay. Từ khâu chọn nguyên liệu, người thợ làm chõng phải có con mắt nhìn tre tinh tường. Chỉ cần nhìn vào gốc tre là biết cây nào non, cây nào tốt để có thể làm chõng được. Những cây tre thẳng, to mập mạp chưa chắc đã tốt.

Tre sau khi được chọn còn phải ngâm xuống ao rồi mới vớt lên phơi khô, vừa để chống mối mọt, vừa để chõng không bị cong vênh, nứt nẻ do thời tiết hanh khô. Khi làm, việc đo đạc tính toán là một phần, nhưng quan trọng là phải biết ước lượng để mỗi mũi cưa, mũi đục phải chính xác để khi lắp ráp, tra nối các đoạn tre với nhau được sự ăn khớp vừa khít.

Dù đã ngoài 70 nhưng ông Lê Duy Đông vẫn gắn bó với công việc của mình. Ảnh: T.Q 

Giờ đây, khi nguyên liệu là cây tre, cây mây không còn nhiều như trước, việc làm chõng cũng ít nhiều thay đổi. Người làm có thể sử dụng mét, nứa và mai cần để thay thế. Tùy vào từng nguyên liệu, thợ làm chõng phải biết tăng, giảm độ dày, riết và tạo hình các khớp nối cho chõng được đảm bảo, các chân chõng phải vững, chốt chêm phải mịn khít, nút bện mượt để người ngồi không bị đau.

Bởi sự chăm chút cho từng sản phẩm mình làm ra vô cùng cẩn thận nên “hàng” ông Đông làm ra tới đâu thì tiêu thụ hết tới đó. Bình quân mỗi tháng hè ông bán ra từ 25 cho tới 30 chiếc. Mỗi chiếc chõng có giá khoảng 300.000 đồng, nếu khách đặt hàng làm chõng lớn thì mức giá có thể lên tới 700.000 - 1.000.000 đồng.

Những tháng không phải cao điểm, lượng tiêu thụ vẫn duy trì ổn định, phục vụ chủ yếu cho nhu cầu xông, hong của những gia đình có con nhỏ hoặc phục vụ cho những người già lúc bệnh nặng để tiện lau rửa.

Chõng tre được làm không chỉ đẹp mà còn có thể sử dụng nhiều năm. Ảnh: T.Q 

Với nhiều địa phương, việc lưu giữ nghề truyền thống gặp khá nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đối với xóm 6, nghề làm chõng vẫn được gìn giữ với gần 20 hộ gắn bó. Thậm chí, nhiều thế hệ, anh em trong một gia đình cùng nhau làm chõng và thường xuyên đổi mới mẫu mã, hình thức để có thể đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Với họ, việc giữ nghề không chỉ bởi cơm áo gạo tiền, mà còn là tình yêu nghề truyền thống đã được lưu truyền qua hàng trăm năm.

Thanh Quỳnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét