3 thg 7, 2017

Bát Bửu Phật Đài - vì sao là Phật cô đơn?

Ở ấp 1, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh có một nơi mà người dân gọi là chùa Phật Cô Đơn, nơi này nổi tiếng thiêng liêng nên rất nhiều người đến khấn cầu, nhất là cầu duyên. Dĩ nhiên, tên Phật cô đơn chỉ là tên gọi dân gian chớ không phải tên chính thức nhưng mà thông dụng hơn tên thiệt nhiều. Công nhận là dân gian vui tính thiệt, Phật mà kêu là... cô đơn, nghe nó... mùi mẫn làm sao á! 

Tên đúng của nơi này là Bát Bửu Phật Đài. Phật đài, chớ không phải chùa, vì đúng là nơi này không có ngôi chùa nào hết, dù rằng dân mình cứ quen miệng hễ thấy Phật là gọi chùa. Vậy tóm lại là trong tên chùa Phật cô đơn chỉ đúng có một chữ Phật thôi, chớ không phải chùa, không phải cô đơn.

Bát Bửu Phật đài năm 1990 - Ảnh: Võ văn Tường

Sao kêu là Phật cô đơn? Ta hãy nghe kể từ vài nguồn thông tin trên mạng nhé (những thông tin này từ các báo mạng khá tên tuổi, vì lý do tế nhị tui không dẫn xuất xứ tại đây, không phải là không tôn trọng bản quyền đâu nha!)

Cho đến nay, vẫn có nhiều người biết đến Chùa Phật Cô đơn với nhiều sự tích khác nhau. Có người cho rằng, họ đi chùa thấy có một bức tượng Phật ngồi một mình mà không có bề trên bề dưới hầu hạ nên gọi Phật cô đơn. Còn nhiều người tìm hiểu kỹ hơn, họ truyền tai nhau rằng, ngày trước do cảnh chiến tranh loạn lạc, người dân nơi đây chạy trốn bom đạn, còn riêng một tượng Phật vẫn ngồi lại đó, trơ trọi giữa cánh đồng hoang.

Và lời giải thích sau đây mới là ly kỳ:

Trong thời gian chiến tranh chống Mỹ, có một người phụ nữ giàu có muốn xây một ngôi chùa ở vùng đất này để tích công đức. Vì tôn tượng Phật Thích Ca được bà thỉnh về quá lớn, nên những người xây dựng chùa quyết định thỉnh bức tượng về ngay sau khi hoàn thành ngôi Phật Đài, còn những phần kiến trúc khác sẽ tiếp tục xây dựng khi tôn tượng đức phật đã yên vị.

Nhưng sau khi tôn tượng được thỉnh về thì vào đúng lúc đó, phong trào Đồng Khởi diễn ra quyết liệt. Chiến tranh loạn lạc, người chống giặc, kẻ chạy giặc, việc xây cất chùa bị trì hoãn. Vậy là tôn tượng đức Phật trở nên “cô đơn” giữa cánh rừng bạch đàn bát ngát, không một mái che, không cả một “ngôi nhà” hoàn thiện. Cũng vì chiến tranh loạn lạc cùng những chính sách của đế quốc Mỹ, chẳng ai dám đến thăm viếng, không một nén nhang, không cả một cành hoa. Cái tên “Phật Cô Đơn” có lẽ bắt đầu từ đó.


Có chiến tranh chống đế quốc Mỹ, có phong trào Đồng Khởi, v.v... nữa, đúng là ly kỳ quá phải không?

Phật Cô đơn. Tháng 5/2017

Và đây là thông tin chính thức về xuất xứ của Bát Bửu Phật Đài cùng tên Phật cô đơn (tui tổng hợp từ nhiều nguồn, trong đó 2 nguồn chính là từ các website của Giáo hội Phật giáo VN, tư liệu về chùa Việt Nam của Võ văn Tường):

Xuất xứ của Bát Bửu Phật Đài và tên Phật cô đơn

Tại nơi này, hơn 60 năm trước, cư sĩ Lê Chí Bình đã phát tâm cúng dường khu đất rộng chừng 30 ha của gia đình, trên đó kiến tạo ngôi chùa Thanh Tâm bên kênh Cầu Xáng. Chùa Thanh Tâm bắt đầu kiến tạo năm 1955, hoàn thành năm 1956, Bát Bửu Phật Đài được tôn tạo sau đó, bắt đầu vào năm 1959 và hoàn thành vào năm 1961. Phật đài có kiến trúc hình bát giác, cao 3m. Trên đài, tôn trí tượng Đức Phật Thích Ca cao 7m, nặng khoảng 4 tấn do Hội Phật học Nam Việt chủ trương tôn tạo, với sự tùy hỷ hiến cúng của cư sĩ Hội trưởng Chánh Trí Mai Thọ Truyền. Lễ Thượng phướn và lễ An vị Phật được tổ chức vào các ngày 22 đến 25/8/1961 (Vu Lan năm Tân Sửu).

Trải qua những năm tháng trong chiến tranh, với sự tàn phá của bom đạn, chùa Thanh Tâm bị thiêu rụi, nhưng kim thân Đức Phật lộ thiên vẫn sừng sững tĩnh tại. Dân di tản, nơi đây không bóng người. Đến năm 1976, các đoàn thanh niên xung phong đến đây lao động công ích thấy tượng Đức Phật một mình giữa đồng không hoang vắng nên truyền miệng là "chùa Phật Cô Đơn”. Tên gọi dân gian này lan tỏa và đi vào lòng người từ đó.

Ai tạo tác nên tượng Phật cô đơn?

Xuất xứ của bức tượng Phật (cô đơn) trên Bát Bửu Phật đài khá bất ngờ. Theo tư liệu từ chùa Xá Lợi thì: Ban đầu khi xây chùa Xá Lợi, pho tượng được giáo sư Trương Đình Ý thực hiện bằng xi măng và thạch cao, tiếc rằng pho tượng đúc xong quá lớn không đưa lên chính điện trên lầu được, nên nhượng lại cho chùa khác (nay là tượng Phật cô đơn ở huyện Bình Chánh).

Võ văn Tường, trong Chùa Việt Nam - xưa và nay, cũng xác định rằng tượng này ban đầu được đúc cho chùa Xá Lợi, nhưng cho rằng tác giả là điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu. Tui nghĩ là ông nhầm lẫn. Nguyễn Thanh Thu là điêu khắc gia nổi tiếng với bức tượng Thương tiếc ở Nghĩa trang Quân đội VNCH cùng những tác phẩm điêu khắc khác có chủ đề tương tự, nhưng ông không được biết đến như một người tạo tác tượng Phật. Trong khi đó Trương Đình Ý nổi tiếng với hàng vài chục tượng Phật khắp nơi trên cả nước, nổi bật nhất là tượng Phật nằm trên núi Tà Cú. Trong một tài liệu chuyên môn, điêu khắc gia Trương Đình Vĩnh Lân (con ruột ông Trường Đình Ý, hiện ở Hoa Kỳ) đã viết về lời dạy của cha mình: “Tâm của người điêu khắc với tượng là một”. Theo ông Lân, cha ông từng dạy với điêu khắc Phật tượng làm sao phải rõ 32 tướng hảo và 80 tùy hình phụ để thể hiện nét tướng với cấu trúc chính xác nhân hình học. Có lẽ chính vì tạo tượng với thân tâm thanh tịnh cộng với khả năng điêu luyện về Phật tượng nên hơn 50 công trình của ông như ở chùa Ấn Quang, Xá Lợi, Phật Cô Đơn hay tượng Phật ở chùa Đại Giác ở Vũng Tàu, chùa Hồng Ân ở Huế... đều hao hao nhau và đạt đến nét “điêu khắc thuần tịnh”.

Phật hết cô đơn?

Năm 1988, Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh đã quyết định giao cho Ban Đại diện Phật giáo huyện Bình Chánh từng bước chỉnh trang khu di tích Bát Bửu Phật đài. Nhiều công trình: nhà tiếp khách, phòng phát hành kinh sách, cổng tam quan… đã được xây dựng, sửa sang và tiếp tục tôn tạo, xây dựng nhiều tượng Phật tích trong khuôn viên chùa.


Có nhiều tượng Phật, Phật... hết cô đơn!

Nhiều tượng Phật được xây dựng lên trong khuôn viên Bát Bửu Phật Đài

Một thông tin đáng chú ý là: Ngày 4/11/2014, Sở Tài nguyên - Môi trường TP cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất (quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất) của chùa Bát Bửu Phật Đài cho Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM. (nghĩa là nhà chùa mới có quyền sử dụng đất cách nay chưa tới 3 năm!).

Kế đó là: Theo Quyết định số 423/QĐ/BTS .PGTP do HT.Thích Trí Quảng, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM ấn ký ngày 21-9-2015 thành lập Ban Quản trị chùa Bát Bửu Phật Đài, nhiệm kỳ I (2015-2017) gồm 11 thành viên do HT.Thích Trí Quảng đảm nhiệm Trưởng ban. (Chú ý đến chi tiết "nhiệm kỳ I", và như vậy Ban Quản trị chùa mới được thành lập chưa tới 2 năm).

Thông tin cuối: Sáng ngày, 13-3 (nhằm ngày 16-2-Đinh Dậu), Ban Thường trực BTS GHPGVN TP.HCM long trọng tổ chức lễ đặt đá khởi công xây dựng chánh điện Bát Bửu Phật Đài (chùa Phật Cô Đơn) thuộc ấp 1, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh.

Nếu bạn còn đang suy nghĩ xem năm Đinh Dậu là năm nào, thì xin nhắc luôn: đó chính là năm nay, 2017. Chánh điện chùa chỉ mới được khởi công cách đây 3 tháng thôi!

Tui tới viếng chùa vào tháng 5/2017, - chủ yếu là viếng Phật đài, chớ chùa mới khởi công, lấy gì mà viếng - công trường đang ngổn ngang, che chắn tùm lum. Khu vực Phật đài cũng đang thi công, nhưng vẫn có người tới cúng viếng (không kể tui). 

Khu vực xung quanh tượng đài đang được thi công, 2 đóa sen 2 bên đã bị đập bể

Cần cẩu vươn mình sau lưng Phật, giàn giá chống đỡ kim thân Phật.

Công trình đang xây dựng nên đi lại cũng khá khó khăn, bất tiện. Tuy nhiên, nếu bạn muốn có những hình ảnh về Bát Bửu Phật Đài trước khi xây dựng chánh điện, hoặc có nhu cầu cấp bách về... cầu duyên thì nhanh chân tới đây cũng được.

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét