26 thg 7, 2017

Sông rạch xứ Cà Mau

Theo tư liệu, địa danh Cà Mau, vùng đất cực Nam Tổ quốc, được hình thành do người Khmer gọi tên vùng đất này là "Tưk Kha-mau", có nghĩa là "nước đen", bởi lá tràm của rừng U Minh bạt ngàn rụng xuống phân hủy làm đổi màu nước. Khám phá những con sông, rạch của xứ Cà Mau sẽ cho ta hiểu thêm về vùng đất:

"Cà Mau khỉ khọt trên bưng
Dưới sông sấu lội trên rừng cọp um".


Có một điều khá đặc biệt là các sông rạch của Cà Mau không nằm trong hệ thống tự nhiên của sông Cửu Long như phần lớn sông rạch ở các tỉnh khác của Tây Nam bộ. Nó được nối, thông với sông Hậu bởi những con kênh do người Pháp đào ở thế kỷ trước như kinh Cái Côn – Phụng Hiệp, kinh Quản Lộ, Cái Lớn - Trèm Trẹm, Bạc Liêu- Cà Mau. Đặc biệt hơn, sông rạch ở Cà Mau đều có giai thoại, sự tích về nguồn gốc xuất xứ tên gọi.

Xóm ven sông xã Đất Mũi.


Sông Ông Đốc - trong sách Gia Định Thành thông chí có tên là Khoa Giang. Sông đổ ra vịnh Thái Lan (biển Tây), hai bên có nhiều rạch phụ, nhiều xóm làng phì nhiêu, sung túc. Theo tri phủ Trần Văn Từ (trang 53 – bài Sông Ông Đốc, Cà Mau xưa - Nguyễn Văn Lương- Huỳnh Minh – NXb Thanh Niên, 2003): Khi chúa Nguyễn Phúc Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi, ông và tùy tùng, gia quyến chạy vào xóm Cái Tàu ẩn nấp. Vài tháng sau, Nguyễn Ánh theo con sông nầy định ra hòn Thổ Chu rồi sang Xiêm cầu viện. Nhưng khi đoàn thuyền đi được một đỗi, thì bị quân Tây Sơn phát hiện đuổi theo. Đô Đốc Thủy binh Nguyễn Văn Vàng, khoác hoàng bào giả Nguyễn Vương để đánh lạc hướng quân giặc. Ông bị quân Tây Sơn giết chết. Nguyễn Ánh nhờ đó mà chạy thoát qua ngả khác!

Do vậy sông Khoa Giang còn được gọi là sông Ông Đốc hay sông Đốc. Hiện nay, thị trấn Sông Đốc là một trong những cảng cá lớn, nhộn nhịp nhất ở ĐBSCL. Sông Đốc cũng là một điểm tập kết ra Bắc của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ miền Nam sau hiệp định Giơ-neo-vơ (20-7-1954). Tại nơi này, gần 60 năm về trước (26-11-1954), đã chứng kiến cuộc chia ly cảm động của những người tiễn chồng, cha, con, em mình đi tập kết trên con tàu Kilinxki của Ba Lan. Vàm sông Ông Đốc trở thành địa danh gây nhiều cảm xúc trong lòng người Nam bộ. Ngày nay, thị trấn nầy là nơi có nghề cá mạnh vào bậc nhất nước ta, sản lượng trên dưới 60.000 tấn mỗi năm.

Sông Bảy Háp khá lớn. Theo Nhà nghiên cứu dân gian Huỳnh Minh thì chữ Háp bắt nguồn từ cách đếm và tính bội số theo: phân, chỉ, lượng, cân, yến, tạ, đàm, háp… Các sản vật như lúa, gạo, than, cá, khô, mắm, heo thường được tính theo đơn vị đo lường này. Thông thường thì 10 tạ (1 tạ=60kg) vô 1 đàm, 10 đàm vô 1 háp. Bảy Háp có trọng lượng quy đổi chừng 60kg x 10x10x 7= 42.000kg.

Sông Bảy Háp nước chảy lờ đờ, có nhiều con rạch trên đồng đổ xuống nên có rất nhiều tôm cá. Chuyện xưa, đầu thế kỷ trước, có một gia đình lão ngư chuyên nghề "hạ bạc" (nghề chài lưới) chỉ có hai miệng đáy đóng ở vàm Giá Ngựa (huyện lỵ Đầm Dơi ngày nay). Năm ấy (1909), hai miệng đáy của ông trúng đậm, phơi làm tôm khô được "7 háp" (42 tấn), một kỷ lục chưa từng có. Nếu tính theo giá thị trường hiện nay 500.000 đồng một ký tôm khô thì vụ tôm đó thu hoạch được khoảng 21 tỉ đồng. Sông Bảy Háp có xuất xứ tên gọi từ giai thoại trên!

Bình minh trên sông Cửa Lớn.

Sông Cửa Lớn - tên chữ là Đại Môn Giang. Đây là con sông có dòng chảy độc đáo – bắt nguồn từ biển Tây chảy ra biển Đông. Sông dài chừng 58 km, rộng 600 m và sâu 12 m. Con sông này đầu bên biển Đông là cửa Bồ Đề, còn đầu bên biển Tây là cửa Ông Trang, gần mũi Cà Mau.

Đại Môn Giang chia cắt khu vực cuối bán đảo Cà Mau thành như một đảo. Hiện cầu Năm Căn bắc qua sông Cửa Lớn đang thi công. Đây là cây cầu có chiều dài nhất Việt Nam (3.390m). Đại Môn Giang với hệ sinh thái nước lợ là một ngư trường khai thác nhiều loại thủy hải sản có giá trị kinh tế. Cảng Năm Căn nằm trên sông Cửa Lớn, gần thị trấn Năm Căn.

Từ thị trấn Năm Căn ra cửa Bồ Đề (biển Đông), cửa Ông Trang (biển Tây), hai bên sông Cửa Lớn là những cánh rừng đước bạt ngàn. Hiện vẫn còn nhiều khỉ, vượn sinh sống trong những khu rừng đước, mắm. Lưu vực sông Cửa Lớn rất dồi dào thủy hải sản. Ngoài nghề đáy sông truyền thống, cư dân ở dọc theo sông còn có nhiều nghề mưu sinh khác như đăng lưới, đẩy te, chài, giăng câu...Vào khoảng tháng 9 đến tháng 11 hằng năm, khi có gió chướng thổi, trái mắm chín rụng đầy sông, cá dứa từ biển lội vào sông từng bầy tìm ăn trái mắm. Cá dứa là một loài cá biển da trơn có hình dáng giống như cá tra nước ngọt, thường mỗi con có trọng lượng từ 2-3 kg, đôi khi có con nặng trên dưới 10kg, thịt thơm, ngon. Người dân dùng thuyền nhỏ len lỏi trong rừng mắm và dùng lao đâm cá. Cũng có thể câu cá dứa bằng mồi là trái mắm chín!

Sông Trẹm còn gọi là sông Tràm Trẹm, Trèm Trẹm, dài chừng 36 km bắt nguồn từ sông Cái Lớn, đổ vào sông Ông Đốc. Sông Trẹm chảy qua huyện An Minh (Kiên Giang) và huyện Thới Bình (Cà Mau). Sông Trẹm không rộng lắm, nó là ranh giới tự nhiên của vùng thượng và hạ U Minh. U Minh Hạ thuộc tỉnh Cà Mau, U Minh Thượng thuộc tỉnh Kiên Giang.

Hệ thống rừng dọc theo sông Trẹm có gần 300 loài thực vật và ?ộng vật phong phú. Qua khảo sát, các nhà chuyên môn cho biết tại khu vực rừng Sông Trẹm có tới 30 loài bò sát thuộc 14 họ cùng 21 loài thú rừng lớn, nhỏ khác thuộc 12 chi họ. Chim có 96 loài, nằm trong 32 họ. Riêng nguồn cá đồng thì nhiều vô số, ăn, bán tươi không hết phải làm khô, mắm…

Chiều ở rừng U Minh bên sông Trẹm, khách sẽ được chứng kiến muôn ngàn loài chim bay rợp trời về tổ và có thể nghe xa xa, tiếng hú của lũ khỉ vượn, tiếng rống của heo rừng, tiếng chim ríu rít gọi đàn…

Ở sông Trẹm, bông súng ma rất nhiều! Bông súng ma lá nhỏ như lá môn nước, cỡ bàn tay xòe của người lớn, xăm xắp, là đà, liêu phiêu ở dưới nước, hai bên triền sông. Đến mùa ra hoa, bông súng nở trắng, trải dài hằng mươi cây số, tỏa hương ngan ngát, đẹp như trong tranh. Sông Trẹm lúc ấy chỉ còn một lối hẹp cho xuồng ghe đi.

***

Đến Cà Mau, đi trên những con sông dài xa tít tắp, giữa đất trời còn nhuốm màu hoang sơ, bí ẩn, bất cứ phút giây nào cũng gợi bâng khuâng nhớ về quá khứ thuở tiền nhân khai mở đất phương Nam.

Hải Hồ

Tham khảo từ tư liệu:
  • Cà Mau xưa (Nguyễn Văn Lương- Huỳnh Minh – Nxb Thanh Niên 2003). 
  • Cà Mau đất & người ( Sở Du lịch&Thương mại tỉnh Cà Mau 2002). 
  • Đại Nam thực lục ( Quốc sử quán triều Nguyễn - NXB Giáo dục HN 2002). 
  • Lịch sử khai khẩn đất phương Nam (Sơn Nam- NXB Trẻ 1997).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét