1 thg 7, 2017

Người Mông vui hội Gầu Tào

Hội Gầu Tào của người Mông ở Mường Khương, Lào Cai thường được tổ chức vào khoảng 3-6 tết âm lịch hàng năm, là tập tục văn hóa lâu đời gắn với những sinh hoạt văn hóa chung mang đầy bản sắc của người người dân nơi đây. 

Mục đích của hội Gầu Tào là cầu mưa thuận gió hòa cho mùa màng bội thu. Hội cũng là nơi cho người già trong vùng đến gặp nhau để chúc thọ, cầu phúc cho con cháu và là dịp để các chàng trai, cô gái người Mông du xuân gặp mặt, cầu hạnh phúc cho cả năm.

Vào ngày hội, đồng bào dân rộc Mông trong vùng tụ họp dưới gốc cây nêu, được dựng tại một khoảnh đất bằng phẳng trên núi. Tất cả các hoạt động của lễ hội đều diễn ra xung quanh cây nêu - cây thiêng trong ngày hội. Theo quan niệm của người Mông, cây nêu như là cầu nối giữa những vị thần linh với họ. Trước hội, người ta lựa cây tre thẳng, đẹp làm cây nêu. Trên đỉnh cây nêu có buộc dải vải lanh có hai màu đen đỏ. Vải lanh là điểm lành, mang đến may mắn cả năm cho cả vùng.

Vào ngày hội Gầu Tào, rất đông đồng bào Mông ở quanh vùng tụ họp dưới gốc cây nêu mới dựng vui hội.


Người chủ lễ của hội Gầu Tào thực hiện các nghi lễ truyền thống vào ngày khai hội.

Bà con dân tộc Mông háo hức đến vui hội ngày xuân.

Người trung niên hát giao duyên trong ngày hội Gâu Tào.

Ngày hội cũng là dịp để người dân trong vùng tụ hội cùng cầu chúc cho nhau những điều may mắn.

Thanh niên dân tộc Mông với trò chơi dân gian truyền thống của dân tộc mình.

Ngày hội là nơi những chàng trai cô gái Mông gặp gỡ, giao lưu và thường sau ngày hội không hiếm những cặp đôi nên vợ nên chồng.

Một gia đình người Mông trong ngày hội Gầu Tào.

Trẻ em Mông vui trong ngày khai hội.

Những cô gái Mông chọn cho mình những bộ đồ đẹp nhất để đến hội Gầu Tào.

Những quán bán hàng đồ ăn, ẩm thực luôn đông khách.

Những phụ nữ Mông và trẻ em nghỉ ngơi dưới tán sa mộc trong lễ hội Gầu Tào. 

Phần lễ của hội Gầu Tào khá giản đơn nhưng diễn ra trang nghiêm. Trước tiên, ông chủ tế là người cao tuổi am hiểu các tập tục sẽ đốt hương cắm vào cây nêu rồi đi 6 vòng quanh gốc. Sau đó, sẽ có khoảng gần chục người khác cầm ô đi vòng quanh cây nêu và hát bài ca cầu phúc của người Mông. Lời bài hát ngợi ca cây nêu đã làm nơi cho dân làng đến hội, chúng ta sẽ hát ba ngày cầu ngô sai hạt, bản thêm con trai. Tiếp đến các trai bản thổi khèn giỏi sẽ vừa nhảy múa quanh cây nêu vừa thổi khèn. Khi tiếng khèn dứt mọi người sẽ chúc nhau yên vui, mạnh khỏe, cầu chúc cho mùa màng bội thu.

Sau phần lễ là đến phần hội, những trò chơi múa khèn, hát đối, đu quay.. được mọi người nhiệt tình hưởng ứng đặc biệt là những thanh niên trẻ. Khi các trò chơi đã vãn cuộc, từng nhóm sẽ tách ra cùng nhau trò chuyện hay đơn giản là dạo chơi trên đồi. Người trung tuổi hay tập trung hát đối dưới gốc cây nêu, hát những câu hát nỉ non về thời gian cũ. Đặc biệt nhất trong mỗi hội Gầu Tào ở Mường Khương là dịp thưởng thức các món ẩm thực của người dân nơi đây. Đó là hàng loạt các món ăn đặc trưng của người Mông như thắng cố, phở chua... bày bán ở các quán nhỏ dựng tạm quanh khu vực tổ chức lễ hội, nơi du khách đều tranh thủ một lần trải nghiệm khi có dịp tham gia lễ hội Gầu Tào.

Thực hiện: Việt Cường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét