12 thg 7, 2017

Kiến trúc nhà mồ Bá hộ Xường

Ông Lý Tường Quan là một trong bốn hào phú giàu có nức tiếng đã đi vào thành ngữ vùng Nam kỳ “Nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định”. Vì thế mà khu nhà mồ của vợ chồng ông Lý Tường Quan (hay còn gọi là Bá hộ Xường) ở phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, Tp. Hồ Chí Minh cũng thể hiện sự bề thế, mang giá trị kiến trúc - văn hóa Á Đông độc đáo. 

Bá hộ Xường tên thật là Lý Tường Quan (1842 - 1896), một người giàu nức tiếng ở Nam Bộ từ cuối thế kỷ thứ 19. Ngược dòng lịch sử, vào nửa cuối thế kỷ 19, ông Lý Tường Quan làm thầu xây dựng các công trình nhà phố, cầu cống, chợ và kinh doanh thịt cá xuất khẩu. Ông nhanh chóng trở thành một hào phú với số tài sản kếch xù.

Theo ông Lý Thanh Liêm, cháu trưởng 5 đời của ông Lý Tường Quan, sinh thời, người giàu thứ ba Nam kỳ lúc bấy giờ đã chọn trước khu đất ở quê ngoại để làm nhà mồ. Công trình được con cháu cùng nhau xây dựng khi ông mất đi vào năm 1896.

Phần trước và mái của khu nhà mồ được trang trí công phu.


Hai bức tượng đá đứng hai bên hương án và lư hương được chạm khắc công phu.

Trần nhà mộ hình vòm, bốn góc trang trí hoa văn dây hoa cúc đối xứng.

Ông Lý Thanh Liêm giới thiệu những bức phù điêu bằng đá trên mộ phần của ông Lý Tường Quan.

Chi tiết trang trí trên mái nhà mồ mang đậm giá trị văn hóa truyền thống.

Các loại trái cây đặc trưng vùng đất Nam Bộ được chạm khắc trên đầu mỗi cột trụ của khu nhà mồ.

Một họa tiết chạm khắc tinh xảo trên đá trong nhà mồ.

Cửa vòm theo lối kiến trúc gothique tạo không gian thoáng đãng cho nhà mồ. 

Tham quan nhà mồ từ bên ngoài, dễ nhận thấy 4 cột cổng được tạo dáng đẹp mắt với những họa tiết đắp nổi có bố cục cân đối, hình khối đơn giản nhẹ nhàng. Phía trên, mái nhà mồ được lợp ngói màu xanh rêu, ở đầu mỗi viên ngói đều có khắc họa tiết hoa cúc với đường nét mềm mại. Điểm nhấn của phần mái là hình bán nguyệt lớn với các chi tiết về thờ cúng như: bát nhang, lọ hoa, dĩa trái cây có màu sắc nổi bật.

Bước vào bên trong nhà mồ, ngay trước mộ phần là hai bức tượng một nam một nữ làm bằng đá chạm khắc công phu, đứng hai bên hương án và lư hương. Trên đầu 4 cột trụ của mộ phần là hình dĩa quả với các loại trái cây đặc trưng vùng đất Nam Bộ như: xoài, mãng cầu, dứa… Xung quanh mộ là các tấm đá chạm khắc những con vật gần gũi với người Việt như: dê, khỉ, thỏ, ngựa, hươu. Đặc biệt, phía sau mộ ngoài hương án còn có tấm văn bia bằng đá, khắc chìm hơn 300 chữ Hán với nội dung tóm tắt tiểu sử, sự nghiệp và những tiếc nối của gia đình đối với ông Lý Tường Quan.

Cũng trong khuôn viên nhà mồ, cách mộ của ông Lý Tường Quan khoảng 2m là mộ của vợ ông, bà Nguyễn Thị Lâu (1847 -1917). Mộ của bà gồm có: tường bao, sân, bia trước mộ, mộ phần và bia sau mộ. Tuy không bề thế như mộ ông Lý nhưng mộ bà Nguyễn Thị Lâu vẫn có nét đẹp riêng với những giá trị về nghệ thuật chạm khắc đá của vùng đất Sài Gòn - Gia Định đầu thế kỷ 20.

Khu mộ phần của bà Nguyễn Thị Lâu.

Bức phù điêu bằng đá hình lân trên mộ phần bà Nguyễn Thị Lâu.

Điêu khắc đá hình người cầm cờ phướn trong đám tang trên thân cột trụ mộ phần bà Nguyễn Thị Lâu.

Văn bia có nội dung giới thiệu về tiểu sử cuộc đời bà Nguyễn Thị Lâu. 

Bài và ảnh: Nguyễn Vũ Thành Đạt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét