1 thg 8, 2017

Nhớ Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà

Nghe tin Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM phục dựng vở Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà (kịch bản: Đinh Bằng Phi - Đức Hiền, đạo diễn: Nguyễn Hoàn), trong đầu tôi lại văng vẳng giọng ca của Minh Cảnh và Lệ Thủy trong hai bài vọng cổ cùng tên.

Vở tuồng kinh điển Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà trên sân khấu


Viết truyện để dân ta biết sử ta

Khoảng giữa thập niên 1960, khi là một chú nhỏ học lớp nhất, tôi ôm mộng lớn lên làm nghệ sĩ hát cải lương. Mỗi khi gần hết giờ học, cô giáo người Bắc mê nghe hát cải lương vọng cổ thường tổ chức văn nghệ cuối giờ. Ấy thế là thằng nhỏ tui được leo lên sân khấu là cái bục giáo viên để hát bài ruột Võ Đông Sơ. Lúc ấy tôi thần tượng giọng ca Minh Cảnh thần sầu - nhất là khi nghe bài Võ Đông Sơ của soạn giả Viễn Châu: “Tuấn mã ơi hãy phi nhanh về báo cho quân ta được rõ, rằng Võ Đông Sơ đã vùi thây nơi gió bụi quan... hà”. Trên 50 năm rồi mà tôi còn nhớ câu vọng cổ này!
Bài hát chỉ nói về nội dung Võ Đông Sơ sa cơ vào tay giặc chứ không thể kể hết nội dung thiên tình sử trắc trở của đôi trai tài gái sắc Võ Đông Sơ và Bạch Thu Hà trong tiểu thuyết Giọt máu chung tình của Tân Dân Tử, một tiểu thuyết chương hồi in lần đầu năm 1926. Tiểu thuyết này hấp dẫn độc giả vô cùng nên được tác giả Nguyễn Tri Khương viết thành vở kịch Giọt máu chung tình (còn gọi là Giọt lệ chung tình năm 1927); soạn giả Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền viết thành vở cải lương Giọt máu chung tình (1928). Rồi đến thời lứa tuổi của tôi thì có Võ Đông Sơ (Minh Cảnh ca) và Bạch Thu Hà (Lệ Thủy ca) do soạn giả Viễn Châu sáng tác (1960)...
Đọc lại quyển Văn học Quốc ngữ ở Nam kỳ 1865 - 1930 của nhà nghiên cứu Bằng Giang, biết rằng tiểu thuyết Giọt máu chung tình với nhân vật nam chính Võ Đông Sơ - mà tác giả Tân Dân Tử gán cho là con trai của Chưởng hậu quân Võ Tánh - ra đời là cách để phản ứng với làn sóng truyện Tàu đang tràn ngập thị trường. Theo Bằng Giang thì truyện Tàu được tiêu thụ mạnh vì mảnh đất sáng tác văn học của ta ở Nam kỳ vẫn là mảnh đất trống. Từ năm 1904 - 1910 có 46 bộ truyện Tàu được xuất bản mà tiểu thuyết của ta chẳng có quyển nào. Mãi đến năm 1912 truyện Hà Hương Phong Nguyệt của Lê Hoằng Mưu mới xuất hiện trên báo Nông Cổ Mín Đàm.

Truyện Tàu phát triển mạnh vì phương tiện giải trí của người dân cũng hiếm hoi. Rạp hát đầu tiên xây dựng tại Sài Gòn năm 1900 nhưng chỉ dành cho người Pháp, rồi kế đến là rạp hát bóng xây dựng bằng vật liệu nhẹ năm 1908 cũng chẳng phải dành cho giới bình dân. Chưa kể đến truyện Tàu viết vô cùng hấp dẫn, đầy đủ trung hiếu tiết nghĩa như Nhạc Phi - Tần Cối, pháp thuật ly kỳ như Tôn Tẫn - Bàng Quyên, chiến đấu ác liệt, mưu trí khôn cùng như Tam quốc chí… người đọc mà không mê mới lạ.
Một số nhà văn Nam kỳ như Trương Duy Toản, Phạm Minh Kiên, Hồ Biểu Chánh, Tân Dân Tử mới tức mình phản ứng bằng cách sáng tác truyện Việt dựa theo quốc sử. Phạm Minh Kiên, tác giả truyện dã sử Tiền Lê vận mạt, 1932 từng viết: “Người mình nên biết sự tích nước nhà cho lắm lắm. Hỏi thử Trương Lương, Hàn Tín, Hạng Võ, Tiêu Hà thì làu thông; còn hỏi lại ai là anh hùng hào kiệt nước ta thì ngẩn ngơ chẳng biết”. Với sự “căm phẫn” đó, Tân Dân Tử đã cho Võ Đông Sơ là tướng nhà Nguyễn chiến đấu ác liệt với quân… Mãn Thanh xâm lược rồi tử trận. Bạch Thu Hà tuẫn tiết theo Võ Đông Sơ gây nên sự căm thù quân xâm lăng và thương cảm cho nhân vật từ phía độc giả.
Trong truyện, tác giả có cho trước miếu thờ Võ Đông Sơ và Bạch Thu Hà đôi câu liễn khắc lên thạch trụ: “Phận đứng anh hùng, một thác ơn đền non nước Việt/Tấm gương liệt nữ, ngàn thu danh rạng đất trời Nam”. Với nhân vật chính là Võ Đông Sơ mà tác giả cho là con của Võ Tánh và bối cảnh thời Gia Long, nhiều người đọc tin rằng tích đôi anh hùng - thuyền quyên này là chuyện có thật vì Tân Dân Tử từng có hai tiểu thuyết là Gia Long tẩu quốc và Gia Long phục quốc nên lại càng tin là chuyện thiệt! 

Bìa tiểu thuyết Giọt máu chung tình qua các thời kỳ Ảnh: T.L 

Thiên tình sử của đôi trai tài gái sắc 

Vở kịch Giọt máu chung tình lần đầu tiên được biểu diễn vào năm 1927 do cụ Nguyễn Tri Khương viết dựa theo tiểu thuyết cùng tên của Tân Dân Tử. Nội dung cốt truyện như sau: Võ Đông Sơ là con của Hoài Quốc công Võ Tánh và công chúa Ngọc Du. Bạch Thu Hà là con quan Tổng trấn Tây Thành Bạch Công. Sau khi Võ Tánh tuẫn tiết, Võ Đông Sơ sống với người chú ruột tại Bình Định luyện võ, ôn văn chờ dịp cứu nước. Lúc bấy giờ có giặc Tàu Ô (chỉ những toán cướp biển từ Trung Quốc) đang hoành hành ở Biển Đông, triều đình mở khoa thi để chọn tướng tài dẹp giặc. Võ Đông Sơ ra kinh ứng thí.
Trong một lần Võ Đông Sơ ra tay đánh bọn cướp cứu tiểu thư Bạch Thu Hà trên đường đi lễ chùa, đôi trai tài gái sắc đã phải lòng nhau. Sau đó, Võ Đông Sơ thi đỗ võ quan được phong làm đô úy lãnh quân đi dẹp giặc. Ở nhà, Bạch Thu Hà bị gia đình bắt phải lấy một tên vô lại - bạn của anh trai Bạch Xuân Phương tên là Trần Xuân. Bạch Thu Hà bỏ trốn khỏi nhà, phiêu bạt tìm người yêu Võ Đông Sơ. Trong cơn hoạn nạn, Bạch Thu Hà được Triệu Dõng và em gái Triệu Dõng là Triệu Nương cứu giúp thoát khỏi tay chủ sơn trại Nhứt Lang ép làm vợ. Sau cùng, Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà lại được trùng phùng. Nhưng không lâu sau, biên ải có giặc, vua ban chiếu cử Võ Đông Sơ cầm binh lên Lạng Sơn đánh đuổi giặc ngoại xâm. Võ Đông Sơ tử trận. Trong phút giây hấp hối chàng không ngừng gọi tên Bạch Thu Hà và nhắn gửi ba quân báo hung tin cho nàng hay. Bạch Thu Hà đã khóc thảm thiết bên linh cữu Võ Đông Sơ rồi dùng gươm báu quyên sinh để giữ trọn sự chung thủy.
Năm 1928, trên sân khấu Huỳnh Kỳ của vợ chồng Bạch Công tử cũng dựng vở Giọt máu chung tình do Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền ở Cần Thơ soạn và nữ nghệ sĩ đóng vai Bạch Thu Hà là Phùng Há. Vở này được nhiều đoàn cải lương dựng lại với các tài danh như Hùng Cường, Bạch Tuyết, Phượng Loan... nhưng người mộ điệu cải lương vẫn nhớ nhất hai bài vọng cổ của soạn giả Viễn Châu là Võ Đông Sơ và Bạch Thu Hà do Minh Cảnh và Lệ Thủy ca.
Về sau, các nhà nghiên cứu văn học Nam kỳ thời kỳ này như ông Bằng Giang cho biết Võ Tánh và công chúa Ngọc Du chỉ có người con trai là Võ Khánh. Còn Võ Đông Sơ chính là con của... Tân Dân Tử sinh ra để chống lại cơn dịch truyện Tàu và khơi gợi lòng ái quốc của đồng bào đang sống dưới ách thống trị của thực dân Pháp.

Tân Dân Tử tên thật là Nguyễn Hữu Ngỡi (1875 - 1955), quê quán ở H.Thủ Đức, tỉnh Gia Định, nay thuộc Q.Thủ Đức, TP.HCM. Ông xuất thân trong gia đình có truyền thống nho học. Sau khi tốt nghiệp Trường Thông ngôn Sài Gòn, Tân Dân Tử được bổ làm kinh lịch ở Chợ Lớn, về sau được thăng chức huyện hàm. Tân Dân Tử được xem là nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử đầu tiên và tiêu biểu nhất của văn học quốc ngữ Nam bộ nửa đầu thế kỷ 20.

Lê Văn Nghĩa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét