4 thg 3, 2016

Lễ hội làm chay, di sản văn hóa cấp quốc gia

Dù ai buôn bán bộn bề. Làm chay mười sáu nhớ về Tầm Vu. Từ cả trăm năm nay, lễ hội Làm Chay ở thị trấn Tầm Vu là lễ hội tâm linh vì cộng đồng, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cúng cô hồn thập loại chúng sinh. 

Vui cùng lễ hội 

Trước đây chợ Tầm Vu thường hay bị cháy, liên tiếp xảy ra dịch bệnh nên người dân lập ra lệ cúng cầu siêu, cầu an cho bá tánh vào dịp rằm Nguyên tiêu. Lễ hội diễn ra từ ngày 14-16 tháng giêng, bắt nguồn từ sự kiện Pháp xử bắn hai nhà yêu nước Đỗ Tường Tự và Đỗ Tường Phong (ông nội vợ của giáo sư Trần Văn Giàu). Quân đội Pháp nghiêm cấm việc làm ma chay và khóc thương.Do dịch bệnh hoành hành mùa màng, nhân dân Tầm Vu mượn cơ hội làm trai đàn để xua đuổi côn trùng phá hoại mùa màng, vừa làm lễ trai đàn cho những người đã ngã xuống.

Trong ngày 15 âm lịch, 9 xã trong huyện Châu Thành đã bày biện các bàn thờ cúng để hưởng ứng lễ Làm Chay ở thị trấn Tầm Vu. Các xe hoa đăng cũng diễu hành thử qua các đường phố trong thị trấn. 10 giờ sáng, Tiêu Diện Đại Sĩ được thỉnh từ chùa Linh Phước về chùa Linh Võ (chùa Ông), cạnh đình Tân Xuân để nhân dân đến chiêm bái. Buổi tối, trước sân đình Tân Xuân, ngay tại Đài liệt sĩ, diễn ra lễ tế liệt sĩ (chiến sĩ trận vong) do thánh thất Phương Quế Ngọc Đài phụ trách. Nghi lễ có dâng hương, đăng trà, quả 3 lần, có một đồng nữ xướng ca ngôn (ca kệ giống như hát bội).Người dân địa phương và khách tham gia lễ hội đến thắp hương ở các chùa, đình, miếu trong thị trấn, đến chụp hình ở các ghe đăng đậu trên sông Tầm Vu.Cả thị trấn đã có màu sắc của lễ hội. 

Tầm Vu (huyện Châu Thành, Long An) là quê hương của GS. Trần Văn Giàu, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, địa bàn hoạt động của các chí sĩ yêu nước như Trương Định, Thủ Khoa Huân, Phan Văn Đạt…Hai anh em ông nội vợ GS Trần Văn Giàu là Đỗ Tường Phong (ông nội vợ của giáo sư Trần Văn Giàu) và Đỗ Tường Tự từng cầm đầu cuộc khởi nghĩa ở đây. Khởi nghĩa thất bại, Đỗ Tường Phong bị chém ở Tân An và Đỗ Tường Tự bị xử bắn tại chợ Tầm Vu, nhiều nghĩa sĩ đã hy sinh, nhiều người dân bị giết oan ở mảnh đất này. Huyện Châu Thành còn được biết tới là xứ sở của trái thanh long miền Tây, đặc biệt là ở các xã An Lục Long, Dương Xuân Hội, Thanh Phú Long là cây nông nghiệp chủ lực ở địa phương. 

Sáng ngày 16 âm lịch diễn ra lễ cúng cô hồn ở miếu Âm Nhơn, nằm trong khuôn viên chùa Ông, trống lân rộn rã.Các trò chơi dân gian như kéo co, đập niêu, nhảy bao bố, bắt vịt trên sông cũng lần lượt diễn ra bên cạnh đình Tân Xuân.Các cỗ bánh dự thi được thỉnh về khu vực trai đàn. Những cỗ bánh được trưng bàyđẹp sẽ nhận được giải thưởng của ban tổ chức. Tiêu Diện Đại Sĩ lại được thỉnh từ chùa Ông gần đó về tập kết nơi đây.

12 giờ trưa là thời điểm tổ chức chiêu u (rước vong) trên bộ. Đoàn rước lần lượt đến đài liệt sĩ của xã Long Trì, các miếu cô hồn ven đường, các “động quỷ” (theo tích truyện Tây Du ký) do người dân địa phương trong huyện lập nên. Ở mỗi nơi ban tế lễ cùng các nhà sư làm nghi thức tưởng niệm kèm theo lễ viếng mộ, rước các vong hồn trôi dạt, múa lân. Đoàn xe đi đến đâu gây không khí tưng bừng đến đó, nam nữ, khách thập phương đi theo cả một đoàn dài, nhà nhà tổ chức ăn mừng đón chào lễ hội này. Dọc hai bên đường, các gia đình bày bàn thờ cúng trong dịp này.

Nghi thức chiêu u đường sông cũng được thực hiện sau đó. Một chiếc ghe có thầy tụng được chèo dọc các nhánh sông rạch, nơi có các miếu cô hồn, những nơi diễn ra những trận đánh để rước các “vong hồn lạc thủy” về ghe đăng đậu ở bến sông.

Không khí huyên náo diễn ra khắp các đường phố của thị trấn Tầm Vu trong đêm nay với khách thập phương từ các nơi kéo về, còn vui hơn cả ngày Tết.

Giây phút náo nhiệt nhất của lễ hội Làm Chay là sau phần cầu siêu của các nhà sư kết thúc lúc 24 giờ, nghi thức xô giàn thí thực diễn ra. Hình nộm ông Tiêu (Tiêu Diện Đại Sĩ), vị Bồ Tát chuyên hàng yêu phục quỷ được đốt cháy trong chốc lát, những người tham gia lễ hội tràn qua hàng rào để tranh nhau các cỗ bánh, trái cây nhằm tìm chút lộc đầu năm, nhưng tuyệt tối không có chuyện dẫm đạp lên nhau. Bánh cúng trên giàn thí thực được quăng ra.

Năm 2015, lễ hội Làm Chay được công nhận danh hiệu Di sản phi vật thể cấp Quốc gia và đình Tân Xuân cũng được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Từ một tín niệm Phật giáo, kết hợp với tín ngưỡng dân gian và kể cả tôn giáo khác, người dân Tầm Vu đã sáng tạo nên một lễ hội đậm chất nhân văn, tưởng nhớ các vong linh, những anh hùng chiến sĩ đã ngã xuống ở mảnh đất giàu truyền thống này, một lễ hội mang vẻ đẹp thuần phác của miền Nam. Năm nay, thanh long được mùa càng tạo điều kiện cho người dân gìn giữ những giá trị truyền thống lễ hội của mình. 

Xe hoa đăng trong lễ hội 

Ghe đăng 

Ghe đăng 

Nguyễn Thanh Lợi 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét