9 thg 3, 2016

Khu vườn ‘lạ’: Bí khổng lồ và cà chua đen ở Đà Lạt


…Biết đâu, một cô bé lọ lem có thật sẽ xuất hiện tại Đà Lạt, ngay tại khu vườn bí khổng lồ, cà chua đen này…

Cuối tuần vừa rồi, trong một chuyến “phượt” lên Đà Lạt đổi gió, tôi được một vài người bạn cũ dẫn đến một “khu vườn lạ” nằm tại 50 đường Hồ Xuân Hương (đường đi hồ Than Thở). Đây là khu vườn với các giống cây “lạ” đang được thử nghiệm của gia đình ông Lê Hữu Phan (vé tham quan 10.000đ/người)

Trẻ con thích thú "đọ" dáng cùng quả bí khổng lồ

Khi chúng tôi đến nơi, có khá nhiều khách du lịch nghe tiếng cũng tìm đến đây để có thể “mục sở thị” những quả bí ngô “khổng lồ” và vườn cà chua đen mà những ngày qua đã được khá nhiều trang báo nhắc đến. Sở dĩ gọi là bí khổng lồ vì trọng lượng của chúng có thể lên tới 70, 80kg/quả. Ông Phan giải thích rằng “Giống bí ngô tôi mua ở bên Mỹ trồng cho quả nặng 1 tấn rưỡi, song, vụ đầu tiên tôi trồng thử quả to nhất mới nặng được hơn 1 tạ. Còn lại chỉ đạt từ 40-80kg/quả”. 

Vườn bí hiện chỉ còn khoảng 10 quả lớn (trên 40kg)

Thấy chúng tôi đến, ông Phan vui vẻ mời chào, tận tình hướng dẫn cho chúng tôi về khu vườn nhà mình. Ông kể, để trồng được giống bí này đòi hỏi quy trình chăm sóc rất cầu kỳ. Ví dụ, trước khi trồng, cần phải chuẩn bị phân hữu cơ, phân chuồng ủ xuống đất rồi mới ươm cây. Hố trồng phải đào rộng khoảng 4-5m2 vì loại bí này lớn rất nhanh, cần có đủ chất dinh dưỡng nuôi cây. Trong quá trình trồng phải tưới nước, bón phân theo đúng nhu cầu mà cây cần, tưới nhiều nước quá quả sẽ bị hỏng. Ông còn cẩn thận dùng những miếng xốp mỏng lót dưới quả bí để ngăn ngừa sâu bệnh.

Ngoài bí đỏ, vườn còn có trồng loại bí màu trắng

Tôi nghe những người dân sống xung quanh đó kể rằng họ từng được ông Phan mời dùng thử bí mà ông trồng, hầu hết đều đánh giá giống bí này ăn rất ngon, thơm, ngọt, còn ngọn bí thì lại to, chỉ cần bấm vài đọt là có một đĩa rau bí xào ăn.

Nhìn quả bí ngô khổng lồ, tôi mường tượng lại câu chuyện về ‘cô bé lọ lem’. Biết đâu, một cô bé lọ lem có thật sẽ xuất hiện tại Đà Lạt, ngay tại khu vườn bí khổng lồ, cà chua đen này.

Bước sâu vào trong, chúng tôi phát hiện ra khu vườn này còn trồng nhiều loại cây “độc, lạ” khác mà tôi chư từng thấy như củ cải đỏ, cà chua mini, dưa leo mini, Hương Thảo (dùng làm cây gia vị, rất thơm)… trong số đó, không thể không nhắc đến là giống cà chua đen.

Dây bí ngòi 

Củ cải đỏ và cà chua đen có bán ngay tại vườn 

Dàn cà chua đỏ

Cà chua đen là loại cà chua có vỏ màu đen, ruột đỏ, được trồng trên luống cao, và cố định lại bằng sào để cây không bị gãy, đổ. Nhiều du khách vào chụp hình cũng vô cùng cẩn thận, tránh đụng, làm gãy cành vì cà chua đang đến độ thu hoạch, trái lại sai trĩu cành. Nghe đâu giống cà chua này khó trồng lắm, nhiều gia đình cũng từng thử nghiệm nhưng tính đến bây giờ, thành công nhất chỉ có vườn của ông Phan và vườn chị Thủy (Đức Trọng, Lâm Đồng).

Trái cà chua chín mọng, lạ mắt

Dạo quanh khu vườn, ngắm những mầm lá đang khẽ cựa mình, tôi tự nhủ không biết lần ghé Đà Lạt tiếp theo, chúng sẽ cao lớn đến chừng nào nữa.

Lúc về cũng còn khá sớm, bạn tôi bèn rủ mọi người ghé Chùa Tàu ăn Yaout phô mai (khá nổi tiếng). Đến nơi, bắt gặp một nhóm du lịch khác đang hỏi đường đi vào vườn hồng dẻo treo vừa mới nổi ở Đà Lạt, thấy cũng khá gần đó nên chúng tôi xin đi cùng.

Yaout mịn, béo, ăn lại không ngán như những loại khác

Đường đi khá dốc, lại ngoằn ngoèo, đi qua nhiều con hẻm nhỏ chúng tôi mới tới cơ sở hồng treo Lễ Vân. Tiếp chúng tôi là một em gái độ 15, 16 tuổi rất dễ thương. Em gái hơi ngại khi báo rằng khu phơi hồng treo nhà em hiện tại không cho khách vào tham quan nữa, vì thời gian qua lượng khách vào tiếp xúc với hồng nhiều quá, khiến hồng bị “ô nhiễm”, hư hỏng khá nhiều, chúng tôi chỉ có thể đứng từ ngoài nhìn vào trong thôi.

Giàn hồng treo tại cơ sở Lễ Vân (Khe Sanh)

Giống hồng dẻo treo này được làm bằng công nghệ Nhật Bản, không hề sử dụng bất cứ loại thuốc nào. Em gái kể, đầu tiên phải gọt vỏ hồng (giữ nguyên cuống), ngâm hồng với nước chanh và muối loãng (cho bớt chát), rồi lấy cuống cột với dây ni long hoặc giàn có móc, tránh nắng, mưa, bụi bặm và thoáng gió để hồng tự khô. Phơi khoảng 1 tháng là có thể ăn được.

Hồng ăn khá ngon, dai vừa chứ không cứng, lại thơm nồng

Em còn nhiệt tình cho chúng tôi dùng thử lứa hồng vừa mới phơi xong, hồng có độ ngọt mát, hương thơm tự nhiên, đặc biệt là khá mềm và dẻo. Tôi ngỏ ý muốn mua một ít về làm quà thì lại lần nữa, em ngại ngùng nói rằng hiện tại vườn hồng nhà em đang chuẩn bị cung cấp một lượng hàng lớn đi các tỉnh thành khác để kịp dịp tết này nên nếu tôi muốn lấy, em sẽ cho tôi số điện thoại, khi nào có đợt hồng mới em sẽ gọi báo để tôi đặt hàng.

Hồng được đưa vào máy sấy và máy ép hút chân không ngay tại chỗ.

Sau một buổi chiều lang thang ở Đà Lạt dưới cái nắng lạnh nhẹ nhàng, thỉnh thoảng lại có vài hạt mưa bay lất phất, khiến tôi cảm thấy yêu cái không khí yên bình của mảnh đất thân thương này hơn.

(Bài gốc không ghi tên tác giả)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét